Số phận ngân hàng TMCP Quốc Dân (VNCB)

PPK

Member
Hội viên mới
NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB. Vietcombank tham gia quản trị và điều hành VNCB.

Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo chính thức cho biết, ngày 31/01/2015, Đại hội đồng cổ đông bất thường Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) đã được tổ chức tại Hội trường Thống nhất - Ủy ban nhân dân tỉnh Long An.


Nội dung của Đại hội là để thông báo công khai về kết quả kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực và vốn điều lệ của Ngân hàng và thông qua Phương án bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.


Đại hội đồng cổ đông quyết nghị không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định.


Căn cứ Luật Các TCTD, Quyết định số 48/2013/QĐ-NHNN ngày 01/8/2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông VNCB , Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần.


Theo đó, NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB.


Với việc NHNN nắm quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ và Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) tham gia quản trị, điều hành VNCB, theo NHNN thì VNCB có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thành công phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn.


NHNN khẳng định, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNCB sẽ tiếp tục được đảm bảo theo quy định của pháp luật.


www.cafef.vn
 
Luật sư nói gì về quyền lợi cổ đông trong vụ NHNN mua lại toàn bộ cổ phần VNCB giá 0 đồng?

Tóm tắt:


Theo luật sư Trương Thanh Đức:


- Chưa thấy cơ sở pháp lý nào khẳng định rằng, giá thị trường của cổ phần VNCB là bằng 0.


- Đã đến nước này rồi, thì chẳng còn lý do gì mà không công bố toàn bộ số liệu tài chính của Ngân hàng Xây dựng


- Xét theo khía cạnh khác, thì việc cổ đông bỗng chốc bị trắng tay là điều rất không thoả đáng


- Nếu có ngân hàng khác cũng trong tình trạng tương tự thì có tiếp tục bị xử lý như vậy hay không?


- Điều an ủi duy nhất đối với cổ đông có lẽ là công chúng gửi tiền không bị thiệt hại vì sự sụp đổ của ngân hàng mình


truong-thanh-duc-1423034408715.png



Sự kiện đáng chú ý nhất trong giới tài chính ngân hàng hiện nay có lẽ là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần. Sở dĩ sự kiện này thu hút sự quan tâm của nhiều người là do đây là trường hợp quốc hữu hóa ngân hàng đầu tiên của của Việt Nam.


Xoay quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Trương Thanh Đức – Người có nhiều năm kinh nghiệm theo dõi ngành ngân hàng.


Ông đánh giá như thế nào về trường hợp quốc hữu hóa ngân hàng đầu tiên này của Việt Nam?


Đúng là việc này hoàn toàn giống với việc việc quốc hữu hoá ngân hàng như quy định tại Điều 25 , Hiến pháp năm 1980 “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những cơ sở kinh tế của địa chủ phong kiến và tư sản mại bản đều bị quốc hữu hoá không bồi thường”. Tuy nhiên, về pháp lý, thì lại không thể gọi đây là việc quốc hữu hoá, vì Hiến pháp năm 1992 trước đây cũng như Điều 51 Hiến pháp năm 2013 đã quy định “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.” Tức là chế độ ta đã từ bỏ hẳn hình thức quốc hữu hoá.


Việc này cũng không phải là hình thức trưng thu tài sản, vì việc trưng thu cũng chỉ có trong Hiến pháp năm 1980, mà không có trong 2 bản Hiến pháp gần đây. Theo quy định tại Điều 32 của Hiến pháp hiện hành, thì “Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”. Trường hợp này, nếu gọi là trưng thu, thì phải mua theo giá thị trường. Chưa thấy cơ sở pháp lý nào khẳng định rằng, giá thị trưởng của cổ phần VNCB là bằng 0.


Điều 149 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: Ngân hàng Nhà nước có quyền “mua lại đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, nếu chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn.” Tuy nhiên, chỉ có 2 cách mua lại . Nếu như mua lại toàn bộ tài sản của VNCB với giá 0 đồng, thì 551 cổ đông vẫn còn nguyên là cổ đông của ngân hàng. Còn nếu muốn loại bỏ 551 cổ đông, thì phải mua lại toàn bộ số cổ phần thuộc quyền sở hữu của tất cả cổ đông, chứ không thể mua từ ngân hàng.


Nhiều người đang muốn có câu trả lời rõ ràng về con số lỗ cụ thể của ngân hàng này là bao nhiêu để từ đó có lý giải thỏa đáng về việc quốc hữu hóa này, ông nghĩ sao về ý kiến này?


Rất cần phải xác định rõ rằng, việc xử lý VNCB là theo quy định nào của pháp luật. Và dù xử lý theo bất kỳ quy định nào, thì đồng thời cũng phải xác định cụ thể con số lỗ là bao nhiêu, trong đó do trích lập dự phòng ở mức nào. Đã đến nước này rồi, thì chẳng còn lý do gì mà không công bố.


Có ý kiến cho rằng, việc NHNN quốc hữu hóa VNCB đồng nghĩa các cổ đông "trắng tay", còn ý kiến của ông thế nào?


Việc này xét trên các khía cạnh khác nhau thì sẽ dẫn đến kết quả khác nhau. Nếu tính toán theo đúng quy định, do phải trích dự phòng quá nhiều, tức hạch toán vào chi phí quá cao so với thu nhập, thì kết quả sẽ lỗ và mất hết vốn, thậm chí là âm vốn. Như vậy thì đúng là giá trị vốn cổ phần của cổ đông là bằng không.


Tuy nhiên xét theo khía cạnh khác, thì việc cổ đông bỗng chốc không còn nghĩa vụ và quyền lợi gì là điều rất không thoả đáng. Trên thực tế trong nước cũng như thế giới, đã từng có rất nhiều doanh nghiệp và ngân hàng lỗ lớn quá mức vốn điều lệ, đứng trên bờ vực phá sản, nhưng sau đó vẫn phục hồi trở lại.


Đặc biệt, khi lỗ là do nguyên nhân phải trích lập dự phòng, thì không hoàn toàn giống như trường hợp lỗ do thu không đủ chi. Theo quy định, thì khả năng thu hồi nợ luôntỷ lệ nghịch với con số chi phí đã trích lập dự phòng, tức trích dự phòng càng cao, thì khả năng thu hồi nợ càng thấp.


Tuy nhiên, điều này có thể lại khác với thực tế. Ví dụ có khoản nợ đã trích lập dự phòng 50%, tức là coi như khả năng mất vốn là 50%. Nhưng sau đó có thể mất toàn bộ vốn, không thu hồi được đồng nào. Ngược lại, có khoản nợ đã trích lập dự phòng 100%, tức là coi như khả năng mất vốn là 100%. Tuy nhiên, sau đó vẫn có thể thu hồi được toàn bộ số vốn, thậm chí cả tiền lãi.


Ông có nghĩ rằng việc NHNN mua lại toàn bộ cổ phần của VNCB lần này với giá 0 đồng sẽ tạo tiền lệ nào đó trên thị trường hay không?


Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì một ngân hàng chỉ có thể bị phá sản, giải thể hay bị hợp nhất, sáp nhập, nếu không còn đủ điều kiện để tồn tại và hoạt động. Nhưng trường hợp này, thì VNCB vẫn tiếp tục tồn tại là một pháp nhân độc lập, chỉ thay đổi chủ sở hữu từ 551 cổ đông thành một chủ sở hữu là Ngân hàng Nhà nước.


Trong khi đó, không có quy định nào của pháp luật cho phép chuyển đổi một công ty cổ phần thành công ty TNHH 1 thành viên. Cũng không thể giải thích được rằng, tại sao một ngân hàng thương mại lại có thể chuyển đổi sang một hình thức khác để tiếp tục duy trì hoạt động với số vốn điều lệ bằng 0 hoặc là âm trong khi vốn thực có tối thiếu phải là 3.000 tỷ đồng?


Và vấn đề nữa phải đặt ra là còn một số ngân hàng khác cũng trong tình trạng âm vốn tương tự thì có tiếp tục bị xử lý như vậy hay không.


Qua sự việc lần này, ông có lưu ý gì với các nhà đầu tư nhất là những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng?


Cổ đông VNCB nói riêng, nhà đầu tư nói chung bị sốc nặng trước tình huống này. Công ty thua lỗ, thì vốn cổ phần của cổ đông đương nhiên là bị suy giảm giá trị, thậm chí là mất trắng (nhưng không bao giờ mất quá số vốn cổ phần đã góp). Đó là điều tất yếu đối với các công ty hoạt động trong nền kinh tế thị trườngmà xưa nay đã xảy ra không ít.


Tuy nhiên, cổ đông ngân hàng tự dưng mất trắng chỉ trong nháy mắt thì là điều chưa từng có và không bao giờ có thể nghĩ đến. Đối với họ, thì điều này còn kinh khủng hơn nhiều so với việc ngân hàng bị phá sản . Vì dù ngân hàng có bị phá sản, thì cũng phải giải quyết qua nhiều năm tháng và người ta vẫn có quyền hy vọng vớt vát được một phần vốn thông qua việc thu hồi các khoản tiền từ tín dụng, đầu tư, nợ nần khác và xử lý tài sản của ngân hàng.


Điều an ủi duy nhất đối với cổ đông có lẽ là công chúng gửi tiền không bị thiệt hại vì sự sụp đổ của ngân hàng mình.


Xin cảm ơn ông!


www.cafef.vn
 
Ngân hàng sẽ hoạt động như nào với vốn 0 đồng nhỉ? KHông biết có phải là quốc hữu hóa không? Vì bây giờ đang giai đoạn cổ phần hóa các DN nhà nước, mà việc này theo chiều hướng ngược lại. ôi, rốiiiiiiiiiiiiiiiii
 
Ngay cả LS Trương Thanh Đức còn chưa dám khẳng định là cướp mà ông dám khẳng định hả Mr Luan ?

Ôn cũng ta gan hỉ ?
 
Phim dài nhiều tập về hệ thống ngân hàng, sẽ chiếu dài dài từ giờ đến cuối năm, đảm bảo có nhiều pha gay cấn .
Vì ai còn ai mất đã được định đoạt, nên bao nhiêu mưu mô chước quỷ sẽ được tung ra hòng cứu vãn tình thế, rồi đây sẽ da ngựa bọc thây, máu nhuộm sa trường .

Haiz!!! Chỉ mong nó xảy ra nhanh chừng nào thì tốt chừng đó.
 
Tình trạng hệ thống tài chính như thế này suy cho cùng cũng do cách điều hành nền tài chính trên cấp độ vĩ mô thôi . Con tắc kè nằm trong khóm lá xanh thi nó phải xanh, nằm trong thân cây xám thì nó xám . Chỉ khổ cho những CEO ngân hàng , các vị chủ tịch , cổ đông ngân hàng thôi
 
Chủ tịch, cổ đông ngân hàng ... các ông là ai ??? Là chủ hay chỉ là người gác đền ???
 
hehe

Phần lớn là kẽ gác đền và là con chốt thí
 
Chủ thật sự đứng trong bóng tối , phía sau bức màn nhung quyền lực . Ít có ai biết ngay cả anh và em anh Hùng ạ

hehe
 
Xử lý VNCB là tiền lệ thế nào?
VnEconomy đã tham vấn quan điểm 6 lãnh đạo cao cấp ở các ngân hàng thương mại...

Một tuần sau sự kiện Ngân hàng Nhà nước tuyên bố mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng/cổ phần, thị trường vẫn chưa thể định hình một hướng nhìn thống nhất.

Lần đầu tiên Việt Nam mới có trường hợp xử lý như vậy. Một tiền lệ đặc biệt! Cũng vì là lần đầu tiên, nên càng cần có nhiều phân tích, soi chiếu để đúc kết về một bài học kinh nghiệm, một luật chơi trong kinh doanh, cũng như một ứng xử của nhà quản lý.

Nói không quá, có thể xem đây là một “bước tiến hóa đặc biệt” trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.

Một tiền lệ chưa rõ ràng

Thế nhưng, cho đến nay, ngoài thông cáo vẻn vẹn trong một trang giấy của Ngân hàng Nhà nước, không có thêm những thông tin công bố chính thống cần thiết để nhìn nhận một cách đầy đủ về tiền lệ này.

Diễn biến phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường của VNCB cũng không được thông tin trên báo chí, dù đây là một ngân hàng đại chúng, có trên 500 cổ đông.

Nhưng những điều đó không giới hạn các góc nhìn. Với các cổ đông của VNCB, đây là tiền lệ khắc nghiệt. Với người ngoài cuộc, một số quan điểm xem là một tiền lệ chưa rõ ràng.

VnEconomy đã tham vấn quan điểm 6 lãnh đạo cao cấp ở các ngân hàng thương mại. Đó là 6 góc nhìn bước đầu khác nhau. Nói là bước đầu, bởi lần đầu tiên có tình huống xử lý như vậy, mà lại thiếu các thông tin nội tại cần thiết để định hình.

3/6 lãnh đạo nói trên đều có ý rằng, họ chưa kịp định hình và chưa nghiên cứu sự kiện này. Nhưng có một số điểm còn băn khoăn.

Thứ nhất, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại cổ phần VNCB với giá 0 đồng nên xem là “quốc hữu hóa”, hay đơn giản chỉ là thay đổi cổ đông/nhà đầu tư?

“Nói quốc hữu hóa giống như một sự cưỡng đoạt nào đó. Tôi cho nói vậy không hợp lý. Bởi vì ở đây nhà nước chắc chắn chẳng muốn sở hữu ông ấy (VNCB - PV), càng không muốn cưỡng đoạt, mà là một giải pháp quyết liệt và cực chẳng đã mà thôi. Còn nếu xem là thay đổi cổ đông hay nhà đầu tư thì nó lại chuyên nghiệp, mức giá 0 đồng càng chuyên nghiệp, vì đã cho thấy một sự trả giá, ghi nhận thực tế khốc liệt của thị trường đối với cách làm yếu kém hoặc làm sai”, lãnh đạo ngân hàng có băn khoăn trên nói.

Ngoài sự chuyên nghiệp và sự trả giá theo quan điểm trên, mức giá 0 đồng có lẽ cũng cần được chú ý ở một điểm khác: chi phí nhà nước và trách nhiệm liên quan. Nếu có mức giá hơn 0 đồng, vốn/tài sảnnhà nước cho việc xử lý này đã hình thành…

Vậy, thứ hai, nếu xem đó là thay đổi cổ đông/nhà đầu tư, thì VNCB cần được xem là loại hình doanh nghiệp nào? Câu hỏi này trở nên rộng vì không còn riêng ở VNCB nữa.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng băn khoăn, khi ông chưa biết cơ chế pháp lý để chuyển đổi như thế nào một công ty đại chúng thành chỉ còn duy nhất 1 cổ đông (ở đây là Ngân hàng Nhà nước), hay thành công ty TNHH một thành viên. Từ trước đến nay mới chỉ có các thực tế chuyển đổi ngược lại.

Thứ ba, sau mua - bán, trở thành chủ sở hữu, Ngân hàng Nhà nước sẽ kế thừa toàn bộ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của VNCB như thế nào?

Câu hỏi trên có lẽ hẳn các chủ nợ, các đối tác quan tâm hơn cả. Còn lãnh đạo ngân hàng đưa ra câu hỏi trên chỉ khẳng định rằng: “Có một điểm tối thượng mà Ngân hàng Nhà nước kế thừa, phải nhảy vào xử lý như vậy, là đảm bảo an toàn cho người gửi tiền, củng cố niềm tin của họ vào hệ thống”.

Đi trước một bước

Cũng ở khía cạnh bảo vệ người gửi tiền, việc xử lý VNCB được phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại đánh giá là tối ưu, khi Ngân hàng Nhà nước đã thành công ở việc kiểm soát các tác động.

“Việc xử lý này là êm. Thị trường và dư luận không có xáo trộn gì nhiều. Điều này cũng có thể thấy ở việc xử lý ở Ngân hàng Đại Dương vừa qua. Với người làm ngân hàng và cả cấp quản lý ở trên, niềm tin và củng cố niềm tin người gửi tiền là quan trọng nhất”, vị phó tổng trên nhìn nhận.

Ở khía cạnh này, Ngân hàng Nhà nước đã đi trước một bước, làm “mềm hóa” các tác động bất lợi trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ba năm qua, trong đó luôn đề cao thông điệp bảo vệ lợi ích người gửi tiền. Nhưng một phần, nói đủ hơn, tâm lý thị trường cũng đã quen với những sự vụ không hay trong hệ thống.

Nếu những năm trước, như cuối 2011, sự kiện VNCB xẩy ra hẳn người gửi tiền đã “xao xuyến” hơn. Cũng ở thời điểm đó, vì sao Ngân hàng Nhà nước không xử lý ngay từ gốc là Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) trước khi đổi tên thành VNBC và thay đổi cổ đông lớn?

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng trả lời rằng, thời điểm đó, hệ thống ở bên bờ vực đổ vỡ thanh khoản, họ không có nhiều lựa chọn cũng như nguồn lực còn hạn chế. Khi đó, an toàn hệ thống được ưu tiên hàng đầu, làm sao để kiểm soát các bất ổn cục bộ trước để từng bước xử lý sau.

Đến nay, an toàn hệ thống đã được củng cố, nguồn lực và nhất là cơ sở pháp lý đã sẵn sàng, Ngân hàng Nhà nước đã có thể vào cuộc mạnh tay hơn.

Ở đây, hành lang pháp lý cũng đã đi trước một bước. Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã dự liệu trước tình huống (cũng có thể là thực trạng), để định cơ chế cho phép Ngân hàng Nhà nước được mua lại bắt buộc ngân hàng thương mại, là một biện pháp xử lý và bảo đảm an toàn hệ thống. Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về sau (năm 2013) là bước cụ thể hóa cơ chế. Và nay, bốn năm sau, VNCB chính thức tạo tiền lệ.

Về khía cạnh pháp lý, một lãnh đạo ngân hàng thương mại nêu quan điểm khi trao đổi với VnEconomy: “Cũng như tham gia giao thông, xe anh cứ chạy đi. Nhưng khi chạy sai làn, sai tốc độ, xe không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và gây tai nạn, tôi thu hồi xe anh”.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Chiếc xe phải được sửa chữa, đại tu để tiếp tục lưu thông vì ở đây chưa thể bỏ đi được. Và khi Ngân hàng Nhà nước đã chọn giải pháp quyết liệt, tự mình đứng ra “đại tu”, có thể VNCB sẽ không chỉ là chiếc xe duy nhất…


www.vneconomy.vn
 
Thôi, e ko ngứa mồm nói linh tịnh lỡ lại đi tù :D
 
Ông Cao Sĩ Kiêm: Để xảy ra tình trạng như VNCB thì NHNN cũng có một phần trách nhiệm

TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng nhu cầu muốn công khai minh bạch về báo cáo tài chính của ngân hàng VNCB của người dân là hoàn toàn chính đáng. Nhà đầu tư có quyền được biết vì sao số tiền của họ lại bị mất và mất như thế nào.

cao-sy-kiem-1423111085964.jpg

Tóm tắt:


- Cổ đông đã xác định đầu tư thì phải tuân theo nguyên tắc thị trường là “lời ăn lỗ chịu”

- Nhu cầu muốn công khai minh bạch về báo cáo tài chính của ngân hàng VNCB của người dân là hoàn toàn chính đáng

- Để xảy ra tình trạng như VNCB thì NHNN cũng có một phần trách nhiệm

Đây là chia sẻ của TS. Cao Sĩ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với chúng tôi khi nói về việc NHNN vừa có quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng/cổ phần.


NHNN vừa có quyết định mua lại toàn bộ cổ phần của VNCB với giá 0 đồng, ông đánh giá như thế nào về biện pháp xử lý ngân hàng yếu kém này của NHNN?


Tôi cho rằng, quyết định này của NHNN là thể hiện tinh thần hội nhập, trách nhiệm của NHNN với các ngân hàng kinh doanh không hiệu quả, buộc phải tái cơ cấu. Ngân hàng VNCB được NHNN mua lại với giá 0 đồng vì ngân hàng này đã mất hết vốn, việc mua lại chỉ là hành động lấy lại thương hiệu thay vì cho phá sản.


Tuy nhiên, nhiều người đang tỏ ra băn khoăn vì quyền lợi của các cổ đông bỗng chốc chở thành “trắng tay”?


Cổ đông đã xác định đầu tư thì phải tuân theo nguyên tắc thị trường là “lời ăn lỗ chịu”. Người được đảm bảo quyền lợi duy nhất ở chỉ là những người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng VNCB mà thôi.


Mới đây đã có ý kiến nói rằng "Không phải chịu trách nhiệm hình sự là may mắn với các cổ đông VNCB", ông nghĩ sao?


Việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng đối với những cá nhân phạm pháp, còn đối với những cá nhân đặc biệt là những cá nhân nhỏ lẻ thì không có lý gì để làm như thế với họ. Trong bối cảnh như hiện nay, nói như thế sẽ khiến nhiều người dễ tự ái.


Việc NHNN mua lại ngân hàng VNCB với giá 0 đồng/cổ phần có lẽ đã không còn là câu chuyện riêng của VNCB và các cổ đông của ngân hàng này mà nó đã trở thành vấn đề quan tâm của tất cả giới đầu tư. Ông có cho rằng để tránh những hiểu lầm NHNN nên công bố rõ ràng về số tiền lỗ của VNCB không?


Tôi cho rằng nhu cầu muốn công khai minh bạch về báo cáo tài chính của ngân hàng VNCB của người dân là hoàn toàn chính đáng. Với một ngân hàng hay doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán thì sẽ công khai minh bạch được báo cáo tài chính của mình nhưng đối với những ngân hàng chưa niêm yết, đặc biệt là những trường hợp như ngân hàng VNCB thì để các nhà đầu tư tiếp cận được báo cáo tài chính cũng không hề dễ dàng.


Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trường hợp các cổ đông của ngân hàng VNCB lần này là bỗng chốc trở thành trắng tay chứ không phải là lỗ 1 -2 quý đơn thuần, do đó họ phải có quyền được biết tại sao số tiền của mình đầu tư lại bị mất và mất như thế nào.


Ngân hàng VNCB là trường hợp đầu tiên bị quốc hữu hóa ở Việt Nam, từ vụ việc này ông nhìn thấy điều gì ở thị trường tài chính ngân hàng hiện nay?


Trước hết phải nói đến vấn đề ở ngân hàng VNCB, một số người làm lãnh đạo của ngân hàng này có ý đồ *******, chụp giật ngay từ đầu thông qua hình thức chuyển đổi cổ phiếu tinh vi, dùng tiền ảo để đầu tư vào cổ phiếu dẫn đến những tác động xấu đến hệ thống cũng như xã hội.


Thứ hai, những quy định và thực hiện pháp luật chưa nghiêm đã dẫn đến hậu quả như bây giờ. Vụ việc này cũng phần nào đó làm mất lòng tin của một bộ phận khách hàng với ngân hàng.


Thứ ba, NHNN cũng có trách nhiệm trong việc giám sát quản lý ngân hàng VNCB. Đúng ra, khi có những dấu hiệu rủi ro (như kinh doanh lỗ, không nộp thuế, kiểm toán...) NHNN đã phải có cảnh báo tuy nhiên việc giám sát quản lý không tốt nên những sai phạm của ngân hàng khi đến mức quá nghiêm trọng, không thể kiểm soát.


Tóm lại, dẫn đến hệ quả như ngân hàng VNCB hiện nay có một phần trách nhiệm quản lý của NHNN.


Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, thông tin của ngân hàng không phải lúc nào cũng công khai được vì làm như thế sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống, thưa ông?


Có thể không để thông tin đó ra ngoài nhưng là cơ quan quản lý NHNN phải nắm được tình hình và có phương án khắc phục ngay. Trong trường hợp không khắc phục được phải công khai với công chúng và đưa ra các giải pháp như ngừng hoạt động sáp nhập hoặc giải thể...


Theo ông bức tranh về các ngân hàng của Việt Nam hiện nay có nhiều “hiện tượng” như ngân hàng VNCB hay không?


Tôi cho rằng, trong ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay hiện tượng như ngân hàng VNBC là có nhưng trường hợp này có lẽ ít thôi. Và tôi cũng cho rằng, việc chọn giải pháp mua lại VNCB của NHNN là việc làm bất đắc dĩ. Các giải pháp sáp nhập ngân hàng lớn “cõng” ngân hàng nhỏ có lẽ vẫn là giải pháp được NHNN ưu tiên.


www.cafef.vn
 
Quốc hữu hóa VNCB – ném chuột không để vỡ bình

Tóm tắt

- Lý do quốc hữu hóa VNCB được cho là VNCB đã mất sạch vốn chủ sở hữu do hoạt động yếu kém và không tự tái cơ cấu được

-Tháng 8 năm ngoái Vietcombank đã được giao tham gia tái cơ cấu VNCB, nhưng hành động quốc hữu hóa cho thấy dường như Vietcombank không thể đảm nhận tốt vai trò hỗ trợ

- NHNN không tham gia quản trị trực tiếp VNCB có thể do thiếu nguồn nhân lực tài chính mạnh

- NHNN không để VNCB phá sản vì lý do bảo vệ người gửi tiền

- VNCB nếu bị cho phá sản sẽ là một tiền lệ để dân chúng thấy rằng những ngân hàng yếu kém khác cũng có thể theo vết xe đổ đó

- Quốc hữu hóa ngân hàng có vấn đề không phải là hiếm trên thế giới, vì nó là một giải pháp có hiệu quả tức thì trong việc ổn định tâm lý thị trường và ngăn chặn cơn hoảng loạn đổ xô rút tiền


PMN.jpg

TS. Phan Minh Ngọc


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá bằng 0 đồng/cổ phần. Như vậy, VNCB đã bị quốc hữu hóa, và NHNN đại diện cho Nhà nước Việt Nam trở thành chủ sở hữu hoàn toàn VNCB (100% vốn điều lệ), chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của ngân hàng này.


Lý do sâu xa đằng sau việc quốc hữu hóa này có lẽ nằm ở chỗ VNCB được cho là đã mất sạch vốn chủ sở hữu do kết quả hoạt động yếu kém và không có khả năng tự tái cấu để tồn tại và đáp ứng được các tiêu chuẩn hoạt động an toàn trong ngành.


NHNN cũng tuyên bố rằng khi họ nắm quyền sở hữu toàn bộ, và Vietcombank tham gia quản trị, điều hành VNCB, thì ngân hàng này sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thành công phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn.


Tuy nhiên, cần nhớ lại rằng hồi tháng 8 năm ngoái, cũng chính Vietcombank đã được NHNN giao tham gia tái cơ cấu VNCB theo đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt, với tư cách là đầu mối hỗ trợ toàn diện, từ tài chính cho đến nhân lực, cho ngân hàng này. Vậy hành động quốc hữu hóa của NHNN với VNCB lần này cho thấy dường như một mình Vietcombank đã không thể đảm nhận tốt được vai trò hỗ trợ này.


Lý do có thể là VNCB là một “ca” quá nặng, và hậu quả do nó gây ra sẽ là quá lớn với một ngân hàng tuy lớn như Vietcombank nhưng lại là một ngân hàng cổ phần, không chỉ có nhà nước là cổ đông, nên không thể tự do hành động theo chỉ đạo của NHNN. Và vì NHNN với tư cách là chủ sở hữu mới của VNCB, nhưng không cử người tham gia điều hành, quản trị VNCB, nên có thể suy ra thêm rằng nguyên nhân làm VNCB, rồi VNCB với sự tham gia của Vietcombank, đã và vẫn thất bại trong việc tái cơ cấu và vực dậy VNCB là do thiếu trầm trọng một nguồn lực tài chính mạnh, là cái mà NHNN – chủ sở hữu mới – có thể cung cấp một cách dồi dào theo nhu cầu.


Lật ngược lại vấn đề, tại sao NHNN không để VNCB phá sản, theo chủ trương đã được cả Thủ tướng từng tuyên bố rõ, để vừa trừng phạt cổ đông các ngân hàng yếu kém, vừa chấm dứt được một sự mặc định bấy lâu nay rằng cứ làm ẩu cũng không sao vì nhà nước rốt cuộc sẽ cứu vớt?


Một trong những khúc mắc chính là chuyện đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Theo quy định hiện hành về chi trả bảo hiểm tiền gửi ban hàn từ năm 2005, khi một ngân hàng phá sản thì người gửi tiền chỉ được bồi thường ở mức tối đa là 50 triệu đồng bất kể gửi bao nhiêu tiền. Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng mức bảo hiểm tối đa này là quá ít, gây thiệt hại lớn cho không ít người gửi tiền khi VNCB bị cho phá sản.


Quan trọng hơn, VNCB nếu bị cho phá sản sẽ là một tiền lệ để dân chúng thấy rằng những ngân hàng yếu kém khác cũng có thể theo vết xe đổ đó, để rồi một nỗi sợ hãi mang tính dây chuyền sẽ được kích hoạt trong cộng đồng những người đang gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và thúc giục họ đổ xô rút tiền ra sớm để bảo toàn tài sản của mình. Nếu không kiểm soát kịp thời thì nạn dịch đổ xô rút tiền sẽ lây lan rộng, kéo theo nhiều ngân hàng khác vốn đang khỏe mạnh cũng lâm vào khủng hoảng thanh khoản, đe dọa đến tính ổn định của toàn hệ thống ngân hàng.



Do đó, trong chừng mực luật lệ hiện hành về bảo hiểm tiền gửi chưa được sửa đổi và cho đến nay ở Việt Nam chưa từng có một tiền lệ công khai về việc cho ngân hàng phá sản, giải pháp đỡ xấu hơn là NHNN đứng ra quốc hữu hóa VNCB, để nó tiếp tục tồn tại dưới cái bóng của NHNN làm yên tâm người gửi tiền. Quốc hữu hóa cũng còn là một cách trừng phạt các cổ đông của những ngân hàng yếu kém một cách hòa bình mà không sợ “ném chuyện vỡ bình” như trong trường hợp để cho chúng phá sản. Trong trường hợp VNCB, cổ đông của ngân hàng này trở nên tay trắng ngay sau hành động tuyên bố mua lại VNCB với giá 0 đồng của NHNN, và cả hệ thống vẫn hầu như không bị ảnh hưởng gì.

Cần lưu ý rằng giải pháp quốc hữu hóa ngân hàng có vấn đề không phải là hiếm trên thế giới, vì nó là một giải pháp có hiệu quả tức thì trong việc ổn định tâm lý thị trường và ngăn chặn cơn hoảng loạn đổ xô rút tiền của dân chúng. Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, chính phủ Anh đã phải mua lại ngân hàng Northen Rock, Bradford & Bingley và Royal Bank of Scotland. Cũng thời gian này, Mỹ đã thực hiện một chương trình mua lại các tài sản và cổ phần của các ngân hàng có vấn đề ở nước này với trị giá ban đầu tới 700 tỷ USD. Sau một thời gian khá ngắn, phần lớn những ngân hàng có vấn đề này đã hồi phục và mua lại cổ phần của họ do chính phủ Mỹ nắm giữ, và chính phủ Mỹ cũng đã thu được lợi nhuận từ những thương vụ này.


Tuy vậy, đương nhiên phí tổn của việc quốc hữu hóa này là tổn thất tiền thuế của dân chúng góp để nuôi những “con nợ”, là những ngân hàng có vấn đề này, trong đó có VNCB. Nếu may mắn thì các ngân hàng này sẽ có một ngày nào đó phục hồi lại được sức khỏe và làm ra lãi để trả nợ lại NHNN, dưới hình thức NHNN bán lại những ngân hàng này cho các nhà đầu tư – các cổ đông mới – thu về một khoản lãi như trong trường hợp của Mỹ. Còn nếu không may mắn thì có lẽ NHNN sẽ để chúng “tan biến” vào các ngân hàng khác với cái giá như cho không, còn hơn là để chúng tồn tại như một cái gai trong hệ thống ngân hàng.


TS. PHAN MINH NGỌC


www.cafef.vn
 
"Cần lưu ý rằng giải pháp quốc hữu hóa ngân hàng có vấn đề không phải là hiếm trên thế giới, vì nó là một giải pháp có hiệu quả tức thì trong việc ổn định tâm lý thị trường và ngăn chặn cơn hoảng loạn đổ xô rút tiền của dân chúng. Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, chính phủ Anh đã phải mua lại ngân hàng Northen Rock, Bradford & Bingley và Royal Bank of Scotland. Cũng thời gian này, Mỹ đã thực hiện một chương trình mua lại các tài sản và cổ phần của các ngân hàng có vấn đề ở nước này với trị giá ban đầu tới 700 tỷ USD. Sau một thời gian khá ngắn, phần lớn những ngân hàng có vấn đề này đã hồi phục và mua lại cổ phần của họ do chính phủ Mỹ nắm giữ, và chính phủ Mỹ cũng đã thu được lợi nhuận từ những thương vụ này."

"Nếu may mắn thì các ngân hàng này sẽ có một ngày nào đó phục hồi lại được sức khỏe và làm ra lãi để trả nợ lại NHNN, dưới hình thức NHNN bán lại những ngân hàng này cho các nhà đầu tư – các cổ đông mới – thu về một khoản lãi như trong trường hợp của Mỹ. "

@PPK, thực ra tôi rất ít khi đọc báo kiểu này, vì họ viết cũng như không viết, hay nói trắng ra là họ coi người đọc như lũ ngốc .


 
"Cần lưu ý rằng giải pháp quốc hữu hóa ngân hàng có vấn đề không phải là hiếm trên thế giới, vì nó là một giải pháp có hiệu quả tức thì trong việc ổn định tâm lý thị trường và ngăn chặn cơn hoảng loạn đổ xô rút tiền của dân chúng. Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, chính phủ Anh đã phải mua lại ngân hàng Northen Rock, Bradford & Bingley và Royal Bank of Scotland. Cũng thời gian này, Mỹ đã thực hiện một chương trình mua lại các tài sản và cổ phần của các ngân hàng có vấn đề ở nước này với trị giá ban đầu tới 700 tỷ USD. Sau một thời gian khá ngắn, phần lớn những ngân hàng có vấn đề này đã hồi phục và mua lại cổ phần của họ do chính phủ Mỹ nắm giữ, và chính phủ Mỹ cũng đã thu được lợi nhuận từ những thương vụ này."

"Nếu may mắn thì các ngân hàng này sẽ có một ngày nào đó phục hồi lại được sức khỏe và làm ra lãi để trả nợ lại NHNN, dưới hình thức NHNN bán lại những ngân hàng này cho các nhà đầu tư – các cổ đông mới – thu về một khoản lãi như trong trường hợp của Mỹ. "

@PPK, thực ra tôi rất ít khi đọc báo kiểu này, vì họ viết cũng như không viết, hay nói trắng ra là họ coi người đọc như lũ ngốc .


Thường thì nhà báo viết bài đã bị kiểm duyệt hết rồi . Hơn nữa họ không thể viết theo đúng những gì họ được đào tạo và viết từ đúng suy nghĩ của họ đâu anh ạ

Cho nên theo em thì mình cũng chẳng nên tin vào báo chí lắm đâu anh Hùng ơi
 
@PPK, kẻ sỹ khả sát bất khả nhục , chẳng thà đừng nói, nói những điều không đúng hay hùa theo những điều sai trái thì càng đáng khinh hơn.
 
@PPK, kẻ sỹ khả sát bất khả nhục , chẳng thà đừng nói, nói những điều không đúng hay hùa theo những điều sai trái thì càng đáng khinh hơn.

Khổ nổi nổi thời buổi này chong đèn tìm đỏ mắt chẳng tìm đâu ra kẽ sĩ phải không anh?
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top