Đối tượng được tính là người phụ thuộc được chia làm 4 nhóm, trong đó ngoại trừ nhóm đầu tiên gồm con đẻ, con nuôi, con ngoài giá thú chưa thành niên (dưới 18 tuổi, tính đủ theo tháng) gần như là không có bất cứ quy định nào ràng buộc, còn lại các đối tượng khác đều gắn với những điều kiện nhất định. Cụ thể là: nếu con trên 18 tuổi, điều kiện để được giảm trừ là bị tàn tật, không có khả năng lao động; hoặc con đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, thì điều kiện là không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định. Đối với vợ hoặc chồng của người nộp thuế, nếu người này còn trong độ tuổi lao động thì phải thoả mãn 2 điều kiện là bị tàn tật, không có khả năng lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá mức quy định thì mới được giảm trừ; nếu ngoài độ tuổi lao động thì chỉ gắn với duy nhất điều kiện là không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá mức quy định là đã được tính giảm trừ. Quy định này cũng được áp dụng tương tự đối với đối tượng giảm trừ là cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng) của đối tượng nộp thuế. Riêng đối với nhóm người phụ thuộc là anh, chị, em ruột, ông, bà nội, ông, bà ngoại, cô, dì, cậu, chú, bác, cháu ruộtcủa đối tượng nộp thuế và người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật nếu ngoài độ tuổi lao động phải thoản mãn 2 điều kiện là không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức quy định của Chính phủ và người nộp thuế đang trực tiếp nuôi dưỡng; nếu trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời 3 điều kiện: bị tàn tật, không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá mức quy định và người nộp thuế đang trực tiếp nuôi dưỡng thì mới được tính giảm trừ gia cảnh.