Câu Hỏi:
Kính gửi Sở LĐTBXH, Xin Quí cơ quan cho biết ngoài tiền lương cơ bản làm căn cứ để đóng BHXH thì phụ cấp nào được làm căn cứ trích nộp BHXH, phụ cấp nào không phải làm căn cứ để trích nộp BHXH? Qui định nào đề cập đến vấn đề này? Mong nhận được sự trả lời sớm của Quí cơ quan
Trả Lời:
Theo quy định tại Điều 36, 37 Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ; điểm 2.3.3 khoản 2 Mục I Quy định về việc quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc ban hành kèm theo Quyết định số 722/QĐ-BHXH ngày 26/5/2003 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì hàng tháng, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bằng 15% so với tổng quỹ tiền lương của những người tham gia bảo hiểm xã hội trong đơn vị và người lao động đóng 5% tiền lương tháng của từng người. Tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là mức lương ghi trong hợp đồng lao động theo thang, bảng lương của đơn vị xây dựng.
Ngoài ra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn số 638/LĐTBXH-LĐ ngày 23/02/2005 hướng dẫn xây dựng, đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương trong các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; theo đó, mức lương làm cơ sở nộp bảo hiểm xã hội là tổng mức tiền lương, tiền công, phụ cấp theo hợp đồng lao động (theo quy định tại điểm 2b mục II Thông tư số 58/TC/HCSN ngày 24/7/1995 của Bộ Tài chính); được doanh nghiệp tính vào chi phí hợp lý theo quy định tại điểm 3b Điều 5 Chương II Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các khoản chi khác nếu được ghi trong hợp đồng lao động nhưng doanh nghiệp không hạch toán vào quỹ tiền lương, tiền công, phụ cấp phải trả thì không cộng vào tiền lương làm cơ sở nộp bảo hiểm xã hội.