LT - Báo cáo kiểm toán 1

Đan Thy

Member
Hội viên mới
I- CHUẨN BỊ HOÀN THÀNH KIỂM TOÁN.
Công việc chuẩn bị hoàn thành kiểm toán, bao gồm việc xem xét về các khoản công nợ ngoài dự kiến, xem xét về các sự kiện xảy ra sau ngày kết thúc niên độ, xem xét về giả định hoạt động liên tục và đánh giá tổng quát kết quả.
1. Xem xét các khoản công nợ ngoài dự kiến.
Trong thực tế, có những sự kiện đã phát sinh trong năm và có thể dẫn đến một khoản công nợ hay thiệt hại mà cho đến thời điểm khóa sổ vẫn chưa thể xác định là có chắc chắn xảy ra hay không và số tiền cụ thể là bao nhiêu ? Thông thường có các loại công nợ ngoài dự kiến như sau :
− Các vụ kiện chưa xét xử do đơn vị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hoặc về trách nhiệm pháp lý đối với sản phẩm.
− Các tranh chấp về thuế với cơ quan thuế vụ.
− Các bảo lãnh về công nợ của người khác v.v ...
Các chuẩn mực kế toán thường yêu cầu đơn vị phải công bố các khoản công nợ ngoài dự kiến trọng yếu trong thuyết minh báo cáo tài chính
Một số thủ tục kiểm toán có thể sử dụng để tìm kiếm các khoản công nợ ngoài dự kiến của đơn vị, đó là :
• Trao đổi với người quản lý đơn vị về khả năng có các khoản công nợ ngoài dự kiến chưa được công bố.
• Yêu cầu luật sư, hay tư vấn pháp lý của đơn vị cung cấp thư xác nhận.
• Xem xét các biên bản họp Hội đồng quản trị để biết được các hợp đồng, các vụ kiện quan trọng v.v...
Sau cùng, kiểm toán viên cần đánh giá tầm quan trọng của các khoản công nợ ngoài dự kiến và nội dung cần thiết công bố trên báo cáo tài chính.
2. Xem xét sự kiện xảy ra sau ngày kết thúc niên độ.
Từ ngày kết thúc niên độ cho đến ngày ký báo cáo kiểm toán, và sau ngày công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán có thể xảy ra những sự kiện quan trọng và có thể ảnh hưởng đến báo cáo tài chính. Chúng được gọi là các sự kiện xảy ra sau ngày kết thúc niên độ (còn gọi tắt là các sự kiện tiếp theo). Theo IAS 10, có hai loại sự kiện tiếp theo cần được quan tâm bởi người quản lý đơn vị và kiểm toán viên.
2.1. Đối với các sự kiện có ảnh hưởng trực tiếp đến báo cáo tài chính và đòi hỏi phải điều chỉnh báo cáo tài chính :
Dưới đây là một số sự kiện tiếp theo thuộc loại này :
− Kết quả xét xử một vụ kiện sau ngày kết thúc niên độ cho thấy số tiền đơn vị bị bồi thường là trọng yếu.
− Một số séc của khách hàng đã ghi vào tồn quỹ của đơn vị vào ngày khóa sổ, đến khi nộp ngân hàng vào đầu năm sau đơn vị mới phát hiện là không có khả năng thu tiền.
2.2. Đối với các sự kiện không ảnh hưởng trực tiếp đến báo cáo tài chính nhưng cần phải công bố trên thuyết minh báo cáo tài chính :
Dưới đây là một số sự kiện xảy ra sau ngày kết thúc niên độ cần được công bố :
− Sự phát hành trái phiếu hay cổ phần.
− Sự sụt giảm giá thị trường của hàng tồn kho A vì nhà nước cấm bán loại hàng này kể từ thời điểm X ...
Để phân biệt một sự kiện tiếp theo thuộc loại nào, kiểm toán viên cần xem xét về thời điểm hình thành điều kiện chủ yeu dẫn đến xảy ra sự kiện là trước hay sau ngày kết thúc niên độ ?
2.3. Các thủ tục kiểm toán có thể áp dụng để xem xét các sự kiện xảy ra sau ngày kết thúc niên độ : có thể chia ra làm hai loại là các thủ tục kiểm tra số dư và các thủ tục chuyên dùng để phát hiện các sự kiện sau ngày kết thúc niên độ.
Loại thứ nhất thường là các thủ tục kiểm tra quanh thời điểm khóa sổ và các thử nghiệm đánh giá. Đó chính là những thử nghiệm cơ bản được tiến hành khi kiểm toán các khoản mục trên báo cáo tài chính. Bên cạnh việc cung cấp bằng chứng về sự chuẩn xác của các số liệu, nó còn cho thấy nhiều sự kiện xảy ra sau thời điểm khóa sổ.
Loại thứ hai được thiết kế để tìm kiếm các thông tin về các sự kiện xảy ra sau ngày kết thúc niên độ để tiến hành các điều chỉnh, hoặc bổ sung các thuyết minh trên báo cáo tài chính.
3. Xem xét về giả định hoạt động liên tục.
IAS 1 định nghĩa giả định hoạt động liên tục (còn gọi là tính liên tục hoạt động kinh doanh) như sau :" Thông thường một doanh nghiệp được coi là đang hoạt động khi mà nó tiếp tục hoạt động cho một tương lai định trước. Người ta quan niệm rằng doanh nghiệp không có ý định và cũng không cần phải giải tán hoặc quá thu hẹp quy mô hoạt động của mình".
Giả định hoạt động liên tục là một giả định cơ sở cho việc lập báo cáo tài chính. Nhiều phương pháp xử lý kế toán và trình bày báo cáo tài chính dựa trên giả định này.
Trong hoạt động của mọi doanh nghiệp, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến giả định này bị vi phạm, chẳng hạn như là :
− Doanh nghiệp bị lỗ lã liên tục, và không có khả năng thanh toán những khoản nợ đáo hạn,
− Doanh nghiệp bị những tai họa nghiêm trọng như hỏa hoạn, thiên tai ...
− Doanh nghiệp đang vướng vào những vụ tranh tụng tại Tòa án, và nếu thua kiện thì họ sẽ gánh chịu khủng hoảng nghiêm trọng về tài chính,
− Những thay đổi về luật pháp, hay chính sách của chính phủ tạo ra những bất lợi nghiêm trọng cho hoạt động của doanh nghiệp v.v ...
Nếu vẫn còn nghi vấn rằng giả định này không được tôn trọng, kiểm toán viên sẽ xem đơn vị có công bố trong thuyết minh của báo cáo tài chính hay không ? Tùy theo từng trường hợp cụ thể, kiểm toán viên sẽ phát hành loại báo cáo kiểm toán thích hợp.
4. Đánh giá kết quả.
Trước khi lập báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên phải đánh giá tổng quát về các kết quả thu thập được. Công việc này nhằm soát xét lại toàn bộ quá trình kiểm toán, kết quả thu được và cân nhắc các cơ sở để đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính. Để đạt được mục đích này, kiểm toán viên thường tiến hành các thủ tục sau :
- Áp dụng các thủ tục phân tích
- Đánh giá sự đầy đủ của bằng chứng
- Đánh giá tổng hợp các sai sót phát hiện được.
- Rà soát lại hồ sơ kiểm toán :
- Yêu cầu đơn vị cung cấp thư giải trình của người quản lý.
- Kiểm tra các công bố trên thuyết minh báo cáo tài chính.
- Xem xét các thông tin khác trong báo cáo thường niên.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top