Đạo đức nghề nghiệp kế toán – Kiểm toán trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

TieuLien345

New Member
Hội viên mới
Thế giới đã bước sang kỷ nguyên số với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi phương thức hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Bước sang kỷ nguyên số, lượng cung lao động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam vẫn giữ ở mức cao. Bên cạnh đó, thông tin tài chính của các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam luôn bị cảnh báo về sai phạm và độ không trung thực. Bài viết trình bày một số vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp trong kế toán - kiểm toán, giải pháp bảo vệ cũng như nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong kỷ nguyên số.

aaeaaqaaaaaaaay4aaaajda3nmnlotuzltnknjytnde5os04mtu3lwu4mmyzzwexnwewnq_SNSQ.jpg
Yêu cầu cấp thiết phát triển kỹ năng đạo đức nghề nghiệp

Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nên những thách thức lớn cho công tác đào tạo kế toán - kiểm toán, đồng thời, cũng tạo ra những cơ hội lớn cho những ai đang làm và sẽ làm trong lĩnh vực này. Yêu cầu phát triển kỹ năng đạo đức nghề nghiệp lao động ngành kế toán – kiểm toán được đặt ra trong bối cảnh:

Thứ nhất, một lượng lớn sinh viên được đào tạo, vượt xa so với nhu cầu về lực lượng lao động trong ngành kế toán - kiểm toán. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, liên tiếp từ quý I/2016 đến nay, nhu cầu tìm việc làm thuộc nhóm ngành kế toán - kiểm toán dao động từ 23% đến 35,5% trong tổng số nhu cầu tìm việc trên thị trường lao động, cao hơn rất nhiều so với các nhóm ngành khác như tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh, điện – điện tử… Nhu cầu thị trường về lao động trong nhóm ngành này giảm xuống trong khi lượng lao động trong nhóm ngành này đang cung ứng ở mức cao.

Thứ hai, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, tình trạng chất lượng báo cáo tài chính còn bộc lộ một số hạn chế. Theo đánh giá của cơ quan quản lý, cũng như thực tiễn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán cho thấy, báo cáo tài chính trước và sau đi kiểm toán của các công ty đại chúng còn bộc lộ một số hạn chế. Số liệu báo cáo tài chính của các công ty được kiểm toán chênh lệch nhiều (chưa kể đến các doanh nghiệp (DN) được công bố báo cáo tài chính nhưng không được kiểm toán).

Số liệu điều tra của Hiệp hội các nhà điều tra gian lận Mỹ với cuộc điều tra được thực hiện trên 114 quốc gia trong đó có Việt Nam cho thấy, tình trạng gian lận đã tác động xấu đến chất lượng báo cáo tài chính và tạo thông tin thiếu chính xác cho nhà đầu tư.

Báo cáo cũng cho thấy, tình trạng gian lận xảy ra ở phần lớn các DN tư nhân, công ty có quy mô nhỏ cao nhất về cả mức thiệt hại và tần suất xuất hiện. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự kiểm soát không chặt chẽ, tạo điều kiện cho gian lận xuất hiện, do cả sự thiếu đạo đức nghề nghiệp trong chính đội ngũ lao động, quản lý hay chủ DN và trong số đó có những người am hiểu và được đào tạo về kế toán.

Bên cạnh đó, gian lận trên báo cáo tài chính xảy ra với tần suất thấp hơn nhiều so với tham nhũng, hay biển thủ tài sản. Tuy nhiên, thiệt hại do gian lận trên báo cáo tài chính thì không hề nhỏ, mức độ thiệt hại bình quân do gian lận trên báo cáo tài chính gây ra là rất lớn.

Thứ ba, với những thành tựu mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, với hệ thống mạng không dây, dữ liệu số hóa, kế toán kiểm toán không chỉ bó hẹp trong phạm vi một DN, một quốc gia mà nó mở rộng ra trên toàn thế giới. Điều này mang lại thời cơ lớn cho những ai theo đuổi sự nghiệp thuộc chuyên ngành này.

Cơ hội nghề nghiệp được mở rộng với những người có năng lực chuyên môn và am hiểu chế độ kế toán các quốc gia khác. Công việc kế toán – kiểm toán không còn phụ thuộc vào vị trí địa lý. Tuy nhiên, đây cũng trở thành điểm bất lợi cho những kế toán – kiểm toán viên có trình độ chuyên môn hạn hẹp.

Công việc, thu nhập của họ đang bị đe dọa bởi những kế toán – kiểm toán viên khác trên toàn thế giới. Cùng với đó, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, công việc kế toán – kiểm toán được xử lý bằng máy tính đã và đang đặt ra những yêu cầu cao hơn trong kế toán – kiểm toán: xử lý và phân tích dữ liệu bằng mạng máy tính, bảo mật thông tin… khiến cho yêu cầu chất lượng kế toán – kiểm toán có bước thay đổi so với trước kia.

Giải pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp kế toán – kiểm toán

Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những cơ hội và thách thức cho mỗi kế toán viên – kiểm toán viên cũng như những trọng trách quan trọng về chất lượng của thông tin cung cấp cho các đối tượng. Để nâng cao kỹ năng xử lý tình huống, nâng cao khả năng thích ứng với sự biến đổi của môi trường làm việc trong thời đại - cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Các kế toán – kiểm toán viên hiện tại và tương lai cần thực hiện một số nội dung sau:

Một là, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp cơ bản: Mỗi kiểm toán viên, kế toán viên cần hiểu rõ và ghi nhớ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của mình trong mọi trường hợp.

(1) “tính chính trực”: thẳng thắn, trung thực trong tất cả các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh;

(2) “tính khách quan”: Không cho phép sự thiên vị, xung đột lợi ích hoặc bất cứ ảnh hưởng không hợp lý nào chi phối các xết đoán chuyên môn;

(3) “năng lực chuyên môn và tính thận trọng”: Làm việc dựa trên những kiến thức mới nhất về chuyên môn, pháp luật đồng thời hành động một cách thận trọng, phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp được áp dụng;

(4) “tính bảo mật”: Phải bảo mật thông tin có được từ các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh, không được tiết lộ bất cứ thông tin nào cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của bên có thẩm quyền trừ khi có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của pháp luật hoặc cơ quan quản lý hoặc tổ chức nghề nghiệp; (5) “tư cách nghề nghiệp”: Tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình.

Hai là, tránh các nguy cơ xâm phạm đạo đức nghề nghiệp: Để giúp mỗi kế toán – kiểm toán viên xử lý các tình huống vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trước hết bản thân mỗi kế toán – kiểm toán viên phải ý thức được nguyên nhân của hành vi xâm phạm đạo đức nghề nghiệp.

Có các nguy cơ gây tổn hại đến hành vi đạo đức: vì lợi ích cá nhân (nguy cơ do tư lợi); do chưa đủ năng lực, chưa thể kiểm tra được các sai phạm xảy ra (nguy cơ tự kiểm tra); do bị đe dọa (áp lực từ ban giám đốc, ban quản trị…); do bào chữa, bênh vực khách hàng, doanh nghiệp (nguy cơ sự bào chữa); do tình cảm thân quen.

Khi ý thức được các yếu tố đe dọa hành vi đạo đức của bản thân, các kế toán – kiểm toán viên có thể có biện pháp bảo vệ, loại trừ hoặc làm giảm nguy cơ đó xuống mức thấp nhất sao cho các nguyên tắc đạo đức cơ bản không bị vi phạm.

Ba là, nâng cao đạo đức nghề nghiệp: Kế toán, kiểm toán viên tự bảo vệ, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của chính mình. Biện pháp này xuất phát từ chính bản thân mỗi kế toán, kiểm toán viên, góp phần nâng cao uy tín và trách nhiệm của chính bản thân mỗi kế toán, kiểm toán viên với DN, với đối tác, với công chúng, với xã hội.

Đạo đức nghề nghiệp yêu cầu bản thân mỗi kế toán viên, kiểm toán viên phải hiểu rõ chuẩn mực nghề nghiệp và chuẩn mực chuyên môn. Điều này yêu cầu bản thân mỗi kế toán viên phải có trình độ học vấn, được đào tạo chuyên môn và có kinh nghiệm làm việc. Hơn nữa, kế toán và kiểm toán viên phải thường xuyên cập nhật những kiến thức chuyên môn mới nhằm không bị lạc hậu về chuyên môn, xử lý công việc theo chế độ kế toán, chuẩn mực chuyên môn quy định hiện hành.

Đạo đức nghề nghiệp yêu cầu bản thân mỗi kế toán viên, kiểm toán viên cần cân nhắc hậu quả của từng giải pháp khả thi. Do vậy, bản thân mỗi kế toán viên, kiểm toán viên cần xem xét các sự kiện, vấn đề đạo đức có liên quan, nguyên tắc đạo đức cơ bản, các thủ tục nội bộ được thiết lập, các giải pháp thay thế. Sau đó, kế toán viên, kiểm toán viên cần xác định hậu quả của từng phương pháp và tìm ra cách giải quyết thích hợp.

Bên cạnh đó, kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm làm việc là điều không thể thiếu giúp kế toán – kiểm toán viên xử lý các tình huống thực tế một cách linh hoạt. Tuy nhiên, đây là điều không phải bất cứ ai làm kế toán, kiểm toán đều có. Đặc biệt, đây là điểm yếu của mỗi sinh viên chuyên ngành kế toán - kiểm toán mới tốt nghiệp hoặc mới chuyển đổi nghề nghiệp chưa thể có cho dù họ không có hay đã có kinh nghiệm công tác ở các lĩnh vực khác.

Để giúp mỗi kế toán viên, kiểm toán viên được thực hành đạo đức nghề nghiệp của mình và nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho chính bản thân mình, cần có một chương trình thực hành đạo đức nghề nghiệp trong kế toán – kiểm toán là điều cực kỳ cần thiết. Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với hàng loạt những mối đe dọa mang tính công nghệ đối với kế toán, kiểm toán, chương trình này trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Chương trình thực hành đạo đức nghề nghiệp trong kế toán - kiểm toán nên được thiết kế với phần lý thuyết chung về các nguy cơ đe dọa, các chuẩn mực đạo đức, hướng giải quyết chung và có thiết kế các tình huống thực tế.

Các tình huống thực tế nên được thu thập từ các chuyên gia kế toán, kiểm toán, đặt người thực hành vào những tình huống cụ thể, người thực hành có thể đưa ra cách xử lý cho riêng mình. Phần thực hành này sẽ trở thành một phần điều kiện bắt buộc đối với các học viên chuyên ngành kế toán. Điều này sẽ giúp cho những người có yếu điểm về kinh nghiệm làm việc trong kê toán, kiểm toán được thực hành một cách nghiêm túc.

Tăng cường biện pháp phòng ngừa rủi ro

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ phòng ngừa các nguy cơ từ việc tổn hại đạo đức nghề nghiệp kế toán - kiểm toán. Đây là biện pháp mà kế toán, doanh nghiệp tự bảo vệ mình trước khi cần sự can thiệp của lực lượng bên ngoài doanh nghiệp.

Hơn nữa, biện pháp này cũng giúp kiểm toán, đối tượng cung cấp dịch vụ kế toán tránh khỏi những nguy cơ nhất định. Tuy nhiên, để thực hiện được biện pháp này cần một đội ngũ tư vấn, giám sát hiểu biết, trách nhiệm và khách quan trong đội ngũ kiểm soát. Trong đó, đội ngũ đứng đầu bộ máy kế toán hay kiểm toán tại DN cần tư vấn cho ban quản trị, tư vấn cho lãnh đạo DN về việc thiết lập hệ thống kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa các nguy cơ xảy ra.

Nhà nước, tổ chức hiệp hội hành nghề có biện pháp ngăn chặn những hành vi phi đạo đức. Biện pháp ngăn chặn những hành vi phi đạo đức trong kế toán, kiểm toán không phải chỉ dừng lại ở khuyến khích động viên, xử phạt… Trong thời đại công nghệ, các hành vi sai phạm càng trở nên tinh vi hơn bao giờ hết. Để Nhà nước, tổ chức hiệp hội hành nghề có thể ngăn chặn những hành vi này thì Nhà nước, tổ chức hiệp hội phải có biện pháp tác động từ bên trong và cả bên ngoài.

Các biện pháp tác động từ bên trong là các biện pháp làm khơi dậy ý thức đạo đức bản thân của những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế nói chung, lĩnh vực kế toán – kiểm toán nói riêng. Để làm được điều này, yêu cầu đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên tham gia chương trình thực hành đạo đức nghề nghiệp như một chương trình bắt buộc để được cấp bằng hoặc cấp chứng chỉ hành nghề.

Khóa học này phải đảm bảo thời gian tự nghiên cứu nhất định. Kết thúc chương trình thực hành, họ được tham gia một bài kiểm tra cuối khóa với điều kiện thi nghiêm ngặt. Điều này sẽ giúp bản thân những người tham gia thi và đạt được điều kiện đạo đức nghề nghiệp.

Các biện pháp tác động từ bên ngoài là các biện pháp tác động biểu dương cá nhân tổ chức đạt tiêu chí minh bạch, trung thực và không gây sai lệch thông tin tài chính trước và sau kiểm toán, thanh tra kiểm tra. Bên cạnh đó là các biện pháp xử phạt các cá nhân tổ chức gây sai phạm, sai lệch thông tin tài chính trước và sau kiểm toán, thanh tra kiểm tra.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top