Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Nho

New Member
Hội viên mới
Giọng nói Sài Gòn

Có dạo đọc trong một bài viết về Sài Gòn – Gia Định của nhà văn Sơn Nam, có thấy ông viết giọng Sài Gòn, cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách Hoa, những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định…Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất…

Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến chất giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và “điêu luyện”. Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. Nếu nói là người Việt Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa chăng chỉ có giọng Huế của người con gái Huế trầm tư mới cùng được ví von thế…Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác. Không ngọt ngào …mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa, không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt, giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn, chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước cũng khó lòng. Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống, trong đổi mới và phát triển, thì giọng nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, có cái “thanh” của một vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ.

Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang sang sảng riêng…Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu... Người miền khác có khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này. Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dìa nghen!” - Chủ nhà cũng cười “Ừ, dzậy anh dìa hen!”. Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!” “thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu thoải mái…

Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó “Dzui dzữ hen!”. Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ “Dzui dzữ hen!”…Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi” giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như “Hay dzữuuu”, “Giỏi dzữưưu…!” Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp “Thôi à nghen” “Thôi à!” khá nhiều, như một thói quen và cái “duyên” trong giọng Sài Gòn.

Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” vậy. Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền. Mà cũng chẳng biết có phải là do thật sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn. Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy!” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen!”. Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó. Nghe một người Sài Gòn phát âm những chữ có phụ âm "v" như "về, vui, vườn, võng" nó cảm giác sao sao á, không đúng là giọng Sài Gòn chút nào...

Nhìn lại một quãng thời gian hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn từ Phiên Trấn, Gia Định Trấn, Gia Định Thành, Phiên An, Gia Định Tỉnh…cho đến Sài Gòn, Tp HCM, dân Sài Gòn đã là một tập hợp nhiều dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, Kh’mer…Các sử sách xưa chép lại, khi người Việt bắt đầu đến Đồng Nai – Gia Định thì người Kh’mer đã sinh sống ở đây khá đông, rồi tiếp đó là người Hoa, và một số người tộc láng giềng như Malaysia, Indonesia (Java) cũng có mặt. Sự hợp tụ này dẫn đến nhiều sự giao thoa về mặt văn hóa, làm ăn, cũng như những mặt khác của đời sống, trong đó dĩ nhiên phải nói đến ngôn ngữ.

Tiếng nói của người Sài Gòn không chỉ thuần là tiếng Việt, mà còn là sự học hỏi, vay mượn nhiều từ ngữ của dân tộc bạn, đâm ra mang nhiều “hình ảnh” và “màu sắc” hơn. Những từ như “lì xì, thèo lèo, xí mụi, cũ xì…” là mượn của người Hoa, những từ như “xà quầng, mình ên…” là của người Kh’mer. Nói riết đâm quen, dần dần những từ ngữ đó, những tiếng nói đó được người dân Sài Gòn sử dụng một cách tự nhiên như của mình, điều đó chẳng có gì lạ…Thêm vào đó, nó được sửa đổi nhiều cho phù hợp với giọng Sài Gòn, thành ra có những nét đặc trưng riêng.

Vậy nói cho cùng thì người Sài Gòn cũng có những tiếng gọi là “tiếng địa phương” (local dialect !?). Những tiếng này thể hiện rõ nhất khi người Sài Gòn nói chuyện cùng người miền khác. Nghe một người Sài Gòn nói chuyện cùng một người khác vùng, dễ dàng nhận ra những khác biệt trong lời ăn tiếng nói giữa hai người, hai miền. Có một số từ người Sài Gòn nói, người miền khác nghe rồi…cười vì chưa đoán ra được ý. Cũng như khi nghe người Huế dùng một số từ lạ lạ như “o, mô, ni, chừ, răng…” trong khi nói chuyện vậy thôi. Khác là mấy tiếng người Sài Gòn nói, vẫn có chút gì đó nó…vui vui tai, là lạ, ngồ ngộ và…bình dân làm sao.

Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ "dạ" khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ "vâng". Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ "vâng". Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói "vâng!" là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt. Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ "dạ" vào mỗi câu nói. "Mày ăn cơm chưa con ? - Dạ, chưa!"; "Mới dìa/dzề hả nhóc? - Dạ, con mới!"… Cái tiếng "dạ" đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó "thương" lạ...dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng "dạ" là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẳn hay...

Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa nay”, còn người Sài Gòn thì nói “Hổm nay”, “dạo này”…người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng. Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó xinh ghê!” nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.) Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà.

Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem…”Nhỏ đó xinh lắm!”, “Nhỏ đó ngoan!”…Tiếng “nhỏ” mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thuý, nhỏ Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thuý, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi.

Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề…nhìn phát bực!” Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi “Ê, nhóc lại nói nghe!” hay gọi người bán hàng rong “Ê, cho chén chè nhiều nhiều tiền ít coi!”… “Ê” là tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn. Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là “cho chén chè, cho tô phở”… “cho” ở đây là mua đó nghen. Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này “Lấy cái tay ra coi!” “Ngon làm thử coi!” “Cho miếng coi!” “Nói nghe coi!”… “Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè ? Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ “coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà. Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?” – Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói “Sao kỳ dzậy ta?” “Sao rồi ta?” “Được hông ta?”…Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà…hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà.

Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!”

Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang “màu sắc” riêng.

Người Sài Gòn có cái kiểu gọi “Mày” xưng “Tao” rất “ngọt”. Một vài lần gặp nhau,nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Saigon mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô mà còn rất ư là thân thiện và gần gũi.

Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng-hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi. Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó...tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như "cậu cậu - tớ tớ" của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng mày mày tao tao thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.

Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy “tụi nhỏ” sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng “con” ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn "ưa" tiếng chú, thím, dì, cô hơn; cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện. Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì "Dì ơi dì...cho con hỏi chút...!" - còn lớn hơn thì dĩ nhiên là "Bác ơi bác..." rồi. Những tiếng mợ, thím, cậu,... cũng tuỳ vào vai vế và người đối diện mà gọi. Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím. Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng “con” chứ không phải “cháu cháu” như một số vùng khác. Cái tiếng “con” cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm tình liền.

Nói tiếp chuyện xưng-hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này :

Ông đó = ổng
Bà đó = bả
Anh đó = ảnh
Chị đó = chỉ
...
-----------------------------------------------------------------------------------------
Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng .
Bên hàng xóm đôi khi ghé thăm
Nhớ đường dài qua cầu lại nối
Nhớ những con sông nối bao dòng kinh

Trong lòng phố mưa đêm trói chân
Dưới hiên nhìn nước dâng tràn
Phố bỗng là dòng sông uốn quanh

Nhớ Sài Gòn mỗi chiều gặp gỡ
Nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm
Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng
Phố em qua gạch ngói quen tên

Nhớ Sài Gòn những chiều lộng gió
Lá hát như mưa suốt con đường đi
Có mặt đường vàng hoa như gấm
Có không gian màu áo bay lên
 
Sửa lần cuối:
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Bạn cần trầm tư, mặc tưởng hay "hâm nóng" tình yêu đã có phần phôi pha theo năm tháng mưu sinh. Bạn muốn tìm ý tưởng mới cho công việc, trau dồi ngoại ngữ hay mua vài món nội thất xinh xinh. Mời bạn hãy ghé qua những quán cà phê Hình Như Là có một không hai ở TP HCM.

8 giờ tối, tại quán cà phê Tưởng Niệm, số 155 đường Trần Bình Trọng, quận Gò Vấp đã đông khách. Phần lớn khách đến quán cà phê khác thường đi có đôi hoặc cả nhóm bạn bè, nhưng khách đến với Tưởng Niệm thường đi một mình. Mỗi người ngồi một góc, theo đuổi những suy tư và chiêm nghiệm theo cách riêng. Không gian nơi này dường như cách biệt hẳn với thế giới nhộn nhịp và sôi động bên ngoài.



Lặng lẽ, u hoài - đúng như tên gọi của quán, trước khi vào quán cà phê, khách phải đi qua một khu đất còn vài ngôi mộ cổ (hình như là mộ của người Hoa) được quét vôi màu trắng, vì vậy quán còn có một cái tên khác do chính những người khách đặt là quán Cổ Mộ. Vào trong quán dễ nhận thấy một không khí tĩnh lặng bao trùm. Khách đến đây, ngoài việc ngồi một mình để tưởng niệm, còn một thú vui khác là có thể tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp qua nhiều bức trướng trang trí treo khắp quán. Đặc trưng của quán còn là những bản nhạc tiền chiến luôn réo rắt như nhắc về quá khứ vừa u hoài, vừa bi tráng. Quán chia làm ba khu, khu dành cho những người đàm đạo theo kiểu Nhật, khu mái hiên treo nhiều ảnh trắng đen và khu sân vườn với thiên nhiên thoáng đãng. Một nhà thơ trẻ khá nổi tiếng cho hay: "Dù yêu thích quán này nhưng tôi chỉ đến quán lúc nào cần suy tư, bởi nếu không có tâm trạng đó thì chính tôi sẽ phá hỏng không khí nơi đây. Vì vậy chỉ khi nào muốn "Ta nghiêng vai soi lại đời mình..." thì tôi mới tìm đến quán".



Cũng với gu tương tự như Tưởng Niệm, nhưng Cõi Riêng (371/D1 Nguyễn Cảnh Chân, quận 1) lại là cõi dành riêng cho... hai người nên khách đến đây thường là những cặp tình nhân. Điểm nổi bật của Cõi Riêng là rất kén khách bởi không gian rất yên tĩnh khác hắn với khuynh hướng hôm nay. Như luật bất thành văn, khách vào quán không nói chuyện ồn ào. Khi bạn cần được phục vụ, sẽ có ngay một nhân viên đứng... im lặng ngay bên cạnh... kiên trì chờ đợi "lệnh" (tất cả cũng chỉ là lệnh thì thầm). Nền nhạc chủ đạo của quán là những giai điệu bài hát của Trịnh Công Sơn. Chính những bài hát bất hủ của nhạc sĩ này đã trở thành nét độc đáo dành cho những người mê nhạc Trịnh. Sen xanh, ly trắng, cỏ lau bày ở các góc tối, góc sáng trong căn phòng là cách trang trí ấn tượng tại đây. Chị Hoàng Hương, một khách hàng quen thuộc của quán, nhận xét: Ai không thích chỗ quá lặng lẽ thì đừng đến. Nhưng ai đã sợ ồn ào, từng bị ám ảnh khung cảnh náo nhiệt của phố xá thị thành thì nơi đây sẽ là... thiên đường.



Chộp bắt ý tưởng, chỉ với diện tích gần 100m², nhưng quán La Fenêtre de Soleil (Cửa Sổ Mặt Trời) nằm ở tầng 2 trong một khu chung cư trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 (góc ngã tư Lê Thánh Tôn) luôn đông khách. Với ý tưởng sắp đặt những vật dụng tưởng như "bỏ xó", anh Takayuki Sawamura, một nhà thiết kế nổi tiếng của Nhật, đã biến căn hộ chung cư này thành một quán cà phê "không giống ai". Cửa Sổ Mặt Trời như một ngôi nhà hoang sơ với cầu thang ọp ẹp, tường gạch thô, cửa ra vào ố vàng, cũ kỹ. Cách bài trí ở đây thật lạ: Mỗi thứ chỉ một món. Ở góc này là một chiếc giường cổ giăng mùng dành cho khách ngồi thưởng thức cà phê, ở góc kia là một mặt bàn được làm từ khung cửa rỉ sét. Chiếc đồng hồ quả lắc cách đây vài thập kỷ là điểm nhấn, gợi nét hoài cổ về nội thất thời thuộc địa. Phần đông khách đến đây đều là dân làm trong ngành quảng cáo, vì vậy họ coi Cửa Sổ Mặt Trời như là nơi lý tưởng để gợi tư duy và tìm thông tin về một ngành hiện được xem là thời thượng. Nguyễn Quí, nhân viên một công ty quảng cáo, cho biết: Nơi đây có thể xem là một trường học dành cho người muốn hiểu biết thêm về các kỹ xảo, kỹ thuật trong quảng cáo. Nhiều người đang làm nghề copywriter (viết bài quảng cáo) còn xem quán là nguồn cảm hứng để sáng tạo. Tại đây, khách còn có thể trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình vì ngôn ngữ được sử dụng nhiều ở quán là tiếng Anh và tiếng Pháp. Điểm khiến Cửa Sổ Mặt Trời trở thành quán lạ còn ở chỗ, do phục vụ chủ yếu cho người làm công ty nên quán chỉ mở cửa từ 11 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày. Sau 19 giờ là hoạt động của quán bar và đóng cửa vào ngày chủ nhật.



Quán Hình Như Là trên đường Nguyễn Đình Chính, Phú Nhuận lại dành riêng cho các bạn trẻ. Quán không rộng nhưng lúc nào cũng đông khách. Mới 19 giờ, nhưng quán đã không còn một chỗ ngồi. Điểm thu hút khách chính là... những cuốn nhật ký. Mỗi người khách đến đây đều có thể trải lòng mình trên những trang giấy, từ những khoảnh khắc hạnh phúc của một đôi bạn trẻ đang yêu đến những phút giận hờn vu vơ hay đơn giản chỉ là những khi bị điểm kém trong học tập..., tất cả đều được lưu lại đây. Quán sẽ chọn lọc những đoạn nhật ký hay nhất để chuyền đọc. Có thể tìm ở đây một cảm nhận dễ thương như: "Sao hẹn anh mà em lại không đến? Ngoài trời đang mưa, chẳng biết em có nhớ mang theo áo mưa không hay lại lấy cớ quên để thỏa thích vùng vẫy trong mưa, để mặc mưa tạt vào mặt, vào người mình... Một thói quen mà từ khi yêu anh, em phải từ bỏ...". Có thể nói những câu viết ở đây khá văn vẻ mùi mẫn, toát lên một cõi lòng... không hề sợ ai đàm tiếu. Vợ chồng anh Nghĩa - chị Xuân, cặp khách hàng lâu năm của quán, cho biết: "Thỉnh thoảng chúng tôi quay trở lại quán, đọc những dòng lưu bút dành cho nhau thời đang yêu... để "hâm nóng" lại tình yêu của mình".



Mua gì-bán nấy, khó có thể kể hết, đi hết các quán cà phê lạ. Cách đây hai tháng, tại 37 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 mới khai trương quán Nirvana (có tên tiếng Việt là Niết Bàn). Dù nằm ở trung tâm TP nhưng rất ít người biết đến quán bởi nhìn từ bên ngoài, quán giống như một ngôi biệt thự khép kín. Đúng như cõi Niết Bàn, không khí trầm mặc, tĩnh lặng, ánh sáng hư ảo của căn phòng từ hàng trăm ngọn đèn dầu. Nội thất nơi này là đồ gỗ giả cổ với những tấm phản lớn, ghế bành, rương, gụ... Khách đến quán thích không gian góc tối, góc sáng của Niết Bàn, họ ngồi hàng giờ trong tư thế thiền và hít thở không khí trong lành từ khu vườn cây, tiểu cảnh trồng đầy hoa sen và hoa súng. "Nhưng điểm đặc biệt nhất của quán lại là dịch vụ bán hàng nội thất. Khách có thể chọn mua vật dụng bày tại đây, từ chiếc quạt cổ, đèn cổ hay bàn ghế với nhiều kiểu khác nhau". Một nhân viên phục vụ quảng cáo như vậy.



Riêng quán I-box (135 Hai Bà Trưng, quận 1) lại thiên về xu hướng nội thất châu Âu. Khách vào quán có cảm giác như được uống cà phê ngay tại nhà của mình bởi kiểu trang trí của quán như căn nhà thu nhỏ với những bộ sofa, bàn ăn, bàn phấn, gương soi.. Toàn bộ nội thất và các vật dụng ở đây đều được bày bán nên khách có thể chọn mua bất cứ món nào. Mỗi món hàng đều được ghi sẵn giá bán, món đắt tiền có giá từ vài chục đến vài trăm đôla như bộ xa-lông, tủ kệ, ghế, đèn ngủ... đến những món chỉ vài đôla như gối ôm, khăn trải bàn, khăn ăn, rèm cửa... thậm chí bán luôn cả ly, chén... nếu bạn muốn mua. Chị Liên Hoa, một khách hàng thích sưu tập đồ trang trí nội thất, thỉnh thoảng vẫn đến quán để chọn mua những vật dụng nội thất mới được bày bán.



Sài Gòn cà phê lạ không chỉ dừng lại ở vài quán trên đây. Vào những điểm khác nhau, một số quán vẫn có những hình thức phục vụ độc đáo. Như quán Yoko trên đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3 là nơi tụ họp của các sinh viên ngành xây dựng, kiến trúc, bởi chủ quán này là những chàng sinh viên trường kiến trúc. Vào những tối cuối tuần, chính những chàng trai này tự đàn, tự hát những nhạc phẩm Beatles bất hủ để phục vụ khách. Gần đây, nhiều người hay nhắc đến quán Yesterday (trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1) bởi sự xuất hiện một lồng chim bồ câu lớn - biểu tượng của hòa bình - được treo trước cửa quán.



Quán café Sài Gòn cũng như mọi nơi khác, cũng chia làm nhiều tầng lớp với mức giá cũng khác nhau một trời một vực. Nổi tiếng nhất tại Sài Gòn là Tiếng Tơ Đồng ( 104 Nguyễn Huệ ) và M và tôi ( 37 Lê Duẩn ). Đây thực chất là hai quán bar lớn của Sài gòn, nơi mà bạn có thể gặp mặt hầu như tất cả các sao trong làng ca nhạc cũng như người mẫu Việt nam. Tuy nhiên giá cả thì khá đắt đỏ, trung bình từ 50 - 80.000đ một món, ngày nào mà có "sao" tới trình diễn thì sẽ tính thêm phụ thu, cũng khoảng 50 - 100.000đ nữa. Vậy nên một khi tiền trong túi phải cộm cộm một chút thì hãy vào những quán này, không thì hãy kiếm những quán nhẹ nhàng hơn mà tui đã lần lượt nói như trên..


Có một số quán lại chọn cho mình một phong cách nhẹ nhàng hơn như Yesterday, Bodega, Carmen. Nơi đây bạn có thể thả hồn trong tiếng đàn dương cầm trầm lắng, hoặc ngồi ngắm khung cảnh đường phố nhộn nhịp ( tất nhiên là sau khung cửa sổ, không thì hít bụi chết ). Thức uống ở đây rẻ hơn một chút, chỉ khoảng trên dưới 20.000đ một món, rất thích hợp cho những cặp tình nhân đến đây tâm sự, vì những nơi này khá ư là lãng mạn mà hihi.



Còn bạn là những người sôi nổi và trẻ trung, hãy đến với Nhạc trẻ No.1 ( ở Sài gòn có tới 2 cái No.1, một cái trên đường Nam kỳ khởi nghĩa, còn một cái nằm trên đường Lý tự trọng, cái nào cũng nổi tiếng cả ). Giá cả ở đây cũng kha khá, từ 25 - 50.000 một ly nước tùy loại, bạn cứ chọn vô tư nhé.



Còn một khi bạn muốn đến những nơi hơn bình dân hơn một tí, hãy đến khu cư xá Bắc Hải phường 15 quận 10, nơi đây có hai quán nổi nhất, đó là Thảo Ly và Trùng Dương . Giá cả thì chỉ 5 -15.000 một ly nước mà thôi. Ngoài ra thì toàn bộ khu vực này mọc lên nhan nhản những quán café "gác tay", cứ uống café là gác thoải mái ( nhưng chỉ có gác bình thường thôi chứ xúc than kiểu bác bơlờ thì không có đâu ).



Bên cạnh đó, cũng phải nên nói đến hệ thống café vườn, café hộp và café võng ở Thủ Đức và Thanh Đa. Nơi đây là nơi lý tưởng nhất để tâm sự trong an toàn và kín đáo ( người ta thường hay dắt nhau ra gốc cây, công viên ... để tâm sự, nhưng những nơi này rất dễ bị ăn cướp xin đểu hoặc trấn lột cả người lẫn phương tiện, lâu lâu lại bị đèn pha rọi vào, chán chít đi được, còn những nơi này ấy à, bảo đảm nhé, chỉ cần 30.000 cho 2 ly café, bạn sẽ tận hưởng một bóng tối như đêm 30, có đưa tay trước mặt cũng không biết số mấy nữa, thoải mái nhé ....). Có một điều là bạn phải đi một nam một nữ vào, chứ không thì sẽ bị đuổi ra ngay lập tức đấy, không vào xem được đâu , hihi.


Cuối cùng, cũng nên nói đến các quán café vỉa hè, những quán này thì vô cùng thoải mái về mặt giá cả, thoải mái về thời gian ngồi đồng. Và bạn cũng hít bụi thoải mái luôn. Quán còn trang bị thêm báo, bài và bàn cờ tướng cho khách sát phạt nhẹ nhàng với nhau mà quên đi thời gian nữa. Mà hình như ở đây, trà đá miễn phí đó ( ở ngoài Bắc thì khái niệm trà đá, nhưng trong Nam thì nóng lắm nên đi đâu cũng có trà đá cả, ngay cả khi đi nhậu thì cũng cần có trà đà để chữa cháy nữa )


À, chút xíu nữa thì quên, ở Sài Gòn bạn còn có thể đi uống café 33 tầng. Tên của nó là gì thì tui quên mất rồi ( hình như là Panorama thì phải ) chỉ biết là bạn có thể vừa uống cafévừa ngắm toàn cảnh Sài Gòn ( đây là tòa nhà cao nhất Sài Gòn mà ). Nhưng giá cả cũng khá chóng mặt như độ cao của nó, thêm vào đó, bạn chỉ được ngồi trong khoảng 30 phút đến một tiếng cho một lần gọi nước uống. Nếu ngồi lâu hơn sẽ bị nhân viên đến nhắc nhở, thành ra cũng chán. Còn thử kêu một bình trà đá xem, bạn sẽ biết rằng giá của nó khá rùng rợn, tới 100.000đ ( giá bình thường là 1000đ thôi ).
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Bài hay nhưng .... dài quá bác Nho à.
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Ờ ờ.. Bao lười thế.
Bác Nho ơi, Hay là bác post bài đọc thu âm sẵn cho Bao nghe đi.
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Bác Bao đi đâu cũng chê hết ah`.Thôi có lẽ bác chuyển sang làm phê bình văn học đi bác Bao ạ///
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

hay quá à nho ơi :cheers1:
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Pài hay (vì đang khen Miền Nam mừ) nhưng dài....wá nên đọc lướt wa thui.. khờkhờ
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Hi hi! Mình thấy con gái Sài Gòn nói chuyện rất dễ thương, còn mấy ảnh giai Sài Gòn thì nói chuyện phê luôn. Đề nghị Pác nào trong Sài Gòn chưa có bạn gái thì tự giới thiệu đi ạ.
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Hi hi! Mình thấy con gái Sài Gòn nói chuyện rất dễ thương, còn mấy ảnh giai Sài Gòn thì nói chuyện phê luôn. Đề nghị Pác nào trong Sài Gòn chưa có bạn gái thì tự giới thiệu đi ạ.

Gớm.
Nghe mà phát .....cứ thử xem phim SG đóng mà xem,nghe mà muốn đập ti vi.
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Theo dấu thời gian: Sài Gòn lóng
(Thứ sáu , 05/09/2008, 01:15)
7B-Ds330.jpg
Một góc của người Hoa xưa(ĐSCT) Một thời, một nơi chốn nào đó, trong đời sống ngôn ngữ dân gian lại nảy sinh ra một số tiếng lóng, một số thành ngữ, một câu hát nhại theo câu hát chính phẩm, hầu hết là để châm biếm, tạo nên nụ cười, hay có khi là để răn đe, tìm sự hoàn thiện trong cuộc sống, chúng chỉ sống một thời rồi tự biến mất, nhường chỗ cho đoạn đời “tiếng lóng” khác đến thay thế. Do đó, việc ghi chúng lại để đọc vui chơi hay phục vụ nghiên cứu văn học dân gian, chỉ có giá trị, khi ghi rõ định vị địa lý và thời gian.

Tỷ như Sài Gòn vào thập niên 60, thịnh hành một chùm tiếng lóng “sức mấy” để thay nói bất lực hay chuyện không thể. Phổ biến đến nỗi, một nhạc sĩ đã chọn làm đề tài cho một bài hát đường phố “Sức mấy mà buồn, buồn chi bỏ đi Tám”.

Những câu chuyện thuộc loại tiếng lóng đó xuất hiện vào thời buổi Sài Gòn bị tạm chiếm, Tây - Mỹ nhiễu nhương, quê hương chiến tranh buồn phiền; “sức mấy” đã trở thành bút hiệu của một chuyên mục phiếm luận trên báo, sau đó một kỹ thuật gia sản xuất còi ôtô đã chế ra một điệu còi ôtô, bấm còi là kêu vang trên phố một dòng nhạc còi auto 9 nốt “tính tính tè tè, tè ti tè ti té”, làm cho đường phố càng náo loạn hơn.

Trước đó cũng từ bài ca Diễm xưa của Trịnh Công Sơn mà sinh ra cụm từ tiếng lóng “xưa rồi Diễm ơi”, mỗi khi có ai lặp lại một đòi hỏi nào đó, mà người nghe muốn gạt phăng đi.

7A-Ds330.jpg
Hình ảnh lóng gọi là “âm lịch”Thời các vũ trường mới du nhập Sài Gòn như Mỹ Phụng, Baccara, Tháp Ngà, thì dân chơi gọi Tài-pán tức người điều phối nhóm vũ nữ, bằng tiếng bóng “Cai gà”, gọi cảnh sát là "mã tà", vì police (cảnh sát) hay mang cái dùi cui, tiếng Tây là matraque, đọc trại thành “mã tà”. Cũng từ thời thuộc địa, tiếng Tây chế ra tiếng lóng âm Việt rất nhiều như: “gác-dang” tức thuê người làm bảo vệ; tiếng Pháp gardien đọc trại ra thành gác-dang. Cũng như nói “de cái đít” tức lùi xe arriere; tiền bồi dưỡng người phục vụ tiếng Pháp: pour-bois âm bồi gọi “tiền boa”, sau này chế ra là “tiền bo”.

Cũng thời Pháp thuộc, Sài Gòn có nhiều cách nói mà đến nay không ai biết nguyên do. Tỷ như gọi ngân hàng là nhà băng, gọi sở bưu điện là nhà dây thép, mua tem dán bao thư gọi là “con cò”, còn nếu gọi “ông cò” là chỉ cảnh sát trưởng mấy quận ở thành phố, gọi “thầy cò” tức là các ông chữa morasse các tòa báo do chữ correcteur, nhưng nói “cò mồi” là tay môi giới chạy việc, “ăn tiền cò” thì cũng giống như “tiền bo”, nhưng chữ này chỉ dùng cho dịch vụ môi giới.

Thời kinh tế mới phát triển, đi xe auto gọi là đi “xế hộp”, đi xe ngựa gọi là đi “auto hí”, đến thời xe máy nổ ầm ào, đi xe đạp gọi là “xe điếc”, đi nghỉ mát Vũng Tàu gọi là “đi cấp”, đi khiêu vũ gọi là “đi bum”, đi tán tỉnh chị em gọi là đi “chim gái”, đi ngắm chị em trên phố gọi là “đi nghễ”, gọi chỉ vàng là “khoẻn", gọi quần là “quởn”, gọi bộ quần áo mới là “đồ día-vía”. Đi chơi bài tứ sắc các bà gọi là “đi xòe”, đi đánh chắn gọi là “múa quạt”, đi chơi bài mạt chược các ông gọi là “đi thoa”, đi uống bia gọi “đi nhậu”, đi hớt tóc gọi đi “húi cua”. Có một cụm tiếng lóng từ Huế khoảng 1920 - 1950 du nhập Sài Gòn, đó là “đi đầu dầu”, tức các chàng trai ăn diện “đi nghễ” với đầu trần không mũ nón, để cái mái tóc chải dầu brillantine láng cóng, dù nắng chảy mỡ. Tuyệt vời gọi là “hết sẩy”, quê mùa chậm chạp gọi là “âm lịch", hách dịch tự cao gọi là "chảnh".

Tiền bạc gọi là "địa", có thời trong giới bụi đời thường kháo câu "khứa lão đa địa" có nghĩa ông khách già đó lắm tiền, không giữ lời hứa gọi là "xù", "xù tình", tức cặp bồ rồi tự bỏ ngang. Làm tiền ai gọi là "bắt địa", ăn cắp là "chôm chỉa", tương tự như "nhám tay" hay "cầm nhầm" những thứ không phải của mình.

Ghé qua làng sân khấu cải lương hát bội, người Sài Gòn gọi là làng "hia mão", có một số tiếng lóng người ngoài làng có khi nghe không hiểu. Tỷ như gọi "kép chầu", có nghĩa là đào kép đó tuy cũng tài sắc nhưng vì một lý do nào đó không được nhập biên chế gánh hát, đêm đêm họ cũng xách valyse trang phục phấn son đến ngồi café cóc trước rạp hay túc trực bên cánh gà, để đợi, ngộ nhỡ có đào kép chính nào trục trặc không đến rạp được, thì kép chầu thay thế vào ngay. "Kép chầu" phải thuần thục rất nhiều tuồng để đau đâu chữa đó.

Đào chính chuyên đóng vai sầu thảm gọi là "đào thương", kép chính chuyên đóng vai hung tàn gọi là "kép độc". Có một cụm tiếng lóng xuất phát từ hai nơi, một là cải lương rạp hát, hai là quanh các tòa soạn báo chí, đó là "café à la... ghi” tức uống café thiếu ghi sổ...

Vào làng báo mà tiếng lóng người Sài Gòn xưa gọi "nhật trình". Nếu thiếu tin lấy một tin cũ nhưng chưa đăng báo để đăng lấp chỗ trống, gọi là "tin kho tiêu”, các loại tin vớ vẩn dăm dòng từ quê ra tỉnh gọi là "tin chó cán xe", tin quan trọng chạy tít lớn gọi là "tin vơ-đét" vedette, nhặt từ tài liệu dài ra thành một bài gọn gọi là “luộc bài", chắp nhiều thông số khác nguồn ra một bài gọi là "xào bài", truyện tình cảm dấm dớ gọi là "tiểu thuyết 3 xu", các tạp chí bình dân xoi mói đời tư gọi là "báo lá cải". Làng nhật trình kỵ nhất là loan tin thất thiệt, lóng gọi là "tin phịa", nhưng trong "tin phịa" còn có hai mảng chấp nhận được đó là loan tin thăm dò có chủ đích, lóng gọi là "tin ballons" tức thả quả bóng thăm dò, hay tin thi đua nói dối chỉ được xuất hiện vào đầu tháng tư, gọi là "tin Cá tháng Tư".

Có đến bảy tiếng lóng để thay cho từ chết. Đó là "tịch", "hai năm mươi", "mặc chemise gỗ", "đi auto bươn", "về chầu diêm chúa", "đi buôn trái cây" hay "vào nhị tỳ”, "nhị tỳ" thay cho nghĩa địa và "số dách" thay cho số một... đều ảnh hưởng từ ngôn ngữ minh họa theo người Hoa nhập cư.

Thời điểm truyện và phim kiếm hiệp của Kim Dung nói chung là chuyện Tầu thịnh hành, người Sài Gòn đã chế ra nhiều tiếng lóng, như ai dài dòng gọi là "vòng vo Tam Quốc", ai nói chuyện phi hiện thực gọi là "chuyện Tề Thiên", tính nóng nảy gọi là "Trương Phi". Một số tên nhân vật điển hình của Kim Dung được dùng để chỉ tính cách của một người nào đó. Tỷ như gọi ai là "Nhạc Bất Quần" tức ám chỉ người ngụy quân tử, gọi là "Đoàn Chỉnh Thuần" tức ám chỉ đàn ông đa tình có nhiều vợ bé...

Sài Gòn là đất của dân nhập cư tứ xứ, nơi tha hương văn hóa bốn phương, nên ngôn ngữ càng thêm phong phú, trong đó tiếng lóng cũng "ăn theo" mà ra đời.

Thời Mỹ đến thì một tiếng "OK Salem", mà các trẻ bụi đời vừa chạy vừa la để xin ông Mỹ điếu thuốc. Thời gọi súng là "sén" hay "chó lửa", dân chơi miệt vườn gọi "công tử Bạc Liêu" còn hiểu được, Sài Gòn xuất hiện cụm từ "dân chơi cầu ba cẳng" thì thật không biết do đâu? Có lẽ cầu ba cẳng có tên Pallicao, lêu nghêu 3 cẳng cao như dáng vẻ cowboy trong các phim bắn súng, nên mới gọi "dân chơi cầu ba cẳng"? Đó cũng là lúc các tiếng lóng như "dân xà bát", "anh chị bự", "main jouer" tay chơi ra đời, chạy xe đua gọi là "anh hùng xa lộ", bị bắt gọi là "tó", vào tù gọi là "xộ khám”. Bỏ học gọi là "cúp cua", bỏ sở làm đi chơi gọi là "thợ lặn", thi hỏng gọi là "bảng gót". Cũng do scandal chàng nhạc sĩ nổi tiếng kia dẫn em dâu là ca sĩ K.Ng. qua Nhà Bè ăn chè, để ngoại tình trong túp lều cỏ bị bắt, từ đó "đi ăn chè" trở thành tiếng lóng về hành vi ngoại tình trốn ra ngoại ô.

Cũng có một số tiếng lóng do nói lái mà ra như "chà đồ nhôm" tức "chôm đồ nhà”, "chai hia" tức chia hai chai bia bên bàn nhậu, nó cùng họ với "cưa đôi”. Lóng thời sự loại này có "tô ba lây đi xô xích le" tức "Tây ba lô đi xe xích lô". Trong tiếng lóng còn chất chứa ân tình. Họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn mài đề tài lá hoa sen xuất thân xứ Ca Trù hay than "buồn như chấu cắn", hay có người than phiền vì câu né tránh trách nhiệm với hai tiếng "lu bu" để thất hứa, nay còn có người nhấn thêm "lu xu bu" nại lý do không rõ ràng để trốn việc. Để tạm kết thúc phần dẫn này, tôi muốn nhắc một số âm sắc Bắc Hà. Những âm sắc theo chân người Hà Nội vào Nam rồi trở thành tài sản chung của người Việt. Bắt quả tang thành "quả tó", gọi chiếc xe Honda là "con rim", gọi tờ giấy 100USD là "vé", đi ăn cơm bình dân gọi là "cơm bụi", xuống phố dạo chơi gọi là "đi bát phố", gọi người lẩm cẩm là "dở hơi"...

Nhưng lý thú nhất là nhờ cụ cố nhà văn Nguyễn Tuân mà Sài Gòn nay có một tiếng lóng hiện đại thay cho cụm từ đi ăn nhà hàng theo cách American style - tiền ai nấy trả. Đó là cụm lóng KAMA, ghép bốn chữ tắt của "không - ai - mời - ai".

Đi KAMA phở một cái, tức cùng đi ăn phở mà không ai mời ai, món ăn cổ truyền nhưng ứng xử là thoải mái. Vào thời văn minh hiện đại, ngôn ngữ tiếng Anh trở thành phổ biến, giới trẻ đã chế ra một tiếng khá văn hoa, như chê một ai đó chảnh, các cô nói "lemon question" tức chanh hỏi - chảnh.​
LÊ VĂN SÂM
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Cái bài Cafe hình như viết lâu rùi thì phải?/? Camen đã thành bãi hoang phế hơn cả nửa năm nay, Niết Bàn phong cách thì có nhưng phục vụ ngày càng tệ, Yoko thì hơi ồn ào khi có nhạc sống, ko gian hơi chật ... vào đấy đôi khi còn thấy Call G.. giả dạng sinh viên bắt khách!! ko còn như lúc trước nữa

* Cafe SG tớ chỉ khoái Cafe Báo trước công viên 30/4, vào sáng tất cả các ngày trong tuần ra đấy bạn sẽ thấy rất đông người tụ tập thành từng nhóm uống cafe(trải báo ngồi dưới đất trong công viên) , chơi các trò chơi, ca hát, tập thể dục ... thật bình dị !! :happy3:
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Kidmandang* Cafe SG tớ chỉ khoái Cafe Báo trước [SIZE="5" nói:
công viên 30/4, [/SIZE]vào sáng tất cả các ngày trong tuần ra đấy bạn sẽ thấy rất đông người tụ tập thành từng nhóm uống cafe(trải báo ngồi dưới đất trong công viên) , chơi các trò chơi, ca hát, tập thể dục ... thật bình dị !! :happy3:

Cái công viên ni nằm ở mô ông anh? Em vô SG bao năm nghe người ta nói mà ko biết.:banghead::banghead:
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Bài viết hay lắm bác Nho à.Đúng là còn có nhiều cái mình chưa biết , nhờ bác mà em đc mở rộng tầm mắt.
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Sài Gòn ơi !
Nay cách người, xa muôn đời,
hết rồi ngày tháng chơi vơi,
chỉ còn lại xót xa thôi,
mối tình năm củ chưa phôi .....

Sài Gòn ơi !
Trường Y còn trắng tinh khôi ?
giữ giùm hai bóng song đôi
bên hồ ru lá me rơi
nắng vàng êm nhẹ đừng trôi .

Sài Gòn ơi !
Bóng chiều còn ở trong tôi
mắt huyền sầu đắm xa xôi
vai gầy dáng nhỏ đơn côi
nhớ thương vàng héo tơi bời .....

Sài Gòn ơi !
Quán lá còn che ven bờ ?
Cố giữ giùm tôi : hương thừa,
ghế cũ mềm ôm người xưa,
vành môi say đắm còn chờ ?

Sài Gòn ơi !
Mưa có buồn, giăng ngang đường
xóa kỷ niệm xưa còn vương ?
Xin giữ dấu chân xưa thường
bước vào hồn tôi ngàn thương

Sài Gòn ơi !
Phố củ người đông muôn màu,
thiếu bóng tình nhân năm nào ...
thành phố ơi, buồn biết bao !
ngàn kiếp sau ..... còn nhớ nhau.


-------------
con gái Sài Gòn nói chiện dễ xương lém, vui tính nữa, đường Sài Gòn vào sáng sớm tinh khôi thì dịu mát trong lành, vào buổi tối thì nhộn nhịp đông zui, chạy xe máy đi dạo thì thật tuyệt:iagree::cheers1::happy3:
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Gớm.
Nghe mà phát .....cứ thử xem phim SG đóng mà xem,nghe mà muốn đập ti vi.

bác này phát biểu ghê quá. chắc tại bác chưa vào trong ý bao h`
người sài gòn thì e chưa biết nhưng mà người miền nam nói chung dễ thương lắm chứ bộ. Nhiều bộ phim do điện ảnh thành phố HCM thể hiện càng ngày càng hay chứ có dở đâu, vd điển hình là "cô gái xấu xí" đc nhiều người đánh giá là hay hơn "những người độc thân vui vẻ" mà.
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

SG Chỉ cần mọi người đọc đầy đủ chữ SG là biết ngọt như nào roài !:hurray:
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

hì hì mình vào SG 2 lần rồi và chết mê chết mệt giọng nói luôn, không những thé cách phục vụ rất nhiệt tình chu đáo, con người rất thân thiện và cởi mở. Điểm 10 cho chất lượng nhỉ. ( Mỗi tội đường xá thì hơi xấu, sửa chữa ngổn ngang -> tắc đường suốt).
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Nhìn cái tiêu đề là thấy xạo ớn:confuse1: thế có ai đọc câu này chửa??
"Đường Sài Gòn Vừa Dài Vừa Hẹp" <= Quá đúng, kẹt xe phát ớn:confuse1:
"Con Gái Sài Gòn Vừa Đẹp Vừa Dê" <= Quá xá đúng luôn, ra đường thử mà xem, en mẹt toàn con nhà nghèo :sweatdrop:

:cuoiranuocmat:
 
Ðề: Nét dể thương của dân Sài Gòn nè........

Nhìn cái tiêu đề là thấy xạo ớn:confuse1: thế có ai đọc câu này chửa??
"Đường Sài Gòn Vừa Dài Vừa Hẹp" <= Quá đúng, kẹt xe phát ớn:confuse1:
"Con Gái Sài Gòn Vừa Đẹp Vừa Dê" <= Quá xá đúng luôn, ra đường thử mà xem, en mẹt toàn con nhà nghèo :sweatdrop:

:cuoiranuocmat:

Câu đầu đúng
câu sau đúng 1/2 sau
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top