Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp
1. Miễn, giảm thuế đối với cơ sở sản xuất trong nước mới thành lập
Cơ sở sản xuất trong nước mới thành lập được miễn thuế TNDN 2 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời gian 2 năm tiếp theo. Trường hợp thành lập ở huyện thuộc vùng miền núi, hải đảo và vùng có khó khăn khác thời gian giảm thuế được kéo dài thêm 2 năm.
Cơ sở sản xuất mới thành lập được miễn giảm thuế TNDN là những cơ sở mới được thành lập và được cấp giấy phép kinh doanh kể từ ngày Luật Thuế TNDN có hiệu lực thi hành. Những cơ sở thành lập trước đây nay chia tách, sáp nhập, hợp nhất đổi tên, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp hoặc đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất, bổ sung mặt hàng, ngành nghề vào giá6y phép kinh doanh không thuộc đối tượng được xét miễn thuế, giảm thuế như cơ sở sản xuất mới thành lập.
Thủ tục, hồ sơ
Cơ sở kinh doanh làm công văn đề nghị miễn thuế, giảm thuế (trong đó nêu rõ lý do miễn thuế, giảm thuế) gởi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế. Sau khi kiểm tra các điều kiện được miễn thuế, giảm thuế cơ quan trực tiếp quản lý thu thuế thông báo cho cơ sở kinh doanh biết có đủ điều kiện được miễn thuế, giảm thuế hàng năm.
2. Miễn, giảm thuế đối với cơ sở sản xuất trong nước đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất
Cơ sở sản xuất trong nước đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất được miễn thuế TNDN cho phần thu nhập tăng thêm của năm đầu và giảm 50% thuế TNDN phải nộp tăng thêm do đầu tư mới mang lại của 2 năm tiếp theo
Số thu nhập tăng thêm do đầu tư mới mang lại được xác định bằng chênh lệch giữa thu nhập chịu thuế của năm công trình đầu tư hoàn thành so với thu nhập chịu thuế của năm trước khi đầu tư .
Ví dụ:
Năm 1998 thu nhập chịu thuế của Công ty A là 500 triệu đồng. Đầu năm 1999 Công ty A hoàn thành công trình mở rộng quy mô sản xuất đưa vào sử dụng. Năm 1999, 2000, 2001 mỗi năm có tổng thu nhập chịu thuế là 800 triệu đồng.
Công ty A được miễn thuế, giảm thuế như sau :
Năm 1999 Công ty A được miễn phần thu nhập chịu thuế là: 800 triệu đồng - 500 triệu đồng = 300 triệu đồng
Năm 2000 và 2001, mỗi năm Công ty A được giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp 50% x (800 triệu đồng - 500 triệu đồng) x 32% = 48 triệu đồng
Thủ tục, hồ sơ
1. Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế, trong đó nêu rõ lý do miễn thuế, giảm thuế kèm theo là những hồ sơ:
- Đối với doanh nghiệp Nhà nước: Luận chứng đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết toán công trình và nguồn vốn xây dựng, mua sắm.
- Đối với Công ty TNHH, Công ty cổ phần: Luận chứng đầu tư được hội đồng quản trị phê duyệt; quyết toán công trình và nguồn vốn xây dựng, mua sắm.
- Đối với doanh nghiệp tư nhân: Hợp đồng và bản quyết toán hợp đồng xây dựng, lắp đặt, máy móc thiết bị; trường hợp tự xây dựng phải xuất trình hóa đơn mua vật tư, máy móc thiết bị và thực tế máy móc thiết bị đã lắp đặt sử dụng.
2. Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế TNDN của cơ sở kinh doanh trước năm đầu tư và năm sau đầu tư xin miễn thuế, giảm thuế.
3. Miễn thuế thu nhập cho phần thu nhập của các cơ sở kinh doanh thu được từ việc thực hiện các hợp đồng nghiên cứu khoa học
Thủ tục, hồ sơ
1. Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế, nêu rõ lý do miễn thuế,
2. Quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền . Nếu là tổ chức tập thể, cá nhân phải có chứng nhận đăng ký hoạt động nghiên cứu khoa học của cơ quan quản lý khoa học tỉnh, thành phố.
3. Giấy phép kinh doanh.
4. Hợp đồng nghiên cứu khoa học có xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học đúng thẩm quyền.
5. Biên bản nghiệm thu hợp đồng.
6. Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế TNDN của cơ sở kinh doanh trong đó phản ánh chi tiết kết quả nghiên cứu khoa học.
4. Miễn thuế thu nhập cho phần thu nhập của các Cơ sở kinh doanh thu được từ việc thực hiện các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp
Thủ tục, hồ sơ
1. Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế, nêu rõ lý do miễn thuế.
2. Các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp và biên bản thanh lý hợp đồng.
3. Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế TNDN của cơ sở kinh doanh trong đó có số liệu chi tiết về kết quả thực hiện các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp.
5. Miễn thuế thu nhập cho phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật
Đối với cơ sở kinh doanh được xác định là dành riêng cho lao động là người tàn tật phải có đủ các điều kiện sau:
- Được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công nhận là cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật (bao gồm cả thương binh, bệnh binh).
- Thực hiện nghiêm chỉnh việc mở sổ sách kế toán, sử dụng chứng từ mau, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của chế độ hiện hành.
- Có giấy phép kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Có từ 10 lao động trở lên, trong đó có 51% lao động là người tàn tật có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền . Số lao động còn lại chủ yếu là thân nhân của người tàn tật, người góp vốn cổ phần và người có trình độ quản lý, chuyên môn, khoa học- kỹ thuật.
- Có quy chế hoặc điều lệ hoạt động phù hợp với đối tượng lao động là người tàn tật.
Thủ tục, hồ sơ
1. Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế, nêu rõ lý do miễn thuế,
2. Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác nhận là cơ sở kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật.
3. Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế TNDN của cơ sở kinh doanh.
6. Miễn thuế thu nhập cho phần thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, người dân tộc thiểu số, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội
Các hoạt động dạy nghề được xác định là dành riêng cho người tàn tật, người dân tộc thiểu số, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội phải có đủ các điều kiện sau:
- Cơ sở dạy nghề của các doanh nghiệp, của các trung tâm dịch vụ việc làm, của các tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 17 Nghị định số 72CP ngày 31/10/1995; Điều 10 và Điều 13 của Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995; Điều 10 của Nghị định số 90/CP ngày 15/12/1995 của Chính phủ.
- Hoạt động đúng ngành nghề ghi trong giấy phép hành nghề hoặc ngành nghề đã đăng ký hoạt động với cơ quan lao động - thương binh xã hội có thẩm quyền.
- Đăng ký nộp thuế đúng theo quy định của Pháp luật.
- Thực hiện nghiêm chỉnh việc mở sổ sách kế toán, sử dụng chứng từ, hóa đơn theo quy định của chế độ hiện hành.
Thủ tục, hồ sơ
1. Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế, nêu rõ lý do miễn thuế.
2. Giấy phép đăng ký hoạt động dạy nghề do Sở Lao động, thương binh và xã hội cấp.
3. Giấy xác nhận của Sở Lao động, thương binh và xã hội xác nhận cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, người dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội .
4. Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế TNDN của cơ sở dạy nghề.