Ðề: Cafe và nghe nhạc Trịnh !!!!
Tái diễn trường ca 'Tiếng hát Dã tràng' của Trịnh
'Tôi gọi tôi khắp chốn non ngàn, tôi dìu tôi đi giữa trời lên bão tố. Xuân hạ thu đông theo gót chân hờ...'. Lời đau đáu về thân phận và tình yêu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong trường ca 'Dã tràng' sẽ được Ánh Tuyết thể hiện.
Dù không được nhắc đến trong di cảo của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tiếng hát Dã Tràng được xem là trường ca đầu tiên của ông. Bạn bè thân thiết từng học chung với cố nhạc sĩ ở trường Sư phạm Quy Nhơn cho biết, tác phẩm này ghi nhiều dấu ấn ảnh hưởng đến cả cuộc đời sáng tác của ông sau này.
Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân kể lại lý do việc tìm kiếm “Tiếng hát Dã Tràng”: “Sau ngày Trịnh Công Sơn từ giã cõi tạm, họa sĩ Đinh Cường ở Mỹ gửi cho tôi bài hồi ức cảm động Tình bạn hồi sinh sau cơn mê. Trong đó nói rằng, nhắc đến thời Trịnh ở Quy Nhơn phải kể đến Tiếng hát Dã Tràng, bởi nó ảnh hưởng cả quá trình sáng tác sau này của anh. Tôi không hiểu vì sao một tác phẩm quan trọng thế lại không được nhắc đến và quyết định cất công đi tìm”.
Hành trình tìm kiếm khởi nguồn từ Quy Nhơn, Nha Trang rồi về Huế. Nhà nghiên cứu chia sẻ sự may mắn khi được sự chung tay giúp đỡ của nhiều bạn bè, những người từng là giáo sinh và học sinh khóa 1962 - 1964 ở Sư phạm Quy Nhơn, từng tiếp xúc qua và góp mặt trong các buổi biểu diễn Tiếng hát Dã tràng của Trịnh trong thời gian này. Để rồi, khi cầm trên tay 7 trang A4 ghi lại bản trường ca tưởng chừng bị thất lạc từ tay Nguyễn Hồ, người bạn cùng lớp với Trịnh thời ấy, Nguyễn Đắc Xuân đã thực sự xúc động và cảm thấy vô cùng hân hạnh.
Tiếng hát Dã tràng được sáng tác vào đầu thập niên 60 khi gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp nhiều khó khăn, suy sụp. Để tránh thời cuộc, nhạc sĩ phải chuyển về Quy Nhơn theo học ngành Sư phạm. Bao khó khăn về kinh tế, tình yêu, đời sống... đổ ập xuống chàng trai Trịnh Công Sơn 23 tuổi. Để tìm nguồn vui, Trịnh tìm đến cuốn khảo luận nói về sự phi lý trên đời của triết gia đạt giải Nobel Albert Camus.
"Tất cả những gì con người nỗ lực xây dựng nên rồi cũng chẳng đi đến đâu, giống như anh chàng Sisyphe bị khổ sai hằng ngày phải đẩy một tảng đá lên núi cao và thả tay cho nó lăn xuống vực và cứ lặp lại như thế. Tất cả nỗ lực không mang lại ý nghĩa, như công dã tràng xe cát. Đồng cảm như thế, Trịnh Công Sơn đã viết lên trường ca đầu tiên của mình khi có yêu cầu từ nhà trường”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân chia sẻ sự cảm thông của mình cùng cố nhạc sĩ. Theo ông, có thể vì hoàn cảnh quá đặc biệt của giai đoạn sống này mà Trịnh không muốn nhắc đến thời gian ở Quy Nhơn cũng như không muốn đề cập đến tác phẩm Dã tràng ca, ghi lại nhiều đau khổ này.
Dã tràng ca gồm 13 đoản khúc. Về hình thức, tác phẩm như một bài thơ dài, thể hiện đầy đủ phong cách âm nhạc Trịnh Công Sơn. Nhiều tâm sự, nỗi ưu tư trong tác phẩm có thể bắt gặp trong các ca khúc sau này của nhạc sĩ như: Lời buồn thánh, Hạ trắng, Đóa hoa vô thường... “Những lời hát viết ra trong giai đoạn sa sút về tinh thần, vật chất có thể khiến người nghe nghĩ sai về con người Trịnh Công Sơn, là bi quan, yếu đuối. Và đây cũng có thể là lý do anh không nhắc đến tác phẩm này. Nhưng bạn bè anh, người yêu nhạc của anh, vẫn muốn hiểu đích thực cuộc đời anh nên muốn tìm ra để được nhớ và nhớ mãi”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói.
Ánh Tuyết: “Tôi đã khóc khi đọc lời Tiếng hát Dã tràng”
Kỷ niệm 8 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, ca sĩ Ánh Tuyết quyết định tái diễn trường ca Tiếng hát Dã tràng. Đây không phải là lần đầu được thể hiện nhưng là lần đầu tiên, tác phẩm xúc động này được trình diễn trên sân khấu lớn của Nhà hát Hòa Bình.
Ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ: “Hát nhiều lần rồi, nhưng cứ đọc lại những lời hát chất đầy tâm sự của người nhạc sĩ tài hoa, tôi không sao kìm được nước mắt: Từ đó, tuổi hai mươi không còn biết vui. Từ đó, đêm suy tư cho đời lắng sâu, những đêm khuya về rã rời. Bàn tay hoang vu gọi mãi, gọi vào niềm không buốt đau, gọi vào ngày sau nhớ nhau...”.
Đó là lý do khiến bà chủ phòng trà ATB quyết định trình diễn trường ca trên sân khấu lớn. Ánh Tuyết sẽ độc diễn tác phẩm với phần hỗ trợ của toàn ban ATB trong khoảng hơn 15 phút, với mong muốn nhận được sự đồng cảm từ những khán giả yêu nhạc Trịnh. Chị cũng bày tỏ tiếc nuối khi không đủ thời gian để dựng tiết mục này theo thể loại nhạc kịch. Nhưng đây sẽ là ấp ủ, để trong một tương lai gần, Ánh Tuyết lại tái diễn tác phẩm này, như một cách trải lòng cùng người nhạc sĩ tài hoa.
(theo vnexpress)