LT - Báo cáo kiểm toán 2

Đan Thy

Member
Hội viên mới
II- BÁO CÁO KIỂM TOÁN.
1. Khái niệm và vai trò của báo cáo kiểm toán.

Báo cáo kiểm toán là văn bản do kiểm toán viên lập và công bố để trình bày ý kiến của mình về những thông tin được kiểm toán. Như vậy, báo cáo kiểm toán là san phẩm của cuộc kiểm toán và có các vai trò rất quan trọng.
• Đối với kiểm toán viên, báo cáo kiểm toán là tài liệu trình bày các kết luận sau cùng về thông tin tài chính được kiểm toán, nên nó phải kết tinh được toàn bộ công việc mà họ đã tiến hành. Đồng thời, báo cáo kiểm toán là sản phẩm của kiểm toán viên cung cấp cho xã hội và họ phải chịu trách nhiệm về ý kiến của mình.
• Đối với người sử dụng thông tin tài chính, báo cáo kiểm toán là căn cứ để họ đánh giá các thông tin này và đưa ra các quyết định kinh tế. Để thực thi vai trò này, báo cáo phải rõ ràng, dễ hiểu để không gây ra các hiểu lầm.
• Đối với đơn vị được kiểm toán, trong một số trường hợp, thí dụ như kiểm toán hoạt động, báo cáo kiểm toán và thư quản lý (nếu có) còn là căn cứ để đánh giá và cải tiến hoạt động của đơn vị nói chung, kiểm soát nội bộ hoặc công tác kế toán tài chính nói riêng.
2. Các yếu tố cơ bản của báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính.
• Tiêu đề : Giúp phân biệt với các báo cáo do người khác lập.
• Người nhận : Phải ghi tên người nhận phù hợp với hợp đồng kiểm toán.
• Đoạn mở đầu :
- Chỉ rõ đối tượng kiểm toán là các báo cáo tài chính, cũng như ngày lập và niên độ mà báo cáo tài chính đó phản ánh.
- Khẳng định rõ ràng việc lập báo cáo tài chính là trách nhiệm của Giám đốc (hoặc người đứng đầu) đơn vị được kiểm toán. Còn trách nhiệm của kiểm toán viên là đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính dựa trên kết quả kiểm toán của mình.
• Phạm vi kiểm toán :
- Các chuẩn mực kiểm toán được áp dụng : nhằm bảo đảm với người sử dụng báo cáo tài chính rằng cuộc kiểm toán đã được thực hiện theo các chuẩn mực hiện hành.
- Cuộc kiểm toán đã được lập kế hoạch và thực hiện để có được sự đảm bảo hợp lý là các báo cáo tài chính không chứa đựng những sai lệch trọng yếu. - Các công việc đã thực hiện, như các phương pháp kiểm toán để thu thập bằng chứng, đánh giá việc tuân thủ chuẩn mực kế toán hiện hành, đánh giá các ước tính kế toán, đánh giá việc trình bày báo cáo tài chính.
- Xác định cuộc kiểm toán đã cung cấp những cơ sở hợp lý để làm căn cứ cho ý kiến của kiểm toán viên.
• Ý kiến của kiểm toán viên : Nêu rõ ý kiến về trên các phương diện là :
- Phản ánh (hoặc trình bày) trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu,
- Tuân thủ các chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành (nếu cần phải ghi rõ tên quốc gia), và
- Việc tuân thủ các quy định pháp lý có liên quan.
•Địa điểm và thời gian lập báo cáo kiểm toán.
•Chữ ký và đóng dấu.
3. Các loại báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính.
Căn cứ kết quả kiểm toán, kiểm toán viên có thể đưa ra một trong các loại ý kiến sau đây :
3.1. Ý kiến chấp nhận toàn phần.
Ý kiến chấp nhận toàn phần được đưa ra khi kiểm toán viên cho rằng báo cáo tài chính đã phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu về tình hình tài chính của đơn vị, và phù hợp với chuẩn mực hay chế độ kế toán hiện hành. Ngoài ra, cũng hàm ý rằng mọi thay đổi về nguyên tắc kế toán và các tác động của chúng đã được xem xét, đánh giá đầy đủ và đã được công bố trong thuyết minh báo cáo tài chính.
Ý kiến chấp nhận toàn phần cũng được đưa ra trong trường hợp báo cáo tài chính tuy có sai sót nhưng đã được điều chỉnh theo ý kiến của kiểm toán viên.
Ngoài ra, kiểm toán viên còn có thể đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần với một đoạn nhận xét. Đoạn này thường được đặt sau đoạn ý kiến nhằm làm sáng tỏ thêm về một vài yếu tố có ảnh hưởng đến báo cáo tài chính, nhưng không ảnh hưởng đến ý kiến của kiểm toán viên.
3.2. Ý kiến chấp nhận từng phần.
Ý kiến này được trình bày khi kiểm toán viên cho rằng báo cáo tài chính chỉ phản ánh trung thực và hợp lý nếu không bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại trừ hoặc yếu tố tùy thuộc mà kiểm toán viên nêu ra trong báo cáo kiểm toán.
a- Trường hợp có yếu tố ngoại trừ :
Đó là khi kiểm toán viên bị giới hạn về phạm vi kiểm toán hoặc bất đồng ý kiến với người quản lý về phương pháp kế toán.
• Bị giới hạn phạm vi kiểm toán : là khi kiểm toán viên không thể thực hiện được các thủ tục kiểm toán mà họ cho là cần thiết.
• Bất đồng ý kiến : Nếu những điểm không nhất trí là trọng yếu đối với báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần hoặc ý kiến không chấp nhận.
b- Trường hợp có yếu tố tùy thuộc : Yếu tố tùy thuộc là yếu tố không chắc chắn vì phụ thuộc vào các sự kiện tương lai, nghĩa là nằm ngoài khả năng kiểm soát của đơn vị và kiểm toán viên.
3.3. Ý kiến không chấp nhận (Ý kiến trái ngược).
Đây chính là trường hợp ngược lại của ý kiến chấp nhận toàn phần. Thông thường kiểm toán viên đưa ra ý kiến này khi có sự bất đồng nghiêm trọng với giám đốc đơn vị về việc lựa chọn và áp dụng chuẩn mực và chế độ kế toán, hoặc sự không phù hợp của các thông tin ghi trong báo cáo tài chính, hoặc phần thuyết minh báo cáo tài chính. Khi đưa ra ý kiến không chấp nhận, kiểm toán viên phải thu thập đủ bằng chứng để làm cơ sở cho ý kiến của mình. Trong báo cáo này, kiểm toán viên phải trình bày phần giải thích về lý do không chấp nhận, và nêu những ảnh hưởng chính của nó đến tình hình tài chính và ket quả hoạt động của đơn vị.
3.4. Ý kiến từ chối (không thể đưa ra ý kiến).
Kiểm toán viên đưa ra ý kiến này khi hậu quả của việc bị giới hạn phạm vi kiểm toán là quan trọng, hoặc thiếu thông tin liên quan đến một số lượng lớn các khoản mục tới mức mà kiểm toán viên không thể thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp để có thể cho ý kiến về báo cáo tài chính. Ý kiến từ chối và ý kiến không chấp nhận có điểm giống nhau là cả hai chỉ được đưa ra khi có những sự kiện nghiêm trọng, nghĩa là một báo cáo chấp nhận từng phần là không thể thích hợp do mức trọng yếu của vấn đề. Tuy nhiên, ý kiến từ chối và ý kiến không chấp nhận là hai trường hợp hoàn toàn khác nhau :
Ý kiến từ chối dùng trong trường hợp kiểm toán viên không đủ thông tin để kết luận báo cáo tài chính là trình bày “trung thực và hợp lý” hay “không trung thực và không hợp lý”.
Còn ý kiến không chấp nhận được đưa ra khi kiểm toán viên đã có đủ bằng chứng đầy đủ và thích hợp để kết luận rằng báo cáo tài chính đã trình bày “không trung thực và không hợp lý”.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top