Ðề: Cựu binh dân kế toán
Mặt trận hậu phương của cựu chiến binh thời bình
(Theo
CAND )
Dũng cảm ở chiến trường, sáng tạo trong lao động
Nếu như trong chiến tranh, họ được biết đến với khí phách anh dũng, kiên cường, không chịu khuất phục trước bất cứ hoàn cảnh nào thì trong thời bình, cùng việc giữ vững phẩm chất ấy, các cựu chiến binh còn thể hiện tính gương mẫu, chịu khó trong lao động và nhiệt tình trong văn hoá, thể thao… Một trong những lĩnh vực được đại hội lần này ghi nhận là vai trò của các cựu chiến binh tham gia xoá đói giảm nghèo, giúp đỡ gia đình khó khăn, neo đơn, hỗ trợ, tạo việc làm cho lao động ngay tại địa phương.
Bà Lưu Ngọc Nguyên (Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh Tổng Cổ, Yên Đĩnh, Bắc Cạn) lãnh đạo chi hội xoá đói giảm nghèo, giúp đỡ hàng chục gia đình vượt khó bằng đồng vốn các cựu chiến binh quyên góp. Ông Nguyễn Cảnh Hưng (xã Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam) vượt khó vươn lên làm giàu bằng nghề cây đá cảnh, thu nhập bình quân 350 triệu đồng/năm. Có được vốn, ông giúp đỡ nhiều lao động tại địa phương, mức lương ổn định từ 1,5-2,4 triệu đồng/tháng/người và sử dụng số tiền cho hoạt động từ thiện gần 300 triệu đồng.
Ở vùng đất khô cằn đá sỏi như Bình Sơn, Quảng Ngãi, cựu binh Phạm Trung Tường biết tận dụng lợi thế phát triển mô hình trồng rừng với các loại cây thích hợp, mở kinh tế trang trại chăn nuôi, thu lãi 30 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho cho 70 hộ gia đình dân tộc Kor.
Xưa phá bom cảm tử, nay quản lý doanh nghiệp
Hết 5 năm quân ngũ (1971-1976), chị Hoàng Thị Tâm (xã Yên Thịnh, Chợ Đồn, Bắc Cạn) tiếp tục học sư phạm, sau giảng dạy tại Trường THCS Bản Thi. Nay nghỉ hưu tại địa phương, nữ cựu binh một thời vẫn năng động với mô hình kinh tế VAC. Từ năm 2003, bà cùng chồng lập Công ty TNHH Tiến Thắng với ngành nghề mộc gia dụng, giải quyết việc làm hơn 20 lao động và hỗ trợ kinh phí cho các gia đình nghèo trong xã. Lớn lên trong bối cảnh giặc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, 15 tuổi, cô gái Trần Tú Bình (Hạ Long, Quảng Ninh) nhiều lần viết đơn bằng máu tình nguyện ra chiến trường nhưng do chưa đủ tuổi, khát vọng đó bị gác. Chị lại tình nguyện tham gia đội cảm tử làm nhiệm vụ dò tìm và phá bom nổ chậm...Giờ quản lý tới hai doanh nghiệp tại Quảng Ninh, nữ cựu binh này chứng tỏ sự năng động trong phát triển kinh tế không hề kém cạnh phẩm chất kiên cường khi tham gia đội quân cảm tử trong chiến tranh.
Như cây xà nu…
Công an và cựu chiến binh tham gia tuần tra bảo vệ an ninh - trật tự. Ở lĩnh vực khác: Bảo vệ an ninh - trật tự, những cựu binh cũng khẳng định bằng kinh nghiệm và sự nhiệt tình. Nhiều người biết đến ông Trương Thiện Thành (Hội Cựu chiến binh Hải quan, tỉnh Đồng Nai) không chỉ những tấm huân, huy chương nhận được trong kháng chiến mà bởi thành tích đặc biệt ấn tượng trong thời bình, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Người cựu binh này được ghi nhận với cương vị lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch và vai trò nòng cốt trong chống buôn lậu, gian lận thương mại… Với Hội Cựu chiến binh phường Phúc Thành (Ninh Bình), mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội có hiệu quả được Trung ương Hội ghi nhận, nhất là việc phối hợp với Công an sở tại giáo dục thanh, thiếu niên hư, giáo dục, quản lý những người từng có một thời lầm lỗi, tái hoà nhập cộng đồng…
Đến từ cao nguyên, bà Nguyễn Thị Phúc (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Vê, Chư Prông, Gia Lai) được ghi nhận với hoạt động xây dựng hội từ yếu thành mạnh, đặc biệt trong vai trò kiên quyết đấu tranh với các hành vi gây mất trật tự của kẻ xấu, ngăn chặn kích động, dụ dỗ bà con. Người phụ nữ xứ cà phê cũng thể hiện sự khéo léo trong cảm hoá những người từng nghe và làm theo kẻ xấu để họ ăn năn hối cải trở lại địa phương chăm lo lao động, sản xuất, cùng bà con tuyên truyền chính sách pháp luật. Với Y Grang Mê (hội viên Hội Cựu chiến binh xã Cư Mta, M'Đrắc, Đắc Lắc), thể hiện khí phách như hình tượng cây xà nu vững chãi miền đất đỏ khi kiên quyết tẩy chay các luận điệu, hành vi tuyên truyền, kích động của đối tượng xấu. Cùng việc xây dựng các hoạt động văn hoá, già Mê vận động đồng bào không nghe, không tin, không làm theo đối tượng xấu và chủ động phát hiện, đấu tranh, không để chúng có đất hoạt động.
Đi vào thực tế ngăn chặn tệ nạn xã hội, quá nhiều thách thức đòi hỏi sự kiên trì. Ông Giàng A Vàng, dân tộc Mông (xã Xà Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái) - từng giao lưu trên Đài Tiếng nói Việt Nam, kể về chuyện vận động người dân xoá bỏ ma tuý ở địa bàn nóng bỏng. Hội Cựu chiến binh phối hợp với Công an xã mở nhiều đợt tuyên truyền cho bà con về tác hại của thuốc phiện, ký cam kết không trồng, không hút, nhất là vào thời gian chuẩn bị đến mùa gieo hạt... Dần dần, những ruộng thuốc phiện đã được thay bằng những nương đậu tương kết hợp với chăn nuôi trâu, bò, cuộc sống của bà con từng bước ổn định, phát triển.