Thông tin khuyến cáo các sai phạm về thuế thường gặp của doanh nghiệp

CleverCFO

Member
Administrator
Hội viên mới
I. Doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, nông sản, thủy sản

1. Đối với thuế GTGT

- Doanh nghiệp có nhập khẩu nhưng không khai báo (bỏ ngoài sổ sách) hoặc khai báo ít ở khâu kinh doanh thương mại nhằm mục đích trốn thuế GTGT.

- Nhận nhập khẩu ủy thác cho cá nhân là người nước ngoài, không phải là thương nhân nhằm mục đích trốn thuế.

- Trên một số tờ khai HQ không ghi tên DN Uỷ thác, không có hợp đồng ủy thác nên ấn định thuế GTGT theo hàng tự doanh công ty.

- Hủy hóa đơn đầu ra không có biên bản hủy, hoặc không ghi lý do.

- Kê khai sai thuế suất đối với hàng hóa bán ra; Thực hiện chương trình khuyến mại chưa đăng ký, hàng hóa dùng làm hàng mẫu nhưng không đăng ký.

- Không phân bổ thuế GTGT đầu vào tương ứng với doanh thu không chịu thuế.

- Kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào các hóa đơn không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh; thuế GTGT đầu vào phục vụ hàng không chịu thuế; kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào 2 lần (trùng); thuế GTGT đầu vào hóa đơn tiền điện mang tên cá nhân; thuế GTGT đầu vào không có đủ hóa đơn, chứng từ.

2. Đối với thuế TNDN

- Doanh nghiệp có nhập khẩu nhưng không khai báo (bỏ ngoài sổ sách) hoặc khai báo ít ở khâu kinh doanh thương mại nhằm mục đích trốn thuế TNDN.

- Nhận nhập khẩu ủy thác cho cá nhân là người nước ngoài, không phải là thương nhân nhằm mục đích trốn thuế TNDN.

- Trên một số tờ khai HQ không ghi tên DN Uỷ thác, không có hợp đồng ủy thác nên ấn định thuế TNDN theo hàng tự doanh công ty.

- Hủy hóa đơn đầu ra không có biên bản hủy, hoặc không ghi lý do.

- Khấu hao TSCĐ không phục vụ sản xuất kinh doanh, chi lương không có hợp đồng lao động; trích khấu khao vượt mức quy định.

- Chi lương và chi phí tài chính không có chứng từ; chi tiền lương không đúng theo hợp đồng lao động; chi phí tiền lương cao hơn bảng lương chi trả, khoản thưởng không quy định trong hợp đồng.

- Hóa đơn mua của đơn vị bỏ trốn; sử dụng hóa đơn vận chuyển bất hợp pháp; thanh toán bằng tiền mặt các hóa đơn mua vào trên 20 triệu; tăng doanh thu do hủy hóa đơn không có liên 2; hóa đơn mang tên cá nhân; chi phí không có đủ hóa đơn, chứng từ.

- Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới vượt quá mức quy định.

- Hạch toán chi phí lãi vay không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Kê khai chi phí không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Ghi nhận doanh thu và chi phí chưa kịp thời; phân bổ chi phí mua hàng không tương ứng giá trị hàng hóa xuất bán.

- Chi phí trang phục hoặc tiền cơm trưa vượt mức qui định.

- Kê khai sai chênh lệch tỷ giá.

- Trích dự phòng không đúng quy định.

- Chi phí nguyên vật liệu hao hụt không đúng quy định.

- Chi phí có tính chất phúc lợi vượt quá 01 tháng lương thực hiện.

- Chi phí phạt chậm nộp thuế đưa vào chi phí.

- Chi phí bán hàng đối với chi bù giá hàng tồn kho theo hình thức chi tiền mặt không đúng quy định.

- Chi phí khác đối với chi phí kiểm kê hàng thiếu (mất hàng).

- Các chi phí lương nhân viên không đầy đủ chứng từ hợp pháp.

3. Đối với thuế TNCN

- Không khai thuế TNCN đầu tư vốn; lãi vay cá nhân; chi hoa hồng cho cá nhân.

- Kê khai thiếu thuế TNCN của thu nhập nhân viên đại lý

4. Đối với thuế Thuế nhà thầu

- Chưa kê khai đầy đủ thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài đối với chi phí liên quan đến nhà thầu.

II. Doanh nghiệp hoạt động xây dựng & bất động sản

1. Hành vi sử dụng phương pháp thời điểm để thực hiện lách thuế không đúng pháp luật

- Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không lập hóa đơn, khai thuế GTGT, tạm nộp thuế TNDN số tiền tạm thu tiền theo tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng.

- Doanh nghiệp hoạt động xây dựng không lập hóa đơn, hoặc lập hóa đơn không đúng thời điểm phát sinh doanh thu nhằm mục đích chờ hợp thức hóa chứng từ đầu vào để giảm số thuế phải nộp.

- Chủ đầu tư yêu cầu doanh nghiệp hoạt động xây dựng xuất hóa đơn theo số tiền tạm ứng để khai khấu trừ thuế GTGT không đúng quy định.

- Xác định doanh thu không đúng thời điểm bàn giao bất động sản đưa vào sử dụng; đã bàn giao bất động sản nhưng không xuất hóa đơn, để kéo dài khi hoàn thành toàn bộ dự án mới xuất hóa đơn và hạch toán; không lập hóa đơn đối với số tiền khách hàng chưa thanh toán, nhưng đã bàn giao bất động sản; trường hợp hợp đồng tách ra phần giao nhà thô riêng và phần hoàn thiện riêng thì không lập hóa đơn phần nhà thô khi bàn giao mà chờ khi hoàn thiện xong mới lập hóa đơn một lần.

Tất cả các hành vi nêu trên cơ quan thuế xử lý theo quy định của pháp luật thuế, pháp luật hóa đơn & pháp luật quản lý thuế.

2. Hành vi sử dụng phương pháp phương pháp chuyển đổi để thực hiện lách thuế không đúng pháp luật.

Doanh nghiệp nhượng bất động sản cho cá nhân với giá thấp hơn giá thị trường (nộp thuế 20% trên lợi nhuận) và sau đó cá nhân bán lại cho nhà đầu tư với giá thị trường (nộp thuế 2% trên giá bán).

Hành vi nêu trên cơ quan thuế xử lý ấn định theo quy định của Luật quản lý thuế.

3. Hành vi sử dụng phương pháp chuyển lợi nhuận để thực hiện không đúng pháp luật

- Doanh nghiệp thực hiện các giao dịch không theo giá thị trường trong một chuỗi doanh nghiệp thuộc trường hợp giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 5 nghị định 20/2017/NĐ-CP, hoặc thuộc trường hợp giao dịch với các bên có liên quan theo quy định tại Khoản 17, Điều 4 Luật DN 68/2014/QH13, hoặc thuộc trường hợp do một cá nhân, nhóm cá nhân điều hành nhưng để cho người thân đứng tên về pháp lý với mục tiêu:

+ Chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp áp dụng thuế suất thuế TNDN phổ thông sang doanh nghiệp áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi, hoặc ưu đãi miễn giảm thuế TNDN;

+ Chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp lãi sang doanh nghiệp lỗ nhằm làm giảm thuế TNDN phải nộp;

- Trong một chuỗi doanh nghiệp được thành lập có phát sinh giao dịch cho vay tiền; tuy nhiên đối với doanh nghiệp đi vay là doanh nghiệp thực hiện dự án bất động sản thì chi phí lãi vay được vốn hóa và được tính vào chi phí để xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong nhiều năm sau (dự án hoàn thành và phát sinh doanh thu), trong khi đó thu nhập tài chính từ hoạt động cho vay của doanh nghiệp cho vay thì phải kê khai, nộp thuế TNDN ngay trong năm. Từ sự khác biệt nhau về thời điểm xác định doanh thu tính thuế TNDN của bên cho vay và thời điểm tính vào chi phí được trừ của bên đi vay nên doanh nghiệp đã sử dụng phương pháp chuyển lợi nhuận (chuyển lợi nhuận từ bên cho vay sang bên đi vay) để lách thuế.

Ví dụ: Trong một chuỗi doanh nghiệp được thành lập, doanh nghiệp A làm chủ yếu thực hiện hoạt động đầu tư tài chính ký hợp đồng cho doanh nghiệp B (thực hiện dự án bất động sản với thời gian là 3 năm) vay 1.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, hoặc cho mượn tiền không tính lãi với mục đích chuyển lợi nhuận (thu nhập từ hoạt động cho vay) từ doanh nghiệp A sang doanh nghiệp B để kéo dài thời gian nộp thuế và trong thời gian kéo dài doanh nghiệp sử dụng nhiều giải pháp khác để nâng chi phí và trốn thuế.

Căn cứ Điểm e Khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai bị ấn định thuế trong trường hợp: "Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hoá, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường"; thì cơ quan thuế ấn định số tiền lãi cho vay với lãi suất 0% hoặc không tính lãi theo mức lãi suất tương đương trên thị trường tại cùng thời điểm.

* Cần phân biệt giữa hợp đồng mượn tiền và hợp đồng vay tiền như sau: Căn cứ các Điều 105, Điều 463, Điều 464, Điều 494, Điều 495 thì "hợp đồng cho mượn tiền không tính lãi" thông thường về bản chất là hợp đồng vay tiền không tính lãi, bởi lẻ thông thường theo thỏa thuận thì quyền sở hữu đối với khoản tiền đó sẽ thuộc về người vay và khi đến hạn trả, người vay chỉ phải trả một khoản tiền đúng bằng số tiền đã vay (có thể có lãi hoặc không trả lãi theo thỏa thuận) mà không phải là đúng những tờ tiền đã vay (đúng số sơ-ri, năm sản xuất...). Nếu là mượn tiền thì quyền sở hữu với số tiền đó sẽ không thay đổi và khi đến hạn trả, người mượn phải trả lại cho người cho mượn đúng những tờ tiền mà mình đã mượn, bao gồm đúng năm sản xuất, số sơ-ri... đúng tình trạng của tài sản.

4. Hành vi gian lận thuế.

- Tổ chức, cá nhân thành lập một chuỗi doanh nghiệp để nâng khống chi phí và số thuế GTGT khấu trừ từ các nhà thầu phụ, nhà thầu chính, doanh nghiệp làm dự án và trong đó có một nhà thầu phụ sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

- Doanh nghiệp hoạt động xây dựng “khoán trắng” là các đội thi công không có tư cách pháp nhân, thực hiện thi công công trình, để nhận đủ số tiền giao khoán, các đội thi công phải hợp thức hóa chứng từ thanh toán bằng phương thức sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để hợp thức hóa cho số tiền thực nhận; lập khống các chứng từ thanh toán lương lao động thời vụ để hợp thức hóa cho số tiền thực nhận.

Tất cả các hành vi nêu trên cơ quan thuế xử lý theo quy định của pháp luật thuế, pháp luật hóa đơn & pháp luật quản lý thuế.

5. Hành vi hạch toán sai pháp luật kế toán dẫn đến kê khai sai chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

- Hạch toán chi phí liên quan trực tiếp hợp đồng xây dựng đang thi công dở dang vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ; hoặc hạch toán chi phí không liên quan đến hoạt động của hợp đồng xây dựng vào chi phí của hợp đồng xây dựng; không đúng theo quy định tại Đoạn 16 Chuẩn mực kế toán số 15. Ví dụ: hạch toán chi phí thiết kế, chi phí bảo hiểm công trình vào chi phí bán hàng, chi phí quản lý; hoặc hạch toán chi phí lãi vay thi công công trình, chi phí nghiên cứu, triển khai mà hợp đồng không quy định khách hàng phải trả cho nhà thầu vào tài khoản 154 là không phù hợp quy định tại Đoạn 16 Chuẩn mực kế toán số 15.

- Hạch toán chi phí hợp đồng xây dựng không tương ứng với phần công việc đã hoàn thành (chi phí không tương ứng với doanh thu); không phù hợp với quy định tại Đoạn 22 Chuẩn mực kế toán số 15.

- Hạch toán vốn hóa chi phí lãi vay trong trường hợp quá trình đầu tư xây dựng TSCĐ bị gián đoạn, trừ khi sự gián đoạn đó là cần thiết không phù hợp với quy định tại Đoạn 10 chuẩn mực kế toán số 16. Ví dụ: doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong quá trình thi công dự án phải tạm dừng thi công do khó khăn về tài chính nhưng vẫn vốn hóa chi phí lãi vay.

- Hạch toán chi phí hao hụt, tổn thất, tháo dỡ vào giá vốn thành phẩm (bất động sản) không phù hợp với quy định tại Đoạn 11 Chuẩn mực kế toán số 02. Ví dụ: doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong quá trình thi công dự án phải thay đổi thiết kế căn hộ từ 100 m2 (đã xây phần thô) thành căn hộ 60m2; từ đó phải đập bỏ phần diện tích theo thiết kế 100 m2, nhưng doanh nghiệp hạch toán toàn bộ các tổn thất này vào giá gốc hàng tồn kho (TK 154 - CP SXDD dự án BĐS) và tính vào giá vốn hàng bán tương ứng với doanh thu khi công trình hoàn thành và bàn giao BĐS cho khách hàng là không phù hợp (theo quy định Đoạn 11 Chuẩn mực kế toán số 02 thì không được tính vào giá gốc hàng tồn kho mà hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh ngay tại thời điểm phát sinh CP tháo dỡ, đập bỏ).

Tất cả các hành vi nêu trên cơ quan thuế xử lý theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật kế toán.

6. Hành vi kê khai thuế sai quy định:

- Không khai doanh thu chuyển nhượng quyền sử dụng đất (giá đất được trừ) vào tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT và không phân bổ thuế GTGT đầu vào dùng chung cho hàng hóa, dịch vụ chịu và không chịu thuế GTGT đầu ra.

- Xác định giá đất được trừ và xác định giá tính thuế GTGT không đúng quy định như: xác định giá đất được trừ bao gồm cả giá đền bù đất nông nghiệp ngoài phương án do cơ quan chức năng phê duyệt; giá thỏa thuận ngoài phần giá đất nông nghiệp nhận chuyển nhượng theo hợp đồng chuyển nhượng, thuế thu nhập cá nhân nộp thay không có quy định trong hợp đồng.

- Kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với những hóa đơn thi công xây dựng được lập theo số tiền tạm ứng.

- Tính giá thành thành phẩm bất động sản hoàn thành bàn giao không phù

hợp:

+ Không phân bổ hoặc phân bổ không đầy đủ chi phí phát sinh dự án cho phần diện tích không chuyển nhượng được sử dụng vào hoạt động kinh doanh khác như: phần diện tích hình thành bất động sản đầu tư cho thuê, bất động sản chủ sở hữu,...

+ Phân bổ chi phí chung sử dụng cho dự án (chi phí đường giao thông nội bộ; khuôn viên cây xanh; chi phí đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước; trạm biến thế điện; chi phí bồi thường về tài sản trên đất; ...) cho phần dự án đã hoàn thành từng phần không phù hợp theo tiêu thức diện tích.

+ Tạm trích trước chi phí chung cho phần dự án đã hoàn thành từng phần không phù hợp. Ví dụ như chuyển nhượng các căn hộ thuộc một khối (Block) căn hộ và tạm trích trước các khoản chi phí liên quan đến phí đường giao thông nội bộ; khuôn viên cây xanh (landscape),... chưa hoàn thành với số ước tính lớn hơn số dự toán và không thuyết minh được sự phù hợp, hoặc phân bổkhông phù hợp theo tiêu thức diện tích.

- Không phân bổ chi phí quản lý cho hoạt động chuyển nhượng bất động sản và hoạt động kinh doanh khác, từ đó làm giảm số thuế TNDN phải nộp.

- Doanh nghiệp vay tiền và tính chi phí lãi vay vào chi phí được trừ nhưng thực tế:

+ Doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ, hoặc góp vốn ảo; hoặc

+ Doanh nghiệp tạm ứng cho cá nhân khác và không giải trình được nội dung tạm ứng.

Tất cả các hành vi nêu trên cơ quan thuế xử lý theo quy định của pháp luật thuế.

III. Các sai phạm về thuế thường gặp trong lĩnh vực xã hội hóa

Đối với các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa cần lưu ý một số văn bản về thuế liên quan như sau:

1. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 của Quốc hội Khóa XII ngày 03/06/2008;

2. Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30-05-2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

3. Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Thủ Tướng Chính phủ quy định về danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (QĐ 1466);

4. Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06 tháng 05 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Danh mục chi tiết ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 (QĐ 693);

5. Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 22 tháng 07 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg (QĐ 1470);

6. Công văn số 17143/BTC-TCT ngày 02/12/2016 của Bộ Tài chính về chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa (CV 17143).

NỘI DUNG KHUYẾN CÁO

- Ưu đãi thuế TNDN trong lĩnh vực xã hội hóa khá phức tạp vì Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa theo QĐ 1466, QĐ 693, QĐ 1470 đưa ra rất nhiều:

Ví dụ:

+ Đối với BV Đa khoa phải đạt các tiêu chí về số giường bệnh; tiêu chí về nhân lực theo qui định của cấp có thẩm quyền ban hành (Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/06/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ), tiêu chí về đất, diện tích xây dựng theo qui định của cấp có thẩm quyền ban hành áp dụng đối với từng qui mô (Quyết định số 18/2007/QĐ-BXD ngày 15/05/2007 của Bộ Xây dựng về việc ban hành tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam: TCXDVN 365:2007 “Bệnh viện đa khoa - Hướng dẫn thiết kế” và các qui định hiện hành khác), tiêu chí về trang thiết bị phải đáp ứng điều kiện chuyên môn theo qui định hiện hành (Quyết định số 437/QĐ-BYT ngày 20/02/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế);

+ Đối với Trường Đại học (theo QĐ 693) phải đạt các tiêu chí về: số lượng sinh viên (chính qui) tối thiểu; Tỷ lệ tối đa sinh viên /giảng viên cơ hữu; Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo tối thiểu; Điều lệ Trường; thẩm định định kỳ...

Chỉ cần cơ sở hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa không đạt một trong các điều kiện về Danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn thì không được hưởng ưu đãi thuế TNDN; Do vậy, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa phải có đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện về Danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn theo QĐ 1466, QĐ 693, QĐ 1470 thì cơ sở mới được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động xã hội hóa.

- Hàng năm (theo năm tài chính), trước khi lập Tờ khai quyết toán thuế TNDN, các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa cần lập Bảng so sánh các điều kiện về Danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn theo QĐ 1466, QĐ 693, QĐ 1470 so với thực tế cơ sở đạt được để tự xác định cơ sở có được hưởng ưu đãi thuế TNDN hay không để làm căn cứ kê khai thuế; trường hợp trong năm cơ sở hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa không đạt một trong các điều kiện về Danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn thì không được hưởng ưu đãi thuế TNDN, phải kê khai nộp thuế TNDN theo thuế suất phổ thông;

- Cơ sở hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa phải xác định riêng thu nhập từ hoạt động xã hội hóa để được hưởng ưu đãi thuế TNDN; các hoạt động kinh doanh khác không được hưởng ưu đãi thuế TNDN phải kê khai nộp thuế TNDN theo thuế suất phổ thông;

- Đối với các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa mà doanh thu chính của hoạt động xã hội hóa thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Luật thuế GTGT, nếu có phát sinh doanh thu chịu thuế GTGT thì cơ sở phải thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo qui định.

IV. Các sai phạm về thuế thường gặp trong lĩnh vực Thương mại điện tử

1. Đối với tổ chức, cá nhân bán sản phẩm, hàng hóa trên các sản giao dịch thương mại điện tử, trên các trang web bán hàng, trên các trang mạng xã hội nước ngoài (Facebook, You tube,...)

Qua quản lý thu thuế và kiểm tra, thanh tra thì các sai phạm của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bán sản phẩm hàng hóa trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, trên các trang web bán hàng, trên các trang mạng xã hội nước ngoài là có dấu hiệu trốn doanh thu, không thực hiện khai báo doanh thu kinh doanh thương mại điện tử bán sản phẩm, hàng hóa cho cơ quan thuế, vì nghĩ rằng cơ quan thuế không phát hiện được các doanh thu không khai báo này là do:

- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử kinh doanh bán sản phẩm hàng hóa thực hiện thanh toán qua ngân hàng nhưng với những tài khoản mở tại các ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế và toàn bộ các khoản doanh thu bán hàng này không thực hiện kê khai nộp thuế.

- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử kinh doanh bán sản phẩm hàng hóa không thực hiện thanh toán qua ngân hàng, thu tiền bán hàng bằng tiền mặt thông qua các đơn vị giao nhận hàng hóa (ủy quyền cho các đơn vi giao nhận hàng hóa, khi giao hàng trực tiếp thu tiền của người mua để chuyển lại cho người bán) và toàn bộ các khoản doanh thu bán hàng này không thực hiện kê khai nộp thuế.

2. Đôi với tô chức, cá nhân cung câp dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập từ các trang mạng nước ngoài

Trong những năm gần đây, ở nước ta đã hình thành các doanh nghiệp và cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube,.... và các khoản thu nhập này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Qua quản lý thu thuế và kiểm tra, thanh tra thì các sai phạm của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube… là:

- Đối với các tổ chức là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube... Có một số doanh nghiệp chưa thực hiện kê khai nộp thuế vì nghĩ rằng cơ quan thuế không thể phát hiện các khoản doanh thu này. Phần lớn các doanh nghiệp còn lại đểu thực hiện kê khai nộp thuế đối với khoản doanh thu này, nhưng có một số kê khai nộp thuế không đúng quy định cụ thể:

+ Đối với thuế GTGT: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo cho các tổ chức nước ngoài trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam (dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam) nhưng kê khai là dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%, thuế suất đúng là 10%.

+ Đối với thuế TNDN: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo, dịch vụ nhập liệu, dịch vụ xử lý dữ liệu lại xác định là hoạt động sản xuất phần mềm kê khai khoản thu nhập của các khoản doanh thu này được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo thuế suất 10% (theo thuế suất của hoạt động sản xuất phần mềm doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo thuế suất 10%). Thuế suất đúng là phải áp dụng thuế suất phổ thông (năm 2013 trở về trước thuế suất phổ thông là 25%, năm 2014 và năm 2015 thuế suất phổ thông là 22%, từ năm 2016 trở đi thuế suất phổ thông là 20%) .

- Đối với các cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube... thì nhiều trường hợp không thực hiện kê khai nộp thuế do: một phần do không biết nếu phát sinh doanh thu nhận được 1 năm trên 100 triệu đồng thì phải thuộc đối tượng phải kê khai nộp thuế. Một phần do nghĩ rằng cơ quan thuế không phát hiện được khoản doanh thu này nên không thực hiện kê khai nộp thuế.

V. Các sai phạm về thuế thường gặp trong Giao dịch liên kết

gdlk-jpg.962695233


Để tối ưu hóa lợi nhuận, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng làm giảm số thuế TNDN phải nộp tại Việt Nam thông qua công cụ chuyển giá. Các doanh nghiệp này thường có các hành vi sau:

1. Chuyển giá thông qua các yếu tố đầu vào: Cụ thể là tăng chi phí đầu vào quá cao so với giá thị trường thông qua góp vốn của bên nước ngoài là tài sản, máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ khi doanh nghiệp tự định giá cao hoặc giá nguyên liệu đầu vào cao làm cho giá vốn cao hơn giá bán dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp bị âm hoạc có lãi rất thấp. Ví dụ: Mua nguyên vật liệu cùng tập đoàn, nhập linh kiện các loại ô tô, máy tính, linh kiện điện tử để sản xuất bán trong nước...

2. Chuyển giá thông qua các yếu tố đầu ra: Nghĩa là xác định giá bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho công ty mẹ thấp hơn giá thị trường. Ví dụ: giá gia công, các sản phẩm ngành may mặc, giày da, sản phẩm phần mềm, điện tử.

3. Chuyển giá thông qua cung cấp dịch vụ, tiếp thị, quảng cáo, quản lý tư vấn, hỗ trợ... nhưng trên thực tế dịch vụ đó không phát sinh.

4. Các chi phí công ty mẹ phân bổ cho công ty con, các khoản thanh toán hộ trong tập đoàn thường không minh bạch, không chứng minh được dịch vụ đã cung cấp.

5. Chi trả các khoản về nhãn hiệu, bản quyền, chi phí huấn luyện, đào tạo không chứng minh được tính hợp lý.

6. Trả lãi vay cho các bên liên kết cao hơn lãi suất của ngân hàng thương mại hoặc cho vay không lãi suất nhằm chuyển lãi về cho bên liên kết lỗ hay được ưu đãi thuế (miễn, giảm thuế, thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp thấp).

7. Giao dịch với các công ty có thuế suất ưu đãi hoặc công ty có trụ sở đặt tại các “thiên đường thuế”.

Khi có phát sinh giao dịch liên kết, Quý Doanh nghiệp nên tham khảo các quy định, hướng dẫn tại Thông tư số 117/2005/TT-BTC, ngày 19 tháng 12 năm 2005, Thông tư số 66/2010/TT-BTC, ngày 22 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ, Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được để thực hiện theo đúng quy định.

Nguồn: Chi cục Thuế Quận Tân Bình

Để giúp Doanh nghiệp hiểu đúng làm đúng tránh thiệt hại thuế đến mức thấp nhất, tháng 9 Cộng động Dân kế toán tổ chức hội thảo Giao dịch liên kết, cả nhà xem đăng ký tham gia để quản trị rủi ro thuế cho công ty nhé
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top