Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Đan Thy

Member
Hội viên mới
BÁO CÁO LƯU CHUYỂN TIỀN TỆ (THE STATEMENT OF CASH FLOWS - SCF )

Ngoài báo cáo tình hình tài chính và báo cáo kết quả hoạt động, thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ (SCF) là một báo cáo quan trọng trong hệ thống báo cáo tài chính. SCF được báo cáo theo từng kỳ phù hợp với báo cáo kết quả hoạt động.
Mục đích của SCF là cung cấp thông tin về các dòng tiền thu vào và mục đích sử dụng tiền của doanh nghiệp đã xảy ra trong kỳ. Tương tự như báo cáo kết quả hoạt động, SCF cũng là một báo cáo thể hiện sự thay đổi nguồn lực kinh tế, SCF trình bày tóm tắt các giao dịch và lý giải nguyên nhân của sự thay đổi tiền trong kỳ.
Tiền trong SCF gồm tiền và các khoản tương đương tiền. Trong đó tiền bao gồm tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng. Các khoản tương đương tiền là các khoản đầu tư có tính thanh khoản cao, dễ dàng chuyển đổi thành tiền như tín phiếu Kho bạc.
B.1 Tính hữu ích của Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Theo đó trong thời gian ngắn, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh có thể không phải là dấu hiệu cho khả năng tạo ra tiền trong dài hạn của doanh nghiệp, mà là thông tin về lãi lỗ thuần trên cơ sở dồn tích sẽ cung cấp dự đoán chính xác hơn về dòng tiền hoạt động trong tương lai. Tuy nhiên, thông tin về dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, khi kết hợp với thông tin về dòng tiền từ các hoạt động khác, có thể cung cấp thông tin hữu ích cho việc đánh giá khả năng tạo ra lợi nhuận trong tương lai, tính thanh khoản và khả năng chi trả trong dài hạn. Xét cho cùng, doanh nghiệp phải thanh toán nghĩa vụ nợ bằng tiền chứ không phải là thu nhập. Như vậy tiền được tạo ra từ hoạt động kinh doanh có tầm quan trọng đặc biệt. Về lâu dài, doanh nghiệp phải có khả năng tạo ra dòng tiền tích cực từ các hoạt động liên quan đến việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Các hoạt động này phải cung cấp các khoản tiền cần thiết để trả nợ, trả cổ tức cho các cổ đông, và cho sự tăng trưởng trong tương lai.
B.2 Phân loại dòng tiền
Danh mục chi tiết về các dòng tiền sẽ có ý nghĩa nhiều hơn đối với các nhà đầu tư và chủ nợ nếu như họ có thể xác định loại giao dịch làm tăng dòng tiền. Để đáp ứng yêu cầu này, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ phân loại tất cả các giao dịch ảnh hưởng đến tiền thành một trong ba loại: (1) hoạt động kinh doanh, (2) hoạt động đầu tư, và (3) hoạt động tài chính.
Hoạt động kinh doanh (Operating Activitives)
Dòng tiền thu vào và chi ra từ những hoạt động được trình bày trong báo cáo kết quả hoạt động được phân loại là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Nói cách khác, phân loại dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bao gồm các yếu tố của thu nhập thuần được báo cáo trên cơ sở tiền chứ không phải là cơ sở dồn tích.
Tiền thu từ hoạt động kinh doanh bao gồm số tiền nhận được từ khách hàng do bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ, lãi và cổ tức từ các khoản đầu tư.
Các khoản tiền này có thể khác với doanh thu và thu nhập đầu tư được ghi nhận trong báo cáo thu nhập. Nghĩa là doanh thu được tính theo cơ sở dồn tích phản ánh tổng doanh thu thực hiện trong kỳ, không phân biệt thực tế đã thu tiền hay chưa thu tiền. Doanh thu sẽ không bằng tiền thu được từ khách hàng nếu các khoản phải thu khách hàng hoặc doanh thu chưa thực hiện thay đổi trong kỳ.
Tiền chi từ hoạt động kinh doanh bao gồm tiền chi trả cho việc mua hàng tồn kho; tiền lương, tiền công và các chi phí hoạt động khác; lãi vay; nộp thuế thu nhập và trả cổ tức cho cổ đông.
Tương tự, các khoản tiền thực chi có thể khác với các khoản chi phí phải trả tương ứng được trình bày trong báo cáo kết quả hoạt động. Chi phí được ghi nhận khi phát sinh, không nhất thiết đã chi tiền thanh toán cho các chi phí đó hay chưa. Ngoài ra, một số khoản chi phí, như chi phí khấu hao, không ảnh hưởng đến tiền và không được tính vào các khoản chi tiền từ hoạt động kinh doanh.
Sự chênh lệch giữa lượng tiền thu vào và lượng tiền chi ra của hoạt động kinh doanh, được gọi là tiền thuần từ hoạt động kinh doanh. Khoản này tương đương với thu nhập thuần nếu báo cáo kết quả hoạt động được lập trên cơ sở tiền chứ không phải là cơ sở dồn tích.
Phương pháp trực tiếp và phương pháp gián tiếp
Hai phương pháp được chấp nhận sử dụng để lập báo cáo dòng tiền hoạt động kinh doanh: phương pháp trực tiếp và phương pháp gián tiếp.
PHƯƠNG PHÁP TRỰC TIẾPPHƯƠNG PHÁP GIÁN TIẾP
Theo phương pháp trực tiếp, các khoản tiền thu chi của hoạt động kinh doanh được trình bày trực tiếp trong báo cáo.
Tiền thu hoạt động kinh doanh – Tiền chi hoạt động kinh doanh = Tiền thuần hoạt động kinh doanh
Ví dụ, tiền nhận được từ khách hàng được báo cáo là kết quả số tiền thu được từ hoạt động bán hàng. Một số khoản chi phí được thể hiện trong báo cáo kết quả nhưng không liên quan đến dòng tiền, như chi phí khấu hao thì không được thể hiện trong SCF.
Không thể hiện khoản tiền thu chi, chỉ phản ánh một cách gián tiếp, đó là lượng tiền thuần hoạt động kinh doanh, bằng cách căn cứ:
* Lợi nhuận trên Báo cáo Kết quả hoạt động
* Điều chỉnh
(1) Các khoản ảnh hưởng đến lợi nhuận nhưng không ảnh hưởng đến tiền: như chi phí khấu hao không làm giảm tiền nhưng được trừ vào Báo cáo kết quả hoạt động nên được cộng vào lợi nhuận để trả lại số tiền công ty đã có.
(2) Điều chỉnh sự thay đổi tài sản, nợ phải trả trong kỳ đã được tính vào lợi nhuận. Giả sử các khoản phải thu tăng trong kỳ do thu được từ tiền khách hàng thấp hơn doanh thu. Sự gia tăng các khoản phải thu này sẽ được trừ vào lợi nhuận để phản ánh dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh.
Trong phương pháp gián tiếp, các khoản điều chỉnh ảnh hưởng tốt đến lợi nhuận đó là giảm các tài sản và tăng các khoản nợ phải trả liên quan. Ngược lại các khoản điều chỉnh ảnh hưởng xấu khi tăng các tài sản và giảm các khoản nợ này.
Cả hai phương pháp trực tiếp và gián tiếp cùng tạo ra một lượng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh; chỉ khác là cách tiếp cận thay thế để báo cáo dòng tiền. Theo chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 7, ưu tiên đối với phương pháp trực tiếp cho SCF. Tuy nhiên, mặc dù cả hai phương pháp đều được sử dụng trong thực tế, nhưng phương pháp trực tiếp không được sử dụng thường xuyên.
Việc lựa chọn phương pháp trình bày dòng tiền từ hoạt động kinh doanh không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Bây giờ chúng ta xem xét dòng tiền được phân loại như thế nào trong hai loại này.
Hoạt động đầu tư (Investing Activities)
Dòng tiền từ hoạt động đầu tư bao gồm dòng tiền thu vào và dòng tiền chi ra của các khoản đầu tư liên quan đến việc mua sắm các tài sản dài hạn được sử dụng vào hoạt động kinh doanh (tài sản cố định) và các khoản đầu tư khác (nhưng không phải là các khoản tương đương tiền và chứng khoán kinh doanh).
Việc mua và bán hàng tồn kho không được coi là hoạt động đầu tư. Hàng tồn kho được mua để bán trong hoạt động kinh doanh của công ty, do đó việc mua bán hàng tồn kho được đưa vào hoạt động kinh doanh chứ không phải là hoạt động đầu tư.
Các dòng tiền từ hoạt động đầu tư bao gồm:
- Tiền chi trả
(1) Việc mua tài sản dài hạn sử dụng trong kinh doanh.
(2) Việc mua chứng khoán đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu của các đơn vị khác (trừ các khoản được phân loại là tương đương tiền và chứng khoán kinh doanh).
(3) Các khoản cho vay đối với các đơn vị khác.
- Tiền thu: Khi tài sản đầu tư được bán hoặc được thanh lý thì dòng tiền thu được từ các giao dịch này được coi là hoạt động đầu tư.
(1) Bán tài sản dài hạn sử dụng trong kinh doanh.
(2) Bán chứng khoán đầu tư.
(3) Thu hồi các khoản cho vay, trái phiếu đầu tư.
(4) Lãi và cổ tức từ các khoản đầu tư cổ phiếu và trái phiếu của các đơn vị khác. (theo IAS)
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư thể hiện sự khác biệt giữa dòng tiền thu vào và dòng tiền chi từ đầu tư.
Lượng tiền thu, chi thuộc hoạt động đầu tư bao gồm luôn khoản thu từ nợ phải thu hoặc chi trả khoản nợ phải trả từ các giao dịch của hoạt động đầu tư.
Hoạt động tài chính (Financing Activities)
Dòng tiền từ hoạt động tài chính là dòng tiền liên quan tình hình tài chính về vốn của doanh nghiệp bao gồm:
- Tiền thu nhận được từ:
(1) Chủ sở hữu góp vốn hoặc phát hành cổ phiếu cho cổ đông.
(2) Vay từ các chủ nợ qua các hình thức tiền vay, thế chấp, phát hành trái phiếu.
- Tiền chi
(1) Khi hoàn trả vốn góp chủ sở hữu, mua lại cổ phần của cổ đông.
(2) Khi chia cổ tức và các khoản phân phối khác cho chủ sở hữu.
(3) Trả lại nợ gốc vay cho các chủ nợ.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính thể hiện chênh lệch giữa tiền thu vào và chi ra thuộc hoạt động tài chính.
Hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính không trực tiếp sử dụng tiền
(Noncash Investing Activities and Financing Activities)
Khi các giao dịch về đầu tư và tài chính không trực tiếp sử dụng tiền, mặc dù không ảnh hưởng đến dòng tiền thu và chi của doanh nghiệp, nhưng ảnh hưởng đáng kể đến thông tin hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Để cung cấp thông tin đầy đủ về các hoạt động này, các hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính không sử dụng tiền đều được công bố trong Thuyết minh báo cáo tài chính.
Ví dụ: Khi mua thiết bị (thuộc hoạt động đầu tư) bằng cách ghi nhận khoản nợ dài hạn hoặc thông qua việc phát hành cổ phiếu (thuộc hoạt động tài chính).
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top