Kể từ khi Quốc hội ban hành Luật thuế TNDN 2008, có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 thì các ưu đãi về thuế TNDN đã được sắp xếp lại. Theo đó, chỉ áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với hình thức thành lập pháp nhân mới gắn với dự án đầu thực hiện tại địa bàn hoặc, lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Những trường hợp đầu tư mở rộng mà không hình thành pháp nhân mới thì không còn được ưu đãi thuế TNDN.
Qua gần một năm thực hiện cho thấy có nhiều trường hợp DN đang hoạt động mà đầu tư mở rộng dưới hình thức lập ra một phân xưởng, một dây chuyền sản xuất mới... nhưng lại không được hỗ trợ. Mặt khác, hiện nay và trong nhiều năm tới Nhà nước cần có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào các vùng khó khăn cùng với việc di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi các đô thị, khu dân cư tập trung. Theo ý kiến của cộng đồng DN thì trong những trường hợp lập ra các cơ sở hạch toán phụ thuộc như trên mà không nhất thiết phải hình thành pháp nhân mới sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội nhiều hơn. Xét trên phương diện lợi ích tổng thể toàn xã hội thì cả Nhà nước, DN và địa phương nơi thực hiện các dự án đầu tư mở rộng này đều có lợi hơn. Để tạo thêm động lực khuyến khích DN tham gia phát triển kinh tế tại các vùng kém phát triển thông qua việc lựa chọn phương thức mở rộng sản xuất, kinh doanh thì những loại hình đầu tư mở rộng này cũng cần được khuyến khích như dự án đầu tư gắn với thành lập pháp nhân mới.
Với những phân tích trên, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn mà không hình thành pháp nhân mới cũng được ưu đãi thuế TNDN như trường hợp đầu tư gắn với việc thành lập pháp nhân mới. Theo đó, áp dụng mức thuế suất TNDN là 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% tối đa 9 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư mở rộng đủ tiêu chuẩn thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi quy định tại Điều 13, 14 Luật thuế TNDN hiện hành. Dự án đầu tư mở rộng đủ tiêu chuẩn thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hưởng ưu đãi thấp hơn (thuế suất 20% trong 10 năm, miễn thuế TNDN tối đa 2 năm, giảm 50% thuế tối đa 4 năm).
Để tránh khả năng lợi dụng chính sách ưu đãi thuế, cần thiết phải quy định cụ thể các điều kiện ràng buộc chặt chẽ như: Dự án đầu tư mở rộng thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế TNDN là dự án hạch toán riêng được thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại và đáp ứng một trong các tiêu chí, ví dụ như: Công suất sau đầu tư tăng trên 30% so với công suất hiện tại; Số vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng (đối với dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực hưởng ưu đãi quy định của Luật thuế TNDN); hoặc số vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư mở rộng thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Luật thuế TNDN.
Hi vọng rằng Quốc hội sẽ xem xét thông qua để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của cộng đồng DN thuộc các thành phần kinh tế. Như một số nhà kinh tế đã bình luận, tuy nội dung sửa không nhiều nhưng kỳ vọng rằng đây sẽ là một liều thuốc kích thích DN đẩy mạnh đầu tư vào các vùng khó khăn cũng như tham gia cùng với Chính phủ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội cấp bách, khắc phục tác động không mong đợi phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế.