Quản lý dòng tiền

giangvh

New Member
Hội viên mới
Bốn bước để kiểm soát dòng tiền trong doanh nghiệp

Tiền là “vua” đổi với công tác quản lý tài chính của bất kỳ doanh nghiệp đang phát triển nào. Khoảng cách giữa thời điểm thanh toán cho nhà cung cấp và nhân viên với thời điểm thu hồi được các khoản công nợ là một vấn đề lớn, và giải pháp là quản lý thật tốt các dòng tiền ra vào. Theo cách hiểu đơn giản nhất, quản lý dòng tiền là trì hoãn các khoản chi đến mức có thể trong khi tăng cường thu hồi nhanh chóng các khoản phải thu.

1. Tính toán và dự đoán kỹ lưỡng các dòng tiền trong tương lai

Lập các Dự báo về dòng tiền cho năm tới, quý tới và thậm chí cho tuần tới nếu công ty đang trong tình trạng khó khăn về khả năng thanh toán. Dự báo chính xác về dòng tiền sẽ giúp công ty nhận thức được những khó khăn về tiền trước khi nó xảy ra.

Cẩn phải hiểu rằng dự báo về dòng tiền không phải là cái nhìn thoáng qua về tương lai. Dự báo về dòng tiền phải là những dự đoán có căn cứ, dựa trên cân đối giữa nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm: việc thanh toán của khách hàng trong quá khứ, dựa trên tính toán kỹ lưỡng về những khoản sắp phải chi, và khả năng yêu cầu thanh toán của nhà cung cấp. Các dự đoán được dựa trên giả định rằng khách hàng sẽ thanh toán trong cũng một khoảng thời gian giống như những lần thanh toán trước đó, nhà cung cấp sẽ cho phép gia hạn thanh toán tương tự như những lần nhập hàng trước đó. Và các khoản chi thường bao gồm chi đầu tư nâng cấp tài sản, chi lãi vay, các khoản chi cần thiết khác, và các khoản doanh thu thường được dự kiến dựa theo tính chất mùa vụ.

Hãy bắt đầu việc dự đoán dòng tiền bằng việc cộng số dư tiền tại thời điểm đầu kỳ với các khoản tiền dự kiến thu được từ các nguồn khác nhau. Để làm việc đó, bạn sẽ thu thập các thông tin từ phòng kinh doanh, đại diện bán hàng, kế toán công nợ và từ phòng tài chính. Đối với tất cả các thông tin này, bạn sẽ đặt ra cùng một câu hỏi: Bao nhiêu tiền sẽ thu được từ khách hàng, từ lãi tiền gửi, phí dịch vụ, một phần từ các khoản nợ khó đòi, và từ các nguồn khác, và khi nào thì thu được?

Bước thứ hai để dự báo chính xác dòn tiền là những hiểu biết về số tiền phải chi và thời điểm chi. Điều đó không chỉ có nghĩa là khi nào phải chi mà còn là chi cho cái gì. Hãy liệt kê các khoản phải chi, bao gồm chi phí thuê, nhập hàng, tiền lương và thuế phải trả hoặc các khoản phải trả khác như chi phúc lợi, mua dụng cụ, thuê tư vấn, đồ dùng văn phòng, trả nợ, quảng cáo, sửa chữa tài sản, nhiên liệu và chi lợi tức,…

2. Cải thiện các khoản thu

Nếu công ty được khách hàng thanh toán ngay sau khi giao hàng, công ty sẽ không bao giờ gặp vấn đề về dòng tiền. Nhưng thật không may, điều đó khó có thể xảy ra, do vậy công ty cần cải thiện các khoản thu thông qua việc kiểm soát tốt các khoản công nợ phải thu khách hàng. Vấn đề cơ bản là cải thiện được tốc độ từ đưa vật tư, nguyên liệu vào sản xuất hàng hoá, cải thiện tốc độ bán hàng, và tốc độ thu tiền. Sau đây là một số gợi ý cụ thể về việc này:
• Cung cấp các khoản triết khấu thanh toán cho khách hàng, để khuyến khích họ thanh toán sớm tiền hàng;
• Yêu cầu khách hàng trả trước một phần tiền hàng tại thời điểm đặt hàng;
• Yêu cầu séc tín dụng đối với tất cả các khách hàng mua chịu;
• Tìm mọi cách thanh lý hàng tồn đọng lâu ngày;
• Phát hành hoá đơn kịp thời và đốc thúc thanh toán nếu khách hàng chậm trễ;
• Theo dõi các đối tượng khách hàng nợ để phát hiện và tránh những khoản nợ tồn đọng;
• Thiết lập chính sách tín dụng thay vì từ chối giao dịch với các khách hàng chậm thanh toán.

3. Quản lý các khoản công nợ phải trả

Tăng trưởng doanh thu có thể che đậy rất nhiều vấn đề, thậm chí là những vấn đề nghiêm trọng. Khi bạn quản lý một công ty đang phát triển, bạn phải kiểm soát các khoản chi một cách thận trọng. Đừng bao giờ tự mãn chỉ với doanh thu tăng. Vào bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ nơi nào bạn nhận thấy chi phí tăng nhanh hơn tốc độ tăng doanh thu, hãy kiểm tra kỹ lưỡng các khoản chi phí để có thể cắt giảm hoặc kiểm soát tốt hơn. Sau đây là một số gợi ý để sử dụng tiền một cách hợp lý:

• Tận dụng hết lợi thế từ những điều khoản mua chịu. Nếu nhà cung cấp yêu cầu thanh toán trong vòng 30 ngày, thì không nên trả trong vòng 15 ngày.
• Nên sử dụng chuyển khoản vào ngày cuối cùng của thời hạn phải thanh toán. Công ty có thể vẫn đáp ứng được yêu cầu của nhà cung cấp đồng thời vẫn có thể sử dụng được khoản tiền đó lâu nhất có thể;
• Đàm phán với nhà cung cấp khi họ không thấy được tình hình tài chính của công ty. Nếu công ty cần trì hoãn thanh toán, cần phải có được sự tin tưởng và thông cảm từ phía nhà cung cấp;
• Xem xét kỹ lưỡng khi chấp nhận thanh toán sớm để được hưởng chiết khấu của nhà cung cấp. Nó có thể có lợi cho công ty nhưng cũng có thể là một thiệt thòi cho công ty khi thanh toán sớm. Cần xem xét chi tiết các điều khoản;
• Không nên luôn luôn lựa chọn những nhà cung cấp có giá thấp nhất. Nhiều khi điều khoản thanh toán mềm dẻo có thể góp phần cải thiện dòng tiền của công ty hơn là mặc cả được giá rẻ.

4. Để vượt qua thâm hụt ngân sách

Sớm hay muộn, công ty cũng có thể sẽ gặp phải vấn đề về thanh toán. Điều này không có nghĩa là công ty đã thất bại trong kinh doanh. Đó là vấn đề rất bình thường, xảy ra hàng ngày trong hoạt động kinh doanh, và thực tế kinh doanh sẽ giúp công ty kiểm soát và vượt qua được thâm hụt ngân sách.
Chìa khoá để vượt qua sự thâm hụt về tiền là việc nhận biết những vấn đề càng sớm và càng chính xác càng tốt. Các ngân hàng thường cảnh giác đối với những công ty khan hiếm về tiền. Họ thường chỉ thích cho vay khi những công ty chưa thực sự cần tiền, khoảng một tháng trước khi công ty cần tiền để chi tiêu. Nếu công ty không phát hiện và dự đoán được sự thâm hụt ngân sách, ngân hàng rất khó có thể cho công ty vay khi công ty đang lâm vào tình trạng thâm hụt.

Nếu công ty dự đoán được sẽ thâm hụt tiền, công ty có thể đàm phán một hạn mức tín dụng với ngân hàng. Điều này cho phép công ty có thể vay tiền khi cần. Thực sự cần thiết khi công ty có được hạn mực tín dụng trước khi gặp phải khó khăn về tiền.
Nếu ngân hàng không cho vay tiền, công ty có thể cầu viện đến nhà cung cấp. Các chủ nợ thường mong muốn công ty tiếp tục tồn tại và kinh doanh để trả tiền hơn là các ngân hàng, và họ có thể hiểu rõ hơn về tình hình kinh doanh của công ty. Công ty có thể có được những điều khoản gia hạn từ nhà cung cấp, đó gần như là những khoản vay chi phí rất thấp. Điều đó chỉ có thể nếu công ty có quan hệ tín dụng tốt trong quá khứ và đã thông báo tình hình tài chính cho nhà cung cấp.
Xem xét sử dụng các công cụ tài chính. Đó là các dịch vụ tài chính như mua nợ, mua các khoản phải thu mà công ty không có khả năng thu hồi trong nhiều tuần hoặc trong nhiều tháng. Công ty có thể mất khoảng 15% các khoản phải thu này, khi công ty mua nợ yêu cầu chiết khấu, nhưng điều đó giúp công ty tránh được những phiền nhiễu khi đòi nợ và có thể là nguồn trang trải cho hoạt động hàng ngày mà không phải vay mượn.
Thúc dục các khách hàng tốt nhất thanh toán. Giải thích cho họ tình hình tài chính và, nếu cần thiết, cung cấp các khoản chiết khấu thanh toán cho họ. Công ty cũng cần đốc thúc những khách hàng chậm thanh toán, những khách hàng đã nhận được hoá đơn nhưng chưa thanh toán sau hơn 90 ngày. Đề nghị chiết khấu nếu họ thanh toán ngay lập tức.
Công ty có thể thu tiền bằng cách bán và tái thuê tài sản nhưng máy móc, thiết bị, máy tính, hệ thống điện thoại và thậm chí bàn ghế văn phòng. Các công ty chuyên cho thuê tài chính có thể thực hiện các giao dịch này. Chi phí không rẻ, và công ty có thể mất các tài sản này nếu không trả được tiền thuê.
Lựa chọn thanh toán các hoá đơn một cách thận trọng. Đừng chỉ thanh toán các khoản nhỏ nhất và bỏ qua các khoản khác. Hãy thanh toán lương cho nhân viên trước, nếu không có thể họ sẽ nghỉ việc. Tiếp theo hay thanh toán cho những nhà cung cấp thiết yếu. Hỏi các nhà cung cấp còn lại xem công ty có thể trì hoãn thanh toán hoặc thanh toán trước một phần.
 
Ðề: Quản lý dòng tiền

Có bài viết nói về quản lý vốn lưu động một cách khá gần gũi và dễ hiểu, các bạn cùng tham khảo để nắm khái quát về "Quản lý vốn lưu động" nhé.

Quản lý vốn lưu động
Chúng ta hãy xét một ví dụ đơn giản: một công ty sản xuất nước sốt cho món mì spaghett sử dụng $100 để mua cà chua, hành, tỏi, hạt tiêu..., nhập kho. Một tuần sau, công ty đã chế biến các thành phần này thành nước sốt và xuất kho. Tuần sau đó công ty kiểm tra xem hàng đã tới tay khách hay chưa. Như vậy lượng tiền trị giá $100 đã bị đọng trong vòng hai tuần chính là vốn lưu động của công ty. Nếu công ty thu hồi tiền từ khách hàng càng nhanh thì càng sớm tiến hành quay vòng sản xuất, mua các nguyên liệu mới để tiếp tục sản xuất. Nếu nguyên liệu mua về tồn trong kho cả tháng thì công ty sẽ bị đọng vốn trong thời gian đó và không thể sử dụng lượng tiền này để thanh toán các hóa đơn và các hoạt động đầu tư khác. Vốn lưu động cũng sẽ bị đặt trong tình trạng xấu nếu khách hàng không thanh toán đúng hạn hoặc nhà cung cấp đòi tiền gấp.
Vốn lưu động là một chỉ số liên quan đến lượng tiền một doanh nghiệp cần để duy trì hoạt động thường xuyên, hay nói một cách cụ thể hơn đó là lượng tiền cần thiết để tài trợ cho hoạt động chuyển hóa nguyên liệu thô thành thành phẩm bán ra thị trường. Những thành tố quan trọng của vốn lưu dộng đó là lượng hàng tồn kho, khoản phải thu, khoản phải trả. Các nhà phân tích thường xem xét các khoản mục này để đánh giá hiệu quả và tiềm lực tài chính của một công ty.
Nhóm tài sản ngắn hạn và các nghĩa vụ nợ ngắn hạn chứa ba loại tài khoản có vai trò đặc biệt quan trọng. Những tài khoản này đại diện cho những mảng trong doanh nghiệp mà nhà quản trị thường xuyên và trực tiếp phải quan tâm xử lý:
• Tài khoản phải thu (tài sản ngắn hạn);
• Hàng lưu kho (tài sản ngắn hạn), và;
• Tài khoản phải trả (nghĩa vụ nợ ngắn hạn)
Ngoài ra, những khoản nợ ngắn hạn cũng có vai trò không kém phần quan trọng bởi nó tạo thành một nghĩa vụ trong ngắn hạn của các tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp. Những dạng nợ ngắn hạn thường gặp là nợngân hàng và hạn mức tín dụng.
Thay đổi trong lượng vốn lưu động của doanh nghiệp sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến luồng tiền (hay người ta hay nói là lưu chuyển tiền tệ) của doanh nghiệp. Tăng vốn lưu động đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã sử dụng tiền để thanh toán, chẳng hạn cho việc mua hoặc chuyển đổi hàng trong kho, thanh toán nợ,... Như thế, tăng vốn lưu động sẽ làm giảm lượng tiền mặt doanh nghiệp đang nắm. Tuy nhiên, nếu vốn lưu động giảm, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có ít tiền hơn để thanh toán cho các nghĩa vụ nợ ngắn hạn, điều này có thể tác động gián tiếp, và thường khó lường trước, đến vận hành trong tương lai của doanh nghiệp.
Theo Investopedia, vốn lưu động là thước đo cho cả hiệu suất và sức mạnh tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp. Vốn lưu động giảm có thể được dịch ra thành nhiều nguyên nhân. Có thể là doanh nghiệp tập trung bán hàng tốt, nhưng họ phải chấp nhận bán chịu, chấp nhận khách hàng trả chậm quá nhiều. Có thể là do tiền bị ứ đọng lại ở hàng trong kho. Dù nghĩa này hay nghĩa kia, doanh nghiệp hiện tại vẫn thiếu tiền. Nếu đột ngột một ngày kia Coca-Cola phải đi vay Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam $500.000 chỉ để thanh toán cho một đối tác cung cấp nguyên liệu, khó có thể tưởng tượng câu chuyện sẽ được dịch ra theo hướng tích cực hay tiêu cực, và mức độ đến đâu, cho dù bản chất chỉ là họ chưa thu đủ tiền hàng và vay tạm vài tuần. Vấn đề ở chỗ, dấu hiệu của việc thiếu tiền ngắn hạn thường được dịch theo tín hiệu xấu nhiều hơn là tốt.
Khả năng quản lý vốn lưu động của doanh nghiệp càng tốt thì nhu cầu vay nợ càng giảm. Ngay cả khi doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi thì việc quản lý vốn lưu động cũng rất cần thiết vì nó đảm bảo rằng lượng vốn nhàn rỗi này sẽ được đầu tư một cách hiệu quả nhất cho nhà đầu tư.
Trên thị trường không phải công ty nào cũng có đặc điểm tài chính như nhau. Các công ty bảo hiểm thường nhận được tiền phí bảo hiểm trước khi phải thanh toán bất kì khoản nào, tuy nhiên, công ty bảo hiểm sẽ khó lường trước được các khoản phí tổn mà họ sẽ phải chi trả một khi khách hàng khiếu nại. Tuy nhiên, một đại gia bán lẻ lớn như Wal-mart thường không phải bận tâm nhiều lắm đến khoản phải thu vì khách hàng phải thanh toán ngay khi mua hàng. Thay vào đó, hàng tồn kho lại là một vấn đề lớn đối với những tập đoàn bán lẻ, từ Wal-mart, Carre Four, Tesco cho đến Co.op Mart, Intimex hay G7 Mart. Nếu không đưa ra những dự báo chính xác về lượng hàng tích trong kho, họ có thể sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi trong thời gian rất ngắn. Việc xác định thời điểm cũng như tính chất phức tạp của việc thanh toán có thể khó khăn hơn ta tưởng. Các doanh nghiệp sản xuất thường phải chi một lượng tiền lớn để mua nguyên vật liệu và trả lương lao động trước khi nhận được bất cứ khoản thanh toán của khách hàng.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, sẽ là không thừa nếu các nhà đầu tư xem xét đến hiệu quả quản lý vốn lưu động của các công ty. Mỗi doanh nghiệp có thể đưa ra một con số doanh thu tuyệt vời, giá trị tài sản lớn, quy mô vốn đồ sộ... tuy nhiên độ lớn của các con số này không nói lên tất cả, và cũng không có nghĩa là doanh nghiệp đang nắm giữ rất nhiều tiền trong tay. Tiền của doanh nghiệp có thể đọng ở các khoản phải thu, vốn của doanh nghiệp biết đâu lại có lượng lớn là các khoản phải trả... Vì vậy xem xét một cách cẩn trọng các thông tin, chỉ số của doanh nghiệp trong đó có hoạt động quản lý vốn lưu động sẽ vô cùng có lợi cho bất cứ ai có ý định tiến hành đầu tư.
Các nhà đầu tư nên xem xét các công ty có sự chú trọng tới việc quản trị chuỗi cung cấp để đảm bảo rằng việc đầu tư của mình là tối ưu. DSO là một chỉ số tốt để Để đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý vốn lưu động của doanh nghiệp, nhiều nhà phân tích thường sử dụng hệ số DSO-Days Sales Outstanding. DSO tính số ngày trung bình một doanh nghiệp cần để thu hồi tiền sau mỗi giao dịch bán hàng. Công thức tính DSO như dưới đây:

• Account Receivables: Tài khoản phải thu;
• Total Credit Sales: Tổng doanh thu trả chậm;
• Number of Days: Tổng số ngày thu hồi toàn bộ doanh thu trả chậm.
DSO cao nghĩa là doanh nghiệp mất nhiều gian để lấy được doanh thu về tài khoản mình, ngược lại DSO thấp cho thấy năng lực quản lý các khoản trả chậm của doanh nghiệp là tốt.
Bên cạnh đó, tốc độ lưu chuyển hàng tồn kho cũng là một công cụ hiệu quả để đánh giá hiệu quả quản lý vốn lưu động của doanh nghiệp. Tỷ lệ này cho ta biết tốc độ bán hàng của doanh nghiệp, được tính bằng cách chia giá vốn hàng bán cho tổng giá trị hàng tồn kho (Cost of goods sold /Inventory). Nhìn chung, nếu tỉ lệ này ở mức cao tức là doanh nghiệp đang kinh doanh tốt. Đối với các nhà đầu tư, tốt hơn hết là nên so sánh tỉ lệ này với các công ty khác. Ví dụ xét trong một ngành có tốc độ lưu chuyển hàng tồn kho 6 lần/năm, công ty nào chỉ đạt được tốc độ lưu chuyển 4 lần/năm có nghĩa là hoạt động kém hiệu quả so với các công ty đối thủ.
Dell - một trong những nhà cung cấp máy tính hàng đầu thế giới đã sớm nhận ra rằng cách tốt nhất để tăng giá trị cổ phiếu chính là quan tâm đến quản lý vốn lưu động. Hệ thống quản lý chuỗi cung cấp hàng đầu thế giới đảm bảo cho Dell có một tỷ lệ DSO thấp. Tốc độ lưu chuyển hàng tồn kho được cải thiện giúp làm tăng đáng kể dòng tiền. Các nhân tố này đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Dell đồng thời tăng niềm tin của các nhà đầu tư đối với hãng.
"Cash is king" - đó là điều mà chắc không ai phủ nhận, và nó lại càng đúng hơn nữa trong giai đoạn mà việc huy động vốn là vô cùng khó khăn. Bỏ ngoài tai câu nói này có lẽ là một sơ suất không thể tha thứ được đối với bất cứ nhà đầu tư nào
Nguồn Saga.vn
 
Ðề: Quản lý dòng tiền

Các Anh đã có những bài viết/sưu tầm rất hay về quản lý dòng tiền ở góc độ Doanh nghiệp Thương Mại/Sản Xuất tuy nhiên đứng ở góc độ Ngân hàng khi cho vay và quản lý dòng tiền và từng phương án thì ít thấy tài liệu. Các Anh/Chị có thể gửi lên để mọi người tham khảo được không ? :) tks nhiều
 
Ðề: Quản lý dòng tiền

Ai cũng biết tầm quan trọng của quản lý vốn lưu động, nhưng quản lý như thế nào thì thật là KHÓ. Na đang làm cv quản lý vốn lưu động cho 1 cty xây dựng, lẩng quẩng mãi vẫn chưa tìm ra cách quản lý tốt, làm chủ được tình hình tài chính tại công ty mình. Anh chị nào có thề chia sẽ giúp
 
Ðề: Quản lý dòng tiền

Bài viết quá hay, mình đọc đâu thấy đầu óc sáng ra đến đó, thank bạn nhiều! :momong:
 
Hạn chế trong quản trị dòng tiền của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam rơi vào giai đoạn suy giảm tăng trưởng 2008 – 2014, hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã gặp khó khăn và thậm chí lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, phải rút lui khỏi thị trường.

Môi trường kinh tế vĩ mô bất lợi đã làm bộc lộ hàng loạt điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và một trong những hạn chế chủ yếu đó là quản trị dòng tiền thiếu bài bản, mạnh về sự linh hoạt nhưng lại yếu về chiến lược dài hạn.


Những điểm mạnh trong quản trị dòng tiền của doanh nghiệp nhỏ và vừa


Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cũng có những điểm mạnh trong quản trị dòng tiền, những điểm mạnh đó là:


- Nhiều doanh nghiệp đã bước đầu chú trọng xây dựng được hệ thống các quy chế tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế tiền lương và khen thưởng làm bộ khung cho quản trị dòng tiền, hoạt động quản trị có tính linh hoạt và năng động cao nhằm thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.


- Đa số các doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng được kế hoạch dòng tiền trong ngắn hạn để cân đối thu chi thường xuyên, sử dụng ít nợ vay trong hoạt động kinh doanh, dựa nhiều vào nguồn vốn chủ sở hữu giúp giảm thiểu rủi ro tài chính.


- Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được những chỉ tiêu kiểm soát thường xuyên như: Giá thành, doanh thu, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu để thực hiện kiểm soát hoạt động kinh doanh, thực hiện phân tích tài chính định kỳ để kiểm soát tình hình tài chính và tư vấn cho ban lãnh đạo doanh nghiệp.


Những hạn chế trong quản trị dòng tiền của doanh nghiệp nhỏ và vừa


- Đa số các doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng và truyền đạt chiến lược công ty trong nội bộ doanh nghiệp. Chiến lược là cơ sở để phân bổ nguồn lực tiền mặt hiệu quả, việc không xây dựng được một chiến lược rõ ràng khiến cho công ty thiếu đi cơ sở quan trọng nhất để phân bổ hiệu quả nguồn lực tiền mặt. Những lý do chính thường được đưa ra là hoạt động kinh doanh có độ ổn định thấp, tính không chắc chắn cao nên khó trong việc xây dựng chiến lược. Tuy nhiên, như nhiều nhà quản trị đã phát biểu, việc có một kế hoạch chiến lược không hoàn hảo thì tốt hơn nhiều so với việc không xây dựng chiến lược. Ngoài ra, các công ty chưa chú trọng việc thu thập thông tin về đối thủ cạnh tranh trong việc lập kế hoạch chiến lược.

- Chưa xây dựng các chỉ tiêu đo lường chiến lược thông qua áp dụng thẻ điểm cân bằng (balanced scorecard). Điều này khiến cho việc xây dựng chiến lược vẫn dừng lại ở những yếu tố định tính, khó tạo cơ sở hiệu quả trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động và hiệu quả của việc thực thi chiến lược. Các cuộc họp của ban quản trị cấp cao còn tập trung quá nhiều đến các vấn đề tác nghiệp, dành ít thời gian cho việc bàn luận các vấn đề chiến lược.


- Các doanh nghiệp cũng rất hạn chế xây dựng kế hoạch dòng tiền trong dài hạn (3 – 5 năm) gắn với chiến lược, bên cạnh đó, các kế hoạch ngân sách chi được xây dựng độc lập, hoặc phục vụ cho các mục tiêu riêng lẻ và không phù hợp, tách biệt với chiến lược và mục tiêu tổng thể của doanh nghiệp. Việc lập kế hoạch dòng tiền chưa thực hiện phân tích độ nhạy/phân tích tình huống và kiểm nghiệm sức chịu đựng (stress test) trong những bối cảnh nền kinh tế hoặc thị trường suy giảm.


- Đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có các chuyên viên tài chính chuyên nghiệp tách khỏi bộ phận kế toán, phần lớn là làm việc kiêm nhiệm nhưng chủ yếu vẫn là nhiệm vụ kế toán. Năng lực và tầm quan trọng của bộ phận tài chính vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ, kế toán trưởng thường chủ yếu phụ trách mảng kế toán trong khi mảng tài chính vẫn do Giám đốc hoặc Hội đồng quản trị đảm nhiệm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa ban hành cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ quản trị dòng tiền/nghiệp vụ tài chính dẫn đến các bộ phận thường gặp khó khăn khi thực hiện các nghiệp vụ này.


Những giải pháp quản trị dòng tiền hiệu quả


Việc thực hiện yếu kém các biện pháp quản trị tiền mặt chiến lược sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với những sai lầm trong quản trị tiền mặt ngắn hạn. Tùy theo sai sót mà hậu quả cũng có nhiều mức độ khác nhau như: Nguồn lực tài chính sử dụng kém hiệu quả, thất bại về chiến lược cạnh tranh, mất cân đối tài chính (sử dụng nợ ngắn hạn tài trợ tài sản dài hạn), không chi trả đúng hạn các khoản nợ, mất khả năng thanh toán.


Nhằm tránh mắc phải những sai lầm trong quản trị dòng tiền, nhằm quản trị dòng tiền hiệu quả, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thực hiện tốt các giải pháp sau:


Các giải pháp quản trị dòng tiền chiến lược


- Xây dựng bộ quy chế tài chính và quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế lương và khen thưởng để tạo ra khung pháp lý nội bộ cho quản trị dòng tiền, cụ thể hóa các quy chế này thành các cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ tài chính/dòng tiền và lồng ghép vào các bản mô tả công việc của nhân viên các bộ phận. Xây dựng văn hóa quản trị tiền mặt bắt đầu bằng việc coi trọng quản trị dòng tiền từ cấp lãnh đạo cao nhất, gắn chế độ khen thưởng với các thành tích tăng thu, tiết kiệm chi.


- Xây dựng chiến lược cạnh tranh làm cơ sở phân bổ nguồn lực tiền mặt hiệu quả, xây dựng các chỉ tiêu đo lường chiến lược dựa trên thẻ điểm cân bằng (balanced scorecard) và ra quyết định tài chính dài hạn trên cơ sở dòng tiền nhằm phân bổ nguồn lực tiền mặt một cách có hiệu quả (ra quyết định dựa trên giá trị thời gian của tiền).


- Thiết kế và xây dựng bộ máy quản trị dòng tiền, đặc biệt chú trọng xây dựng bộ phận tài chính kế toán, cần xây dựng đội ngũ chuyên viên tài chính chuyên nghiệp tách khỏi nghiệp vụ kế toán.


- Lập kế hoạch dòng tiền dài hạn nhằm cân đối thu chi trong dài hạn trên cơ sở kết hợp ba quyết định chiến lược tối ưu: Đầu tư, tài trợ và phân phối lợi nhuận, thực hiện phân tích tình huống/độ nhạy để kiểm tra sự sẵn có tiền mặt trong những hoàn cảnh khác nhau, đặc biệt là bối cảnh ngành và nền kinh tế gặp khó khăn.


Các giải pháp quản trị dòng tiền tác nghiệp


- Xác định mức tồn quỹ tiền mặt hợp lý, hàng năm cần lập kế hoạch dòng tiền chi tiết hàng tháng nhằm cân đối thu chi trong ngắn hạn, kiểm soát chặt chẽ thu chi dựa vào định mức chi tiêu, định kỳ xem xét lại tính hợp lý của các định mức trong quy chế chi tiêu nội bộ.


- Định kỳ thực hiện phân tích dòng tiền và báo cáo thu chi nhằm đánh giá tình hình quản trị dòng tiền thông qua các chỉ tiêu phù hợp. Trong ngắn hạn, cần có biện pháp rút ngắn kỳ luân chuyển tiền, tiết kiệm vốn lưu động, có chính sách sử dụng tiền mặt phù hợp với hoàn cảnh cụ thể nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp, thanh lý những tài sản không thuộc lĩnh vực kinh doanh cốt lõi hoặc hiệu quả thấp.


Capture.JPG





Có bốn bối cảnh chính và trong những tình huống này, các doanh nghiệp sẽ định hướng sử dụng nguồn lực tiền mặt khác nhau. Nhìn chung, các công ty có khả năng thanh toán yếu sẽ tập trung vào các mục tiêu tiền mặt ngắn hạn nhằm cân bằng lại khả năng thanh toán, trong khi đó, các công ty có khả năng thanh toán mạnh sẽ hướng đến việc đạt được các mục tiêu mang tính chất dài hạn như chiếm lĩnh thị phần hay định vị trở thành những công ty dẫn đầu ngành.


- Thứ nhất, các công ty đối mặt với sự suy giảm nhu cầu và thiếu khả năng thanh toán ở trong vị trí khó khăn nhất. Họ phải quản trị tiền mặt thật sát sao, sử dụng mọi đòn bẩy có thể để duy trì hoặc tăng cường vị thế tiền mặt.


- Thứ hai, các công ty với nhu cầu ổn định nhưng khả năng thanh toán yếu sẽ quản trị hoạt động kinh doanh của họ để tạo ra tiền mặt, tập trung vào các kết quả ngắn hạn. Chúng ta thấy rõ ví dụ đó là Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh hay Tập đoàn Gỗ Trường Thành, hiện nay công ty này có hệ số nợ cao và khả năng thanh toán yếu, do đó, các công ty này cần chú trọng các biện pháp nhằm tạo ra lượng tiền mặt để trả bớt nợ và hướng đến trạng thái cân bằng về khả năng thanh toán.


- Thứ ba, các công ty có khả năng thanh toán cao đối mặt với nhu cầu suy giảm sẽ sử dụng sức mạnh tài chính của mình để chiếm lĩnh thị phần. Chúng ta có thể thấy, trong thị trường các sản phẩm điện tử (điện thoại và máy tính), Công ty Thế giới số Trần Anh có lượng tiền mặt dồi dào và hệ số nợ thấp nhưng hiện đang rơi vào tình trạng thị phần ngày càng thu hẹp trước Công ty Thế giới Di động. Do đó, Công ty Thế giới số Trần Anh đang sử dụng khả năng thanh toán tốt của mình để đầu tư mở hàng loạt các chuỗi siêu thị hàng điện tử nhằm giành lại thị phần.


- Thứ tư, các công ty đang có khả năng thanh toán tốt và nhu cầu ổn định hoặc tăng lên đối với sản phẩm của họ có thể tập trung vào cải thiện vị thế cạnh tranh của họ. Các công ty trong tình huống này đủ sức hành động một cách chiến lược, có thể chấp nhận hy sinh các lợi ích ngắn hạn cho vị thế cạnh tranh tốt hơn trong dài hạn. Ví dụ trong tình trạng này đó là Công ty Thế giới Di động, Công ty này hiện nay đang sử dụng vị thế tiền mặt dồi dào của mình để tăng tốc mở các chuỗi siêu thị hàng điện tử nhằm duy trì và giữ vững vị thế số một trên thị trường phân phối hàng điện tử.


Sưu tầm :kiemtoan.com.vn
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top