Câu hỏi 1: Công ty chúng tôi bị mất quyển hoá đơn đang sử dụng. Chúng tôi đã thông báo với cơ quan thuế để không tiếp tục sử dụng quyển hoá đơn đó nữa. Nhưng sau đó Công ty lại tìm thấy quyển hoá đơn đó và tiếp tục sử dụng. Xin hỏi như vậy có được không?
Theo quy định tại Điều 22 Chương III của Thông tư 39/2014/TT-BTC trong trường hợp Công ty Anh (Chị) bị mất quyển hoá đơn, đã thông báo với cơ quan thuế, sau đó Công ty Anh (Chị) lại tìm thấy quyển hoá đơn thì không được phép tiếp tục sử dụng quyển hoá đơn đó mà phải thực hiện huỷ hoá đơn theo quy định. Nếu Công ty tiếp tục sử dụng quyền hoá đơn đó thì đó là hành vi sử dụng hoá đơn bất hợp pháp. Công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi 2: Công ty chúng tôi có nhập một lô hàng của Công ty A nhưng không có hoá đơn chứng từ. Để hợp thức hoá lô hàng, Công ty chúng tôi nhờ Công ty B lập cho một hoá đơn với số lượng, chủng loại, và giá thành hàng hoá đúng như lô hàng vừa nhập của Công ty A, như vậy có được không?
Công ty Anh (Chị) mua hàng của Công ty A nhưng lại nhờ Công ty B lập hoá đơn như vậy là lập khống hoá đơn. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Chương III của Thông tư 39/2014/TT-BTC: Việc lập khống hoá đơn của đơn vị khác để hợp lý hoá chứng từ hàng hoá thì bị coi là sử dụng bất hợp pháp hoá đơn. Công ty sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 2, Điều 34, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ của chính phủ.
Câu hỏi 3: Xin hỏi sử dụng hoá đơn như thế nào thì được xác định là sử dụng bất hợp pháp hoá đơn?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Chương III của Thông tư 39/2014/TT-BTC thì một số trường hợp cụ thể sau đây được xác định là sử dụng hóa đơn bất hợp pháp:
– Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.
– Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế.
– Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.
– Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn.
– Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
Câu hỏi 4: Công ty A uỷ nhiệm cho Công ty C (bên thứ ba) bán hàng và lập hoá đơn. Việc uỷ nhiệm đã được xác định bằng văn bản giữa 2 bên. Xin hỏi hoá đơn được uỷ nhiệm có cần phải ghi tên và đóng dấu của Công ty A không?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 17, Chương III của Thông tư 39/2014/TT-BTC thì: Trường hợp Công ty A ủy nhiệm cho Công ty C bán hàng và lập hoá đơn đã được xác định bằng văn bản uỷ nhiệm giữa hai bên thì hóa đơn được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập vẫn phải ghi tên đơn vị bán là đơn vị ủy nhiệm và đóng dấu đơn vị ủy nhiệm phía trên bên trái của tờ hóa đơn (trường hợp hóa đơn tự in được in từ thiết bị của bên được ủy nhiệm hoặc hóa đơn điện tử thì không phải đóng dấu của đơn vị ủy nhiệm). Việc ủy nhiệm phải được xác định bằng văn bản giữa bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm.
Câu hỏi 5: Công ty A muốn uỷ nhiệm cho Công ty C (bên thứ ba) bán hàng và lập hoá đơn thì văn bản uỷ nhiệm cho Công ty C có nội dung như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17, Chương III của Thông tư 39/2014/TT-BTC thì nội dung văn bản ủy nhiệm phải ghi đầy đủ các thông tin về hóa đơn ủy nhiệm (hình thức hóa đơn, loại hóa đơn, ký hiệu hóa đơn và số lượng hóa đơn (từ số… đến số…)); mục đích ủy nhiệm; thời hạn ủy nhiệm; phương thức giao nhận hoặc phương thức cài đặt hóa đơn ủy nhiệm (nếu là hóa đơn tự in hoặc hóa đơn điện tử); phương thức thanh toán hóa đơn ủy nhiệm.
Câu hỏi 6: Công ty A muốn uỷ nhiệm cho Công ty B bán hàng và lập hoá đơn thì phải làm những thủ tục gì?
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 17, Chương III của Thông tư 39/2014/TT-BTC thì:
– Khi bán hàng hoá công ty B vẫn phải ghi tên đơn vị bán là công ty A và đóng dấu của công ty A phía trên bên trái của tờ hóa đơn (trường hợp hóa đơn tự in được in từ thiết bị của Công ty B hoặc hóa đơn điện tử thì không phải đóng dấu của Công ty A). Việc ủy nhiệm phải được xác định bằng văn bản giữa công ty A và công ty B.
– Nội dung văn bản ủy nhiệm phải ghi đầy đủ các thông tin về hoá đơn ủy nhiệm (hình thức hoá đơn, loại hoá đơn, ký hiệu hoá đơn và số lượng hoá đơn (từ “số… đến số…”); mục đích ủy nhiệm; thời hạn ủy nhiệm; phương thức giao nhận hoặc phương thức cài đặt hoá đơn ủy nhiệm (nếu là hoá đơn tự in hoặc hoá đơn điện tử); phương thức thanh toán hoá đơn ủy nhiệm.
– Công ty A phải lập thông báo ủy nhiệm có ghi đầy đủ các thông tin về hoá đơn ủy nhiệm, mục đích ủy nhiệm, thời hạn ủy nhiệm dựa trên văn bản ủy nhiệm đã ký kết, có tên, chữ ký, dấu (nếu có) của đại diện bên ủy nhiệm cho Công ty B. Thông báo ủy nhiệm phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp công ty A và công ty B.
– Khi hết thời hạn ủy nhiệm hoặc chấm dứt trước hạn ủy nhiệm lập hoá đơn, hai bên phải xác định bằng văn bản và công ty B phải tháo gỡ ngay các thông báo đã niêm yết tại nơi bán hàng hoá, dịch vụ.
– Công ty B phải niêm yết thông báo ủy nhiệm Công ty A tại nơi bán hàng hoá, dịch vụ được ủy nhiệm lập hoá đơn để người mua hàng hoá, dịch vụ được biết.
– Hàng quý Công ty B và công ty A phải tổng hợp báo cáo định kỳ việc sử dụng các hoá đơn ủy nhiệm trong báo cáo sử dụng hoá đơn theo hướng dẫn tại Thông tư 153/2010/TT-BTC nêu trên.
Câu hỏi 7: Cửa hàng kinh doanh M hết thời hạn ủy nhiệm bán hàng hoá và lập hoá đơn của Công ty T thì phải làm thủ tục gì?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 1 7 Chương III Thông tư 39/2014/TT-BTC thì khi hết thời hạn ủy nhiệm hoặc chấm dứt trước hạn ủy nhiệm lập hóa đơn, hai bên phải xác định bằng văn bản và bên nhận ủy nhiệm phải tháo gỡ ngay các thông báo đã niêm yết tại nơi bán hàng hóa, dịch vụ.
Câu hỏi 8: DN tôi có một lô hàng hoá bán lẻ thuộc diện không phải lập hoá đơn, hàng hoá được bán trong nhiều ngày và đã được lập Bảng kê. Khi bán hết lô hàng doanh nghiệp tôi mới lập hoá đơn có được không?
– Theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Chương III Thông tư 39/2014/TT-BTC thì trong trường hợp DN có hàng hoá bán lẻ thuộc diện không phải lập hoá đơn thì cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng ghi số tiền bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong ngày thể hiện trên dòng tổng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua, các liên khác luân chuyển theo quy định. Tiêu thức “Tên, địa chỉ người mua” trên hóa đơn này ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn”.
=> Như vậy, DN bạn phải lập hoá đơn vào cuối mỗi ngày không được để đến khi bán hết lô hàng mới lập hoá đơn.
Câu hỏi 9: Doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động bán hàng hoá không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, đối tượng được miễn thuế GTGT, và cả hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý ngoại tệ thì việc lập hoá đơn được tiến hành như thế nào?
Theo Tiết 2.1, Điểm 2, Phụ lục 4 hướng dẫn Thông tư 39/2014/TT-BTC thì việc lập hoá đơn của DN được tiến hành như sau:
– Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế bán hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng được miễn thuế GTGT thì sử dụng hóa đơn GTGT, trên hoá đơn GTGT chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ.
– Trường hợp tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế nhưng có hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì sử dụng hóa đơn bán hàng cho hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ.
Câu hỏi 10: Trường hợp doanh nghiệp nhận nhập khẩu uỷ thác khi xuất trả hàng nhập khẩu uỷ thác mà chưa nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu thì việc xuất hoá đơn GTGT xuất trả hàng nhập khẩu uỷ thác được tiến hành khi nào? Nội dung của hoá đơn bao gồm những gì? Có bao gồm khoản thanh toán tiền hoa hồng uỷ thác nhập khẩu không?
– Căn cứ Tiết 2.2, Điểm 2, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC thì DN nếu chưa nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, khi xuất trả hàng nhập khẩu uỷ thác, cơ sở lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo lệnh điều động nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hoá trên thị trường.
– Sau khi đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu cho hàng hoá nhập khẩu uỷ thác, DN mới lập hoá đơn. Nội dung của hoá đơn GTGT xuất trả hàng nhập khẩu uỷ thác ghi:
+ Giá bán chưa có thuế GTGT bao gồm: giá trị hàng hoá thực tế nhập khẩu theo giá CIF, thuế nhập khẩu, thuế TTĐB và các khoản phải nộp theo chế độ quy định ở khâu nhập khẩu (nếu có).
+ Thuế suất thuế GTGT và tiền thuế GTGT ghi theo số thuế đã nộp ở khâu nhập khẩu.
+ Tổng cộng tiền thanh toán (= a + b)
– Tiền hoa hồng uỷ thác nhập khẩu cơ sở nhận nhập khẩu uỷ thác phải lập hoá đơn GTGT riêng.
Câu hỏi 11: DN tôi cần xuất khẩu hàng hoá, khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, Doanh nghiệp tôi cần phải lập chứng từ gì? Nếu uỷ thác cho cơ sở khác xuất khẩu hàng hoá thì thủ tục có gì khác không?
Theo quy định tại Tiết 2.3, Điểm 2, Phụ lục 4 thì Doanh nghiệp dù tự xuất khẩu hàng hoá hay uỷ thác cho cơ sở khác thì khi xuất hàng hoá để vận chuyển đến nơi làm thủ xuất khẩu đều phải lập Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm Lệnh điều động nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hoá trên thị trường.
Câu hỏi 12: Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, với những trường hợp có dùng hàng hoá để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu, cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ thì có phải lập hoá đơn không? Nội dung ghi trên hoá đơn GTGT như thế nào?
Theo Điểm b Khoản 1 Điều 16 Chương III Thông tư 39/2014/TT-BTC và Tiết 2.4, Điểm 2, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư thì các trường hợp trên đều phải lập hoá đơn GTGT. Đối với hàng hoá dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu trên hoá đơn ghi tên và số lượng hàng hoá, ghi rõ là hàng khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu không thu tiền; dòng thuế suất, thuế GTGT không ghi, gạch chéo; đối với hàng hoá dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ thì trên hoá đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hoá đơn xuất bán hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng.
Câu hỏi 13: Sau khi nhận hàng và hoá đơn từ tổ chức cá nhân bán hàng, người mua muốn trả lại toàn bộ hay một phần hàng hoá do phát hiện hàng hoá không đúng quy chuẩn, chất lượng. Trường hợp này người mua có phải trả lại hoá đơn không?
Theo quy định tại Điểm 2.8, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC thì người mua phải lập hoá đơn xuất trả hàng người bán, trên hóa đơn ghi rõ hàng hoá trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT. Trường hợp người mua là đối tượng không có hoá đơn, khi trả lại hàng hoá, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hoá, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hoá đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hoá đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.
Câu hỏi 14: Đối với tổ chức, cá nhân xuất hàng hoá bán hàng lưu động thì việc lập hoá đơn, chứng từ như thế nào?
Theo quy định tại Tiết 2.9, Điểm 2, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC thì tổ chức cá nhân xuất hàng hoá bán hàng lưu động phải sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo Lệnh điều động nội bộ theo quy định, khi bán hàng hóa thì mới lập hoá đơn theo quy định để giao cho người mua.
Câu hỏi 15: Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ ghi trên hợp đồng thì ngày lập hóa đơn là ngày nào? Nội dung của hoá đơn bao gồm những gì?
– Căn cứ theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 16, Thông tư 39/2014/TT-BTC:
“…2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn
a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn
…Trường hợp tổ chức kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng có thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền…”
Bạn đang xem: Những câu hỏi thường gặp về hóa đơn chứng từ
– Căn cứ vào Tiết 2.11, Điểm 2, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư trên:
“…2. Trong một số trường hợp việc sử dụng và ghi hóa đơn, chứng tử dược thực hiện cụ thể như sau:
2.11. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng có thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì khi thu tiền, tô chức, cá nhân phải lập hóa đơn GTGT. Trên hóa đơn ghi rõ số tiền thu, giá đất được giảm trừ trong doanh thu tính thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT, số thuế GTGT…”
Câu hỏi 16: Tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán ngoại tệ ở trong và ngoài nước thì phải lập hoá đơn như thế nào?
Theo quy định tại Tiết 2.13, Điểm 2, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC thì tổ chức, cá nhân có hoạt động mua, bán ngoại tệ phát sinh ở nước ngoài phải lập Bảng kê chi tiết doanh số mua bán theo từng loại ngoại tệ. Cơ sở phải lưu giữ các chứng từ giao dịch với bên mua, bán ở nước ngoài theo đúng pháp luật về kế toán. Các hoạt động mua, bán ngoại tệ phát sinh ở trong nước phải lập hóa đơn theo quy định.
Câu hỏi 17: Công ty chúng tôi khi bán hàng đã lập hoá đơn GTGT và giao cho khách hàng, nhưng sau đó phát hiện hoá đơn đã lập sai. Vậy chúng tôi phải xử lý trường hợp này như thế nào?
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 20, Chương III, Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về xử lý đối với hoá đơn đã lập như sau:
“…Điều 20. Xử lý đối với hóa đơn đã lập
…2. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hóa đơn đã lập và giao cho người mua, người người bán và người mua chưa kê khai thuế nếu phát hiện sai phải hủy bỏ, người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn đã lập sai. Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hóa đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hóa đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định.
3. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giám) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-)…”
Câu hỏi 18: Trường hợp tôi vừa lập xong hoá đơn GTGT và chưa giao cho khách hàng thì phát hiện hoá đơn đã lập sai thì tôi phải xử lý thế nào?
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 20, Chương III, Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về xử lý đối với hoá đơn đã lập như sau:
“…Điều 20. Xử lý đối với hóa đơn đã lập
1. Trường hợp lập hóa đơn chưa giao cho người mua, nếu phát hiện hóa đơn lập sai, người bán gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn lập sai…”
Câu hỏi 19: Công ty chúng tôi đã thông báo phát hành hoá đơn, nhưng nay công ty đã làm thủ tục xin đóng mã số thuế và được cơ quan thuế chấp thuận cho đóng mã số thuế. Vậy công ty có được tiếp tục sử dụng các loại hoá đơn đã thông báo phát hành chưa sử dụng hết không?
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 21, Chương III, Thông tư 39/2014/TT-BTC thì: Công ty phải thông báo với cơ quan thuế các loại hoá đơn đã thông báo phát hành còn chưa sử dụng và phải dừng việc sử dụng các loại hóa đơn đã thông báo đó.
Câu hỏi 20: Công ty chúng tôi phát hành loại hóa đơn mới thay thế loại hoá đơn cũ. Vậy số hoá đơn cũ chưa sử dụng sẽ phải xử lý như thế nào?
– Khi Công ty phát hành loại hoá đơn mới thay thế hoá đơn cũ Công ty phải thông báo với cơ quan thuế các loại hoá đơn cũ đã thông báo phát hành còn chưa sử dụng và phải dừng việc sử dụng các loại hóa đơn cũ đã thông báo đó.
– Đối với số hoá đơn cũ chưa sử dụng Công ty phải thực hiện huỷ hoá đơn. Căn cứ tại Điểm b, Khoản 2, Điều 29, Chương IV, Thông tư 39/2014/TT-BTC:
“…Điều 29. Hủy hóa đơn
…2. Các trường hợp hủy hóa đơn
a) Hóa đơn đặt in bị in sai, in trùng, in thừa phải được hủy trước khi thanh lý hợp đồng đặt in hóa đơn.
b) Tổ chức, hộ, cá nhân có hóa đơn không tiếp tục sử dụng phải thực hiện hủy hóa đơn. Thời hạn hủy hóa đơn chậm nhất là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày thông báo với cơ quan thuế. Trường hợp cơ quan thuế đã thông báo hóa đơn hết giá trị sử dụng (trừ trường hợp thông báo do thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế), tổ chức, hộ, cá nhân phải hủy hóa đơn, thời hạn hủy hóa đơn chậm nhất là mười (10) ngày kể từ ngày cơ quan thuế thông báo hết giá trị sử dụng hoặc từ ngày tìm lại được hóa đơn đã mất…”
– Theo quy định tại Khoản 3, Điều 29, Chương IV, Thông tư trên thì hồ sơ huỷ hoá đơn gồm:
+ Quyết định thành lập Hội đồng hủy hóa đơn, trừ trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh;
+ Bảng kiểm kê hóa đơn cần hủy ghi chi tiết: tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số lượng hóa đơn hủy (từ số… đến số… hoặc kê chi tiết từng số hóa đơn nếu số hóa đơn cần hủy không liên tục);
+ Biên bản hủy hóa đơn;
+ Thông báo kết quả hủy hóa đơn phải có nội dung: loại, ký hiệu, số lượng hóa đơn hủy từ số… đến số, lý do hủy, ngày giờ hủy, phương pháp hủy (mẫu số 3.11 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này).
Hồ sơ hủy hóa đơn được lưu tại tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn. Riêng Thông báo kết quả hủy hóa đơn được lập thành hai (02) bản, một bản lưu, một bản gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất không quá năm (05) ngày kể từ ngày thực hiện hủy hóa đơn.
Câu hỏi 21: Doanh nghiệp chúng tôi thuộc diện mua hoá đơn của cơ quan thuế nhưng nay ngừng kinh doanh và không tiếp tục sử dụng hoá đơn nữa thì Doanh nghiệp phải làm gì với số hóa đơn đã mua nhưng chưa sử dụng?
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 21, Chương III, Thông tư 39/2014/TT-BTC thì:
“…Điều 21. Xử lý hóa đơn trong các trường hợp không tiếp tục sử dụng
1. Tổ chức, hộ, cá nhân thông báo với cơ quan thuế hóa đơn không tiếp tục sử dụng trong các trường hợp sau:
a) Tổ chức, hộ, cá nhân được cơ quan thuế chấp thuận ngưng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế) phải dừng việc sử dụng các loại hóa đơn đã thông báo phát hành còn chưa sử dụng.
b) Tổ chức, hộ, cá nhân phát hành loại hóa đơn thay thế phải dừng sử dụng các số hóa đơn bị thay thế còn chưa sử dụng.
c) Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh mua hóa đơn của cơ quan thuế không tiếp tục sử dụng thì tổ chức, hộ, cá nhân mua hóa đơn phải tiến hành hủy hóa đơn theo hướng dẫn tại Điều 29 Thông tư này.
d) Hóa đơn mất, cháy, hỏng theo hướng dẫn tại Điều 24 Thông tư này…”
Câu hỏi 22: Trường hợp công ty tôi xảy ra sự cố, rất nhiều giấy tờ của công ty trong đó có cả hoá đơn đã lập và chưa lập bị cháy, hỏng. Công ty chúng tôi phải làm như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 24, Chương III, Thông tư 39/2014/TT-BTC thì Công ty bạn phải lập báo cáo về việc mất, cháy, hỏng và thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.8 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) chậm nhất không quá năm (05) ngày kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng hóa đơn. Trường hợp ngày cuối cùng (ngày thứ 05) trùng với ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày tiếp theo của ngày nghỉ đó.
Câu hỏi 23: Trường hợp một trong hai bên mua và bên bán làm mất, cháy, hỏng liên 2 hoá đơn bản gốc đã lập theo đúng quy định thì xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 24, Chương III, Thông tư 39/2014/TT-BTC thì:
“…Điều 24. Xử lý trong trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn
…2. Trường hợp khi bán hàng hóa, dịch vụ người bán đã lập hóa đơn theo đúng quy định nhưng sau đó người bán hoặc người mua làm mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn bản gốc đã lập thì người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, trong biên bản ghi rõ liên 1 của hóa đơn người bán hàng khai, nộp thuế trong tháng nào, ký và ghi rõ họ tên của người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền), đóng dấu (nếu có) trên biên bản và người bán sao chụp liên 1 của hóa đơn, ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu trên bản sao hóa đơn để giao cho người mua. Người mua được sử dụng hóa đơn bản sao có ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) của người bán kèm theo biên bản về việc mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế. Người bán và người mua phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.
Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn liên 2 đã sử dụng có liên quan đến bên thứ ba (ví dụ: bên thứ ba là bên vận chuyển hàng hoặc bên chuyển hóa đơn) thì căn cứ vào việc bên thứ ba do người bán hoặc người mua thuê để xác định trách nhiệm và xử phạt người bán hoặc người mua theo quy định…”
Câu hỏi 24: Khi mua hàng hoá, dịch vụ tôi lấy hóa đơn hợp pháp của người bán thì được hưởng những lợi ích gì?
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 25, Chương III, Thông tư 39/2014/TT-BTC thì: “…Người mua được sử dụng hóa đơn hợp pháp theo quy định pháp luật để chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ; hưởng chế độ khuyến mãi, chế độ hậu mãi, xổ số hoặc được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; được dùng để hạch toán kế toán hoạt động mua hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán; kê khai các loại thuế; đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu và để kê khai thanh toán vốn ngân sách nhà nước theo các quy định của pháp luật…”
Câu hỏi 25: Các tiêu chí để nhận biết hoá đơn hợp pháp và hoá đơn không hợp pháp?
Căn cứ theo hướng dẫn quy định tại Khoản 2, Điều 25, Chương III, Thông tư 39/2014/TT-BTC thì hóa đơn hợp pháp phải là:
– Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ bản gốc, liên 2 (liên giao khách hàng), trừ các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 4 và Điều 24 Thông tư này.
– Hóa đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu, nội dung theo quy định và phải nguyên vẹn.
– Số liệu, chữ viết, đánh máy hoặc in trên hóa đơn phải rõ ràng, đầy đủ, chính xác theo đúng quy định, không bị tẩy xóa, sửa chữa.
– Hóa đơn không thuộc các trường hợp nêu tại Điều 22 và Điều 23 Thông tư này.
Nguồn: Tổng hợp