Ðề: Bài học thuở ấu thơ!
Mua cho tôi mái trường ngày thơ ấu ;
Thầy giáo làng, quyển sách đọc bài thơ.
Giọng vang vang còn nhớ mãi đến giờ,
Lời thầy giãng vẫn theo tôi từ đấy.
Mua cho tôi đường làng quê ngày ấy,
Với những hàng Râm bụt, mái nhà tranh.
Người dân quê, ôi mộc mạc hiền lành,
Dù lam lũ vẫn tươi cười thanh thản.
Mua cho tôi những đêm trời trăng sáng,
Ánh đèn dầu chị ngồi hát ru em.
Làng quê xưa cuộc sống thật êm đềm,
Khác xa hẳn chốn phồn hoa đô thị.
Và còn nữa đừng trách tôi phung phí ,
Hãy mua dùm sông, rạch với cầu tre;
Cô lái đò sông Hậu vẫn còn e,
Ôm mộng mị ước trao người quân tử.
Hình ảnh đó, người ơi xin gắng giữ,
Dẫu mai này lưu lạc nẻo trời xa!
Đừng quên đôi mắt đẹp với tay ngà,
Vững chèo lái qua những dòng nước lũ.
Người hãy nhớ mua tôi dăm bạn cũ;
Đã lâu rồi tôi muốn được như xưa :
Cùng bạn bè đùa giỡn dưới cơn mưa,
Cùng bắt ếch giữa cánh đồng lúa sữa.
Tôi còn muốn mua nhiều và mua nữa,
Những vui buồn, sướng khổ thuở xa xưa…
Vần thơ đây tôi mua mấy cho vừa ?…
DẠY CON HIẾU THẢO.
Hiếu thảo thuộc về đạo đức , là tài sản tinh thần có gốc rễ lâu bền của dân tộc ta . Xưa kia hiếu thảo gắn với nền luân lý gia đình gồm ba thế hệ : ông bà , cha mẹ và con cái sống chung một mái nhà " Tam đại đồng đường " . Ngày nay , tuy phần lớn đã chuyển sang dạng gia đình " hạt nhân " : chỉ còn cha mẹ và con cái , nhưng chữ hiếu vẫn còn nguyên vẹn giá trị của nó ; bởi mỗi con người đều phải được cha mẹ sinh ra ( dù ngày nay nền y học tiên tiến có thể sinh con ra từ ống nghiệm ) . Và công nuôi nấng giáo dục của cha mẹ vô cùng lớn lao :
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn đạo hiếu mới là phận con ...
Câu ca dao đó như là một lẽ tự nhiên trong đạo làm người , nhưng trẻ em mới sinh ra đâu đã hiểu được ? Vì vậy cha mẹ cần phải dạy cho con cái sớm biết hiếu thảo ngay từ tấm bé .
Dạy cho con có tình yêu thương : Trên cả hiếu thảo , đó là tình yêu thương . Một đứa trẻ mới ba , bốn tháng tuổi cần phải dạy bé biết nhận ra những người thân trong gia đình như ông bà , cha mẹ và anh chị ...Ngôn ngữ đầu tiên của bé phải là hai chữ : Cha , mẹ !
Thật ra một đứa bé mới sinh ra chưa hiểu được tình thương là gì ? Người mẹ cần tập cho bé làm quen với những câu hỏi và trả lời như :
+ Ai sinh ra con ?
_ Ba và mẹ ạ !
+ Bé có thương ba mẹ không ?
_ Có thương ạ !
+ Thương ba mẹ để đâu ?
_ Để lên đầu ạ ! ...
Những câu hỏi và trả lời như thế tưởng giản đơn , nhưng người mẹ đã phải lặp đi lặp lại cho con rất nhiều lần . Dần dà những điều ấy sẽ ăn sâu vào tiềm thức đứa trẻ . Nếu được dạy dỗ kỹ những tôn ti trật tự gia đình thì ngay từ lúc vài ba tuổi , bé đã có nề nếp kính trên nhường dưới , lễ phép với ông bà và người lớn . Người mẹ cũng cần phải dạy bé đi biết thưa , về biết trình ...
" Khi đi em hỏi , khi về em chào .
Miệng em chúm chím ...mẹ có yêu không nào ? " ...
Một tập quán với những lễ giáo đẹp đẽ là thế mà ngày nay dường như bị quên lãng ! Đi trên tàu xe , rất ít gặp hình ảnh những học sinh nhỏ tuổi nhường ghế cho người già và cũng không còn thấy cảnh em bé dắt bà lão qua đường ...Đáng buồn hơn là không ít em trong gia đình chỉ biết vòi vĩnh , hưởng thụ . Thấy ông bà cha mẹ làm lụng vất vả , các em vẫn trơ trơ lạnh giá , chẳng những không đỡ đần chia sẻ cùng gia đình mà còn đòi hỏi yêu sách đủ điều ...Nếu cha mẹ có la rầy một chút là hỗn hào cãi lại hoặc giận dỗi bỏ học , bỏ nhà đi bụi đời mặc cho ông bà cha mẹ đau đớn lo lắng ...
Đó là thói ích kỷ của con trẻ , là mầm bệnh sản sinh cho mai sau loại người cá nhân , vị kỷ ...chỉ biết lo cho bản thân mình , đạp đổ người khác ! Vì vậy , người mẹ phải luôn dạy cho con trẻ có tình yêu thương . Khi đã tràn đầy tình yêu thương trong lòng con trẻ , nó sẽ biết cách biểu hiện lòng hiếu thảo ra với muôn hình muôn vẻ . Một bé gái mới lên 5 tuổi đã biết thể hiện tình thương mỗi khi mẹ đi làm về :
_ Mẹ có mệt không ? Con thương mẹ !
Hoặc thấy bà bị mắc mưa , cháu ra tận cửa đưa khăn cho bà lau và hỏi :
_ Bà có bị lạnh không hở bà ?
Tuỳ theo sức vóc của mình , bé có thể biẻu hiện tình thương như là đưa tăm cho ông , rót nước mời bà , hay đút vào miệng ba một viên kẹo ngon ...Những đứa bé như thế , khi lớn lên nhất định trở thành những con người nhân hậu , hiếu thảo , giàu tình thương , biết quan tâm đến mọi người ...
Ầu ơ ! ...Cháu ơi cháu ngủ cho lâu
Mẹ cháu đi cấy đồng sâu chưa về
Bắt được con trắm , con trê
Tròng cổ mang về bà cháu mình ăn ...
Những câu hát ru mộc mạc quen thuộc ấy đã ngấm sâu vào trong tiềm thức của bé , và những tình thương yêu gia đình đã trở thành chất xúc tác âm thầm lặng lẽ giúp các em vượt qua tất cả để vươn lên thành những người tốt có lương tri , biết hiếu thảo , sống tình nghĩa với mọi người .
Lời ru không chỉ đưa trẻ vào giấc ngủ nhanh hơn bởi âm điệu du dương, trầm bổng mà nó còn là dòng sữa mát, sưởi ấm tâm hồn trẻ. Trong lời ru, người mẹ, người bà có thể gửi gắm vào đó những bài học về đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế, ý thức vượt khó, lòng bao dung, tình yêu quê hương đất nước . Vì vậy, các bậc phụ huynh nên học các làn điệu dân ca để ru con.
Rất nhiều chuyên gia tâm lý cũng khẳng định tầm quan trọng của hát ru trong việc giáo dục con. Đứa trẻ sẽ dễ dàng cảm nhận được tình yêu của người mẹ dành cho mình thông qua những câu hát mượt mà. Hơn nữa, bài học đầu đời mà đứa trẻ cảm nhận được chính là qua lời ru của mẹ, của bà.
Những đứa trẻ qua từng giai đoạn có các biểu hiện khác nhau và cha mẹ cần phải hiểu rõ phản ứng của chúng, để thiết lập mối quan hệ trong gia đình một cách tốt nhất. Dưới đây là một số kinh nghiệm giúp bạn hiểu con mình hơn.
Khi trẻ lên 4: Không chỉ ở tuổi này mà ngay từ lúc hai tuổi rưỡi, khi đã chạy lon ton và tự xoay sở một mình, trẻ đụng phải những điều cấm đoán và bắt đầu biết chống đối cha mẹ để khẳng định tính cách của mình. Tuy nhiên, lúc này trẻ vẫn coi bố mẹ là những con người kỳ diệu và nếu nhận thấy cha mẹ không bằng lòng về mình, chúng sẽ cảm thấy mình hư và lo lắng sợ mất tình yêu của họ. Trước những phản ứng này, các bậc phụ huynh sau khi quở trách hãy an ủi con, nói rõ cho chúng biết lý do phạt và nhắc lại rằng điều này không có nghĩa là bố (mẹ) không yêu con nữa. Bạn cần tránh những câu nói theo kiểu: "Con làm bố (mẹ) phát ốm!", điều này khiến trẻ có ý nghĩ mình là thủ phạm gây ra tất cả những chuyện rắc rối.
Từ 5 tuổi: Vào tuổi này, đứa trẻ chỉ có một giấc mơ lớn nhanh hơn nữa. Trẻ muốn được giống như cha mẹ mình, con trai thì thích trở thành người đàn ông như bố còn con gái thì thích giống như mẹ. Lúc này, các bậc phụ huynh phải là những tấm gương tốt bởi vì trẻ sẽ nhận thức và bắt chước những cách ứng xử của họ trong gia đình và ngoài xã hội.
Khoảng 7 tuổi: Đứa trẻ bắt đầu có khả năng suy nghĩ, nhận thức cái thiện, cái ác. Các ông bố bà mẹ vẫn được chiêm ngưỡng nhưng ít được lý tưởng hóa hơn trước, những câu hỏi và phê phán từ phía trẻ dành cho bố mẹ bắt đầu xuất hiện. Lúc này, bạn nên lắng nghe những lý lẽ của chúng và cố gắng giải thích rõ.
Tuổi vị thành niên: Cha mẹ lúc này ít nhiều mất vầng hào quang của mình trước mắt con cái. Cuộc tìm kiếm cá tính riêng, khẳng định quyền tự do cá nhân sẽ khiến trẻ có những hành vi thái quá. Trẻ trở thành những kẻ ưa tranh cãi và thần tượng của chúng không phải là cha mẹ nữa mà đôi khi bắt chước theo một ngôi sao ca nhạc, điện ảnh... Trước phản ứng này, bạn nên nói chuyện với con về lứa tuổi của chúng, điều đó xây dựng một mối quan hệ cộng tác giữa cha mẹ và con cái. Bạn cần tránh thái độ áp đặt, nếu không sẽ như đổ dầu vào lửa.
Trong gia đình thì việc đầu tiên : ông , bà , cha , mẹ , người lớn nên mở rộng lòng vị tha , thông cảm và độ lượng với con cháu mình để lòng hiếu thảo không phải là gánh nặng mà là chiếc cầu nối tình thương giữa các thế hệ .