Nhìn hơn 1 vạn ngôi mộ nhỏ xíu nằm san sát nhau lạnh lẽo dưới những tia nắng cuối ngày của phố núi, tôi cứ ước ao giá như những bậc cha mẹ trước khi dứt bỏ con mình đều nghe được lời ai oán của các sinh linh bé bỏng...
Hài nhi mang tên Trung Thu
Con đường dẫn vào nghĩa trang đồng nhi TP Pleiku (Gia Lai) lởm chởm đá. Hai bên vệ đường, những đống gạch cát nằm ngổn ngang. Một người đàn ông trạc 50 tuổi, cao lớn, đầu trần, khoanh tay trước ngực, mắt hướng về nghĩa trang đồng nhi với vẻ mặt đăm chiêu, bên cạnh là một thanh niên da đen sạm và một bà già hom hem.
Đó là linh mục Nguyễn Văn Đông ở nhà thờ Đức An, TP Pleiku, người khai sinh ra nghĩa trang đồng nhi; người thanh niên tên Phụng, làm thợ xây, chuyên đi lượm những hài nhi bị cha mẹ vứt bỏ; bà Lê Thị Tâm, người hương khói cho những sinh linh trẻ vô danh. Bóng ba con người chụm vào nhau chập chờn, nhảy múa dưới cái nắng hiu hắt của núi rừng Tây Nguyên. Họ đang bàn tính việc tu sửa và vệ sinh những ngôi mộ để kỷ niệm nghĩa trang tròn 4 tuổi.
Đúng ra, nghĩa trang này được hình thành năm 1992, nhưng nó thực sự gây xúc động từ khi xuất hiện một hài nhi có tên là Trung Thu. Anh Phụng kể rằng, Trung thu năm 2004, người ta mang về nơi linh mục Đông một bọc ni lông khá lớn, mở ra thì thấy một bào thai - em bé đã đầy đủ hình hài. Vị linh mục nhẹ nhàng dùng tay đỡ em ra đặt trên một tờ báo. Thật bất ngờ, hài nhi đưa tay bấu chặt lấy ngón tay của linh mục - động tác đầu tiên và cuối cùng của em trên cõi đời này...
Sau đó, linh mục đưa em về nghĩa trang đồng nhi, nơi an nghỉ của hàng ngàn hài nhi có hoàn cảnh tương tự mà ông đã chôn cất. Linh mục đặt tên cho em là Trung Thu. Một người chứng kiến cảnh tượng đó đã thay em viết những lời kêu than: “Con không có lời ru/Đưa con vào cuộc đời/Để con được làm người/Xin thắp lên cho con một ngọn nến/Một nén nhang/”; rồi thống thiết van xin: “Nơi mộ vắng nghĩa địa buồn/Xin hãy thương con, đừng bỏ con/Con tội tình gì? Mẹ ơi, cha ơi!”...
Những người cứu rỗi
Khi đã hướng dẫn công việc cho người thợ xây, linh mục Đông trở về nhà thờ. Anh Phụng dẫn chúng tôi vào nơi thờ chung của những sinh linh xấu số. Bàn thờ lúc nào cũng khói hương nghi ngút và đầy hoa tươi. Trên bàn thờ được khắc dòng chữ rất lớn: “Chúng con tha thứ cho cha mẹ”.
Bên phải bàn thờ là những lời viết cho bé Trung Thu, bên trái là bài thơ của một người đến viếng nghĩa trang vào ngày Quốc tế thiếu nhi, trong đó có đoạn: “Con ra đời – Dù không hoan hỉ/Bỏ con nơi bố thí, viện tế bần/Dù cùng cực sống khốn khổ bần dân/Con muốn sống muôn ngàn lần hơn chết!”. Hai bên hàng rào của bàn thờ là dãy hoa huynh đệ vàng rực và phía trên cùng là hai cây xương rồng lớn, trên lá thân chi chít chữ. Anh Phụng bảo đó là những lời day dứt của những người mẹ lỡ bỏ con, là lời cầu xin tha thứ, lời cầu cho được bình yên... của khách viếng nghĩa trang.
Anh Phụng bên hai nấm mồ vừa chôn
Theo chỉ dẫn của anh Phụng, tôi đi một vòng quanh nghĩa trang. Hơn một vạn ngôi mộ hài nhi vô danh nằm san sát nhau. Có những ngôi mộ được xây chắc chắn, quét sơn sáng sủa, nhưng cũng có những ngôi mộ chỉ là nắm đất đơn sơ, lạnh lẽo. Anh Phụng giải thích rằng, những mộ được xây là có người thân, nhưng con số này rất ít ỏi, còn lại là của các nhà hảo tâm cho tiền xây cất. Anh chỉ cho chúng tôi xem hai ngôi mộ nhỏ mà anh vừa mới chôn hôm qua.
Anh kể, sáng sớm ra nghĩa trang làm việc như thường lệ, anh thấy hai bọc ni–lông màu đen vướng lủng lẳng trên đọt cây xương rồng bên vệ đường. Quá quen thuộc với những cảnh tượng như thế, anh biết ngay đó là những hài nhi xấu số bị vứt bỏ đêm qua.
Anh nhẹ nhàng gỡ xuống, dùng rượu rửa những vùng thân thể còn sót lại rồi đi mua quan tài về khâm liệm và chôn cất hai bé. Hai nấm mồ nằm kề nhau, nén nhang đêm qua chưa kịp cháy hết đã tàn dưới làn sương đêm lạnh lẽo của phố núi, cành hoa cúc cắm vội trên hai nấm mồ cũng héo rũ. Gió thổi hiu hiu, nắm tro dưới lớp cỏ xanh bay là là xung quanh nghĩa địa... khiến nơi đây càng trở nên u tịch.
Anh Phụng kể lại, 4 năm về trước, có ngày anh lượm cả chục bào thai bị phá bỏ. Có lần anh mở bọc ni–lông ra và vô cùng hoảng hốt và căm hận. Bên trong là một em bé tứ chi đã cứng cáp, anh bế lên, ước chừng nặng 4,5 kg. Anh khóc gào lên một cách uất hận, nện nắm đấm xuống đất để kìm nén cơn xúc động, rồi gạt nước mắt lặng lẽ khâm liệm cho bé, vừa làm vừa thầm thì mong em hãy tha thứ cho cha mẹ...
Hỏi anh Phụng một chút về bản thân, nhưng anh không tiết lộ, chỉ nói ở đây có nhiều người làm việc này lắm. Trước anh có ông Sáu, bây giờ có bà Tâm và nhiều người nữa mà anh chưa biết đến. Nghe nhắc đến tên mình, bà Tâm đang ngồi nhổ cỏ trước một ngôi mộ ngẩng đầu lên. Năm nay bà 71 tuổi, nhưng bảo là chân còn khỏe lắm, tay còn nhanh lắm.
Hằng ngày, không kể mưa hay nắng, bà đi xe đạp, chở can nước ra nghĩa trang để làm việc. Những ngày nắng thì bà cọ rong rêu, nhổ cỏ trên mộ, quét lối đi vào nghĩa trang, lau bàn thờ, lo hương khói và canh cho đàn dê không vào ăn hoa, phá mộ. Còn ngày mưa thì bà vào ngồi trò chuyện với mấy cháu cho ấm áp.
Lời ước từ phố núi
Bà Tâm mới đến với nghĩa trang đồng nhi từ năm ngoái và từ đó đến nay, bà bảo không đêm nào yên giấc được. Trải qua cuộc đời làm mẹ, rồi giờ làm bà, bà Tâm đã ẵm trên tay hai thế hệ trẻ thơ, với bà đó là những thiên thần mà tạo hóa ban tặng.
Giờ phải chứng kiến những em bé bị tước mất quyền làm người, bà vô cùng xót xa. Thấy nghĩa địa trống vắng, các nấm mồ lạnh lẽo, cô đơn, bà chạnh lòng và tự nguyện vào hương khói. Hằng ngày, vào buổi sáng trước khi làm việc, bà đi khắp nghĩa địa tuần tự thắp hương một lượt và buổi chiều, trước khi về, bà thắp một lượt nữa.
Bàn thờ chung nơi nghĩa địa
Khuôn mặt nhăn nheo, miệng đã bắt đầu móm mém, nhưng những giọt nước mắt hiếm hoi vẫn lăn dài trên gò má bà Tâm khi chúng tôi hỏi về thân phận những hài nhi ở nghĩa trang. Bà bảo là không thể tưởng tượng nổi đời mình lại phải chứng kiến những thảm họa thế này.
Những buổi sáng ra nghĩa trang, thấy anh Phụng hoặc ai đó đang loay hoay đào huyệt là tim bà lại nhói lên. Bà cứ thắc mắc không hiểu tuổi trẻ bây giờ suy nghĩ như thế nào mà dễ dàng chối bỏ máu mủ của họ như thế. Bà biết sẽ có người ân hận. Bằng chứng là hằng ngày ở đây, bà vẫn thấy nhiều cô gái trẻ tới viếng nghĩa trang. Họ khóc lả đi trước một nấm mồ vô danh nào đó, và khi có người bắt gặp thì vội ngoảnh mặt, lẳng lặng lẻn đi.
Chiều tím sẫm, những tia nắng cuối ngày trên phố núi càng làm không khí nghĩa trang đồng nhi hiu hắt, buồn lạnh... Nhìn những ngôi mộ nhỏ bé sắp hàng san sát trong nghĩa trang, tôi không khỏi rùng mình nghĩ đến nơi phố thị, không ít cô gái đang vào các phòng kế hoạch hóa gia đình để nhẹ nhàng dứt bỏ mầm sống trong cơ thể, coi đó là một điều bình thường...
Giá như một lần họ tới các nghĩa trang đồng nhi, như ở phố núi này, biết đâu họ nghe thấu lời ai oán của những sinh linh bị tước đi quyền sống; và biết đâu qua đó tình trạng nạo phá thai mà lâu nay dư luận lên tiếng cảnh báo sẽ giảm đi...
Hài nhi mang tên Trung Thu
Con đường dẫn vào nghĩa trang đồng nhi TP Pleiku (Gia Lai) lởm chởm đá. Hai bên vệ đường, những đống gạch cát nằm ngổn ngang. Một người đàn ông trạc 50 tuổi, cao lớn, đầu trần, khoanh tay trước ngực, mắt hướng về nghĩa trang đồng nhi với vẻ mặt đăm chiêu, bên cạnh là một thanh niên da đen sạm và một bà già hom hem.
Đó là linh mục Nguyễn Văn Đông ở nhà thờ Đức An, TP Pleiku, người khai sinh ra nghĩa trang đồng nhi; người thanh niên tên Phụng, làm thợ xây, chuyên đi lượm những hài nhi bị cha mẹ vứt bỏ; bà Lê Thị Tâm, người hương khói cho những sinh linh trẻ vô danh. Bóng ba con người chụm vào nhau chập chờn, nhảy múa dưới cái nắng hiu hắt của núi rừng Tây Nguyên. Họ đang bàn tính việc tu sửa và vệ sinh những ngôi mộ để kỷ niệm nghĩa trang tròn 4 tuổi.
Đúng ra, nghĩa trang này được hình thành năm 1992, nhưng nó thực sự gây xúc động từ khi xuất hiện một hài nhi có tên là Trung Thu. Anh Phụng kể rằng, Trung thu năm 2004, người ta mang về nơi linh mục Đông một bọc ni lông khá lớn, mở ra thì thấy một bào thai - em bé đã đầy đủ hình hài. Vị linh mục nhẹ nhàng dùng tay đỡ em ra đặt trên một tờ báo. Thật bất ngờ, hài nhi đưa tay bấu chặt lấy ngón tay của linh mục - động tác đầu tiên và cuối cùng của em trên cõi đời này...
Sau đó, linh mục đưa em về nghĩa trang đồng nhi, nơi an nghỉ của hàng ngàn hài nhi có hoàn cảnh tương tự mà ông đã chôn cất. Linh mục đặt tên cho em là Trung Thu. Một người chứng kiến cảnh tượng đó đã thay em viết những lời kêu than: “Con không có lời ru/Đưa con vào cuộc đời/Để con được làm người/Xin thắp lên cho con một ngọn nến/Một nén nhang/”; rồi thống thiết van xin: “Nơi mộ vắng nghĩa địa buồn/Xin hãy thương con, đừng bỏ con/Con tội tình gì? Mẹ ơi, cha ơi!”...
Những người cứu rỗi
Khi đã hướng dẫn công việc cho người thợ xây, linh mục Đông trở về nhà thờ. Anh Phụng dẫn chúng tôi vào nơi thờ chung của những sinh linh xấu số. Bàn thờ lúc nào cũng khói hương nghi ngút và đầy hoa tươi. Trên bàn thờ được khắc dòng chữ rất lớn: “Chúng con tha thứ cho cha mẹ”.
Bên phải bàn thờ là những lời viết cho bé Trung Thu, bên trái là bài thơ của một người đến viếng nghĩa trang vào ngày Quốc tế thiếu nhi, trong đó có đoạn: “Con ra đời – Dù không hoan hỉ/Bỏ con nơi bố thí, viện tế bần/Dù cùng cực sống khốn khổ bần dân/Con muốn sống muôn ngàn lần hơn chết!”. Hai bên hàng rào của bàn thờ là dãy hoa huynh đệ vàng rực và phía trên cùng là hai cây xương rồng lớn, trên lá thân chi chít chữ. Anh Phụng bảo đó là những lời day dứt của những người mẹ lỡ bỏ con, là lời cầu xin tha thứ, lời cầu cho được bình yên... của khách viếng nghĩa trang.
Anh Phụng bên hai nấm mồ vừa chôn
Theo chỉ dẫn của anh Phụng, tôi đi một vòng quanh nghĩa trang. Hơn một vạn ngôi mộ hài nhi vô danh nằm san sát nhau. Có những ngôi mộ được xây chắc chắn, quét sơn sáng sủa, nhưng cũng có những ngôi mộ chỉ là nắm đất đơn sơ, lạnh lẽo. Anh Phụng giải thích rằng, những mộ được xây là có người thân, nhưng con số này rất ít ỏi, còn lại là của các nhà hảo tâm cho tiền xây cất. Anh chỉ cho chúng tôi xem hai ngôi mộ nhỏ mà anh vừa mới chôn hôm qua.
Anh kể, sáng sớm ra nghĩa trang làm việc như thường lệ, anh thấy hai bọc ni–lông màu đen vướng lủng lẳng trên đọt cây xương rồng bên vệ đường. Quá quen thuộc với những cảnh tượng như thế, anh biết ngay đó là những hài nhi xấu số bị vứt bỏ đêm qua.
Anh nhẹ nhàng gỡ xuống, dùng rượu rửa những vùng thân thể còn sót lại rồi đi mua quan tài về khâm liệm và chôn cất hai bé. Hai nấm mồ nằm kề nhau, nén nhang đêm qua chưa kịp cháy hết đã tàn dưới làn sương đêm lạnh lẽo của phố núi, cành hoa cúc cắm vội trên hai nấm mồ cũng héo rũ. Gió thổi hiu hiu, nắm tro dưới lớp cỏ xanh bay là là xung quanh nghĩa địa... khiến nơi đây càng trở nên u tịch.
Anh Phụng kể lại, 4 năm về trước, có ngày anh lượm cả chục bào thai bị phá bỏ. Có lần anh mở bọc ni–lông ra và vô cùng hoảng hốt và căm hận. Bên trong là một em bé tứ chi đã cứng cáp, anh bế lên, ước chừng nặng 4,5 kg. Anh khóc gào lên một cách uất hận, nện nắm đấm xuống đất để kìm nén cơn xúc động, rồi gạt nước mắt lặng lẽ khâm liệm cho bé, vừa làm vừa thầm thì mong em hãy tha thứ cho cha mẹ...
Hỏi anh Phụng một chút về bản thân, nhưng anh không tiết lộ, chỉ nói ở đây có nhiều người làm việc này lắm. Trước anh có ông Sáu, bây giờ có bà Tâm và nhiều người nữa mà anh chưa biết đến. Nghe nhắc đến tên mình, bà Tâm đang ngồi nhổ cỏ trước một ngôi mộ ngẩng đầu lên. Năm nay bà 71 tuổi, nhưng bảo là chân còn khỏe lắm, tay còn nhanh lắm.
Hằng ngày, không kể mưa hay nắng, bà đi xe đạp, chở can nước ra nghĩa trang để làm việc. Những ngày nắng thì bà cọ rong rêu, nhổ cỏ trên mộ, quét lối đi vào nghĩa trang, lau bàn thờ, lo hương khói và canh cho đàn dê không vào ăn hoa, phá mộ. Còn ngày mưa thì bà vào ngồi trò chuyện với mấy cháu cho ấm áp.
Lời ước từ phố núi
Bà Tâm mới đến với nghĩa trang đồng nhi từ năm ngoái và từ đó đến nay, bà bảo không đêm nào yên giấc được. Trải qua cuộc đời làm mẹ, rồi giờ làm bà, bà Tâm đã ẵm trên tay hai thế hệ trẻ thơ, với bà đó là những thiên thần mà tạo hóa ban tặng.
Giờ phải chứng kiến những em bé bị tước mất quyền làm người, bà vô cùng xót xa. Thấy nghĩa địa trống vắng, các nấm mồ lạnh lẽo, cô đơn, bà chạnh lòng và tự nguyện vào hương khói. Hằng ngày, vào buổi sáng trước khi làm việc, bà đi khắp nghĩa địa tuần tự thắp hương một lượt và buổi chiều, trước khi về, bà thắp một lượt nữa.
Bàn thờ chung nơi nghĩa địa
Khuôn mặt nhăn nheo, miệng đã bắt đầu móm mém, nhưng những giọt nước mắt hiếm hoi vẫn lăn dài trên gò má bà Tâm khi chúng tôi hỏi về thân phận những hài nhi ở nghĩa trang. Bà bảo là không thể tưởng tượng nổi đời mình lại phải chứng kiến những thảm họa thế này.
Những buổi sáng ra nghĩa trang, thấy anh Phụng hoặc ai đó đang loay hoay đào huyệt là tim bà lại nhói lên. Bà cứ thắc mắc không hiểu tuổi trẻ bây giờ suy nghĩ như thế nào mà dễ dàng chối bỏ máu mủ của họ như thế. Bà biết sẽ có người ân hận. Bằng chứng là hằng ngày ở đây, bà vẫn thấy nhiều cô gái trẻ tới viếng nghĩa trang. Họ khóc lả đi trước một nấm mồ vô danh nào đó, và khi có người bắt gặp thì vội ngoảnh mặt, lẳng lặng lẻn đi.
Chiều tím sẫm, những tia nắng cuối ngày trên phố núi càng làm không khí nghĩa trang đồng nhi hiu hắt, buồn lạnh... Nhìn những ngôi mộ nhỏ bé sắp hàng san sát trong nghĩa trang, tôi không khỏi rùng mình nghĩ đến nơi phố thị, không ít cô gái đang vào các phòng kế hoạch hóa gia đình để nhẹ nhàng dứt bỏ mầm sống trong cơ thể, coi đó là một điều bình thường...
Giá như một lần họ tới các nghĩa trang đồng nhi, như ở phố núi này, biết đâu họ nghe thấu lời ai oán của những sinh linh bị tước đi quyền sống; và biết đâu qua đó tình trạng nạo phá thai mà lâu nay dư luận lên tiếng cảnh báo sẽ giảm đi...