Kiểm soát nội bộ ... vấn đề không đơn giản !!!

ngdavi

New Member
Hội viên mới
GIỚI THIỆU VỀ KIỂM SOÁT NỘI BỘ

Lợi ích của hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh

Một hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh sẽ giúp đem lại các lợi ích sau cho công ty:

• Đảm bảo tính chính xác của các số liệu kế toán và báo cáo tài chính của công ty;
• Giảm bớt rủi ro gian lận hoặc trộm cắp đối với công ty do bên thứ ba hoặc nhân viên của công ty gây ra;
• Giảm bớt rủi ro sai sót không cố ý của nhân viên mà có thể gây tổn hại cho công ty;
• Giảm bớt rủi ro không tuân thủ chính sách và quy trình kinh doanh của công ty; và
• Ngăn chặn việc tiếp xúc những rủi ro không cần thiết do quản lý rủi ro chưa đầy đủ.

Thông thường, khi công ty phát triển lên thì lợi ích của một hệ thống kiểm soát nội bộ cũng trở nên to lớn hơn vì người chủ công ty sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giám sát và kiểm soát các rủi ro này nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm giám sát trực tiếp của bản thân. Đối với những công ty mà có sự tách biệt lớn giữa người quản lý và cổ đông, một hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh sẽ góp phần tạo nên sự tin tưởng cao của cổ đông. Xét về điểm này, một hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh là một nhân tố của một hệ thống quản trị doanh nghiệp vững mạnh, và điều này rất quan trọng đối với công ty có nhà đầu tư bên ngoài. Các nhà đầu tư sẽ thường trả giá cao hơn cho những công ty có rủi ro thấp hơn.

Những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công các biện pháp kiểm soát nội bộ

Việc thực hiện thành công các biện pháp kiểm soát nội bộ đòi hỏi một số nguyên tắc chung:
• Một môi trường văn hoá nhấn mạnh đến sự chính trực, giá trị đạo đức và phân công trách nhiệm rõ ràng;
• Quy trình hoạt động và quy trình kiểm soát nội bộ được xác định rõ ràng bằng văn bản và được truyền đạt rộng rãi trong nội bộ công ty;
• Các hoạt động rủi ro được phân tách rõ ràng giữa những nhân viên khác nhau;
• Tất cả các giao dịch phải được thực hiện với sự uỷ quyền thích hợp;
• Mọi nhân viên đều phải tuân thủ hệ thống kiểm soát nội bộ;
• Trách nhiệm kiểm tra và giám sát được phân tách rõ ràng;
• Định kỳ tiến hành các biện pháp kiểm tra độc lập;
• Mọi giao dịch quan trọng phải được ghi lại dưới dạng văn bản;
• Định kỳ phải kiểm tra và nâng cao hiệu quả của các biện pháp kiểm soát nội bộ.

Vai trò của kiểm toán nội bộ

Một số công ty chọn có một “kiểm toán nội bộ” chịu trách nhiệm đảm bảo hệ thống kiểm soát nội bộ được tuân thủ. Kiểm toán nội bộ không được là thành viên cua phòng kế toán vì các biện pháp kiểm soát nội bộ cũng áp dụng cho cả phòng kế toán. Cụ thể, kiểm toán nội bộ thường có trách nhiệm kiểm tra:

• việc tuân thủ các quy trình và chính sách, vốn là một phần của hệ thống kiểm soát nội bộ của công ty;
việc tuân thủ các chính sách và quy trình kế toán cũng như việc đánh giá tính chính xác của các báo cáo tài chính và báo cáo quản trị; và
• xác định các rủi ro, các vấn đề và nguồn gốc của việc kém hiệu quả và xây dựng kế hoạch giảm thiểu những điều này.

Kiểm toán nội bộ báo cáo trực tiếp lên Tổng Giám đốc hoặc Hội đồng Quản trị. Do đó, với một kiểm toán nội bộ làm việc hiệu quả, hệ thống kiểm soát nội bộ của công ty sẽ liên tục được kiểm tra và hoàn thiện.

Theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có trên 11 cổ đông phải có Ban Kiểm soát. Mặc dù vai trò và quyền hạn của Ban Kiểm soát theo Luật Doanh nghiệp không rõ ràng ở một mức nào đó, nhưng có khả năng Ban Kiểm soát đóng vai trò của kiểm toán nội bộ như miêu tả trên.

Các cấu phần của một Hệ thống kiểm soát nội bộ theo COSO

- Môi trường Kiểm soát (Control Environment): Tạo ra nền tảng cho các cấu phần khác của Hệ thống kiểm soát nội bộ thông qua việc thiết lập các chính sách kiểm soát trong công ty.

- Đánh ra rủi ro kiểm soát (Risk Assessment): Nhận biết và phân tích các rủi ro liên quan đến mục tiêu kinh doanh của công ty.

- Hoạt động kiểm soát (Control Activities): Toàn bộ các chính sách và thủ tục được thực hiện nhằm trợ giúp ban giám đốc công ty phát hiện và ngăn ngừa rủi ro để đạt được mục tiêu kinh doanh

- Hệ thống thông tin, giao tiếp (Information and Communication): Là hệ thống trợ giúp việc trao đổi thông tin, mệnh lệnh và chuyển giao kết quả trong công ty, nó cho phép từng nhân viên cũng nhưng từng cấp quản lý thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

- Hoạt động kiểm soát (Monitoring): là một quá trình đánh giá tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, trợ giúp xem xét hệ thống kiểm soát có được vận hành một cách trơn chu, hiệu quả.
2. KIỂM SOÁT NỘI BỘ

2.1 Phát hiện gian lận và trộm cắp

Báo cáo chính xác về những tài sản như tiền, hàng tồn kho và tài sản cố định, cũng như việc đối chiếu thường xuyên giữa sổ sách của xưởng với sổ sách kế toán sẽ giúp nhanh chóng tìm ra chênh lệch giữa số trên sổ và số thực tế, do đó giúp nhanh chóng phát hiện gian lận và trộm cắp.

2.2 Tách biệt nhiệm vụ

Hệ thống kế toán tách biệt nhiệm vụ rõ ràng sẽ không cho phép một cá nhân nào vừa hạch toán, vừa xử lý tất cả các công đoạn của một nghiệp vụ và do đó sẽ giúp loại trừ sai sót hay gian lận từ phía một cá nhân riêng lẻ.

3. HỆ THỐNG CHI PHÍ

3.1 Tìm ra nguyên nhân lãi lỗ

Một hệ thống chi phí hiệu quả như hệ thống chi phí dựa trên hoạt động cho phép doanh nghiệp biết được chi phí thực của những sản phẩm, phòng ban, khách hàng, v.v. nhất định bằng cách phẩn bổ các chi phí như điện, khấu hao, chi phí nhân công và tổng phí cho các sản phẩm, phòng ban và khách hàng đó. Điều này giúp doanh nghiệp có được hiểu biết rõ ràng về lĩnh vực nào doanh nghiệp kinh doanh có lãi hay bị thua lỗ. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp có thể lỗ khi bán một số đơn đặt hàng nhỏ nếu tính đến tổng phí, nhưng doanh nghiệp sẽ không nhận thức được vấn đề này nếu họ không có một hệ thống chi phí hiệu quả. Do đó, nếu có một một hệ thống chi phí hiệu quả, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định chiến lược đúng đắn như là chuyển từ các sản phẩm và khách hàng thua lỗ sang các sản phẩm và khách hàng đem lại lợi nhuận cao nhất.

3.2 Định giá hiệu quả

Một hệ thống chi phí hiệu quả như hệ thống chi phí dựa trên hoạt động sẽ cho biết giá thành của một đơn vị sản phẩm ở các mức sản xuất khác nhau, và do đó giúp doanh nghiệp định giá bán trên thị trường hiệu quả hơn. Điều này đặc biệt quan trọng khi doanh nghiệp cạnh tranh chủ yếu bằng giá bán hoặc có một tỷ lệ chi phí cố định (như khấu hao) khá lớn trong tổng chi phí. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp hiểu rõ ràng về chi phí của mình, doanh nghiệp sẽ có một lợi thế cạnh tranh đáng kể khi xác định giá bán.

3.3 Tìm ra lĩnh vực giảm chi phí

Một hệ thống chi phí hiệu quả như hệ thống chi phí dựa trên hoạt động sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra các lĩnh vực (phòng ban, phân xưởng, sản phẩm, khách hàng, v.v.) có chi phí cao bất bình thường mà có thể được giảm đi đáng kể.

4. THÔNG TIN QUẢN TRỊ

4.1 Cung cấp thông tin quản trị hữu ích và cập nhật cho ban lãnh đạo doanh nghiệp

Một hệ thống kế toán vững mạnh sẽ cung cấp các thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho ban lãnh đạo, chẳng hạn như các báo cáo quản trị hàng tháng. Các báo cáo này giúp cho ban lãnh đạo đưa ra quyết định quản lý đúng đắn, và các báo cáo này thường bao gồm các thông tin sau:

• Doanh thu và lợi nhuận chi tiết cho từng bộ phận, khách hàng, nhân viên bán hàng, sản phẩm, v.v. để giúp doanh nghiệp hiểu được nguồn gốc của lãi lỗ;

• So sánh kết quả hoạt động kinh doanh với ngân sách hoặc kế hoạch;

• Xu hướng biến động chi phí theo thời gian;

• Quản lý các tài sản lưu động như các khoản phải thu, tiền mặt và hàng tồn kho;

• Các phương pháp khác nhau để đo lường hiệu quả hoạt động (ví dụ như tỷ số doanh thu trên nhân viên, doanh thu trên máy móc, giá trị phế phẩm ở từng giai đoạn sản xuất, tỷ lệ quay vòng của tài sản cố định, hệ số quay vòng của vốn lưu động, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư, v.v.)

4.2 Cung cấp thông tin đánh giá kết quả công việc

Khi doanh nghiệp có thể đưa ra các báo cáo đáng tin cậy và chi tiết ở cấp phòng ban, hoạt động của các phòng ban hoặc trưởng các phòng ban được đánh giá dựa vào khả năng họ đạt được mục tiêu lợi nhuận hoặc giảm được chi phí trong hạn mức. Điều này hỗ trợ hệ thống đánh giá kết quả công việc một cách hiệu quả.

4.3 Dự toán và lập kế hoạch tài chính

Các số liệu kế toán chi tiết và đáng tin cậy sẽ giúp doanh nghiệp lập dự toán và kế hoạch phát triển đúng đắn do họ có thể dự đoán và phân bổ chi phí một cách có cơ sở. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn.



Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài này.
ngdavi@yahoo.com (sưu tập)
 
Sửa lần cuối:
Ðề: Kiểm soát nội bộ ... vấn đề không đơn giản !!!

Chào các bạn, mình đang đau đầu về vấn đề KSNB đây, Cty ty mình thành lập phòng KSNB, mình phục trách phòng, mình đang xây dựng kế hoạch thực hiện. Nhưng đi vào chi tiết mình có phần bí, mong các bạn giúp cho. thí dụ như : kiểm soát bán hàng, mua hàng...trình tự mình phải làm gì? dù mình có kinh nghiệm kế toán khá nhiều, nhưng đây là vấn đề mới quá, các bạn giúp mình nhé.
 
Ðề: Kiểm soát nội bộ ... vấn đề không đơn giản !!!

Chào bạn, mình có thể cho bạn tham khảo phần kiểm soát nội bộ do mình tự biên soạn áp dụng cho đơn vị của mình (đơn vị kinh doanh vàng bạc đá quý), nhưng mình biết là hình như trong web dan ke toan cũng đã có người post chuyên đề này lên rùi, bạn tìm xem thêm nhé.
Kiểm soaùt Nội bộ tiền và hàng
Ngày 31 tháng 12 năm 2006

1. Kiểm soát Bán hàng
1.1 Kiểm soát hàng hoá
1.1.1 Rủi ro
- Nhân viên bán hàng quản lý cả 1 quầy hàng phụ trách, vì vậy rủi ro mất mát, hư hao hàng hoá, hoặc tráo đổi hàng mới thành hàng kém chất lượng….
1.1.2 Giải pháp
- Nên luân phiên thay đổi nhân viên bán hàng qua các quầy trong công ty
- Trường hợp quầy nhiều hàng cần phân công 2 nhân viên bán hàng, để kiểm tra lẫn nhau
- Hàng tháng định kỳ phòng kế toán kiểm kê số lượng, chất lượng hàng hoá trong các quầy hàng, kiểm tra từng hàng hoá, cân đo, kiểm định chất lượng cùng nhân viên kỷ thuật và phòng kinh doanh. Báo cáo tình hình kiểm kê cho Giám đốc, phối hợp cùng phòng kinh doanh về quản tình trạng chất lượng hàng hoá.
1.2 Áp dụng những thanh toán tiền hàng qua thẻ visa
1.2.1 Rủi ro
- Nhân viên bán hàng chưa đủ khả năng cắt thẻ visa
1.2.2 Giải pháp
- Tập huấn định kỳ cho đội ngũ nhân viên bán hàng, cập nhật những thông tin sai phạm trong việc cắt thẻ
- Nộp hồ sơ gồm 3 liên cắt thẻ và photo giấy tờ cá nhân của khách hàng về cho P.kế toán ngay trong ngày.
- Với giá trị hàng hoá cao, Tổ trưởng bán hàng sẽ là người chịu trách nhiệm cắt thẻ
- Kế toán gửi bộ hồ sơ ngay cho Ngân hàng trong trường hợp giá trị thanh toán cao
1.3 Giao hàng tận nhà cho khách hàng
1.4.1 Rủi ro
- Khách hàng đến mua hàng nhưng không mang tiền theo đủ và muốn giao hàng tận nhà cho khách hàng với giá trị thanh toán cao
1.4.2 Giải pháp
- Buộc khách hàng phải đặt cọc món hàng chịu mua trên 30% giá trị thanh toán
- Đi taxi cùng nhân viên bảo vệ và khách hàng về tận nhà cho khách
- Phải hỏi xin ý kiến Trưởng Phòng Kinh doanh, hoặc Ban giám đốc trước khi bán hàng có giá trị cao
1.4 Lập hoá đơn
1.4.1 Rủi ro
- Nhân viên lập hoá đơn món hàng sai qui cách so với món hàng đã bán
- Nhân viên lập hoá đơn món hàng không đúng giá trị thanh toán món hàng đã bán
1.4.2 Giải pháp
- Hàng ngày NV bán hàng phải gửi báo cáo bán hàng cùng hoá đơn bán hàng (liên 3) về cho phòng kế toán. Phòng kế toán xuất hàng kiểm tra qui cách, chủng loại, số lượng của hàng trong quầy và hàng đã được xuất bán.
- NVBH không được giữ tiền bán hàng qua ngày làm việc, phải nộp về thủ quỹ trước 17h mỗi ngày.
- Khi phát hiện mọi sai sót, NVBH phải chịu trách nhiệm hoàn toàn
- Khi kế toán xuất hàng, mà hoá đơn NVBH lập đã bán món hàng mà công ty không xuất cho quầy của mình, thì Phòng kế toán sẽ báo về Ban Giám đốc, xem xét thêm các rủi ro về quản lý sai phạm hàng hoá.
1.5 Bán hàng không đúng với giá vàng niêm yết
1.5.1 Rủi ro
- Nhân viên bán hàng không đúng với giá vàng niêm yết cho thân nhân, bạn bè….
- Nhân viên bán hàng nhưng không đưa hoá đơn cho khách hàng
1.5.2 Giải pháp
- Giá vàng được niêm yết ngay vị trí trung tâm của công ty, mỗi khi giá lên hoặc xuống, Phòng kinh doanh đều ký tên vào sổ theo dõi giá vàng và hoá đơn bán hàng của NVBH.
- Kế toán quầy sẽ là người theo dõi và báo cáo việc chấp hành bán hàng đúng giá của NVBH thông qua hoá đơn bán hàng.
- Định kỳ kiểm tra, hoặc đột xuất kiểm tra việc bán hàng theo giá niêm yết
- Tổ trưởng bán hàng theo dõi việc bán hàng giao hoá cho khách hàng
- Khách hàng mua hàng tại công ty, khi bán lại không có hoá đơn công ty không chịu trách nhiệm thu mua lại.
1.6 Hạch toán đầy đủ và chính xác tiền mặt
1.6.1 Rủi ro
- Thủ quỹ hoặc nhân viên BH có thể ăn cắp tiền mặt khách hàng thanh toán
1.6.2 Giải pháp
- Việc sử dụng hoá đơn mỗi khi giao hàng cùng với hệ thống theo dõi hàng tồn kho và kiểm kê định kỳ sẽ giúp đảm bảo phát hiện ra những giao dịch bán hàng mà không hạch toán. Mối nguy hiểm của việc bị phát hiện sẽ làm giảm động lực thủ quỹ hay nhân viên BH ăn cắp tiền.
2. Kiểm soát Mua hàng
2.1 Bộ phận thu mua mua hàng không nhập vào cho cty
2.1.1 Rủi ro
- NV thu mua mua hàng nhưng không nhập vào công ty
2.1.2 Giải pháp
- Công ty thực hiện 1 mẫu thu mua hàng được Giám đốc ký tên hàng ngày, khi thực hiện thu mua hàng NV thu mua ghi vào mẫu thu mua. Mọi biến động giá đều được phòng kinh doanh ký tên kiểm tra việc mua hàng.
- Nhân viên thu mua hàng phải nộp tiền và hàng cho thủ quỹ và thủ kho ngay trong ngày.
- Định kỳ phòng kinh doanh kiểm tra việc thu mua hàng trong ngày từ 5-10lần
- Trường hợp khách hàng đông Phòng kinh doanh hỗ trợ cùng nhân viên thu mua hàng
2.2 Ngăn chặn gian lận trong việc đặt hàng
2.2.1 Rủi ro
- Phòng kinh doanh nhập hàng kém chất lượng
2.2.2 Giải pháp
- Khi có yêu cầu nhập hàng được gửi từ nhân viên bán hàng, hoặc theo chỉ đạo của Giám đốc, phòng kinh doanh thực hiện việc đặt hàng. Khi đặt hàng xong, phiếu nhập hàng phải có chữ ký của Giám đốc hoặc Trưởng phòng kinh doanh.
- Hàng nhập vào kho phải qua kiểm duyệt của Trưởng phòng kinh doanh và Giám đốc
3. Kiểm soát Hàng tồn kho
3.1 Bảo vệ hàng tồn kho
3.1.1 Rủi ro
- Hàng tồn kho có thể bị mất, cắp và việc mất cắp có thể được che dấu. Một khả năng khác là NVBH, thủ kho có thể tráo đổi hoặc dấu kín những sản phẩm bị hư hại để tránh bị đền hay bị kỷ luật
3.1.2 Giải pháp
- Thủ kho và nhân viên kế toán tổng hợp đối chiếu chứng từ lẫn nhau.
- NVBH và NV kế toán quầy đối chiếu số liệu hàng hóa lẫn nhau.
- Định kỳ hàng tháng kiểm kê định kỳ kho quầy và thủ kho.
- Hàng hóa được bảo quản cẩn thận, có tất cả các két sắt cho tất cả bộ phận liên quan cất trữ hàng tiền.
- Mọi hàng hoá nhập và xuất từ kho hàng đều có phiếu nhập và xuất hàng và phiếu này phải được thủ kho ký, và người giao nhận hàng. Các phiếu này sẽ được dùng làm chứng từ hạch toán cùng với các chứng từ khác, khi phù hợp, để thủ kho cập nhật sổ kho và để kế toán hàng tồn kho hạch toán chính xác số hàng tồn kho.
- Thủ kho chỉ nên đồng ý xuất hàng khi có chỉ thị của người có thẩm quyền và chỉ thị này phải được viết thành văn bản với chữ ký của Giám đốc hoặc Trưởng phòng kinh doanh. Chỉ thị này có thể kết hợp với phiếu xuất hàng.
- Bất kỳ chênh lệch nào cũng phải được điều tra kỹ càng.
4. Kiểm soát Tiền mặt
4.1 Kiểm soát tiền mặt
4.1.1 Rủi ro
- Tiền mặt có thể bị sử dụng sai mục đích hoặc mất cắp.
4.1.2 Giải pháp
- Hàng ngày thủ quỹ ghi chép thu và chi tiền mặt vào sổ quỹ tiền mặt. Ngoài ra, tiền
mặt chỉ được rút ra khỏi quỹ khi có phiếu chi được phê duyệt và thu tiền mặt phải đi kèm với phiếu thu được phê duyệt.
- Phiếu thu chi phải có đầy đủ chữ ký của Giám đốc, kế toán trưởng, kế toán lập phiếu và thủ quỹ, người giao dịch.
- Định kỳ hằng tháng kế toán hoặc nhân viên kinh doanh sẽ kiểm kê quỹ tiền mặt
- Thủ quỹ được trang bị két sắt để cất trữ tiền mặt
Chú ý là khi bạn thực hiện cho đơn vị của mình, thì nên chú ý các sai sót trọng yếu nhất, các rủi ro thường gặp nhất. Chúc bạn thành công:cheers1:
 
Ðề: Kiểm soát nội bộ ... vấn đề không đơn giản !!!

nói chung, không có một quy định nào cụ thể đưa ra ở đây, chỉ có một số nguyên tắc, bạn có thể tham gia thêm COSO hay COBIT, và nguyên tắc di chuyển của dòng thông tin là nơi nhận phải có từ ít nhất 2 luồng thông tin để đối chiếu, để làm như vậy, bạn có thể sử dụng các dạng sơ đồ, lưu đồ
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top