Ðề: Nhặt ký ức!!!
Bạn,cả tháng nay mình không thể viết dòng nào cho ban dù trái tim hay buồn và đôi tai rất thính của mình vẫn nghe tiếng gọi cuộc sống,lúc da diết, lúc chát chúa.Thật trống rỗng, chán chường khi thu nạp thông tin ở các tờ nhật báo, ở đó, đồng bào ta,từ những người vô danh tiểu tốt đến những vị chức sắc đang giở những ngón đê tiện, bẩn thỉu hiếm thấy để cư xử với nhau mà kiếm lợi riêng.Thật đau xót, nhói buốt trong lòng khi phải nhìn những khuôn mặt khắc khổ đẫm nước mắt của những người bán rau quả rong bị bắt cả gánh hàng đưa về đồn công an phường.Sao mình cứ phải lăn tăn, day dứt vì chuyện của người khác nhỉ.Chợt văng vẳng đâu đây những lời như lẩn khuất trong gió..."Tâm hồn con người thật kỳ kạ,hay nói đúng hơn tâm hồn mình thật kỳ lạ".Ai đã nói câu đó?Thì ra bạn ơi,mình bị ám ảnh nặng nề vì 2 cuốn nhật ký vừa đọc cả tháng nay: MÃI MÃI TUỔI HAI MƯƠI của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và NHẬT KÝ ĐẶNG THUỲ TRÂM. Một người từng mê chủ nghĩa hiện sinh,một Phật tử chăm chú hướng tâm mình vào sự tỉnh thức "bây giờ và ở đây" như mình mà nông nổi chạy theo hội chứng nhật ký chiến tranh thì cũng đáng để nói như anh lính trẻ Nguyễn Văn Thạc"tâm hồn mình thật kỳ lạ".Dự báo thời tiết báo rằng Hà Nội đang xảy ra cơn bão từ,thế mà trong tâm mình cơn bão đã nổi cả tháng nay,ký ức mình xáo động mạnh bởi những dòng nhật ký như được viết bằng máu rút ra từ hai trái tim ứ tràn nhựa sống nhưng không được sống thực,sống tự nhiên...
"Suốt đêm qua không ngủ được. Cứ thao thức hoài vì những cảm giác nôn nao, rạo rực...Ừ, cuộc sống bên trong của con người thật là lạ, cứ nhớ, cứ nhớ.Nhớ ai, nào biết, mà sao không ngủ được."
" Giây phút này thật cô đơn,thật lẻ loi"
"Có ai phải kìm giữ lòng mình, và có ai cô độc như mình hay không?''
"Ồ, cũng một cuộc đời, chứ sao? Buồn, chán bạn nhỉ"
"Mùa xuân đến không làm cho mình vui lên, không làm cho nỗi buồn đau của mình dịu lại. Chỉ có những day dứt và dằn vặt giày xéo tâm hồn mình."
"Sống được ở trên đời này cũng là một vấn đề đáng suy nghĩ đấy.Tự dưng thấy chán nản với hết thảy những gì mà người ta hằng ao ước.Buồn chán lắm.Chỉ mong đi chiến trường và có thể quên đi cái cảnh đáng kinh sợ này."
(Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi-Nguyễn Văn Thạc)
"Bên trong nỗi nhớ, hình như có một nỗi buồn sâu kín, thầm lặng nhưng rất nặng nề"
"Mình muốn lấy tình thương của mọi người đền đáp cho chỗ trống của tâm hồn mà không sao làm được. Trái tim mình vẫn cứ bướng bỉnh đập theo nhịp độ của tuổi 20 tràn đầy hy vọng, tràn đầy thương yêu.Thôi hãy bình tĩnh lại với nhịp đập yên bình của mặt biển những buổi chiều lặng gió đi tim ơi"
"Vậy mà cứ buồn.Nỗi buồn thấm sâu trong lòng mình như những giọt mưa thấm sâu trong lòng đất của những ngày mưa rả rích này.Muốn tìm lấy những niềm vui vô tư nhưng không sao tìm được ,bộ óc mình đã hằn những nếp nhăn suy nghĩ rồi. có cách nào xoá mờ được đâu"
"Mùa thu chưa đến mà lá vàng đã chìm ngập cả không gian.Chưa bao giờ mình cảm thấy đau khổ và cô độc đến mức này."Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố".Thì hãy đứng dậy Th. ơi, dù gió mưa giông bão nổi lên, dù nước mắt chảy tràn thành suối nguồn đau khổ thì cũng hãy giữ vững tinh thần.Th. hãy bằng nghị lực, bằng niềm tin ở chính nghĩa, bằng lý tưởng cuộc đời mà đi tiếp những bước đường gai góc gian lao"
(Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm)
Anh sinh viên Nguyễn Văn Thạc mơ mộng, lãng man, yêu văn chương hay cô bác sỹ trẻ Đặng Thuỳ Trâm đa sầu, đa cảm, đa tình nhưng cương nghị, giàu nữ tính đều không thoàt khỏi căn bệnh kinh niên của phận làm người là buồn, chán, cô đơn.Với tuổi trẻ ngông cuồng, nông cạn, ưa phiêu lưu căn bệnh càng có cơ để hoành.Là những thanh niên tao nhã, hào hoa của đất Hà thành,được nuôi dưỡng bằng âm nhạc, văn chương, sách báo tuyên truyền, Đặng Thuỳ Trâm và Nguyễn Văn Thạc tạo được đề kháng,thậm chí qua đó còn rèn luyện được tinh thần hy sinh, cống hiến cho dân tộc với một ý chí mạnh hơn sắt thép, rắn hơn kim cương."Cuộc sống của Paven là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời.Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của 1 chiến sỹ hồng quân.Mình thèm khát được sống như thế.Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và và của cuộc đời riêng"."Có thể ngày mai ,cuộc đời sẽ trả lời mình bằng luồng gió lạnh ngắt, nhưng có hề chi khi mình đã cống hiến cho cuộc đời 1 tâm hồn chính trực và cao cả"(Nguyễn Văn Thạc). "Ở ngoài đó ba mẹ và các em làm sao thấy hết cuộc sống ở đây.Cuộc sống vô cùng anh dũng ,vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn 1 bữa cơm.Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu.Con cũng là một trong muôn ngàn người đó,con sống, chiến đấu và nghĩ rằng mình đã ngã xuống vì ngày mai của dân tộc"(Đặng Thuỳ Trâm)
Bạn,khúc ca khải hoàn đã vút lên cách đây 30 năm trên đất mẹ Việt Nam đau thương chịu nhiều mất mát. Xót xa thay bạn ơi, tâm trạng trĩu nặng lo âu-khi rầu rĩ, buồn phiền, lúc cuồng nộ, quyết liệt của những công dân trí thức ưu tú từ thuở họ bình sinh đến nay vẫn còn giữ nguyên tính thời sự.Chàng thanh niên bạc tóc ở lứa tuổi đầu xanh từng thủ thỉ trong nhật ký:"Trong cuộc đời này đâu đã hết bất công. Xã hội ta đâu đã hết những kẻ dựa vào quyền thế, muốn dành 1 chỗ yên lành trong cuộc sống.Ta khinh bỉ, nguyền rủa và suốt đời sẽ đập tan tanh cài mưu đồ đen tối ấy.Cho ngày mai, chỉ chỉ còn những tâm hồn trong như ngọc, dẫu không tròn và nhẵn nhụi như xưa"(4/12/1971) "Cuộc sống của đất nước còn lam lũ lắm.Đầu tắt mặt tối mà đâu có đủ miếng ăn.Rồi mất cắp.Rồi đánh chửi nhau.Rồi thiên tai, địch hoạ"(13/12/1971).Thiếu nữ Hà Nội mảnh dẻ, yêu âm nhạc,mê đắm cặp mắt đen lại là 1 cá tính dữ dội không khoan nhượng với cái xấu xa:"Những sự thiếu công bằng vẫn còn trong xã hội, vẫn diễn ra hàng ngày;vẫn có những con sâu, con mọt đang gặm dần danh dự của Đảng.Những con sâu mọt ấy nếu không bị diệt đi nó sẽ đục khoét dần lòng tin yêu với Đảng.Rất buồn mình chưa được đứng trong hàng ngũ của Đảng để đấu tranh cho đến cùng"(25/5/1968) "Điều đáng buồn nhất là trong những hy sinh gian khổ ấy, Th. chưa thấy được sự công bằng, trung thực.Chưa có 1 sự đấu tranh để thắng được những cái ti tiện, đớn hèn cứ xảy ra làm sứt mẻ danh dự của 2 chữ Đảng viên và làm mòn mỏi niềm vui say mê công tác của mọi người trong bệnh xá...Cả mùa khô ác liệt không 1 lần nào mình thấy bi quan, mình luôn cười trong gian khổ vậy mà bây giờ mình đau khổ quá đi.Kẻ thù phi nghĩa không sợ, mà sợ những nọc độc của kẻ thù còn rớt lại trong đồng chí của mình"(15/6/1968)
Không hẹn mà gặp, sau 30 năm đất nước thống nhất 2 cuốn nhật ký lần lượt được xuất bản, có phải hai vong hồn linh thiêng của giới trí thức Hà Nội bùi ngùi cảm thương bao lớp trẻ không còn thần tượng ,không còn mục đích sống cao thượng nên xui khiến ra việc này?Cầu Trời cho 2 cuốn sách phát hành được thật nhiều,không dừng ở con số vài trăm nghìn mà hàng triệu bản,cầu cho "lửa"trong 2 cuốn nhật ký làm tiêu tan đi tư tưởng u mê coi đồng tiền là trên hết đang ngự trị bao nhiêu là trí óc thực dụng.Bạn nhỉ,thế thì cả một loạt từ tưởng đã phải biến mât trong tư duy cuộc sống hiện tại như hy sinh,cống hiến, xả thân, vị tha, chính trực... được 1 phen sống dậy, mừng thay!