Ngày 20/3/2006 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ra Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC “về việc ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế”. Chế độ kế toán mới ban hành đã cập nhật các nội dung quy định trong các chuẩn mực kế toán Việt Nam và Luật kế toán Việt Nam, gồm 4 phần: 1. Hệ thống tài khoản kế toán 2. Hệ thống báo cáo tài chính 3. Chế độ chứng từ kế toán 4. Chế độ sổ kế toán Quyết định này đã thay thế Quyết định số 1141-TC/QĐ/CĐKT ban hành ngày 01/11/1995 và một số Quyết định và Thông tư hướng dẫn do Bộ Tài chính đã ban hành trong giai đoạn từ 1996-2000 (trước khi bắt đầu xuất hiện chuẩn mực kế toán Việt Nam).
Quyết định này đã thay thế Quyết định số 1141-TC/QĐ/CĐKT ban hành ngày 01/11/1995 và một số Quyết định và Thông tư hướng dẫn do Bộ Tài chính đã ban hành trong giai đoạn từ 1996-2000 (trước khi bắt đầu xuất hiện chuẩn mực kế toán Việt Nam). Đó là:
Quyết định 167/2000/QĐ-BTC ngày 25/10/2000 của ban hành “Chế độ BCTC doanh nghiệp”;
Thông tư 10 TC/CĐKT ngày 20/3/1997 “Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán DN”;
Thông tư 33/1998/TT-BTC ngày 17/3/1998 “Hướng dẫn hạch toán trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá CK tại DNNN”;
Thông tư 77/1998/TT-BTC ngày 06/6/1998 “Hướng dẫn tỷ giá quy đổi ngoại tệ ra VNĐ sử dụng trong hạch toán kế toán ở doanh nghiệp”;
Thông tư 100/1998/TT-BTC ngày 15/7/1998 “Hướng dẫn kế toán thuế GTGT, thuế TNDN”;
Thông tư 180/1998/TT-BTC ngày 26/12/1998 “Hướng dẫn bổ sung kế toán thuế GTGT”;
Thông tư 186/1998/TT-BTC ngày 28/12/1998 “Hướng dẫn kế toán thuế xuất, nhập khẩu, TTĐB”;
Thông tư 107/1999/TT-BTC ngày 01/9/1999 “Hướng dẫn kế toán thuế GTGT với hoạt động thuê tài chính”;
Thông tư 120/1999/TT-BTC ngày 7/10/1999 “Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán DN”;
Thông tư 54/2000/TT-BTC ngày 07/6/2000 “Hướng dẫn kế toán đối với hàng hoá của các cơ sở kinh doanh bán tại các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc ở các tỉnh, thành phố khác và xuất bán qua đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng”.
Quyết định 15/2006/QĐ-BTC được ban hành đánh dấu bước tổng hợp và hoàn thiện Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam từ xuất phát điểm là QĐ số 1141-TC/QĐ/CĐKT sau đó là tiến trình tăng tốc hết sức ấn tượng bởi sự ra đời của hệ thống Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) cùng hàng loạt các Thông tư hướng dẫn và đặc biệt là Luật Kế toán. Về cơ bản, các nội dung trong Quyết định 15/2006/QĐ-BTC không thay đổi gì nhiều so với các quyết định trước đây. Tuy nhiên, về mặt chi tiết, Quyết định 15/2006/QĐ-BTC đã tổng hợp những sửa đổi, bổ sung được Bộ Tài chính ban hành riêng rẽ lâu nay, cũng như phần nào kết hợp được những quy định của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành liên tục trong suốt 5 năm qua (2001-2005).
Không thể phủ nhận vai trò nền tảng vô cùng quan trọng của Quyết định 1141TC/QĐ/CĐKT trong việc hình thành chế độ kế toán Việt Nam hiện hành. Sự ra đời và đi vào cuộc sống của Quyết định 1141TC/QĐ/CĐKT đã chính thức mở ra một trang sử mới cho nghề kế toán Việt Nam, khẳng định quyết tâm hội nhập kinh tế thị trường của kế toán Việt Nam từ hơn 10 năm trước.
Tuy nhiên trong hơn 10 năm qua, để cập nhật những biến động từng ngày, theo kịp đà phát triển của nền kinh tế trong nước, khu vực và tiến tới hội nhập quốc tế, Bộ Tài chính đã phải liên tiếp ban hành nhiều quyết định, thông tư và văn bản hướng dẫn, sửa đổi bổ sung Quyết định 1141TC/QĐ/CĐKT này.
Điều này đến một lúc nào đó, sẽ làm phức tạp hóa về mặt hình thức công tác pháp chế về chế độ kế toán Việt Nam. Đã đến lúc cần có một động thái tổng hợp. Vì thế, Quyết định 15/2006/QĐ-BTC tuy không hàm chứa nhiều yếu tố mới mẽ, nhưng xét ở khía cạnh nào đó, đã giúp cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, thuộc mọi lĩnh vực hoạt động có thể đơn giản hoá công tác nghiên cứu và tuân thủ chế độ kế toán, nhất thể hoá công tác kế toán, tiến tới nâng cao tính minh bạch trong kế toán, tài chính doanh nghiệp, đảm bảo tính có thể so sánh được về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân Việt Nam nói riêng và trên bình diện hội nhập toàn cầu nói chung.
Cũng xin nói thêm là: cùng ngày 20/03/2006, Bộ Tài chính cũng đã ban hành 2 thông tư quan trọng đó là:
1. Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 hướng dẫn kế toán thực hiện 6 chuẩn mực kế toán ban hành tại Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC;
2. Thông tư số 21/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 hướng dẫn kế toán thực hiện 3 trong 4 chuẩn mực kế toán ban hành tại Quyết định 100/2005/QĐ-BTC; (chúng tôi sẽ có bài đề cập về các thông tư này).
Như vậy, cho đến thời điểm này, hệ thống văn bản pháp luật về kế toán được ban hành đã khá hoàn chỉnh. Có thể nói chưa bao giờ nghề kế toán của chúng ta lại có một hệ thống pháp chế đầy đủ như hiện nay. (Luật kế toán, Nghị định hướng dẫn Luật, 26 chuẩn mực kế toán, 5 Thông tư hướng dẫn 25 chuẩn mực, 1 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, các qui định về kế toán trưởng, hành nghề kế toán...) khá chi tiết, cụ thể sẽ tạo điều kiện quan trọng cho các cá nhân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước về kế toán thực hiện nghiệp vụ.
Đương nhiên, hệ thống pháp chế đầy đủ này cũng đòi hỏi phải nâng cao chất lượng trình độ chuyên môn của đội ngũ kế toán, đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt đối với các doanh nghiệp và cá nhân làm kế toán. Có thể khẳng định rằng, không thể chậm trễ, từ bây giờ, chủ doanh nghiệp và đội ngũ kế toán buộc phải tìm hiểu, am hiểu và tuân thủ hơn pháp luật về kế toán.
Ngay trước thềm gia nhập WTO, nhà nước Việt Nam đã xây dựng và đưa vào thực hiện một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán đồng bộ, hoàn chỉnh, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho nghề nghiệp kế toán với một hệ thống các nguyên tắc quy định và hướng dẫn thích ứng với trình độ phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu của cơ chế quản lý kinh tế - tài chính trong nước và tiếp cận với chuẩn mực kế toán quốc tế.
Bằng việc ban hành quyết định 15/2006/QĐ-BTC, Bộ Tài Chính đã cắm một cột mốc quan trọng, ghi dấu giai đoạn phát triển mới cho nghề kế toán Việt Nam.