Quy trình kiểm toán báo cáo tài chính và các chuẩn mực kiểm toán

Luong Bao Vy

Member
Hội viên mới
1. Quy trình kiểm toán

Gồm 3 giai đoạn chính là chuẩn bị, thực hiện và hoàn thành kiểm toán
- Giai đoạn chuẩn bị kiểm toán bao gồm tiền kế hoạch và lập kế hoạch:

+ Tiền kế hoạch là quá trình kiểm toán viên tiếp cận khách hàng để thu thập những thông tin cần thiết nhằm giúp cho họ hiểu về các nhu cầu của khách hàng, đánh giá khả năng phục vụ khách hàng. Trên cơ sở đó, hai bên sẽ ký hợp đồng kiểm toán hoặc thư hẹn kiểm toán.
+ Lập kế hoạch kiểm toán bao gồm việc thu thập thông tin về đặc điểm hoạt động kinh doanh, tìm hiểu về hệ thống kiểm soát nội bộ, xác lập mức trọng yếu, thực hiện thủ tục đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trên báo cáo tài chính để lập chiến lược và kế hoạch kiểm toán, nhờ đó sẽ nâng cao tính hữu hiệu và hiệu quả của cuộc kiểm toán.

- Thực hiện kiểm toán là giai đoạn dựa trên kế hoạch kiểm toán đã lập để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp nhằm đưa ra kết luận và làm cơ sở hình thành ý kiến kiểm toán của kiểm toán viên. Trong giai đoạn này, kiểm toán viên sẽ thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo (thủ tục bổ sung). Thủ tục kiểm toán tiếp theo bao gồm:
+ Thử nghiệm kiểm soát (kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ) là loại thử nghiệm để thu thập bằng chứng về tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ. Thí dụ, kiểm toán viên có thể chọn mẫu các hóa đơn bán hàng để kiểm tra sự xét duyệt của người có thẩm quyền. Kết quả của thử nghiệm là bằng chứng để kiểm toán viên điều chỉnh những thử nghiệm cơ bản.
+ Thử nghiệm cơ bản bao gồm các thủ tục để thu thập bằng chứng nhằm phát hiện các sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính. Có hai loại thử nghiệm cơ bản là thủ tục phân tích cơ bản và kiểm tra chi tiết. Trong thủ tục phân tích cơ bản, kiểm toán viên so sánh các thông tin và nghiên cứu các xu hướng để phát hiện các biến động bất thường, thị dụ việc so sánh số dư cuối kỳ và dầu kỳ của các khoản phải thu, hoặc tính số vòng quay nợ phải thu có thể tiết lộ cho kiểm toán viên biết về khả năng có sai sót trọng yếu trong số dư nợ phải thu cuối kỳ. Còn khi thực hiện kiểm tra chi tiết (còn được gọi là thử nghiệm chi tiết), kiểm toán viên đi sâu vào việc kiểm tra các số dư, số phát sinh, nghiệp vụ hoặc thuyết minh bằng các phương pháp thích hợp, chẳng hạn gửi thư xác nhận các khoản phải thu, chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho, kiểm tra tài liệu...

- Hoàn thành kiểm toán là giai đoạn tổng hợp và rà soát lại về những bằng chứng đã thu thập được để kiểm toán viên hình thành ý kiến kiểm toán trên báo cáo kiểm toán.

Tùy theo sự đánh giá về mức độ trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính mà kiểm toán viên sẽ đưa ra ý kiến kiểm toán tương ứng. Chẳng hạn như khi nhận thấy báo cáo tài chính đã được lập và trình bày trung thực và hợp lý về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và các luồng tiền của đơn vị, kiểm toán viên sẽ đưa ra ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần. Còn nếu báo cáo tài chính còn có sai sót trọng yếu, hay khi kiểm toán viên bị giới hạn phạm vi kiểm toán, lúc này tùy theo từng mức độ trọng yếu và ảnh hưởng lan tỏa của các sai sót đến báo cáo tài chính mà kiểm toán viên có thể sẽ dựa ra y kiến kiểm toán ngoại trừ, hoặc ý kiến kiểm toán trái ngược, hay từ chối đưa ra ý kiến.

Trong các giai đoạn trên, kiểm toán viên còn phải tập hợp và lưu trữ tất cả tài liệu về quả trình làm việc và những bằng chứng thu thập được trong hồ sơ kiểm toán. Hồ sơ kiểm toán giúp cho việc tổ chức, kiểm tra, giám sát toàn bộ cuộc kiểm toán, và khi có tranh chấp đó là tài liệu rất có giá trị để chứng minh ý kiến của kiểm toán viên là đúng đắn.

2.Chuẩn mực kiểm toán

Chuẩn mực kiểm toán là những quy định và hướng dẫn về yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục kiểm toán và việc xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán mà thành viên tham gia cuộc kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán phải tuân thủ. Như vậy, chuẩn mực kiểm toán trước hết là những nguyên tắc cơ bản về nghiệp vụ chuyên môn và về việc xử lý các mối quan hệ phát sinh trong quá trình kiểm toán. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, chuẩn mực kiểm toán bao gồm cả những hướng dẫn và giải thích về các nguyên tắc cơ bản để kiểm toán viên có thể áp dụng trong thực tế, cũng như để đo lường và đánh giá chất lượng công việc kiểm toán.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top