Các bạn kế toán, kiểm toán đã đọc vụ án này chưa?
http://www.google.com.vn/search?hl=vi&q="trần+ngọc+sương"&meta=&aq=f&oq=
Bạn là dân kế toán kiểm toán, theo bạn, với các ý kiến của tòa án, của luật sư và của bị cáo, cần có chứng từ gì làm căn cứ để đưa ra / bảo vệ ý kiến đó ?!
Xét xử vụ “quỹ đen” tại Nông trường sông Hậu:
“Trích quỹ tập thể mua nhà cho giám đốc cũng là phải đạo”
(Dân trí) - Ngày thứ 2 xét xử vụ lập “quỹ đen” tại Nông trường sông Hậu, bị cáo Trần Ngọc Sương đã trả lời HĐXX như vậy khi được hỏi về số tiền hơn 246 triệu đồng từ quỹ tập thể được dùng để mua ngôi nhà số 22 Đinh Tiên Hoàng (TP Cần Thơ).
>> Xét xử vụ “quỹ đen” tại Nông trường sông Hậu
Tiếp tục phần xét hỏi, HĐXX tập trung làm rõ số tiền hơn 246 triệu mà Trương Hồng Nhung (nguyên Phó giám đốc) chủ động duyệt chi mua nhà cho bà Sương và những khoản tiền mà Nhung duyệt chi mua quà sinh nhật, quà tết, trả lương kiêm nhiệm.
Bị cáo Sương tại ngày xét xử thứ hai.
Trả lời HĐXX về vấn đề này, bị cáo Sương nói đó là tình cảm của anh em trong nông trường khi thấy giám đốc không có nhà ở. Nông trường đã từng trích quỹ tập thể mua nhà cho hàng trăm cán bộ nhân viên thì việc mua nhà cho giám đốc cũng là phải đạo.
Về số tiền bán lô đất mua từ nguồn quỹ công đoàn từ năm 1994 với giá 850 triệu đồng do Đỗ Đức Thành (giám đốc xí nghiệp cơ khí xây dựng - NTSH) và Vũ Ngọc Chữ (trưởng phòng tổ chức hành chánh) cùng đứng tên, bà Sương đã dùng số tiền này chuyển đổi sang 50.000 USD để trả cho Trần Lang (Việt kiều Pháp) mà trước đó bà Sương đã trực tiếp vay để trả lương cho nhân viên nông trường coi như đây là tiền túi giám đốc.
HĐXX hỏi tại sao không xuất xuất quỹ nông trường trả lương cho nhân viên? bị cáo Sương trả lời: do lúc đó nông trường đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, để bảo vệ uy tín của nông trường với cương vị là giám đốc nên tôi đi vay mượn nhiều nơi để trả lương cho công nhân.
Về việc lập quỹ công đoàn trái phép, ông Nguyễn Xuân Quỹ (nguyên phó giám đốc, kiêm chủ tịch công đoàn) với tư cách người làm chứng tại tòa cho rằng mình không phải là người trực tiếp điều hành quỹ và cũng không được kế toán báo cáo việc thu chi quỹ này.
Khi HĐXX hỏi về việc mua nhà cho bà Sương ở 22 Đinh Tiên Hoàng, ông Quỹ nói rằng mình hối hận vì đã trực tiếp đề nghị và ký vào biên bản khống chi tiền mua nhà cho bị cáo Sương.
Phần chất vấn của HĐXX với các bị cáo trở nên “nóng bỏng” khi luật sư Nguyễn Trường Thành (người bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Sương) nêu vấn đề: đây là phiên tòa xét xử những việc làm cũ trong cơ chế mới. Vì thế luật sư Thành kiến nghị HĐXX cần xem xét kĩ những tình tiết trong cáo trạng để có nhận định thỏa đáng trước khi bản án được tuyên.
Ngày mai 13/8 phiên tòa tiếp tục phần chất vấn.
Tham khảo thêm:Nguyên giám đốc Nông trường sông Hậu lãnh 8 năm tù
Hội đồng xét xử nhận định bị cáo Trần Ngọc Sương cùng “cộng sự” đã thu tóm cho mình một khoản tiền lớn chỉ để mua nhà riêng, tiệc tùng, đi nước ngoài và trả lương… cho người đã chết, gây thiệt hại trên 4,5 tỷ đồng cho nhà nước.
Hôm nay, TAND huyện Cờ Đỏ ( TP Cần Thơ) đã tuyên phạt Trần Ngọc Sương (60 tuổi, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu) mức án 8 năm tù, Trương Hồng Nhung (55 tuổi, nguyên Phó giám đốc) 6 năm tù, Đặng Thế Quốc Hưng (44 tuổi, nguyên Kế toán trưởng) 4 năm tù, Nguyễn Văn Sơn (48 tuổi, nguyên thủ quỹ) 3 năm tù và Hoàng Thị Bình (52 tuổi, nguyên kế toán) 18 tháng tù (nhưng cho hưởng án treo) cùng về tội “lập quỹ trái phép”.
Nguyên giám đốc Nông trường sông Hậu (người đầu tiên từ trái qua) cùng các bị cáo đứng nghe HĐXX tuyên án. Ảnh: Hoàng Giang.
Ngoài ra, HĐXX cũng buộc các bị cáo nộp lại số tiền đã thu lợi bất chính. Toà cũng đề nghị VKS khởi tố điều tra thêm về hành vi “tham ô tài sản” của bị cáo Sương, làm rõ hành vi của bà này dùng khoản tiền hơn 1,1 tỷ đồng để mua 6,5 ha đất tại Sóc Trăng và việc bán đất mua từ nguồn quỹ công đoàn cho một số người khác để tiêu xài cá nhân.
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2001 đến cuối năm 2007, với vai trò là giám đốc Nông trường Sông Hậu (NTSH), bị cáo Sương đã chỉ đạo Nhung thành lập nguồn quỹ riêng bằng cách để ngoài sổ sách kế toán một số khoản thu của NTSH. Cụ thể, bà Sương đã “lệnh” cho cấp dưới bán 4 lô đất của NTSH để lấy tiền nhập vào “quỹ đen”. Chưa dừng lại ở đó, bà giám đốc tiếp tục chỉ đạo Nhung, Hưng, Sơn, Bình mang các khoản thu từ tiền bán bạch đàn, cho thuê đất, thu quản lý công trình điện nông thôn... với số tiền hơn 8,4 tỷ đồng để nhập vào quỹ này.
Đặc biệt, bà giám đốc này còn tự ý ký duyệt chi lương kiêm nhiệm cho cha đẻ là ông Trần Ngọc Hoằng (nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu, đã chết từ tháng 7/2000) hơn 254 triệu đồng và cho ông Nguyễn Quang Lâm (đã chết từ tháng 7/2001) 72 triệu đồng. Theo kết luận giám định tài chính, hành vi lập quỹ trái phép, chi tiêu tùy tiện xảy ra tại NTSH đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước với số tiền trên 4,5 tỷ đồng.
Tại toà, luật sư Nguyễn Trường Thành (người bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Sương) cho rằng, việc đưa vụ án ra xét xử đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Bởi lẽ, ngay từ giai đoạn điều tra, khởi tố cho đến khi đưa vụ án ra xét xử hội đồng giám định tài chính đã không thực sự khách quan, không đúng theo trình tự pháp luật trong khi làm việc. Thực tế, tại phiên tòa, bị cáo và cả luật sư tham gia bào chữa cũng đã đề nghị trưng cầu giám định lại số tiền thiệt hại trong vụ án nhưng HĐXX không chấp nhận.
Cũng theo ông Thành, trong vụ án này, nguyên đơn dân sự là ông Trần Lư Đình Vũ (đại diện quyền lợi hợp pháp cho NTSH) đã không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong quá trình điều tra và khi vụ án đã truy tố. Cho đến khi vụ án đưa ra xét xử phía nguyên đơn dân sự mới có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại theo kết luận của cơ quan điều tra là điều không hợp lý. Ngoài ra, vị luật sư cũng cho rằng, hành vi của các bị cáo nặng nhất chỉ cũng ở mức xử phạt hành chính, không cần đưa ra truy tố và xét xử về tội “lập quỹ trái phép” với khung hình phạt quá cao.
Còn theo luật Nguyễn Văn Đức (cũng bảo vệ quyền lợi cho bà Sương), khoản tiền hơn 246 triệu mà bị cáo Sương bỏ ra mua căn nhà số 22 Đinh Tiên Hoàng là từ nguồn quỹ công công đoàn. Bị cáo là người có công nên việc được giải quyết mua nhà ở là hoàn toàn hợp lý. Về số tiền chi hơn 2,2 tỷ đồng cho những chuyến đi công tác nước ngoài, đây không phải là nguồn quỹ do bị cáo Sương đứng ra sáng lập mà có từ thời giám đốc trước (ông Trần Ngọc Hoằng, cha của Sương).
“Vậy việc bà Sương sử dụng nguồn quỹ này đi công tác nước ngoài là trái phép hay không? Thiệt hại là bao nhiêu? Tại sao HĐXX không triệu tập hội đồng giám định tài chính để đối chất? Phải chăng có việc giám định viên đã không thật sự vô tư và khách quan trong việc giám định số tiền này?”, luật sư Đức nói.
Phát biểu trước tòa bà Sương cho rằng, rất đau xót vì nhiều cán bộ khác cũng làm sai nhưng tội lỗi chỉ một mình bà gánh chịu. “Nếu HĐXX chứng minh được hành vi phạm tội, tôi sẽ một mình gánh lấy tất cả. Nhưng nếu toà cố tình quy kết phạm tội mà không thể chứng minh được, vụ án không được làm sáng tỏ thì tôi sẽ tự sát”, bị cáo Sương bức xúc.
Tranh luận trực tiếp, đại diện VKS chỉ kết luận: “Nếu VKS truy tố oan sai sẽ chịu trách nhiệm”.
Sau phiên toà, bị cáo Trần Ngọc Sương cho biết sẽ tiếp tục làm đơn kháng cáo vì phiên tòa không công bằng, nhiều quyền lợi của bị cáo chưa được HĐXX xem xét và giải quyết.
Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Phap-luat/2009/08/3BA12698/
http://www.google.com.vn/search?hl=vi&q="trần+ngọc+sương"&meta=&aq=f&oq=
Bạn là dân kế toán kiểm toán, theo bạn, với các ý kiến của tòa án, của luật sư và của bị cáo, cần có chứng từ gì làm căn cứ để đưa ra / bảo vệ ý kiến đó ?!
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: