Đạo đức nghề nghiệp và chứng chỉ hành nghề kế toán quản trị

Luong Bao Vy

Member
Hội viên mới
1. Đạo đức nghề nghiệp

Khi thông tin kế toán quản trị được sử dụng cho việc kiểm soát và đặc biệt là đánh giá hoạt động của các bộ phận trong tổ chức, các nhân viên kế toán quản trị có thể bị bối rối khi gặp một số tình huống khó xử. Áp lực này được hình thành từ việc phải tạo nên các số liệu về sản phẩm, về khách hàng hoặc một dãy chuyển sản xuất kinh doanh mang đến lợi nhuận nhiều hơn so với thực tế. Áp lực từ việc thay đổi những kết quả được báo cáo sẽ trở nên rất nghiêm trọng khi nó có mối quan hệ với sự đền bù bằng vật chất và sự thăng chức.

Sự phản ứng của kế toán viên quản trị đối với các áp lực nói trên phải tùy thuộc sự nhận thức của họ về những quy tắc xử sự và đạo đức nghề nghiệp.
Những quy định về đạo đức nghề nghiệp được các doanh nghiệp xây dựng cho các nhân viên dựa trên hệ thống giá trị của tổ chức và hệ thống những quy tắc xử sự.

+ Hệ thống giá trị của tổ chức là nét văn hóa của tổ chức được truyền đạt công khai đến từng cá nhân về nền tảng giá trị, mục đích và phương hướng của tổ chức. Hệ thống này được sử dụng để định hướng cho hành động của mỗi cá nhân khi có tình huống đối kháng xuất hiện.
+Hệ thống các quy tắc xử sự quy định những hành động bị cấm thực hiện trong tổ chức, như vi phạm sự bí mật của khách hàng, của doanh nghiệp, do thám đối thủ cạnh tranh cũng được thông báo và truyền đạt rõ ràng công khai đến các nhân viên trong tổ chức.

Các nhân viên kế toán quản trị phải thực hiện các nhiệm vụ được giao phó một cách tận tâm và không được vi phạm các quy tắc đạo đức mà tổ chức đã để ra, cũng như không được vi phạm luật pháp do Nhà nước quy định. Nhân viên kế toán quản trị tham gia vào quá trình thiết kế và giám sát hệ thống kiểm soát của tổ chức, hệ thống này sẽ được thông báo một cách rõ ràng đến toàn thể mọi nhân viên trong tổ chức. Họ cũng giám sát cách ứng xử của nhà quản trị cấp cao khi xuất hiện các hành vi vi phạm những chuẩn mực đạo đức. Nếu sự vi phạm này được phát hiện nhưng không ngăn cản được, nhân viên kế toán quản trị có thể truyền đạt tới Ủy ban kiểm soát, Hội đồng quản trị.

Tháng 08 năm 2005, Hiệp hội kế toán viên quản trị Hoa Kỳ (IMA) đã công bố “Báo cáo về cách ứng xử đạo đức nghề nghiệp”. Báo cáo này bao gồm hai phần được trình bày đầy đủ ở bảng bên dưới
SỰ ỨNG XỬ ĐẠO ĐỨC CỦA NHỮNG NGƯỜI HÀNH NGHỀ KẾ TOÁN QUẢN TRỊ VÀ QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH

Những người hành nghề kế toán quản trị và quản trị tài chính phải có nghĩa vụ duy trì đạo đức nghề nghiệp ở mức độ cao nhất đối với xã hội, đối với nghề nghiệp của bản thân, đối với tổ chức mà mình đang phục vụ và đối với bản thân. Nhằm thừa nhận nghĩa vụ này, hiệp hội kế toán viên quản trị Hoa Kỳ đã công bố chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về các quy tắc xử sự của kế toán viên quản trị Sự tôn trọng triệt để các chuẩn mực này, cả trong nước và quốc tế, là cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu của kế toán quản trị. Những người hành nghề kế toán quản trị và quản trị tài chính sẽ không có những hành vi trái với các chuẩn mực này và cũng sẽ không tha thứ những hành vi như thế của những người khác trong tổ chức.

BÁO CÁO VỀ CÁCH ỨNG XỬ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA IMA

Những người hành nghề kế toán quản trị và quản trị tài chính phải ứng xử có đạo đức. Sự cam kết ứng xử đạo đức nghề nghiệp bao gồm những nguyên tắc bao quát phản ánh giá trị và các chuẩn mực hướng dẫn tư cách của những người hành nghề kế toán quản trị.

NGUYÊN TẮC

Nguyên tắc đạo đức bao quát của IMA bao gồm: trung thực, thẳng thắng, khách quan và trách nhiệm. Những người hành nghề sẽ hành động theo những nguyên tắc này và sẽ động viên những người khác trong tổ chức tuân thủ triệt để chúng.

CHUẨN MỰC

I. NĂNG LỰC

Người hành nghề có trách nhiệm
1. Luôn duy trì năng lực chuyên nghiệp của bản thân ở một mức độ phù hợp trong quá trình công tác bằng cách phải luôn phấn đấu trau dồi, phát triển kiến thức và kỹ năng của bản thân.

2. Thực hiện bổn phận phù hợp với các quy định của pháp luật và các chuẩn mực nghề nghiệp có liên quan.

3. Cung cấp các thông tin hỗ trợ việc ra quyết định và các kiến nghị đúng đắn, rõ ràng, ngắn gọn, và kịp thời.

4. Thừa nhận và truyền đạt những hạn chế nghề nghiệp hay những sự ràng buộc khác, mà những hạn chế này cản trở việc đưa ra những ý kiến cả trách nhiệm hay cản trở việc thực hiện một hoạt động thành công.

II. BẢO MẬT:

Người hành nghề có trách nhiệm.

1. Giữ thông tin bí mật trừ khi được quyền công bố hoặc luật pháp yêu cầu.

2. Thông báo cho các bên liên quan về việc sử dụng thông tin bí mật thích hợp. Giám sát các hành vi của cấp dưới để đảm bảo tuân thủ tính bảo mật.

3. Tránh sử dụng thông tin bảo mật cho lợi ích phi pháp hoặc phi đạo đức.

III. CHÍNH TRỰC

Người hành nghề có trách nhiệm:

1. Làm giảm những mâu thuẫn lợi ích đang tồn tại. Thông báo cho tất cả các bên có liên quan về bất kỳ sự xung đột lợi ích tiềm tàng nào có thể xảy ra.

2. Cố gắng không gây ảnh hưởng đến tư cách làm tổn hại đến đạo đức khi thi hành nhiệm vụ.

3. Không tham gia hoặc hỗ trợ bất cứ hoạt động nào có thể làm tổn hại đến uy tín nghề nghiệp.

IV. SỰ TÍN NHIỆM

Người hành nghề có trách nhiệm:

1. Cung cấp thông tin trung thực và khách quan.

2. Cung cấp đầy đủ tất cả các thông tin có liên quan mà những thông tin này có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự hiểu biết của người sử dụng thông tin về các báo cáo, các phân tích, hoặc các kiến nghị.

3. Chỉ ra những sự chậm trễ, thiếu hụt về thông tin, về tính kịp thời, về quá trình xử lý, hay về kiểm soát nội bộ phù hợp với chính sách của tổ chức và (hoặc) luật lệ thích hợp.

GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN ĐẠO ĐỨC

Trong quá trình áp dụng chuẩn mực đạo đức, những người hành nghề kế toán quản trị có thể phải đối phó với vấn đề là làm sao để xác định được những hành vi vi phạm đạo đức trong tổ chức hoặc giải quyết các mâu thuẫn đạo đức. Khi phải đối mặt trước các vấn đề này, trước tiên, những người hành nghề kế toán quản trị phải dựa vào các chính sách của tổ chức đã để ra để giải quyết các mâu thuẫn đó. Nếu những chính sách này không giải quyết được những mâu thuẫn về mặt đạo đức thì những người hành nghề kế toán quản trị nên xem xét các hướng giải quyết sau:

1. Thảo luận vấn đề mâu thuẫn về đạo đức với cấp trên trực tiếp. Trường hợp cấp trên trực tiếp có liên quan đến vấn đề này thì trước tiên nên trình lên cấp quản lý cao hơn kế tiếp. Nếu cấp trên cao hơn này vẫn chưa thể giải quyết thỏa đáng thì hãy tìm đến một cấp trên cao hơn nữa. Nếu cấp trên gắn nhất là Giám đốc điều hành (CEO) hoặc người có chức vụ tương đương lại có liên quan đến vấn đề mâu thuẫn đạo đức thì những người có thể có khả năng xem xét, giải quyết là: Ủy ban kiểm toán, ban giám đốc, hội đồng quản trị chủ sở hữu. Nếu cấp trên trực tiếp không liên quan đến vấn đề đạo đức, không nên có hành vi báo cáo vượt cấp mà cấp trên trực tiếp không biết. Không nên báo cáo cho những người có thẩm quyền hoặc những cá nhân không được tổ chức sử dụng hoặc tuyển dụng, trừ khi tin rằng có vi phạm pháp luật rõ ràng.

2. Xác định rõ những vấn đề đạo đức có liên quan thông qua các cuộc thảo luận bí mật với luật sư về những vấn đề đạo đức được trình bày trong IMA hoặc một nhà tư vấn khách quan, nhằm mục đích hiểu rõ hơn nên giải quyết vấn đề theo hướng nào.

3. Nên tham khảo ý kiến từ các luật sư riêng về những trách nhiệm và quyền lợi hợp pháp liên quan đến vấn đề xung đột đạo đức.

- Phần thứ nhất, đưa ra những cam kết về cách ứng xử đạo đức trong quá trình hành nghề của kế toán viên quản trị, bao gồm những nguyên tắc bao quát phản ánh giá trị của kế toán viên quản trị và các chuẩn mực hướng dẫn tư cách của kế toán viên quản trị. Các nguyên tắc đạo đức bao quát gồm có: trung thực, thẳng tháng, khách quan, và trách nhiệm. Các chuẩn mực đạo đức bao gồm: năng lực, bảo mật, chính trực, sự tín nhiệm.

- Phần thứ hai của chuẩn mực là hướng dẫn các bước xử sự của nhân viên kế toán quản trị khi họ phát hiện những bằng chứng liên quan đến các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức tại đơn vị.

Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay, chúng ta chưa có một chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp dành riêng cho người hành nghề kế toán quản trị mà chỉ có “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam ban hành và công bố theo quyết định số 87/2005/QĐ - BTC ngày 01/12/2005 của Bộ trưởng Bộ tài chính. Mục đích của chuẩn mực này là quy định các nguyên tắc, nội dung và hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề kế toán, kiểm toán viên hành nghề và người làm kế toán, kiểm toán trong các doanh nghiệp và tổ chức nhằm đảm bảo đạt được những tiêu chuẩn cao nhất về trình độ chuyên môn, về mức độ hoạt động và đáp ứng được sự quan tâm ngày càng cao của công chúng. Với nội dung của chuẩn mực này, người hành nghề kế toán quản trị sẽ không nằm ngoài đối tượng áp dụng của chuẩn mực, cũng phải chịu sự chi phối của chuẩn mực này.

Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam gồm bốn phần chính:
+ Phần thứ nhất: xây dựng mục tiêu và các nguyên tắc xử sự cơ bản cho những người hành nghề kế toán, kiểm toán.

+ Ba phần sau, chuẩn mực đi vào xây dựng chi tiết cách hành xử, áp dụng cụ thể cho từng đối tượng: phần thứ hai áp dụng cho người làm kế toán và kiểm toán; phần thứ ba áp dụng cho kiểm toán viên hành nghề, nhóm kiểm toán và công ty kiểm toán; phần thứ tư áp dụng cho người có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc chứng chỉ hành nghề kế toán đang làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức

Tùy theo hoạt động thực tế, người hành nghề phải xem xét bản thân mình đang đứng ở cương vị nào để có cách hành xử sao cho phù hợp. Đối với người hành nghề kế toán quản trị, vừa phải tuân thủ phần thứ nhất, vừa phải tuân thủ phần thứ hai và thứ tư của chuẩn mực.

2. Các chứng chỉ hành nghề

Kiến thức về kế toán quản trị rất hữu ích cho doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Do đó, hầu hết các trường kinh doanh trên thế giới đều đưa nội dung kế toán quản trị vào chương trình đào tạo ở các bậc học đại học và sau đại học. Ở trong các doanh nghiệp, cho dù làm ở các bộ phận chức năng nào, một nhân viên nếu có kiến thức đầy đủ về kế toán quản trị sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn trong công việc.

Để bổ sung kiến thức và kỹ năng kế toán quản trị, người học cũng có thể lấy một số chứng chỉ hành nghề về kế toán quản trị từ một số tổ chức nghề nghiệp, ví dụ như Viện Kế toán Quản trị (the Institute of Management Accountants), Hội Kế toán Quản trị Canada (the Society of Management Accountant of Canada), Viện Kế toán Quản trị Công chứng (the Chartered Institute of Management Accountants), Viện Kế toán Quản trị Công chứng Australia (the Institute of Certified Management Accountants of Australia),.. Các tổ chức nghề nghiệp này đòi hỏi các ứng viên phải trải qua một số kỳ thi và phải thỏa mãn một số yêu cầu về kinh nghiệm làm việc. Vai trò của những kế toán quản trị viên có năng lựcđược công nhận bởi các tổ chức nghề nghiệp ngày càng quan trọng hơn trong môi trường kinh doanh toàn cầu hiện nay.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top