Báo cáo tình hình sử dụng lao động trong doanh nghiệp mùa dịch
Vào thời điểm cuối Quý I đầu Quý II năm 2020, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã bị biến động dữ dội do những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi nhiều nước trên thế giới vẫn đang trong tình trạng đối phó với bệnh dịch khẩn cấp, thì vào cuối tháng 4/2020 Việt Nam đã khống chế cơ bản được dịch bệnh, nền kinh tế và thị trường lao động đã từng bước được phục hồi. Bài viết dưới đây ngoài việc sơ lược một số điểm nổi bật về tình hình thị trường lao động trong mùa dịch, trọng tâm sẽ giúp các bạn hiểu rõ các quy định về việc báo cáo tình hình sử dụng, biến động lao động hàng tháng của doanh nghiệp.
1. Toàn cảnh tình hình thị trường lao động trong mùa dịch
1.1. Trong thời điểm dịch COVID-19
Theo số liệu báo cáo của tình hình lao động việc làm Quý I/2020 của Tổng cục Thống kê, lực lượng tham gia lao động có tỷ lệ đạt mức thấp kỷ lục trong suốt thập niên qua. Tính tới thời điểm giữa tháng 4, có tới gần 5 triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch. Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đó là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số lượng 1.2 triệu lao động. Tiếp sau đó là ngành bán buôn, bán lẻ với con số theo sát là 1.1 triệu người. Giữ vị trí Top 3 ngành nghề ảnh hưởng đó chính là ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống với 740.000 lao động bị ảnh hưởng.
Doanh nghiệp cũng đã linh hoạt lựa chọn các hình thức thay đổi việc làm khác nhau cho từng nhóm đối tượng lao động. Cụ thể trong số 5 triệu lao động, tỷ lệ tạm nghỉ việc không lương chiếm tới 59%, tỷ lệ lao động giãn việc hoặc nghỉ luân phiên chiếm 28% và 13% số lượng lao động bị mất việc.
Theo khảo sát, trong suốt thời điểm dịch COVID-19, có tới gần 85% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới quá trình hoạt động SXKD. Tuy nhiên những doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Tính riêng tại Hà Nội, có gần 80% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, khoảng 20% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.
1.2. Sau thời điểm dịch COVID-19
Vào cuối tháng 4/2020, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát cơ bản. Nhiều ngày liên tiếp không có phát sinh các ca bệnh mới trong cộng đồng; những ca bệnh cũ đang được điều trị thì tỷ lệ phục hồi cũng tăng nhanh. Theo đó nền kinh tế cũng như thị trường lao động cũng dần được phục hồi và ổn định trở lại.
Sau thời gian cắt giảm, các doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng trở lại nhằm phục vụ cho hoạt động tái sản xuất, kinh doanh. Việc này giúp tháo gỡ nút thắt trong chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp, tạo tiền đề để nền kinh tế được vực dậy theo chiều hướng khả quan hơn.
Đến thời điểm giữa tháng 5/2020, có khoảng 1200 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng qua các hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội với trên 12.000 chỉ tiêu tuyển dụng.
Theo dự báo của các chuyên gia, do ảnh hưởng của dịch, các doanh nghiệp sẽ tìm hướng chuyển đổi trong mô hình, phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó sẽ thúc đẩy sự chuyển biến mạnh mẽ của thị trường lao động.
Bên cạnh những cơ hội mới thì cũng đặt ra những thách thức lớn đối với doanh nghiệp và cả với người lao động. Cùng với đó, trong khi thị trường trong nước đã bình ổn, nhưng thị trường nước ngoài vẫn đang trong tình trạng khó khăn do tình hình dịch bệnh chung trên thế giới, đây chính là một thách thức lớn dành cho các doanh nghiệp.
2. Các quy định về việc báo cáo tình hình sử dụng lao động
2.1. Khi bắt đầu thành lập, Doanh nghiệp phải khai trình sử dụng lao động
Căn cứ theo quy định, khi thành lập công ty, Đại điện doanh nghiệp phải khai báo việc sử dụng lao động với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của Doanh nghiệp. Thời hạn khai báo là trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động.
Hồ sơ khai báo bao gồm:
- Công văn đề nghị khai trình sử dụng lao động.
- Bản sao công chứng giấy đăng ký Kinh doanh
- 02 bản tờ khai trình việc sử dụng lao động theo mẫu 05 Ban hành kèm theo thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH.
- Hợp động đã ký kết với người lao động.
2.2. Doanh nghiệp phải báo cáo tình hình biến đổi về việc sử dụng lao động theo kỳ.
Căn cứ tại Khoản 2 điều 6 của Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH quy định: Theo định kỳ 06 tháng, người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.
Như vậy mỗi năm sẽ có 2 thời điểm Doanh nghiệp cần phải thực hiện khai báo:
- Trước ngày 25/05 Doanh nghiệp thực hiện Báo cáo tình hình sử dụng lao động 6 tháng đầu năm.
- Trước ngày 25/11 Doanh nghiệp thực hiện Báo cáo tình hình sử dụng lao động 6 tháng cuối năm.
Mẫu báo cáo thực hiện theo mẫu số 07 ban hành kèm theo thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH
>> Tải mẫu đầy đủ tại đây.
Hướng dẫn chi tiết về cách làm báo cáo tình hình sử dụng lao động
Nội dung Phần I: trong phần này người sử dụng lao động Kê khai số lao động theo từng tiêu chí trong bảng (số liệu chính xác, trung thực theo đúng thực tế tuyển dụng, tiếp nhận lao động).
Nội dung Phần II, III: trong phần này người sử dụng lao động Kê khai chính xác số lao động tăng, giảm trong kỳ.
Nội dung Phần IV:
Tổng số lao động cuối kỳ = Tổng số lao động đầu kỳ + Số lao động tăng - Số lao động giảm
Các tiêu chí còn lại tính theo công thức trên.
Muốn kiểm tra tính chính xác trong quá trình nhập số liệu, có thể xác thực bằng cách:
Tổng số lao động = Tổng số liệu của các tiêu chí trong mục “Trình độ chuyên môn kỹ thuật”
Hoặc Tổng số lao động = Tổng số liệu của các tiêu chí trong mục “Loại hợp đồng lao động”.
Ngoài ra căn cứ theo Theo quy định tại khoản 2,3 Điều 16 của Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH nêu rõ:
“2.Trước ngày 03 hằng tháng, người sử dụng lao động phải thông báo theo Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư này với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị nếu có (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).
3. Trường hợp, người sử dụng lao động giảm từ 50 lao động trở lên thì phải thông báo ngay với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời".
Điều đó có nghĩa là, nếu trong tháng doanh nghiệp có phát sinh biến động (tăng / giảm) về số lượng người lao động làm việc; thì trước ngày 03 của tháng liền kề, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi
Thông báo về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị theo Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH về Trung tâm dịch vụ việc làm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
2.3. Nếu không nộp báo cáo sử dụng lao động doanh nghiệp sẽ bị xử phạt thế nào?
Cụ thể về khung hình phạt dành cho người lao động trong việc không nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động thay đổi định kỳ được quy định chi tiết tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP ban hành ngày 22 tháng 08 năm 2013.
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ mức 500.000 đồng đến 1 triệu đồng khi người sử dụng lao động có một trong số các hành vi sau đây:
- Không lập sổ quản lý lao động, sổ lương hoặc không xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
- Không khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động và định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương;
- Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ tuyển dụng lao động theo quy định.
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến báo cáo tình hình sử dụng lao động trong doanh nghiệp. Đây cũng là một công việc khá quan trọng đã được Chính phủ quy định. Vì thế bản thân người sử dụng lao động cũng cần phải quan tâm và chấp hành nghiêm chỉnh.
Xem thêm: Phần mềm ERP của BRAVO