http://danketoan.com/site/tieu-diem/theo-hoa-don-hay-so-tien-da-thu.html
Mình chuyển bài này về đây để diễn đàn chúng ta cùng thảo luận. Có 2 vấn đề chính:
1- Việc viện dẫn chính sách giữa cơ quan Thuế và doanh nghiệp như vậy có chính xác? Các bạn thảo luận phân tích nhé.
2- Sự mạnh dạn thực hiện quyền của doanh nghiệp theo Luật quản lý thuế tại sao lại ít được doanh nghiệp sử dụng?
(TBKTSG) - Công ty X - kinh doanh cơ sở hạ tầng có trụ sở tại Hà Nội vừa có đơn gửi tới cơ quan thuế tỉnh N.B - nơi thực hiện dự án - kêu oan về mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp. Một cuộc đối thoại giữa công ty và lãnh đạo cục thuế đã diễn ra. Cả hai bên đều viện dẫn cơ sở pháp lý và cho rằng mình hoàn toàn đúng...
Tóm tắt sự việc
Công ty X được Nhà nước cho thuê đất, trả tiền hàng năm và đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cho thuê lại quyền sử dụng đất có cơ sở hạ tầng. Sau ba năm thực hiện dự án, cuối năm 2009, việc xây dựng cơ sở hạ tầng đã hoàn thành theo đúng dự án được phê duyệt. Công ty tiến hành cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại quyền sử dụng đất, có cơ sở hạ tầng.
Theo hợp đồng ký kết giữa công ty với nhà đầu tư thứ cấp, nhà đầu tư thứ cấp chỉ ứng trước 10-20% số tiền thuê trong 45 năm, sau khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sẽ thanh toán theo định kỳ năm năm một lần, số tiền ứng trước được trừ vào lần thanh toán cuối cùng. Tuy nhiên, một trong những điều kiện để có thể làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư thứ cấp là công ty X phải phát hành hóa đơn GTGT với số tiền thu được từ việc cho thuê lại quyền sử dụng đất, có cơ sở hạ tầng theo hợp đồng. Vì vậy, công ty X đã phát hành gần 50 hóa đơn với tổng số tiền hơn 80 tỉ đồng, nhưng số tiền thực tế đã thu trong năm 2009 chỉ là 10 tỉ đồng.
Căn cứ vào tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) tháng 12-2009 với số tiền thu đã phát hành hóa đơn, cơ quan thuế tỉnh N.B đã ra thông báo yêu cầu công ty X nộp khoản thuế TNDN tạm nộp 2% của tổng giá trị đã phát hành hóa đơn, tức là bằng 1,6 tỉ đồng. Công ty X phản đối và cho rằng, công ty chỉ phải nộp 2% của 10 tỉ đồng, tức là 200 triệu đồng.
Lập luận của cơ quan thuế
Tại buổi đối thoại, cơ quan thuế đã viện dẫn các văn bản chứng minh rằng căn cứ vào doanh thu đã ghi nhận trên hóa đơn để xác định thuế TNDN tạm tính là đúng. Các văn bản được viện dẫn gồm:
- Nguyên tắc Cơ sở dồn tích quy định tại Chuẩn mực kế toán số 01 - Chuẩn mực chung ban hành và công bố theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31-12-2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định: “Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền hoặc tương đương tiền”.
- Khoản 1, điều 8, Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11-12-2008 của Chính phủ (NĐ124) “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp” quy định: “Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”.
- Tiết 1, khoản III, phần C, Thông tư 130/2008/TT-BTC ngày 26-12-2008 của Bộ Tài chính (TT130) hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11-12-2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế TNDN quy định: “Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”.Từ những căn cứ viện dẫn nêu trên, cán bộ cục thuế cho rằng, lẽ ra chỉ phát hành hóa đơn GTGT tương ứng với số tiền đã thu, nhưng công ty X đã phát hành hóa đơn cho số tiền phải thu trong thời hạn 45 năm nên công ty phải nộp thuế TNDN tạm nộp trên số doanh thu đã ghi nhận.
Lập luận của Công ty X
Giám đốc và kế toán trưởng công ty X cũng dẫn chiếu các quy định có liên quan để bảo vệ cho khiếu kiện của mình.
Trước hết, giám đốc công ty X dẫn chiếu tiết d, khoản 3, điều 8, NĐ124 quy định về việc xác định doanh thu với hoạt động cho thuê tài sản như sau: “Đối với hoạt động cho thuê tài sản là số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê. Trường hợp bên thuê trả tiền thuê trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước”.
Kế toán trưởng công ty X dẫn chiếu tiếp những quy định có liên quan tại TT 130 gồm: tiết a, điểm 1.1, khoản 1, mục II phần G quy định: “Trường hợp doanh nghiệp được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng hoặc cho thuê, có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ dưới mọi hình thức thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp là thời điểm thu tiền của khách hàng” và “Trường hợp doanh nghiệp có thu tiền của khách hàng mà chưa xác định được chi phí tương ứng với doanh thu thì doanh nghiệp kê khai tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ 2% trên doanh thu thu được tiền và doanh thu này chưa phải tính vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm”.
Ai đúng, ai sai?
Cuộc đối thoại giữa công ty X và cục thuế tỉnh N.B chưa có hồi kết. Kết luận cuối cùng chắc chắn phải thuộc về cơ quan cấp trên. Song, từ những quy định của pháp luật, có thể thấy lập luận và viện dẫn của công ty X là có cơ sở. Nguyên tắc “Cơ sở dồn tích” trong Chuẩn mực kế toán số 01 và những quy định về cách xác định doanh thu trong NĐ124 được cục thuế tỉnh N.B dẫn chiếu không sai, nhưng đó là những quy định chung nhất, áp dụng cho những trường hợp bình thường. NĐ 124 và TT 130 đã có những quy định riêng để tính thuế TNDN đối với hoạt động cho thuê tài sản, trong đó có cho thuê lại quyền sử dụng đất, có cơ sở hạ tầng. Không nên chỉ dẫn chiếu những quy định chung, có lợi cho mình để ép các doanh nghiệp.
Việc giám đốc và kế toán trưởng công ty X “đối thoại song phương” với cơ quan quản lý thuế để bảo vệ cho quyền lợi của mình là hiện tượng đáng mừng và rất cần được khuyến khích. Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp đã không chấp nhận “cam chịu” với những áp đặt vô lý của cơ quan công quyền - nhân tố đặc biệt quan trọng để đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch.
____________________________
(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên - Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam
www.thesaigontimes.vn
Mình chuyển bài này về đây để diễn đàn chúng ta cùng thảo luận. Có 2 vấn đề chính:
1- Việc viện dẫn chính sách giữa cơ quan Thuế và doanh nghiệp như vậy có chính xác? Các bạn thảo luận phân tích nhé.
2- Sự mạnh dạn thực hiện quyền của doanh nghiệp theo Luật quản lý thuế tại sao lại ít được doanh nghiệp sử dụng?