Việc chọn học một ngôn ngữ mới, ở bất kỳ độ tuổi nào, tạo ra những đường dẫn thần kinh mới có thể khiến bạn trở thành một người tốt hơn và thậm chí có thể giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ.
Nếu đã từng học một ngôn ngữ mới, hoặc từng cố gắng học, bạn hẳn phải biết nó khó nhằn thể nào. Ngôn ngữ mẹ đẻ gần như được tích hợp sẵn. Chúng ta tiếp thu chúng một cách tự nhiên từ khi còn rất nhỏ. Nhưng việc học một ngôn ngữ mới, đặc biệt là sau giai đoạn đầu đời, có thể là một việc lớn và nhọc nhằn bởi việc ghi nhớ những danh sách từ vựng dài và giống đực/cái của từ vựng, bởi việc chinh phục những trường hợp phức tạp và các thì rắc rối.
Tất nhiên nỗ lực là xứng đáng. Rõ ràng trong thế giới kết nối ngày nay, việc học một ngôn ngữ mới còn có thể thay đổi cuộc đời bạn. Nó chắc chắn cũng sẽ thay đổi bộ não của bạn.
Việc học một ngôn ngữ thay đổi bộ não của bạn thế nào? Ảnh: ra2 studio - Shutterstock
Những lộ trình thay thế
Dĩ nhiên, việc học bất kỳ thứ gì đều thay đổi bộ não của bạn không ít thì nhiều. Nhưng việc học một ngôn ngữ lại thay đổi bộ não mạnh mẽ hơn. John Grundy, một nhà thần kinh học của Đại học bang Iowa chuyên nghiên cứu về hiện tượng song ngữ và não bộ, giải thích rằng việc học một ngôn ngữ mới khiến cho tính khả biến thần kinh trong bộ não mở rộng hơn. Nói cách khác, khi bạn học một ngôn ngữ mới, bộ não của bạn sẽ được tái sắp xếp, tạo ra những kết nối thần kinh mới và hình thành những đường dẫn thần kinh mới.
Grundy và nhóm nghiên cứu của ông đã phát triển một “mô hình chuyển đổi song ngữ từ mặt trước sang mặt sau và dưới vỏ não”. Tên gọi đó quá dài, nên họ gọi tắt mô hình đó là BAPSS. Mô hình BAPSS cho thấy trong những giai đoạn sớm của việc học một ngôn ngữ mới, hầu hết các hành động diễn ra trong thuỳ trước trán, trong mặt trước, hay phía trước của bộ não. Nhưng khi bạn dần thông thạo hơn với ngôn ngữ mới ấy, quá trình sẽ chuyển đến những phần não mà Grundy gọi là “thông tin xử lý vận động và cảm biến tự động hơn.” Đây là lúc mà bạn vui vẻ để ý thấy mình vừa đọc một cụm từ hoặc trả lời một câu hỏi bằng ngôn ngữ mới của mình mà không cần phải dịch ra một cách có ý thức.
Sự chuyển đổi này rất quan trọng vì nó đòi hỏi việc tạo ra những đường dẫn thần kinh mới. Và những đường dẫn thêm vào đó có thể hữu dụng. Grundy đã đưa ra một phép so sánh có ích: Thử tưởng tượng bạn luôn đi làm cùng một con đường. Và rồi một ngày nọ, con đường bị cuốn trôi. Giờ tính sao đây? Nếu bạn đã thay đổi lộ trình của mình trong nhiều năm đó, bạn sẽ có sẵn những tuỳ chọn khác trong não. Bạn có thể nhảy sang một con đường khác và có lẽ sẽ đến được bàn làm việc trước khi sếp để ý thấy bạn đi trễ. “Đó kỳ thực chỉ là quá trình tái cấu trúc não bộ giúp nó trở nên hiệu quả hơn,” Grundy nói.
Đi chặng đường dài hơn
Một nghiên cứu năm 2012 của Johan Mårtensson và các cộng sự đã nhận thấy rằng quá trình tái cấu trúc này có thể rất đáng kể. Sau 3 tháng nghiên cứu ngôn ngữ miệt mài, độ dày vỏ não ở những khu vực xử lý ngôn ngữ của những tân binh Học viện Phiên dịch viên Lực lượng Vũ trang Thuỵ Điển đã tăng lên, trong khi một nhóm đối chứng được cho học những môn khó như y học và nhận thức học, mà không học ngôn ngữ mới, lại không có thay đổi nào.
Nghiên cứu ngôn ngữ không cần phải quá miệt mài để có hiệu ứng. Ashley Chung-Fat-Yim là một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ của Đại học Northwestern, nghiên cứu về những khác biệt thần kinh giữa người đơn ngữ và người song ngữ. Cô nhắc lại một nghiên cứu đã hoàn thiện khi cô còn làm việc dưới sự dẫn dắt của Ellen Bialystok, một nhà nghiên cứu ưu tú trong lĩnh vực này. Một nhóm sinh viên sẽ tham gia một lớp học đại học bằng tiếng Tây Ban Nha. Chỉ sau 6 tháng tham gia khoá học đại cương tiếng Tây Ban Nha ở cấp độ đại học thông thường, họ nhận thấy hoạt động thần kinh đã tăng lên so với những sinh viên không tham gia khoá học ngôn ngữ.
Trở thành người tốt hơn?
Những thay đổi này không chỉ giúp ích cho chức năng ngôn ngữ. Chung-Fat-Yim cho biết chúng ảnh hưởng đến toàn bộ phần xử lý điều hành của não bộ mà cô gọi là trung tâm kiểm soát hay CEO của bộ não. “Đây chính xác là khu vực kiểm soát điều hành mà người song ngữ sử dụng để quản lý sự cạnh tranh giữa các ngôn ngữ. Họ sử dụng khu vực đó để kiểm soát ngôn ngữ, nhưng cũng dùng cho những mục đích phi ngôn ngữ khác nữa,” cô nói. Những mục đích phi ngôn ngữ này bao gồm khả năng lên kế hoạch cho các hành vi trong tương lai, giám sát và thay đổi hành vi khi cần thiết, cũng như chuyển đổi giữa các tác vụ.
Việc nói được hai thứ tiếng có thể cũng khiến bạn tử tế hơn. Chung-Fat-Yim cho biết, có một số liên hệ giữa hiện tượng song ngữ và một lý thuyết về tâm trí – đó là khả năng gán trạng thái tinh thần cho người khác. Trẻ em song ngữ hẳn là biết rằng, người nói A có thể hiểu cả hai ngôn ngữ, nhưng người nói B chỉ có thể hiểu một ngôn ngữ mà thôi. Người song ngữ phải có “một ý thức rằng những người khác nhau có thể có những trạng thái tinh thần khác nhau về củng một sự kiện,” cô nói. Những tác giả của một nghiên cứu năm 2016 về lý thuyết tâm trí và sự thấu cảm của những người song ngữ cho rằng người song ngữ cũng có khả năng hình thành sự thấu cảm lớn hơn.
Quyết định là ở bản thân
Việc có một ngôn ngữ thứ hai cũng có thể giúp ngăn ngừa – hay ít nhất là trì hoãn – sự suy giảm nhận thức. “Có một phát hiện thống nhất rằng những người song ngữ có thể ngăn chặn các triệu chứng của chứng mất trí nhớ khoảng 4-6 năm so với người đơn ngữ,” Grundy nói. Và điều đó khá ấn tượng khi xét đến các loại thuốc tốt nhất mà chúng ta có thể trì hoãn các triệu chứng mất trí cũng chỉ được khoảng 1 năm hoặc lâu hơn.
Nếu bạn đang tưởng là đã quá trễ rồi, thì có thể bạn đã sai. Chúng ta thường tưởng trẻ nhỏ có thể học ngôn ngữ một cách dễ dàng. Đúng là trẻ nhỏ học nhanh hơn bất kỳ ngôn ngữ nào mà chúng được tiếp xúc. Nhưng khi nói về việc học thêm một ngôn ngữ mới, người lớn lại không có nhiều bất lợi hơn như cách bạn vẫn nghĩ. Chung-Fat-Yim cho rằng tuổi tác không liên quan nhiều đến cách học một ngôn ngữ mới. Nếu bạn luyện tập nhiều và tự đắm mình trong ngôn ngữ, bạn có thể thấy được những lợi ích dù cho là ở độ tuổi nào, đặc biệt là khi bạn có tuổi hơn.