Ðề: Mình muốn biết vài điều về Măng Đen - Kontum ?
Nằm trên độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, cao nguyên Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), quanh năm bồng bềnh trong màn sương huyền ảo và tiết trời mát dịu...
Được ví như Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên, nhưng chỉ khoảng 5 năm trở lại đây, “nàng lọ lem” này mới được đánh thức, hứa hẹn trở thành một địa chỉ du lịch mới của quốc gia đồng thời là một trong 3 động lực kinh tế của tỉnh nghèo Kon Tum.
Nàng công chúa ngủ trong rừng
Từ thị xã Kon Tum lên Kon P’lông phải đi qua một cung đường chừng 50 cây số, dưới cái nắng chói chang, cảnh vật bên đường còn giữ nguyên nét hoang sơ, vừa bộc lộ vẻ đẹp nguyên vẹn của vùng đất cao nguyên nhưng cũng vừa gợi đến... sự nghèo. Nghe giới thiệu đi hết huyện Kon Rẫy, sẽ lên đến Kon P’lông, ở đó có cao nguyên Măng Đen tuyệt đẹp, trong lòng những người mới lần đầu đến đây không khỏi hoài nghi. Đường vắng, người thưa thế này, liệu có ai đến đây mà du lịch...
Được ví như Đà Lạt thứ hai ở Tây Nguyên
Thế nhưng chỉ đi hết đèo Măng Đen, trời đang nắng nóng bỗng dịu mát lạ thường. Thay cho những khúc cua gấp lên cao, con đường trước mặt bỗng dẫn vào một vùng bình nguyên tương đối bằng phẳng, xuyên qua rừng thông già, cành lá toả ra ôm lấy con đường, mọi người đều sửng sốt trầm trồ trước hàng trăm ngôi biệt thự hiện đại nằm thấp thoáng trong bóng thông.
Kể từ khi được tách ra từ huyện Kon P’lông cũ thành hai huyện là Kon Rẫy và Kon P’lông mới (năm 2002), khó ai mà tin được khu trung tâm huyện với 20 trụ sở khang trang và hơn 160 biệt thự và các khu du lịch lại chỉ được xây dựng trong vòng vài năm trở lại đây. Tuấn, một trong những cư dân đầu tiên của Măng Đen tự hào khoe: Bình quân mỗi tháng ở đây người ta khánh thành một biệt thự! Hầu hết là của các doanh nhân từ Sài Gòn và một số “đại gia” khác ở Kon Tum, Pleiku và cả Đà Lạt lên đầu tư.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon P’lông, kể từ năm 2002 đến nay, huyện này đã thu hút được 2.400 tỷ vốn đầu tư. Đây là một con số khó tin với một huyện hẻo lánh, 100% số xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nó cũng có ý nghĩa đặc biệt đối với Kon Tum, một tỉnh có mức thu ngân sách hàng năm chưa đầy 500 tỷ đồng. Từ những dự án trị giá vài ba tỷ đồng những ngày đầu, đến nay đã có nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vào đây đến 600 tỷ đồng!
Tháng 10 năm 2007, công ty cổ phần Sài Gòn-Măng Đen đã khởi công khu du lịch với 40 biệt thự cao cấp tiêu chuẩn từ 2-3 sao ở phía nam thị trấn huyện lị Kon Plông, trên diện tích 5,6 ha, vốn đầu tư khoảng 70 tỷ đồng. Hiện tại, doanh nghiệp này đang xúc tiến một dự án đầu tư khác có qui mô lớn hơn nhiều. “Nơi đây là nơi duy nhất tuyệt đẹp còn lại, với điều kiện khí hậu tuyệt vời. Chắc chắn trong tương lai gần nó sẽ trở thành thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam”- Ông Đỗ Hoàng Hải, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phân Sài Gòn - Măng Đen, tự tin tuyên bố.
Đêm, trong một căn phòng ấm áp sang trọng của khách sạn Hưng Yên, cửa sổ nhìn ra một khoảng rừng nguyên sinh, nhạc sĩ Ngọc Tựa, tác giả của bài “Tình ca Măng Đen” nổi tiếng cứ trằn trọc không ngủ được. Giữa chăn ấm nệm êm, nghe tiếng côn trùng kêu, tiếng chó sủa dưới trăng mờ từ những buôn làng xa vọng lại, du khách có một cảm giác rất đặc biệt bởi sự pha trộn giữa hoang sơ và hiện đại. Đây là điểm rất khác so với thành phố Đà Lạt nằm cách đó gần 500 cây số.
Tại sao Măng Đen?
Cao nguyên Măng Đen (huyện Kon Plông) thuộc khu vực khí hậu Đông dãy Trường Sơn, nhiệt độ trung bình hàng năm dưới 22oC, độ ẩm trung bình 82-84%. Đây là một trong hai chiếc “máy điều hoà thiên nhiên” lớn nhất ở Tây Nguyên.
Thế mạnh vượt trội của Kon Plông trước hết là rừng, độ che phủ của rừng đạt gần 75% tổng diện tích tự nhiên, cao nhất toàn quốc. Ở đây còn giữ nét đặc thù của hệ động, thực vật nhiệt đới quý hiếm, là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với nghiên cứu khoa học. Giữa núi rừng mênh mông của Măng Đen còn có nhiều suối đá và thác như Đăk Ke, Pasih, Lô Ba, các hồ Toong Đam, Toong Zơ ri, Toong Pô...rất nên thơ.
Vùng thiên nhiên còn nguyên nét hoang sơ này là nơi cư trú của hơn 20.000 cư dân thuộc năm dân tộc anh em là Xê Đăng, Kờ Dong, Mơ Nâm, Hrê và Kinh, với phong tục tập quán văn hoá đậm chất cao nguyên.
Mặt khác, Kon Plông cũng có vị trí địa lý rất thuận lợi cho giao lưu kinh tế, có quốc lộ 24 đi qua nối liền khu kinh tế Chu Lai, khu kinh tế Dung Quất, các tỉnh duyên hải miền Trung với Tây Nguyên, Đông Nam bộ; là cửa ngõ của Tây Nguyên trong giao lưu kinh tế với các nước ASEAN thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y-Ngọc Hồi. Tuyến đường Đông Trường Sơn nối từ đường Hồ Chí Minh đi Đà Lạt cũng có 50 km chạy qua Kon Plông.
Hoa nở bốn mùa
Thiên nhiên, môi trường, văn hoá, vị trí địa lý tạo cho Măng Đen một ưu thế vượt trội để trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng lớn nhất khu vực Bắc Tây Nguyên. Đón trước sự phát triển của những vùng kinh tế năng động nói trên, một khi hệ thống giao thông vận tải trong khu vực được hoàn thiện như qui hoạch thì mục tiêu đến 2010 sẽ đón 200.000 khách trong nước và nước ngoài đến với Măng Đen, không phải là quá xa vời.
Vì vậy Kon Plông đã được bổ sung vào Quy hoạch du lịch quốc gia từ năm 2006. Tỉnh Kon Tum cũng xác định Kon Plông là một trong ba vùng kinh tế động lực lớn của tỉnh (bên cạnh khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y- Ngọc Hồi và thị xã Kon Tum). Khu du lịch Măng Đen, hạt nhân phát triển của Kon Plông đã được qui hoạch với diện tích từ 1.500ha -2.000ha, riêng nguồn vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng là gần 2.000 tỷ đồng. Tính từ năm 2006 đến hết năm 2008, sẽ có khoảng 350 tỷ đồng được giải ngân cho mục tiêu này.
Đầu tháng 9/2008, Ban chỉ đạo Tây nguyên đã đứng ra tổ chức một cuộc gặp gỡ những người làm du lịch khu vực, thực chất là để quảng bá và thu hút đầu tư vào Măng Đen. Không hẹn mà gặp, hầu hết những nhà kinh doanh đều nhìn thấy rõ, không chỉ riêng cao nguyên Măng Đen mà cả hơn 130.000ha đất của Kon Plông sẽ là không gian lý tưởng của một thành phố trong rừng.
Cơ hội thịnh vượng cho đồng bào bản địa
Rút kinh nghiệm từ sự phát triển quá “nóng” của Đà Lạt, Măng Đen phải vừa đảm bảo tốc độ đô thị hoá đặt ra nhưng không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Các nhà đầu tư đến đây, một mặt được làm hạ tầng đến tận chân công trình, mặt khác chỉ phải trả tiền thuê đất trên diện tích xây dựng với giá cực kỳ ưu đãi. Phần khuôn viên xung quanh công trình, dù có thể xây tường bao và được sử dụng miễn phí nhưng vẫn là đất do Nhà nước quản lý. Mỗi cây thông dù nhỏ cũng được đưa vào danh sách bảo vệ, chặt một cây khi không được phép có thể bị phạt từ 3.000.000đ – 5.000.000đ. Công tác qui hoạch các tuyến phố cũng được tính toán hợp lý, đảm bảo mật độ xây dựng biệt thự không quá dày, giữa các khu vực, rừng nguyên sinh vẫn được giữ gần như nguyên vẹn... “Giữ được khung cảnh tự nhiên chính là giữ được cái thẻ rút tiền cho khu du lịch này”- Giám đốc một doanh nghiệp du lịch lữ hành khẳng định.
Nhìn vào tốc độ xây dựng và thu hút đầu tư vào Kon Plông, người ta không còn quá lo về vốn liếng nữa. Theo ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cái lo nhất là chuẩn bị đủ nguồn nhân lực để phục vụ cho nhu cầu của khu du lịch này. Hiện nay, cư dân của thị trấn huyện lị Kon Plông chưa đầy một ngàn người, hầu hết nhân lực có trình độ đều được thu hút từ nơi khác đến. Còn lại, hơn 90% dân số của huyện đều là người dân tộc thiểu số, nếu không có những biện pháp giúp đỡ cụ thể, chưa chắc bà con đã tận dụng được cơ hội mà vùng du lịch này mang lại.
Hiện tại, huyện đang du nhập các mô hình trồng rau, hoa quả xứ lạnh, nuôi cá để phục vụ nhu cầu du khách, tiến tới mở ra đại trà để đồng bào làm quen dần với sản xuất hàng hoá. Bên cạnh đó, bà con cũng có thể trực tiếp làm du lịch qua việc giới thiệu với du khách những nét độc đáo trong sinh hoạt văn hoá, ẩm thực của dân tộc mình. Khi nhiều dự án được lôi kéo về đây, cơ hội việc làm cũng rất dồi dào. Một kết quả đã nhìn thấy rõ là kể từ năm 2002, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Kon Plông luôn đạt trên 17%/năm và có thể đạt 20%-21% trong những năm tới.
Tuy vậy, ngoài những dịp lễ hội, hiện tại lượng khách du lịch đến với Măng Đen còn quá thưa vắng, hầu hết các biệt thự đều đang ở tâm trạng đóng cửa nằm không. Vẫn còn thiếu nhiều dịch vụ giải trí để níu chân du khách. Cũng chưa có một trang web riêng để giới thiệu về Măng Đen cho dù việc này không phải là quá khó.
Nhưng nếu ai đã đến đây vào năm 2002, khi Kon Plông mới thành lập, chắc rất khó tin khi trở lại đây 6 năm sau. Cho dù hiện tại việc kinh doanh chưa hiệu quả thì rất nhiều doanh nhân vẫn hối hả đến với vùng đất còn đang e ấp tuổi xuân thì này./.
Việt Báo(Theo VOVnews)