140 câu hỏi thường gặp về BHXH theo quy định hiện hành

Son.Tran

Member
Hội viên mới
140 câu hỏi thường gặp về BHXH theo quy định hiện hành tại buổi đối thoại Giữa doanh nghiệp với lãnh đạo Sở Lao Động – Thương Binh Và Xã Hội Cùng cơ quan Bảo Hiểm Xã Hội Thành Phố Ngày 30/10/2015

140.jpg

1. CÔNG TY TNHH VIỆT VŨ


Địa chỉ: 62 Trần Trọng Cung, P.Tân Thuận Đông, Quận 7.

Ngành nghề kinh doanh: Máy móc thiết bị công nghiệp

Câu hỏi 1: Nếu doanh nghiệp không có biến động, có thể nộp các loại BHXH – BHYT – Bảo hiểm thất nghiệp theo quý hoặc năm? Nộp trước hay sau?

Trả lời: Căn cứ quyết định 1111/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam, trường hợp đơn vị không có biến động thì không cần khai báo, cơ quan BHXH sẽ căn cứ số liệu tháng trước để tính cho tháng sau. Hàng tháng căn cứ vào số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN doanh nghiệp nộp vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng.

Câu hỏi 2: Tại sao chỉ phát hành thẻ BHYT trong vòng 6 tháng?

Trả lời: Thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT có thể từ 3 tháng đến 5 năm tùy theo đối tượng tham gia BHYT. Riêng đối tượng doanh nghiệp sẽ được cấp thẻ giá trị 6 tháng hoặc 12 tháng tùy theo tình hình thực tế quản lý của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có nhu cầu cấp thẻ 12 tháng thì có văn bản đề nghị gửi cơ quan BHXH nơi đang nộp BHXH, BHYT để được giải quyết.

Câu hỏi 3: Định mức chuẩn để lập thỏa ước/ qui định của Công ty của để tính công tác phí cho nhân viên công tác trong và ngoài nước (để cơ quan thuế chấp nhận).

Trả lời: Đề nghị công ty liên hệ với cơ quan thuế để được trả lời và hướng dẫn.


2. VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN BERLI JUCKER PCL TẠI TP.HCM

Địa chỉ: E21, 40 Bà Huyện Thanh Quan, P.6, Q.3

Ngành nghề kinh doanh: sản xuất, kinh doanh, tiếp thị và phân phối sản phẩm bao bì, hàng tiêu dùng, các sản phẩm y tế và dược phẩm, văn phòng phẩm, sản phẩm hóa chất và cơ khí, trụ tháp bằng thép.

Câu hỏi: Từ ngày 01/01/2016, mức đóng BHXH bằng tổng lương và phụ cấp. Như vậy những phụ cấp nào bắt buộc phải đóng BHXH và ghi trong Hợp đồng lao động. Xin nêu Nghị định, thông tư để hướng dẫn.

Trả lời:

- Tại Điểm b, Điểm c Khoản 1, Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính Phủ quy định :

“b) Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh;

c) Các khoản bổ sung khác là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của người sử dụng lao động không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.”

- Tại Điểm b, Điểm c Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 của Bộ lao động – Thương binh và Xã hội quy định :

“b) Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương, cụ thể:

- Bù đắp yếu tố điều kiện lao động, bao gồm công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

- Bù đắp yếu tố tính chất phức tạp công việc, như công việc đòi hỏi thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm cao, có ảnh hưởng đến các công việc khác, yêu cầu về thâm niên và kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, giao tiếp, sự phối hợp trong quá trình làm việc của người lao động.

- Bù đắp các yếu tố điều kiện sinh hoạt, như công việc thực hiện ở vùng xa xôi, hẻo lánh, có nhiều khó khăn và khí hậu khắc nghiệt, vùng có giá cả sinh hoạt đắt đỏ, khó khăn về nhà ở, công việc người lao động phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc, nơi ở và các yếu tố khác làm cho điều kiện sinh hoạt của người lao động không thuận lợi khi thực hiện công việc.

- Bù đắp các yếu tố để thu hút lao động, như khuyến khích người lao động đến làm việc ở vùng kinh tế mới, thị trường mới mở; nghề, công việc kém hấp dẫn, cung ứng của thị trường lao động còn hạn chế; khuyến khích người lao động làm việc có năng suất lao động, chất lượng công việc cao hơn hoặc đáp ứng tiến độ công việc được giao.

c) Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động”.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, đề nghị doanh nghiệp tham khảo để xác định và phân loại các khoản thu nhập ghi trong hợp đồng lao động làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội theo đúng quy định pháp luật.


3. CÔNG TY CỔ PHẦN HỢP LUẬT

Địa chỉ: 559 Chợ Cầu Muối, Phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1.

Ngành nghề kinh doanh: Hoạt động tư vấn quản lý

Câu hỏi: Năm 2016 doanh nghiệp phải trích nộp các loại bảo hiểm trên mức lương nào, có bao gồm các khoản phụ cấp trợ cấp như tiền ăn trưa, tiền phụ cấp xăng xe, trợ cấp gửi xe, phụ cấp trách nhiệm, chức vụ, tiền thưởng doanh số… không?

Trả lời: Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 89 Luật Bảo hiểm có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016 quy định:

“Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động”.

Theo đó từ 01/01/2016 đến 31/12/2017 tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động.

Từ 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Đối với việc phân loại các khoản thu nhập thuộc vào mức lương, phụ cấp lương hay các khoản bổ sung khác, đề nghị doanh nghiệp tham khảo quy định tại Khoản 1, Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính Phủ và được hướng dẫn chi tiết tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 của Bộ LĐTBXH để xác định và phân loại các khoản thu nhập trả người động làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội theo đúng quy định pháp luật


4. CÔNG TY TNHH SSIFT VIỆT NAM

Địa chỉ: Nhà 8, đường 13, CVPM Quang Trung, P.TCH, Q.12.

Ngành nghề kinh doanh: Thực hiện bản vẽ và xử lý hình ảnh bằng kỹ thuật vi tính

Câu hỏi: Công ty là công ty hoạt động về lĩnh vực “thực hiện các bản vẽ trên máy vi tính và xử lý hình ảnh bằng kỹ thuật vi tính”. Bao gồm có 08 nhân viên.

Theo Điều 5: Kỳ hạn trả lương đối với người hưởng lương tháng của Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 của Bộ lao động – Thương binh và Xã hội về thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động: “Người lao động hưởng lương tháng được trả tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả ngay trong tháng mà người lao động làm việc”

Như vậy chúng tôi hiểu là: Người lao động làm việc trong tháng 9/2015 thì công ty phải hoàn tất trả lương cho người lao động trong tháng 09/2015. Nhưng trong thực tế, công ty chúng tôi cần phải mất vài ngày đầu tháng sau để khóa sổ chấm công, lập bảng lương và thanh toán lương. Theo thỏa thuận hiện tại trong hợp đồng lao động của Công ty và người lao động thì ngày trả lương là ngày05 hàng tháng.

Vậy Công ty chúng tôi trả lương vào ngày 05 hàng tháng thì có vi phạm quy định về pháp luật lao động hiện hành không?

Trả lời:

- Tại Điều 23 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ về kỳ hạn trả lương đối với người hưởng lương tháng quy định: “ Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng”.

- Tại khoản 2, Điều 24 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ về nguyên tắc trả lương quy định: “trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 01 tháng. Việc người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau:

a) Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm;

b) Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương”.

Căn cứ vào các quy định nêu trên và nội dung hỏi của Công ty TNHH SSIFT Việt Nam đề nghị công ty thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 và nghiên cứu quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 24 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ để trả lương cho người lao động.
 
5. CÔNG TY LUẬT TNHH MTV LÊ & TRẦN

Địa chỉ: Phòng 3–Campus–03, Tầng 16 Saigon Tower, 29 Lê Duẩn, P.Bến Nghé, Q.1

Ngành nghề kinh doanh: Tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật; Tư vấn pháp luật; Thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo quy định của pháp luật; và Đại diện ngoài tố tụng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.

Câu hỏi: Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng dịch vụ thay cho hợp đồng lao động đối với cá nhân. Khi thanh toán tiền công, doanh nghiệp chỉ khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân. Vậy việc doanh nghiệp ký hợp đồng dịch vụ thay cho hợp đồng lao động đối với cá nhân như trên có đúng với quy định của pháp luật hay không?

Trả lời:

- Tại Khoản 6, Điều 3 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định “quan hệ lao động là những quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động”.

- Tại Điều 15 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”.

Dựa vào những quy định nêu trên, khi người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau các nội dung về một việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ cụ thể của mỗi bên trong mối quan hệ lao động phải được thể hiện và giao kết với nhau bằng hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.


6. CÔNG TY TNHH BROTHER INTERNATIONAL (VIỆT NAM)

Địa chỉ: Tầng 5, TN Minh Long, 17 Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3.

Ngành nghề kinh doanh: Nhập khẩu và phân phối máy in và máy may

Câu hỏi: Người lao động làm việc 4 tiếng 1 ngày thì tính lương như thế nào? Công ty phải trả theo mức tối thiểu ở khu vực 1 là 3.100.000đ hay thấp hơn mức này có được phép không?


Trả lời :

- Tại Khoản 1 Điều 104 Bộ luật lao động năm 2012 quy định: “Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần”.

- Tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 của Chính phủ quy định: “Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 3 Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:

a) Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất;

b) Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề quy định tại Khoản 2 Điều này”.

- Tại Điểm d Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định:

“1. Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ, cụ thể:

d) Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động”.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp người lao động được trả lương theo giờ thì doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ nhưng vẫn dựa trên cơ sở mức lương tôi thiểu vùng để doanh nghiệp trả lương cho người lao động.


7. CÔNG TY LUẬT TNHH LIÊN KẾT THANH DANH

Địa chỉ: Phòng 1404, Tầng 14, Tòa nhà Havana 132 Hàm Nghi, P. Bến Thành, Q. 1

Ngành nghề kinh doanh: Tư vấn luật

Câu hỏi: Về gia hạn thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục:

Theo Điều 5, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ về sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động được quy định: “Thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại Khoản 6, Điều 192 của Bộ luật Lao động.”

Như vậy, trường hợp Công ty A có ký kết HĐLĐ 1 với Người lao động B thời hạn 1 năm từ 01/01/2015 đến 31/12/2015. Khi HĐLĐ 1 sắp hết hạn, Công ty A sửa đổi thời hạn HĐLĐ 1 bằng Phụ lục HĐLĐ (01/01/2015 đến 31/12/2016). Khi hết thời hạn Phụ lục HĐLĐ (31/12/2016), Công ty A ký tiếp HĐLĐ 2 xác định thời hạn 1 năm (từ 01/01/2017 đến 31/12/2017) và tương tự khi hết hạn HĐLĐ 2, Công ty A lại tiếp tục sửa đổi thời hạn HĐLĐ 2 bằng PLHĐ (01/01/2017 đến 31/12/2018-), việc ký chỉnh sửa bổ sung thời hạn HĐLĐ bằng phụ lục như vậy có phù hợp với quy định của pháp luật không?

Trả lời: Tại Điều 5, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ về sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động quy định: “Thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại Khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động”. Theo đó, doanh nghiệp được sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết. Việc ký tiếp hợp đồng lao động có xác định thời hạn và tiếp tục sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ ghi nhận câu hỏi của doanh nghiệp và có văn bản hỏi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về vấn đề này.


8. CÔNG TY TNHH ARRIVE TECHNOLOGIES VIỆT NAM

Địa chỉ: Lầu 10, e.town 1, 364 Cộng Hoà, P13, Q. Tân Bình.

Ngành nghề kinh doanh: Thiết kế, tư vấn và gia công phần cứng, phần mềm về lĩnh vực linh kiện bán dẫn và sản phẩm trong ngành Công nghiệ thông tin và viễn thông.

Câu hỏi 1: Về vấn đề 2% Tổng quỹ lương đóng BHXH Công ty được phép giữ lại.

Theo quy định hiện hành, BH cho phép Công ty được giữ lại 2% trên tổng quỹ lương đóng BHXH để kịp thời chi trả các chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động. Tại thời điểm ngày 09/10/2015, khi đoàn thanh tra thuộc Sở lao động, thương binh & xã hội Tp. HCM đến kiểm tra tình hình chấp hành luật lao động tại Công ty, nếu tính cả số chi cho các chế độ (Công ty đã chi cho người lao động) và số phải nộp lên BHXH, thì Công ty đã nộp thừa (số liệu này sẽ thể hiện rõ trong quyết toán Quí III). Nhưng thanh tra viên BHXH khi đi thanh tra chỉ căn cứ vào số liệu từ phòng thu, mà không nắm số liệu từ phòng chế độ, dẫn đến việc thanh tra viên này ghi nhận là công ty nộp thiếu tiền BHXH, và yêu cầu nộp bổ sung ngay (số tương đương 2% Công ty giữ lại). Nhưng thực tế DN đã chi hết số tiền 2% giử lại cho các chế độ ốm đau thai sản theo quy định? Ngay cả trên phần mềm iBHXH, mẫu C12-TS, mục lưu ý, số 2% này vẫn thể hiện là số đơn vị nộp thiếu.

Về phía Công ty, chúng tôi cho rằng ghi nhận của BHXH không chính xác, một mặt cho phép DN giử lại để đảm bảo chi chế độ cho người lao động kịp thời, mặt khác lại cho là DN nợ BH ?

Câu hỏi 2: Về cung cấp thông tin đóng BH của NLĐ trên web của CQ BH (mẫu C13-TS)

Doanh nghiệp có quy định không cho phép nhân viên tiết lộ mức lương, cũng như không tiết lộ mức lương của nhân viên Công ty với các Công ty khác. Nhưng hiện tại, chỉ cần biết được 1 số thông tin cơ bản (số CMND, năm sinh, số sổ BHXH/mã thẻ BHYT) là có thể đăng nhập vào web của cơ quan BHXH để xem mức lương của 1 người nào đó. Công ty chúng tôi cho rằng như vậy là thiếu bảo mật, gây ảnh hưởng đến chính sách bảo mật lương của các doanh nghiệp?

Trả lời: Căn cứ quy định tại điểm 3.4 khoản 3 điều 41 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành Quy định quản lý thu BHXH, BHYT; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT; và hướng dẫn tại công văn số 704/BHXH-BT ngày 04/3/2014 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc hướng dẫn một số nội dung về thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT quy định tại Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011; Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã thực hiện việc cung cấp thông tin kết quả đóng BHXH, BHYT và BHTN của năm trước (mẫu C13-TS) của người lao động trên trang web để người lao động tra cứu dễ dàng, thuận tiện.

Hiện nay, các đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH rất phổ biến nhưng người lao động không biết, đến khi nghỉ việc mới biết thì khiếu nại rất phức tạp. Do đó, việc thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT và BHTN để người lao động tự tra cứu là rất cần thiết.

Đồng thời, việc cung cấp thông tin kết quả đóng BHXH, BHYT và BHTN này không thuộc danh mục bí mật nhà nước độ mật của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Quyết định số 109/2005/QĐ-BCA(A11) ngày 01/02/2005 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Câu hỏi 3: Về vấn đề giấy phép lao động cho người nước ngoài

Công ty chúng tôi có 01 lao động người nước ngoài (Việt kiều). Thời điểm 2013-2014, Ông chưa có giấy phép lao động, đến tháng 03/2015 Ông đã hoàn tất thủ tục hồi tịch và được cấp hộ chiếu Việt Nam (Ông xuất/nhập cảnh bằng hộ chiếu này). Xin hỏi trong trường hợp này người lao động có thuộc diện phải xin giấy phép lao động hay không?

Trả lời: Trường hợp người nước ngoài có 2 quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam thì người nước ngoài nếu nhập cảnh bằng hộ chiếu mang quốc tịch Việt Nam sẽ cư trú và làm việc theo đối tượng là công dân Việt Nam,có trách nhiệm tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, không thuộc đối tượng phải xin giấy phép lao động.

Câu hỏi 4: Về nộp BHYT của người lao động nước ngoài. Xin hỏi các văn bản pháp luật quy định cụ thể cho trường hợp này?

Trả lời: Theo Điều 12 Luật BHYT, Điều 1 của Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định đối tượng tham gia BHYT như sau: Người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời từ đủ 3 tháng trở lên ; người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương làm việc tại doanh nghiệp: Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Tổ chức khác và cá nhận có thuê mướn lao động theo HĐLĐ.

Đối chiếu quy định trên, người lao động là người nước ngoài làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời từ đủ 3 tháng trở lên hoặc người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương đều thuộc đối tượng tham gia BHYT.


9. CÔNG TY MANULIFE VIETNAM

Địa chỉ: 102 A – B Công Quỳnh – Quận 1.

Ngành nghề kinh doanh: bảo hiểm nhân thọ

Câu hỏi: Bảo hiểm Xã hội mới 2016 có bị vô quỹ như báo chí đưa tin không?

Trả lời: Chính sách của Nhà nước là quản lý và bảo hộ quỹ bảo hiểm xã hội nên không có việc vô quỹ bảo hiểm xã hội như bạn nêu.
 
10. CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI CÔNG NGHIỆP TÂN ĐẠI THÀNH

Địa chỉ: 62/1A Lê Đức Thọ, Phường 13, Quận Gò Vấp.

Ngành nghề kinh doanh: Sản xuất, kinh doanh bao bì nhựa.

Câu hỏi : Nếu đóng BHXH đủ 20 năm nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì khi nghỉ việc sau 1 năm có được nhận BHXH 1 lần không?

Trả lời: Điều 55 Luật BHXH số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc Hội: Người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

b) Suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

c) Sau 01 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

d) Ra nước ngoài để định cư.

Như vậy theo quy định nêu trên, người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư.


11. CÔNG TY TNHH TITATEX VN

Địa chỉ: lô 80, đường số 1, KCX Linh Trung 2, P. BÌnh Chiểu, Thủ Đức

Câu hỏi, vấn đề cần giải đáp:

Từ năm 2014, Bảo hiểm Xã hội TP (BHXH TP) đã khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chương trình giao dịch điện tử với chữ ký số với phần mềm TS24. Thời điểm đó tôi cũng tò mò làm thử nghiệm TS24 với CKS của mạng VNPT. Tuy nhiên thời điểm đó hệ thống mạng rất chậm, gởi hồ sơ rồi mà chẳng thấy ai hồi âm, cho nên tôi chỉ làm 1 lần, còn lại đều làm hồ sơ giấy rất nhanh, chủ động thời gian.

Từ tháng 07/2015 thì BHXH TP ra liên tiếp công văn số 2405/BHXH-THU ngày 27/07/2015 của Bảo hiểm Xã hội về việc giao dịch hồ sơ điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN; Cấp sổ BHXH, thẻ BHYT của BHXH TP và Thông báo số 2034/TB-BHXH ngày 21/9/2015 về thay đổi phương thức gửi văn bản và sử dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử, qua đó, bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện chữ ký số và giao dịch điện tử, không nhận hồ sơ giấy (kể cả hồ sơ giấy có mã vạch được làm từ phần mềm TS24). Đồng thời dán thông báo tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ rằng: từ ngày 01/10/2015 yêu cầu tất cả nhân viên đều không được tiếp nhận hồ sơ Thu bằng giấy. Từ đó, chúng tôi có các vướng mắc như sau:

Câu hỏi 1: Cơ sở pháp lý nào để ép buộc doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng giao dịch điện tử và chữ ký số? Thông báo của BHXH TP không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà lại cưỡng chế doanh nghiệp giao dịch điện tử, trong khi luật BHXH không cấm doanh nghiệp giao dịch hồ sơ giấy. Vì cũng từ thông báo đó mà toàn bộ các BHXH quận huyện trên phạm vi TP.HCM đều từ chối nhận hồ sơ giấy từ ngày 01/10/2015.

Trả lời: Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/08/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế, Hải quan có hướng đến việc cải cách quy trình thủ tục hành chính về thu, nộp bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), phấn đấu đến cuối năm 2014 cắt giảm 1/3 số lần và giảm 50% số giờ thực hiện thu, nộp BHXH, BHYT so với hiện nay và Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 9/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm về giao dịch trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 528/QĐ-BHXH ngày 14/4/2015 quy định về việc giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, cấp thẻ BHYT.

Câu hỏi 2: Bên cạnh đó, BHXH VN ban hành Quyết định số 999/QĐ-BHXH ngày 24/09/2015 quy định tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính về BHXH, BHYT và BHTN có hiệu lực ngày 01/10/2015. Trong đó BHXH VN quy định rất rõ 3 cách nộp hồ sơ: (i) Thực hiện qua giao dịch điện tử; (ii) Thực hiện qua dịch vụ bưu chính và (iii) Trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.

Như vậy BHXHVN vẫn chấp nhận hồ sơ giấy nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ, trong khi BHXH TP lại cấm đoán. Vậy BHXH VN có tuýt còi BHXH TP về việc tự ý ban hành công văn cấm đoán các doanh nghiệp như chúng tôi hay không? Và hình thức xử lý hoặc bồi thường cho các doanh nghiệp hay không....vì muốn nộp được hồ sơ theo giao dịch điện tử va chữ ký số mà lỡ mua các dịch vụ có liên quan (mà các dịch vụ này cũng do BHXH TP hậu thuẫn như là TS24).

Trả lời: BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 528/QĐ-BHXH ngày 14/4/2015 quy định về việc giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, cấp thẻ BHYT và BHXH Việt Nam cũng đã ký hợp đồng với 06 nhà cung cấp dịch vụ I-VAN nhằm cải cách thủ tục tham gia BHXH, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH. Đồng thời BHXH Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 999/QĐ-BHXH ngày 24/09/2015 để mở ra nhiều kênh giao dịch khác nhau cho doanh nghiệp lựa chọn và hiện nay BHXH thành phố vẫn đang tiếp nhận và xử lý hồ sơ quan bưu điện cho rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Với doanh nghiệp của bạn từ khu chế xuất Linh Trung II đến giao dịch tại BHXH thành phố thì giao dịch diện tử rất thuận lợi cho doanh nghiệp, không phải đi quá xa và mất thời gian chờ đợi nộp hồ sơ.

Câu số 3: BHXH TP liên kết duy nhất với công ty TS24 để hướng dẫn thực hiện thao tác lập hồ sơ, đăng ký giao dịch điện tử, chữ ký số cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Về phần mềm iBHXH miễn phí của TS24 thì chúng tôi không bàn đến vì nó cũng có cái hay riêng. Tuy nhiên nhân viên hướng dẫn của TS24 chỉ hướng dẫn và hỗ trợ đơn vị nào sử dụng chữ ký số của TS24 mà thôi và đồng thời phần mềm ts24 chỉ có thể giao dịch điện tử khi và chỉ khi chữ ký số cũng là của TS24. Nhân viên TS24 không thể hỗ trợ nếu doanh nghiệp sử dụng chữ ký số của đơn vị khác (như VNPT, Viettel, BKAV....). Tuy nhân viên TS24 có hướng dẫn việc chữ ký số không phải của TS24 thì phải nộp qua cổng thông tin điện tử của BHXH VN, nhưng chúng tôi không biết cơ quan nào sẽ tập huấn, hướng dẫn thậm chí giải quyết trục trặc khi nộp hồ sơ chữ ký số qua cổng thông tin BHXH VN.

Tại sao BHXH lại tổ chức tập huấn vào sáng thứ năm hàng tuần chỉ với duy nhất nhân viên của TS24 (đồng nghĩa doanh nghiệp phải chấp nhận mua sắm chữ ký số của TS24) mà không phải tập huấn các doanh nghiệp sử dụng chữ ký số sẵn có (của dơn vị) và giao dịch qua cổng thông tin của BHXH VN? Khi đã liên kết với TS24, thì TẠI SAO BHXH TP lại để cho TS24 độc quyền chữ ký số của mình?

Trả lời: Công ty TS24 chỉ là 1 nhà cung cấp dịch vụ I-VAN trong 6 nhà cung cấp dịch vụ cho ngành BHXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Văn bản số 3783/BHXH-PC ngày 2/10/2015 về việc thông báo các đơn vị đã ký hợp đồng I-VAN với BHXH Việt Nam đó là:

1. Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT

2. Công ty cổ phần TS24

3. Công ty TNHH phát triển công nghệ Thái Sơn

4. Công ty cổ phần Công nghệ tin học EFY Việt Nam

5. Công ty cổ phần BKAV

6. Tổng công ty Viễn thông Viettel.

Như vậy, các nhà I-VAN có trách nhiệm phải hổ trợ cho khách hàng sử dụng dịch vụ I-VAN của mình.

Hiện nay, mới có Công ty cổ phần TS24 liên hệ BHXH thành phố đề nghị hướng dẫn sử dụng phần mềm iBHXH cho các doanh nghiệp, các nhà I-VAN khác chưa liên hệ với BHXH thành phố để tổ chức hướng dẫn phần mềm cho các doanh nghiệp sử dụng.

Tất cả các chữ ký số mà đơn vị đang có (của 6 nhà cung cấp trên) đều có thể giao dịch diện tử qua cổng thông tin của BHXH Việt Nam, hoàn toàn không có độc quyền trong giao dịch điện tử về BHXH.

Câu hỏi 4: Tại đơn vị tôi là doanh nghiệp trong khu chế xuất, khi hàng hóa vào đây, đầu tiên là phải gặp hải quan khai báo, do đó doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm và chữ ký số của công ty Thái Sơn. Rồi sau đó Cục Thuế TP khuyến khích báo cáo thuế định kỳ qua mạng internet bằng chữ ký số, thì chữ ký số của bộ phận kế toán không thể sử dụng cùa công ty Thái Sơn nên phải mua chữ ký số của VNPT. Bây giờ phát sinh BHXH bắt buộc giao dịch điện tử mà lại ép buộc doanh nghiệp mua thêm chữ ký số của TS24. Hóa ra mỗi khi cơ quan Nhà Nước vì lý do gì đó (hiện đại hóa, rút ngắn thời gian giao dịch...) mà ép buộc doanh nghiệp phải hòa nhập theo đường hướng có lợi cho cơ quan nhà nước đó thì các doanh nghiệp đều bị động mà đi theo. Tại sao các cơ quan quản lý nhà nước không giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí khi tất cả các phần mềm đó đều phải tương thích với chữ ký số của bất kỳ công ty phát hành chữ ký số vốn đã được đăng ký với cơ quan nhà nước??? 1 đơn vị mà phải tốn chi phí 3 token cho 3 bộ phận (đặc biệt là giá chữ ký số của TS24 là cao nhất) là quá lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.

Mặc dù biết rằng cải cách hành chính là tốt hơn cho xã hội, trong đó có giao dịch điện tử và chữ ký số. Tuy nhiên một khi đã triển khai thì phải triển khai đồng bộ, chuẩn bị hạ tầng mạng phải tốt và nhanh. Trong khi BHXH TP chỉ mới thực hiện giao dịch điện tử và chữ ký số với duy nhất hồ sơ thu BK301 và 101, trong khi các thủ tục khác vẫn làm theo hồ sơ giấy, điều này khiến doanh nghiệp hoạt động nữa vời và không đồng bộ: vừa làm hồ sơ giấy và hồ sơ giao dịch điện tử. Mặc dù các cán bộ BHXH TP nói là tương lai sẽ sử dụng hết, sẽ không còn sổ BHXH, không còn mẫu C65 cho nhân viên ốm đau thai sản cấp từ các bệnh viện....tất cả đều điện tử hết. Tôi hoan nghênh đều đó vì các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á đã thực hiện từ lâu rồi (Malaysia, Singapore...). Tuy nhiên trước khi thực hiện họ thực hiện đồng bộ và làm sao cho người dân và đơn vị được sự thuận lợi nhất, hạn chế thấp nhất sự cấm đoán. Một khi người dân họ tự cảm nhận được sự thuận lợi trong công việc, thì không cần đến sự cấm đoán của các cơ quan nhà nước mà người dân sẽ tự nguyện chuyển đổi phương thức sử dụng dịch vụ công của họ.

Trả lời: Công ty đã có chữ ký số của Công ty Thái Sơn và VNPT thì có thể liên hệ 2 nhà cung cấp dịch vụ I-VAN này để được hướng dẫn thực hiện giao dịch hồ sơ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử. Đối với các loại hồ sơ khác BHXH Việt Nam đang nghiên cứu để đưa vào giao dịch điện tử trong thời gian tới
 
12. HBP PROJECT MANAGEMENT LTD

Địa chỉ: Lầu 6, Cao ốc Đinh Lễ, P.12, Q.4

Ngành nghề kinh doanh: Tư vấn xây dựng

Câu hỏi, vấn đề cần giải đáp:

Chúng tôi xin có một số thắc mắc và kiến nghị về trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc của doanh nghiệp cho người lao động trong thời gian nghỉ thai sản không được tham gia Bảo hiểm thất nghiệp theo qui định tại Khoản 3, Điều 14, Nghị Định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ. Vậy, những người lao động nữ đã nghỉ việc trước năm 2015 (trước thời điểm có hiệu lực của Nghị Định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ) thì có được doanh nghiệp chi trả trợ cấp thôi việc trong thời gian nghỉ thai sản không?

Trả lời: Căn cứ các quy định tại:

- Điều 48 Bộ Luật Lao động năm 2012;

- Khoản 3, Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ;

Đối chiếu các quy định nêu trên, thì thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm cả thời gian người lao động nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.

Do đó, trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật mà có thời gian không tham gia bảo hiểm thất nghiệp do nghỉ ốm hoặc nghỉ hưởng chế độ thai sản từ đủ 01 tháng trở lên thì công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đối với thời gian nêu trên; Đối với trường hợp người lao động nghỉ thôi việc đúng pháp luật trước thời điểm Nghị định số 05/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2015 thì người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012.

Kiến nghị: Qui định «thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động, bao gồm cả thời gian người lao động bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội» nếu nguyên nhân bị tạm giam, tạm giữ của người lao động không liên quan đến công việc của người lao động tại doanh nghiệp, mà doanh nghiệp lại phải có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động trong thời gian này, cũng là một gánh nặng bất hợp lý đối với doanh nghiệp. Đề nghị Lãnh đạo ngành lao động – thương binh và xã hội có kiến nghị với Chính phủ để điều chỉnh bất hợp lý này.

Trả lời: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ghi nhận và tổng hợp để có kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét và giải quyết vấn đề này.


13. CÔNG TY TNHH MTV MARUBENI VIỆT NAM

Địa chỉ: 1203, lầu 12, tòa nhà Sun Wah, 115 Nguyễn Huệ, Q.1

Ngành nghề kinh doanh: thương mại tổng hợp

Câu hỏi 1: Trường hợp người lao động nữ thai sản đã nghỉ đủ 4 tháng thai sản (đủ 2 tháng sau sinh con), muốn quay lại làm việc thì công ty có nghĩa vụ yêu cầu người lao động nộp giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh chứng nhận người lao động đủ điều kiện sức khỏe đi làm lại. Vậy có quy định gì về cơ sở khám chữa bệnh không, xác nhận của bác sĩ phòng mạch tư có chấp nhận được không? Nội dung xác nhận có cần đề cập đến việc người lao động đang thai sản?

Căn cứ Điều 157 Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 quy định: Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng.

Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.

Căn cứ Điều 36 Luật BHXH quy định Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con: Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng và phải có xác nhận của cơ sở y tế về việc đi làm sớm không có hại cho sức khoẻ của người lao động; Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

Người lao động có thể nộp giấy chứng nhận sức khỏe của các cơ sở khám chữa bệnh có chức năng khám tổng quát về sức khỏe. Giấy khám sức khỏe phải có kết luận của Bác sĩ về tình trạng đủ sức khỏe để đi làm sớm.

Phòng mạch tư chỉ có chức năng khám chữa bệnh về một chuyên khoa nào đó, không có chức năng kết luận về tình trạng sức khỏe tổng quát của người lao động.

Trả lời:

- Tại Khoản 4 Điều 157 Bộ Luật Lao động thì trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng; Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Tại Khoản 1 Điều 41 Luật Khám bệnh, chữa bệnh có quy định về các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:

“1. Các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Bệnh viện;

b) Cơ sở giám định y khoa;

c) Phòng khám đa khoa;

d) Phòng khám chuyên khoa, bác sỹ gia đình;

đ) Phòng chẩn trị y học cổ truyền;

e) Nhà hộ sinh;

g) Cơ sở chẩn đoán;

h) Cơ sở dịch vụ y tế;

i) Trạm y tế cấp xã và tương đương;

k) Các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác”.

- Tại Điều 42 Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì điều kiện để cở sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động là: “Có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác; Có giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp”.

Câu hỏi 2: Đối với thời gian người lao động quay lại làm việc trước khi kết thúc 6 tháng thai sản. Công ty có cần thông báo tăng với cơ quan BHXH cho người lao động thời gian làm việc này? Nếu có thì có ảnh hưởng gì đến khoản trợ cấp 6 tháng thai sản của người lao động? Nếu không thì có quy định người lao động có nghĩa vụ phải trả 22% này vào lương của người lao động?

Trả lời:

* Bảo hiểm Xã hội trả lời: Người lao động quay lại làm việc trước khi kết thúc 6 tháng thì không ty không báo tăng lại với cơ quan BHXH, mà chỉ báo tăng cho người lao động sau khi hết thời gian nghỉ thai sản 6 tháng. Khoản 2, Điều 40, Luật BHXH quy định Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con“Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định...”

* Sở Lao động Thương binh – Xã hội trả lời: - Tại Khoản 4 Điều 157 Bộ luật Lao động thì trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng; Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Tại Khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.

Căn cứ các quy định nêu trên thì người lao động đang hưởng chế độ thai sản không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc, nếu đi làm lại khi còn trong thời gian thai sản thì vẫn tiếp tục được hưởng chế độ thai sản, được trả lương cho những ngày làm việc cộng với một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHYT, BHTN mà người sử dụng lao động phải đóng và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.
 
14. CÔNG TY CP ĐẦU TƯ VÀ THƯƠNG MẠI TẠP PHẨM SÀI GÒN

Câu hỏi, vấn đề cần giải đáp:

Công ty chúng tôi có 01 nhân viên nghiệp vụ nam sinh tháng 01 năm 1956, tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 05 năm 2000 theo hình thức hợp đồng không xác định thời hạn. Như vầy đến tháng 01 năm 2016, nhân viên trên đù 60 tuổi nhưng chưa đóng bảo hiểm xã hội được 20 năm.

Câu hỏi 1: Công ty có quyền chấm dứt hợp đồng với nhân viên trên vào thời điểm tháng 1/2016 hay là phải tiếp tục thực hiện hợp đồng? Trường hợp phải tiếp tục thực hiện hợp đồng thì có được chấm dứt hợp đồng không xác định thời hạn và ký lại hợp đồng khác hay không ?

Trả lời: Tại Điều 6 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ thì:

“1. Khi người sử dụng lao động có nhu cầu và người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

2. Khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động”.

Căn cứ vào quy định nêu trên, khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

Câu hỏi 2: Khi chấm dứt Hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi đã hưởng lương hưu thì có phải trả trợ cấp thôi việc không?

Trả lời:

- Tại Khoản 2 Điều 167 Bộ luật lao động năm 2012 quy định: “ khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thỏa thuận theo hợp đồng lao động”.

- Tại Khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định: “Khi người sử dụng lao động có nhu cầu và người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới”.

Dựa vào quy định nêu trên, đối với trường hợp người lao động cao tuổi đã hưởng lương hưu nhưng vẫn tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động mới. Khi chấm dứt hợp đồng lao động, nếu người sử dụng lao động không trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (ngoài ra còn phải trả khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định) thì phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định của Bộ luật lao động.


15. CÔNG TY TNHH MBS LOGISTICS VIỆT NAM

Địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà Phương Nam, Số 157 Võ Thị Sáu, P.6, Q.3

Ngành nghề kinh doanh: dịch vụ đại lý VTHH nhưng ko trực tiếp tham gia VTHH.

Câu hỏi 1: Vui lòng cho biết loại Hợp đồng nào thì không bắt buộc tham gia BHXH, BHYT, BHTN?

Trả lời:Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hoặc có thời hạn từ đủ 03 trở lên theo quy định của pháp luật về lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc; Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thực hiện từ 01/01/2018.

Câu hỏi 2: Nếu người lao động nước ngoài từ công ty mẹ ở nước ngoài cử về công ty Việt Nam công tác (cứ 2 tuần về Việt Nam công tác 1 lần ) nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh dịch vụ của công ty. Vậy công ty tôi có cần xin giấy phép cho người lao động nước ngoài này không? Nếu có, hồ sơ gồm những giấy tờ nào? Nộp ở đâu? Chi phí cho bộ hồ sơ là bao nhiêu? Người lao động nước ngoài này có phải đóng BHXH, BHYT, BHTN hay không?

Trả lời:Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp nếu làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc; và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ từ 01/01/2018.

Câu hỏi 3: Khi người lao động nộp hồ sơ thai sản cho người sử dụng lao động thì trong thời gian bao lâu thì người sử dụng lao động mới phải nộp hồ này lên cơ quan bảo hiểm? Và kề từ ngày cơ quan bảo hiểm nhận được hồ sơ này thì khi nào mới giải quyết tiền trợ cấp thai sản cho người lao động ? Nếu như cơ quan bảo hiểm đã chuyển khoản tiền thai sản vào tài khoản doanh nghiệp rồi để doanh nghiệp chi trả lại cho người lao động, nhưng doanh nghiệp ko chi trả lại cho người lao động ngay mà kéo dài thời gian chi trả từ 3 tháng, 6 tháng đến 1 năm để dùng vào việc riêng của doanh nghiệp thì người lao động sẽ làm gì trong trường hợp này để đảm bảo quyền lợi của mình?

Trả lời: Căn cứ khoản 1 Điều 92 Luật BHXH hiện hành, người sử dụng lao động được giữ lại 2% quỹ tiền lương (thay vì nộp ngay cho cơ quan BHXH) để chi trả trợ cấp ốm đau, thai sản trong vòng 3 ngày (kể từ ngày nhận đủ chứng từ do người lao động cung cấp). Cơ quan BHXH thẩm định hồ sơ, quyết toán sau với người sử dụng lao động.

Hằng tháng, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ của những người lao động đã được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho tổ chức bảo hiểm xã hội và thời gian giải quyết là 15 ngày làm việc (từ ngày 12/10/2015 thì thời gian giải quyết là 10 ngày làm việc).

Nếu cơ quan BHXH đã chuyển khoản tiền thai sản vào tài khoản doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không chi trả lại cho người lao động thì người lao động có thể làm đơn gửi Thanh tra Sở Lao động Thương Binh và Xã hội để được giúp đỡ.


16. CÔNG TY TNHH FIRST KAKOH VIỆT NAM

Địa chỉ: 400 Nguyễn Thị Thập, P. Tân Quy, Quận 7

Ngành nghề kinh doanh: Thi công bắn keo và chống thấm

Câu hỏi 1: Người lao động tham gia BHXH đã được 10 năm, nhưng 2 năm đầu người lao động đóng BHXH với mức đóng rất thấp. Bây giờ người lao động muốn bỏ thời gian tham gia BHXH là 2 năm đầu có được không? Nếu được thì thủ tục là như thế nào?

Trả lời: Thời gian tham gia BHXH bắt buộc là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH sau này, do đó không thể từ bỏ quá trình đã tham gia. Thời gian tham gia BHXH trước đây khi giải quyết chế độ sẽ được nhân với hệ số trượt giá do Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội ban hành hàng năm.

Câu hỏi 2: Công ty có một nhân viên thời gian trước họ có tham gia bảo hiểm ở công ty cũ, đã có sổ nhưng vì công ty nợ tiền bảo hiểm nên người lao động không được chốt sổ và trả sổ, họ đã đến công ty cũ đòi nhưng không được. Nay công ty chúng tôi đã đóng tiếp cho họ dựa trên số BHXH cũ, nhưng không có sổ để lưu và thực hiện các thủ tục sau này. Vì vậy, nay người lao động muốn bỏ sổ cũ, hủy thời gian đóng bảo hiểm trước và chỉ muốn tiếp tục tính thời gian bào hiểm đóng bên công ty em có được không? Nếu được thì thủ tục sẽ như thế nào?

Trả lời: Trường hợp người lao động có quá trình tham gia BHXH ở công ty cũ, đã được cấp sổ BHXH nhưng do công ty cũ nợ BHXH và thật sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không thể đóng trước tiền BHXH, BHTN, BHYT (và tiền lãi chậm đóng phát sinh) của người lao động đến thời điểm nghỉ việc nên không chốt được sổ và không trả sổ BHXH cho người lao động thì người lao động liên hệ với công ty cũ để nhận lại sổ BHXH (sổ chưa chốt) nộp cho công ty sau (công ty của bạn) để tiếp tục đóng BHXH trên số sổ đó. Đến khi người lao động nghỉ việc tại công ty sau nếu người lao động có nguyện vọng muốn chốt quá trình tham gia tại công ty sau thì có đơn (mẫu D01-TS) đề nghị tạm khóa quá trình đã tham gia BHXH, BHTN ở công ty cũ do nợ để chốt tiếp quá trình đóng tại công ty sau.

Trường hợp khi nghỉ việc tại Công ty cũ người lao động chưa nhận sổ BHXH, nếu công ty cũ nợ BHXH và đã giải thể (hoặc phá sản hoặc chuyển đi không để lại địa chỉ) thì người lao động lập hồ sơ đề nghị cấp lại sổ (theo phiếu GNHS 305), trong đơn đề nghị (mẫu D01-TS) người lao động cần ghi rõ khi nghỉ việc chưa nhận sổ BHXH, nay công ty đã giải thể và đề nghị chốt sổ đến thời điểm công ty đóng đủ tiền BHXH nộp tại cơ quan BHXH nơi công ty cũ đóng BHXH để được giải quyết cấp lại sổ BHXH và chốt sổ. Sau đó nộp sổ cho công ty sau để chốt tiếp quá trình đóng tại công ty sau.
 
17. CÔNG TY CP TIN HỌC LẠC VIỆT

Địa chỉ: 23 Nguyễn Thị Huỳnh,P.8, Quận Phú Nhuận

Ngành nghề kinh doanh: dịch vụ Tin học.

Câu hỏi, vấn đề cần giải đáp:

Câu hỏi 1: Áp dụng theo Khoản 2 Điều 22 quy định về loại hợp đồng lao động (HĐLĐ) và Điều 5 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định về việc sửa đổi thời hạn HĐLĐ bằng phụ lục HĐLĐ, khi HĐLĐ tại Tiết b, c Khoản 1 Điều 22 Bộ Luật Lao động hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì người sử dụng lao động và người lao động có thể ký 01 lần bằng phụ lục để gia hạn HĐLĐ đầu tiên, sau khi hết hạn phụ lục, nếu người lao động tiếp tục làm việc thì ký HĐLĐ không xác định thời hạn có được không?

Trả lời : Tại Điều 22 Bộ luật Lao động có quy định về loại hợp đồng như sau:

“Điều 22. Loại hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.”

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ thì thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại Khoản 6, Điều 192 của Bộ luật Lao động.

Căn cứ các quy định nêu trên thì thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi 1 lần bằng phụ lục hợp đồng nếu không làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết (nghĩa là thời hạn của hợp đồng lao động cộng với thời hạn của phụ lục hợp đồng lao động không được vượt quá thời hạn của loại hợp đồng theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động).

Trường hợp sau khi ký phụ lục hợp đồng nếu người lao động tiếp tục làm việc thì công ty có thể ký HĐLĐ không xác định thời hạn với người lao động.

Câu hỏi 2: Tại Khoản 4, Điều 36 Bộ Luật Lao động 2012 quy định người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại điều 187 thì đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy có nghĩa nếu người lao động thiếu 1 trong 2 yếu tố, chẳng hạn đủ tuổi hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì sẽ không bị chấm dứt hợp đồng.

Tại Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ lại quy định: “Khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không đủ sức khỏe thì 2 bên thực hiện chấm dứt HĐLĐ”

Như vậy, 2 nội dung này có mâu thuẩn với nhau và giả định người lao động đã quá tuổi lao động nhưng chưa đủ thời gian tham gia BHXH hoặc ngược lại thì người sử dụng lao động có được cho người lao động nghỉ không?

Người lao động thuộc HĐLĐ không xác định thời hạn khi đến tuổi nghỉ hưu mà tiếp tục làm việc, nếu giao kết HĐLĐ mới thì có thể ký kết loại hợp đồng nào bất kỳ hay bắt buộc phải chọn loại hợp đồng nào ?

Trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, đủ thời gian đóng BHXH trên 20 năm nhưng vẫn tiếp tục làm việc, thì có thể tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc đến đủ thời gian 30 năm đối với nam và 25 năm đối với nữ để được hưởng chế độ lương hưu theo tỷ lệ tối đa (75%) được không?

Trả lời: Căn cứ quy định tại:

- Khoản 3 và Khoản 4, Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012;

- Điều 5 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ về sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động;

- Điều 6 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ về hợp đồng lao động người cao tuổi;

Đối chiếu quy định nêu trên, người sử dụng lao động chỉ được chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong trường hợp người lao động đã đảm bảo đủ điều kiện về thời gian tham gia đóng BHXH và tuổi đời hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật Lao động năm 2012 và Điều 50 của Luật BHXH 2006.

Đối với, trường hợp người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động (được gọi là người lao động cao tuổi) hay trường hợp người lao động chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi hoặc ngược lại thì do nhu cầu của người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới; Trường hợp người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên tiến hành thực hiện chấm dứt hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Do đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Công ty, đơn vị rà soát và đối chiếu từng trường hợp cụ thể của người lao động khi thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động, giao kết hợp đồng lao động mới hoặc kéo dài thời hạn hợp đồng lao động đối với người lao động cao tuổi theo đúng quy định của pháp luật lao động, đồng thời đảm bảo quyền lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 3: Trường hợp người lao động ký kết HĐLĐ thời vụ dưới 3 tháng hoặc hợp đồng cộng tác viên nhưng hưởng mức lương theo kết quả công việc hằng tháng, dựa theo đơn giá của từng công việc, thu nhập hằng tháng thay đổi theo số lượng công việc được hoàn thành, như vậy sẽ đóng bảo hiểm dựa trên mức lương nào?

Trả lời: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hoặc có thời hạn từ đủ 03 trở lên theo quy định của pháp luật về lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc; Như vậy HĐLĐ thời vụ dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc.

Câu hỏi 4: Điều 29, 41 Luật BHXH quy định dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau và thai sản: số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và BCH Công đoàn cơ sở quyết định, như vậy về thủ tục hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH có cần đính kèm giấy yêu cầu của bác sĩ hay chỉ làm mẫu C70A-HD nộp cơ quan BHXH theo Điều 103 luật BHXH là được? và nếu doanh nghiệp chưa đóng BHXH tháng này kịp trước thời gian nộp hồ sơ thì người lao động có được hưởng chế độ này không?

Trả lời:Số ngày nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản do người sử dụng lao động và BCH Công đoàn cơ sở quyết định. Thủ tục hồ sơ là đơn vị ghi đầy đủ trên mẫu C70a-HD như sinh phẫu thuật thì ghi PT. Nếu đơn vị chưa thanh toán tiền BHXH đến trước tháng người lao động nghỉ dưỡng sức thì chưa được xét duyệt chế độ này.

Câu hỏi 5: Theo công văn số 3592/BHXH-TNQLHS ngày 14/11/2014 của BHXH TP.HCM về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua Bưu điện. Vậy tất cả các loại hồ sơ đều phải nộp và nhận kết quả qua bưu điện hay chỉ bắt buộc một số loại hồ sơ thôi, ví dụ: Hồ sơ 103 tăng giảm lao động hàng tháng… Trong trường hợp địa chỉ công ty tôi gần với cơ quan Bảo hiểm muốn tự đi nộp hồ sơ thì có được không?

Trả lời:Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 528/QĐ-BHXH ngày 14/4/2015 quy định về việc giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, cấp thẻ BHYT. Đồng thời Bảo hiểm xã hội Viêt Nam ban hành Quyết định số 999/QĐ-BHXH ngày 24/09/2015 để mở ra nhiều kênh giao dịch khác nhau cho doanh nghiệp lựa chọn các hình thức thuận lợi nhất, đối với hồ sơ thu tăng, giảm, điều chỉnh hàng tháng doanh nghiệp có thể chọn hình thức giao dịch điện tử và trả kết quả qua bưu điện như vậy doanh nghiệp sẽ không phải tốn kém thời gian giao dịch trực tiếp với cơ quan BHXH.
 
18. CÔNG TY TNHH DV KẾ TOÁN VÀ TƯ VẤN ĐẦU TƯ LÊ MINH

Địa chỉ: 579 Nơ Trang Long, P7, Q. Bình Thạnh.

Ngành nghề kinh doanh: Dịch vụ kế toán và tư vấn đầu tư

Câu hỏi, vấn đề cần giải đáp: Nếu công ty ký hợp đồng với người lao động, thời hạn 1 năm nhưng làm việc bán thời gian, trả lương theo sản phẩm hoàn thành. Vậy công ty có phải đóng bảo hiểm cho người lao động này không?

Trả lời:

- Tại Khoản 1, Điều 186 Bộ Luật lao động năm 2012 về tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế quy định: “người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế”.

- Tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội về đối tượng áp dụng quy định: “người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định pháp luật về lao động; Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng”.

Căn cứ vào các quy định nêu trên và nội dung hỏi của Công ty TNHHDịch vụ kế toán và Tư vấn đầu tư Lê Minh thì Công ty đóng BHXH, BHYT, BHTN theo đúng quy định pháp luật.


19. CÔNG TY CỔ PHẦN HÀNG TIÊU DÙNG MASAN

Địa chỉ: Tầng 12, Tòa nhà Kumho Asiana Plaza Saigon, 39 Lê Duẩn, P.Bến Nghé, Q.1

Ngành nghề kinh doanh: Hàng tiêu dùng.

Câu hỏi, vấn đề cần giải đáp: Theo quy định của Luật BHXH mới, từ 01/01/2016 căn cứ đóng BHXH là mức lương theo công việc hoặc chức danh, các khoản phụ cấp lương và từ 01/01/2018 sẽ thêm đóng thêm trên các khoản bổ sung khác.

Tuy nhiên, một số khoản phụ cấp lương & các khoản bổ sung khác mà doanh nghiệp đang chi trả cho người lao động không phải là khoản cố định mà thay đổi theo từng tháng (ví dụ : lương kinh doanh…). Do đó, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc báo tăng/giảm mức đóng của người lao động theo từng tháng. Vậy, Cơ quan BHXH có quy định, hướng dẫn chi tiết về việc đóng BHXH trên mức lương theo công việc hoặc chức danh, các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác để doanh nghiệp thực hiện cho đúng và thuận lợi?

Trả lời: Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội (2014); có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, về tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì :

Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top