Thị trường chứng khoán hiện vẫn đang ở thời điểm khó khăn
Chính việc các quy định pháp luật hiện hành có sự khác biệt trong cách hiểu thế nào là chứng khoán, dẫn đến một số vướng mắc trong quá trình áp dụng trong thực tế.
Cùng với sự phát triển về thị trường chứng khoán tại Việt Nam, pháp luật về chứng khoán đã được ban hành để tạo ra hành lang pháp lý, mà điểm mốc là việc ban hành Luật Chứng khoán năm 2006. Ngoài ra, nhằm tập hợp các quy định rải rác trước đó, pháp luật thuế thu nhập cá nhân đã chính thức quy định việc thu thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”) từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng cổ phần trong Luật Thuế TNCN năm 2007, Nghị định số 100/NĐ-CP ngày 08/09/2008 (“Nghị định 100”) và Thông tư số 84/TT-BTC ngày 30/09/2008 (“Thông tư 84”).
CP trong công ty CP có phải là chứng khoán
Theo quy định tại Nghị định 100 và Thông tư 84 thì chứng khoán gồm: chứng khoán niêm yết; chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết và chứng khoán của các đơn vị không thuộc hai trường hợp nêu trên. Cũng theo các văn bản này thì việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần nằm ở cả hai nội dung là chuyển nhượng chứng khoán hoặc chuyển nhượng phần vốn góp. Tuy nhiên, các văn bản này không làm rõ việc cổ phần trong trường hợp nào được xem là chứng khoán và trường hợp nào được xem là vốn góp. Trong khi đó, chính sách thuế TNCN của cá nhân cư trú áp dụng cho giao dịch chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng vốn hiện tại là tương đối khác nhau. Theo đó, nếu là “chuyển nhượng vốn” thì thuế TNCN là 20% trên lợi nhuận còn nếu xem là “chuyển nhượng chứng khoán” thì cá nhân chuyển nhượng chỉ được áp dụng cách tính thuế 20% trên lợi nhuận nếu đã đăng ký phương thức đóng thuế theo biểu thuế toàn phần với mức thuế suất 20% với cơ quan thuế trong năm trước năm giao dịch xảy ra, nếu không đăng ký thì áp dụng thuế suất 0,1% trên giá trị giao dịch.
Giải quyết bằng văn bản dưới luật – Vẫn vướng
Để giải quyết vướng mắc này, ngày 02/6/2010 Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 19109/TCT-TNCN giải thích về chính sách thuế TNCN (“Công văn 1919”). Theo đó, Tổng cục Thuế cho rằng để cổ phần được xem là chứng khoán thì có hai điều kiện: công ty cổ phần phải chia vốn điều lệ thành các phần bằng nhau và cổ phần đã được ghi nhận trong sổ kế toán hoặc công ty cổ phần đã phát hành cổ phiếu cho số cổ phần đó. Công văn 1919 được ban hành căn cứ theo các quy định về công ty cổ phần trong Luật Doanh nghiệp 2005 và quan trọng là đã vận dụng đúng theo định nghĩa về chứng khoán trong Điều 6.1 của Luật Chứng khoán, cụ thể: “Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các loại sau đây: a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; b) Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán v.v. Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành”.
Tuy nhiên, ngày 20/9/2010 Bộ Tài chính ban hành công văn số 12501/BTC-CST hướng dẫn về chính sách thuế đối với hoạt động chuyển nhượng cổ phần trong các công ty cổ phần (“Công văn 12501”). Theo đây, Bộ Tài chính cho rằng chỉ chuyển nhượng cổ phần trong công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán mới được xem là chuyển nhượng chứng khoán, các trường hợp còn lại được xem là chuyển nhượng vốn. Quan điểm này khác biệt so với quan điểm của Tổng Cục thuế như đã nêu trên. Hơn nữa, Công văn 12501 chỉ nêu chung là căn cứ theo Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán mà không viện dẫn được căn cứ pháp lý cụ thể, cũng như không làm rõ định nghĩa về chứng khoán như Điều 6.1 trên. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng xác định nghĩa vụ nộp thuế TNCN trước ngày ban hành Công văn này mà trái với hướng dẫn trên thì cũng không phải điều chỉnh lại. Điều này phần nào cho thấy sự thiếu nhất quán trong cách nhìn nhận cũng như giải pháp tình thế của Bộ Tài chính.
Những hệ luỵ trong chuyển nhượng cổ phần
Khi quy định pháp luật không rõ, hoặc có khác biệt doanh nhân có quyền tần dụng phương án tối ưu đúng với trường hợp của mình
Sự thiếu nhất quán trong giải thích chính sách thuế nói trên của các cơ quan thuế - tài chính cũng có thể gây ra những hệ luỵ lớn cho các cá nhân chuyển nhượng cổ phần. Đơn cử, nhà đầu tư A chuyển nhượng một số lượng cổ phiếu có giá trị là 50 triệu đồng trong Công ty cổ phần X cho Nhà đầu tư B với giá 100 triệu đồng. Công ty cổ phần X chưa phải công ty đại chúng nhưng vốn điều lệ đã được chia thành các phần bằng nhau và cổ phần đã được xác nhận bằng việc phát hành cổ phiếu.
Nếu xem chuyển nhượng này là chuyển nhượng chứng khoán, nhà đầu tư A có thể đóng thuế TNCN với mức thuế suất 20% trên lợi nhuận trên tổng các giao dịch trong năm dương lịch (phương pháp 1) nếu A đã đăng ký phương thức đóng thuế theo biểu thuế toàn phần với mức thuế suất 20% với cơ quan thuế trong năm trước năm giao dịch xảy ra hoặc 0,1% trên giá giao dịch (phương pháp 2) nếu chưa đăng ký, cụ thể:
Phương pháp 1:
Số thuế A phải đóng = 20% x lợi nhuận = 20% x (giá bán – giá mua + chi phí) = 20% x (100 triệu – 50 triệu + (giả định chi phí bằng 0)) = 10 VND
hoặc
Phương pháp 2:
Số thuế A phải đóng = 0,1% x giá chuyển nhượng = 0,1% x 100 triệu = 100 nghìn VND.
Tuy nhiên, nếu xem đây là chuyển nhượng vốn thì nhà đầu tư A phải đóng thuế TNCN theo phương pháp 1 nêu trên, tức là phải đóng 10 triệu đồng.
Nguyên tắc giải thích luật
Xét tính nhất quán của việc ban hành và hướng dẫn áp dụng các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này, chúng tôi cho rằng việc hiểu thế nào là chuyển nhượng chứng khoán thì phải tuân theo định nghĩa tại Điều 6.1 của Luật Chứng khoán bởi lẽ như đã đề cập thì pháp luật về thuế hiện chưa có quy định nào làm rõ nội dung này.
Trường hợp cơ quan thuế có thay đổi chính sách tận thu thuế liên quan đến hoạt động chuyển nhượng cổ phẩn, về mặt logic cần thiết phải giải quyết các vấn đề mang tính kỹ thuật lập pháp trước. Cụ thể, cần sửa đổi quy định của Thông tư số 84 để xác định rõ cách hiểu về chứng khoán trong lĩnh vực thuế TNCN hoặc điều chỉnh quy định tại Điều 6.1 trên cho nhất quán về mặt chính sách thuế. Khi việc điều chỉnh nêu trên chưa được thực hiện thì hướng dẫn nêu tại Công văn 12501 chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Thực trạng hiện nay là chúng ta tiếp tục sử dụng hệ thống “công văn” để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội - pháp luật quan trọng và đặc biệt là trong lĩnh vực thuế không những gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động hoạch định kinh doanh của doanh dân, những người nộp thuế. Nhà nước cần phương án để phát huy vai trò giải thích pháp luật của cơ quan lập pháp, như Quốc hội, tạo cơ chế thẩm tra tính pháp lý của các văn bản hướng dẫn chính sách theo dạng công văn, cũng như xác định trách nhiệm của đơn vị đã ban hành văn bản không phù hợp với quy định pháp luật.
LS Châu Huy Quang, Vũ Thanh Minh
(LCT Lawyers)