Để sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình trong Đảng một cách có hiệu quả theo Hồ Chí Minh trước hết phải nhận thức đúng vấn đề. Theo Người: “Nhân vô thập toàn” nghĩa là con người thì ai cũng khó tránh khỏi sai lầm khuyết điểm; càng đảm nhiệm nhiều công việc thì càng dễ có sai lầm khuyết điểm nhiều hơn. Điều quan trọng là ở chổ có có dám tìm ra khuyết điểm để sữa chữa hay không. Theo Bác: “Một Đảng mà dấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sữa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Thế nhưng vì là một vấn đề khó nên tiến hành tự phê bình và phê bình cần nắm vững những nguyên tắc cơ bản, thể hiện tính Đảng, tính giáo dục, tính khách quan trung thực, thẳng thắn, dân chủ, đồng bộ sau đây:
1. Tự phê bình và phê bình phải nhằm mục đích để giúp nhau tiến bộ nên động cơ phải trong sáng, dựa trên “tình đồng chí thương yêu nhau”; không vì phê bình mà công kích áp đặt khuyết điểm cho nhau. Khi phê bình người khác không được xoi mói “bới lông, tìm vết” để tìm cơ hội “hạ bệ’ lẫn nhau; “tránh công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”. Thực hành tự phê bình và phê bình phải dân chủ, không mệnh lệnh, áp đặt.
2. Tự phê bình và phê bình phải có thái độ kiên quyết không khoan nhượng. Hồ Chí Minh cho rằng: “Tự phê bình và sữa chữa có khi dễ, nhưng có khi cũng khó khăn, đau đớn vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác. Đó là một cuộc đấu tranh”. Vì thế thực hiện tự phê bình và phê bình phải “Ráo riết, triệt để”, đúng mức, thật thà không nể nang, không thêm bớt. Thực hành tự phê bình và phê bình mà làm hời hợt, quanh co, chiếu lệ sai đúng không rõ ràng sẽ tạo môi trường cho khuyết điểm tồn tại và phát triển nặng thêm. Bởi vậy phải có thái độ khen chê đúng mức thì mới giúp cho người có khuyết điểm sữa chữa; đồng thời có ý nghĩa giúp người khác thấy đó mà đề phòng, tránh gặp khuyết điểm tương tự. Khuyết điểm sớm được sữa chữa sẽ dễ hơn khi để trở thành căn bệnh trầm kha. Vì Người cho rằng: “Người mắc khuyết điểm hôm nay, ngày mai chưa chắc đã mắc khuyết điểm. Người hôm nay chưa mắc khuyết điểm chưa chắc ngày mai cũng không mắc khuyết điểm”.
3. Tự phê bình và phê bình muốn có hiệu quả tốt cần có phương pháp tốt. Tự phê bình và phê bình phải “biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sữa chữa”. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành trong tổ chức, chứ không phải gặp đâu nói đó. Người đứng đầu phải rất công minh, tạo được chỗ dựa tin cậy, khơi dậy được không khí dân chủ, thẳng thắn để ai cũng có thể nói rõ chính kiến của mình, không phải “thậm thà, thậm thụt” “ngồi lê mách lẻo”, “việc bé xé ra to” là nguyên nhân của sự mất đoàn kết.
4. Tự phê bình và phê bình phải có thái độ chân tình cầu thị, nói đúng ưu điểm và khuyết điểm, phê bình phải đúng lúc, có hoàn cảnh thích hợp; phải biết lắng nghe và chờ đợi đồng chí tiếp thu để tránh việc làm cho người bị phê bình “nản chí, oán ghét”. Vì làm như vậy theo Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng khác “bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta thì ai cũng chán”.
Những tư tưởng quan trọng của Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trên đây, dù không có gì khó hiểu; nhưng với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và làm theo sự thật” như tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã đề ra, thì việc nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình sẽ vô cùng có ý nghĩa trong việc triển khai Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”./.
Theo Trần Quang Trung/ baohtinh.vn
Tâm Trang (st)