Ðề: Sử dụng Hoá đơn GTGT đầu vào của công ty trốn thuế???
Đây nữa:
Hoá đơn bất hợp pháp có được khấu trừ thuế Giá trị gia tăng, tính vào chi phí khi xác định thuế Thu nhập doanh nghiệp?
25/07/2008
Đó là vấn đề vướng mắc trong suốt thời gian qua mà giữa cơ quan thuế với người nộp thuế luôn có sự tranh cãi với nhau, bởi lẽ:
Theo quy định của Luật thuế GTGT: “Cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp Hoá đơn GTGT sử dụng không đúng quy định của pháp luật như: hóa đơn GTGT không ghi thuế GTGT (trừ trường hợp đặc thù được dùng hoá đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT); không ghi hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán nên không xác định được người bán; hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo); hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ mua, bán hoặc trao đổi.”
Theo quy định về thuế TNDN: Cơ sở kinh doanh không được tính vào chi phí các khoản chi không có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định hoặc hoá đơn, chứng từ không hợp pháp.
Thế nhưng, theo quy định về chế độ kế toán thì: “Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó. Chi phí tương ứng với doanh thu gồm chi phí của kỳ tạo ra doanh thu và chi phí của các kỳ trước hoặc chi phí phải trả nhưng liên quan đến doanh thu của kỳ đó.”
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi về thuế khi bị tính thuế đầu ra mà không được trừ đầu vào, bị tính doanh thu mà không được tính chi phí do doanh nghiệp sử dụng không đúng (ghi sai, thiếu các chỉ tiêu cần thiết), không đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định hoặc hoá đơn, chứng từ không hợp pháp. Để tháo gỡ khó khăn trên và để cho công tác xử lý của cơ quan thuế các cấp được thấu tình đạt lý, đúng pháp luật, Bộ Tài chính đã có công văn số 7333/BTC-TCT, ngày 24/6/2008 hướng dẫn về việc xử lý cơ sở kinh doanh sử dụng hoá đơn bất hợp pháp. Căn cứ các quy định trên và tình hình thực tế, cơ quan thuế xử lý đối với từng trường hợp vi phạm cụ thể như sau:
Trường hợp cơ quan thuế, cơ quan công an, cơ quan chức năng khác trong quá trình kiểm tra, xác minh, điều tra đã có kết luận hóa đơn do cơ sở kinh doanh sử dụng là bất hợp pháp thì:
Cơ sở kinh doanh không được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, trường hợp đã khấu trừ (hoặc đã được hoàn) thì cơ quan thuế xử lý truy thu, truy hoàn số thuế GTGT đã khấu trừ (đã hoàn).
Cơ sở kinh doanh không được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào theo hóa đơn bất hợp pháp.
Trường hợp cơ quan thuế kiểm tra và yêu cầu cơ sở kinh doanh chứng minh: Cơ sở kinh doanh có mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; có hợp đồng mua bán, văn bản thanh lý hợp đồng (nếu có); có phiếu xuất, nhập kho, chứng từ thanh toán tiền và hạch toán kế toán theo đúng quy định; cơ sở kinh doanh có cam kết việc mua hàng hóa, dịch vụ là có thật, hàng hóa, dịch vụ mua vào đã được bán ra có kê khai, nộp thuế, hạch toán kế toán đầy đủ và cơ sở kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật thì cơ quan thuế thực hiện ấn định chi phí mua hàng, chi phí mua dịch vụ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Khi xử lý ấn định chi phí, cơ quan thuế có thể tham khảo giá hàng hoá, dịch vụ do cơ quan quản lý nhà nước công bố cùng thời điểm, hoặc giá mua, giá bán của các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng hoặc giá bán của doanh nghiệp kinh doanh cùng mặt hàng xác định chi phí mua hàng, chi phí mua dịch vụ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn bất hợp pháp đã bị cơ quan thuế xử lý không cho tính giá trị hàng hóa, dịch vụ vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN và cơ sở kinh doanh không có khiếu nại hoặc có khiếu nại nhưng đã hết thời hiệu thì không xử lý hồi tố theo quy định ấn định chi phí nêu tại mục này.
Trường hợp việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhưng không dẫn đến thiếu thuế, gian lận thuế, trốn thuế thì cơ sở kinh doanh bị phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp theo quy định tại khoản 4 Điều 14 hoặc khoản 3 Điều 15 Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 7/11/2002 của Chính phủ quy định về việc in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn.
Trường hợp cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn bất hợp pháp dẫn đến thiếu thuế, gian lận thuế, trốn thuế nhưng chưa đủ căn cứ để yêu cầu cơ quan điều tra xử lý hình sự, thì cơ sở kinh doanh bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Trường hợp cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh bỏ trốn để kê khai khấu trừ thuế GTGT, tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN mà thời điểm mua hàng hóa, dịch vụ phát sinh trước ngày xác định cơ sở kinh doanh bỏ trốn theo thông báo của cơ quan thuế và cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng khác chưa đủ căn cứ để kết luận đó là hóa đơn bất hợp pháp thì cơ quan thuế phải thực hiện kiểm tra xác định đúng có hàng hóa, dịch vụ mua vào và yêu cầu cơ sở kinh doanh chứng minh và chịu trách nhiệm trước pháp luật việc mua bán là có thật; có hợp đồng mua bán, văn bản chứng từ thanh lý hợp đồng (nếu có), phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, chứng từ thanh toán tiền; hàng hóa, dịch vụ mua vào của cơ sở bỏ trốn được sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh đã bán ra và đã kê khai thuế, có hạch toán kế toán đầy đủ, đúng quy định thì cơ sở kinh doanh được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn mua hàng đó và tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Khi cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng khác trong quá trình kiểm tra, xác minh, điều tra kết luận hóa đơn do cơ sở kinh doanh sử dụng là hóa đơn bất hợp pháp thì cơ sở kinh doanh bị xử lý như nêu trên.
Như vậy, đối với hoá đơn được xác nhận là bất hợp pháp thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, cơ quan thuế sẽ xử lý theo các quy định như trên./.