Biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động tại doanh nghiệp

Son.Tran

Member
Hội viên mới
Vốn lưu động có vai trò quyết định hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn lưu động gắn liền với lợi ích cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bài viết đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn lưu động của các doanh nghiệp giao thông, xây lắp nói chung và Tổng công ty 319 nói riêng, đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn lưu động thời gian tới.

dn_LRQX.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: internet​

Hiệu quả vốn lưu động trong doanh nghiệp

Việc sử dụng hiệu quả vốn lưu động được biểu hiện tất cả ở các khâu của quá trình sản xuất từ khai thác các nguồn vốn, sử dụng vốn để mua sắm vật tư cho đến khi tiêu thụ sản phẩm và thu hồi vốn để đầu tư cho quá trình tái sản xuất. Các doanh nghiệp (DN) luôn phải tìm cách để cung ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất, đồng thời phải tiết kiệm được vốn và đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho DN.

Sử dụng hiệu quả vốn lưu động có tính cấp thiết đối với sự tồn tại của DN và là một mục tiêu mà DN cần phấn đấu cao để đạt được. Vốn lưu động là một bộ phận quan trọng của vốn sản xuất, là yếu tố không thể thiếu được của quá trình sản xuất kinh doanh, quá trình xây dựng thi công các công trình. Mặt khác, do đặc điểm của vốn lưu động là vận động không ngừng trong mọi giai đoạn sản xuất hình thái, biểu hiện phức tạp và khó quản lý, vốn lưu động chuyển toàn bộ giá trị ngay trong một lần và được hoàn lại toàn bộ sau mỗi chu kỳ kinh doanh, nên sử dụng tốt vốn lưu động có ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động của DN. Nếu DN sử dụng vốn không tốt, không bảo toàn được vốn sẽ dẫn đến thất thoát vốn làm ảnh hưởng tới quá trình tái sản xuất, quy mô sẽ bị thu hẹp, vốn luân chuyển chậm, hiệu quả sử dụng đồng vốn sẽ thấp có nghĩa là DN hoạt động kém hiệu quả. Nếu tình trạng này kéo dài chắn chắn DN sẽ không thể tồn tại trên thị trường.

Mặt khác trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn của các DNNN ngày càng cao. Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về “Đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN”; Thông tư 219/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015; Thông tư số 161/2014/TT-BQP ngày 10/11/2014 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn một số nội dung về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DN do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu và DN có vốn của Bộ Quốc phòng đều yêu cầu các DNNN nói chung và DN của Bộ Quốc phòng nói riêng phải kinh doanh có lãi, phải tổ chức sử dụng vốn một cách tiết kiệm và có hiệu quả.

Do đó, đòi hỏi DN phải quản lý, sử dụng đồng vốn mặt cách chặt chẽ hơn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, giao thông nói riêng và mọi DN nói chung đều phải có mục tiêu đem lại lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, kết quả trên chỉ được coi là có hiệu quả khi giá trị thu được phải lớn hơn số vốn đầu tư bỏ ra sau khi đã quy chuẩn vốn về cùng một thời điểm. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn thu được của năm sau cao hơn năm trước.

Đối với các DN kinh doanh trong lĩnh vực xây lắp, giao thông thì điều này càng có vai trò đặc biệt quan trọng bởi vì vốn lưu động thông thường chiếm từ 30 đến 80% tổng tài sản của DN, trong đó tập trung chủ yếu vào dự trữ nguyên vật liệu và chi phí kinh doanh dở dang. Việc dự trữ một lượng hàng tồn kho lớn phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường, giá trị các đơn hàng, hay các hợp đồng đã ký kết hoặc tiến độ nghiệm thu thanh toán của chủ đầu tư đối với mỗi DN kinh doanh trong lĩnh vực xây lắp, giao thông.

Thực tế doanh nghiệp và một số kiến nghị

Là một trong những DNNN thuộc Bộ Quốc phòng, thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp của Chính phủ, trong nhiều năm qua, Tổng công ty 319 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, việc sử dụng vốn lưu động tại Tổng công ty cũng rất hiệu quả, thể hiện qua hai chỉ tiêu cụ thể dưới đây: Hiệu quả sử dụng vốn lưu động qua các năm (bảng 1) và Diễn biến nợ hiệu quả sử dụng vốn lưu động (đồ thị 1).

Theo đó, kỳ luân chuyển vốn lưu động của Tổng công ty 319 trong những năm qua tương đối nhanh, chẳng hạn như năm 2014 chỉ có 12 ngày. Điều này cho thấy công tác quản lý vốn lưu động của Tổng công ty thực hiện tương đối tốt. Cùng với sự thay đổi của số vòng quay vốn lưu động, chỉ tiêu hàm lượng vốn lưu động cũng có sự thay đổi nhưng theo chiều tốt. Năm 2010, để tạo ra 1 đồng doanh thu thì Tổng công ty cần phải bỏ vào 0,05 đồng vốn lưu động, nhưng năm 2014 để tăng 1 đồng doanh thu tương ứng với 0,03 đồng vốn lưu động

Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động, trong những năm qua, Tổng công ty 319 đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ và có hiệu quả, như: thực hiện ký kết hợp đồng rất chặt chẽ đặc biệt là các điều khoản nghiệm thu thanh toán, nhằm thu hồi vốn nhanh, sử dụng hiệu quả vốn bằng tiền; Chú trọng đến công tác thu hồi công nợ, trong Tổng công ty có Ban chỉ đạo thu hồi và xử lý công nợ do đồng chí Phó Tổng Giám đốc phụ trách, việc thu hồi công nợ của Tổng công ty được thực hiện thường xuyên, có đánh giá kiểm điểm theo định kỳ để đánh giá tuổi nợ và trao đổi các biện pháp để thu hồi công nợ hiệu quả...

Tuy nhiên, trước bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày càng tăng do nền kinh tế mở cửa hội nhập, trong thời gian tới, các DN trong lĩnh vực giao thông, xây lắp nói chung và Tổng công ty 319 nói riêng cần nâng cao hiệu quả vốn lưu động. Theo đó, cần thực hiện các biện pháp trọng tâm sau:

Một là, cần chỉ đạo xây dựng phương pháp tính nhu cầu sử dụng vốn lưu động thống nhất cho tất cả các đơn vị thành viên trong Tổng công ty, trên cơ sở đó so sánh đánh giá hiệu quả từng đơn vị và tổng hợp nhu cầu vốn lưu động của toàn Tổng công ty.

Hai là, áp dụng phương pháp tiên tiến vào thi công, kiểm soát chi phí chặt chẽ, hạ giá thành sản phẩm là biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động rất quan trọng: Phương pháp thi công tiên tiến sẽ là cơ sở để tiết kiệm chi phí và hạ giá thành, việc quản lý chi phí, hạ giá thành công trình có ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động của Tổng công ty.

Ba là, xây dựng hệ thống thông tin hiệu quả và thường xuyên phân tích đánh giá hiệu quả sử dụng vốn lưu động Tổng công ty. Tính đến việc triển khai hệ thống quản trị DN thích hợp – ERP đồng bộ ở cả bản thân DN và các công ty con, từ đó cung cấp các thông tin kịp thời cho quá trình đánh giá hiệu quả sử dụng vốn lưu động một cách thường xuyên.

Tài liệu tham khảo:

1. PGS., TS. Bùi Văn Vần và PGS.TS.Vũ Văn Ninh, Tài chính DN- NXB Tài chính 2015;
2. Đề tài cấp Học viện năm 2010: “Nâng cao hiệu quả quản lý nợ phải thu của DN trong hoạt động kinh doanh” do ThS. Vũ Thị Hoa- Chủ nhiệm đề tài;
3. Báo cáo tài chính qua các năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014 của Tông công ty 319- Bộ Quốc phòng.


Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 2/2016
ThS.Hà Quốc Thắng - Tổng công ty 319
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top