Anh bảo: “Anh chẳng có người đàn bà khác, anh cũng không lựa chọn giữa mẹ và em. Đơn giản là vì anh không yêu em nữa. Anh không yêu con người quá ích kỷ trong em...".
Hôm nay trời lại mưa. Cơn mưa cứ rỉ rả từ chiều đến tối. Cô con gái lớn gọi tôi vào ăn cơm và hỏi: “Sao mẹ cứ ngồi nhìn mưa hoài vậy?”. Tôi ngồi vào bàn ăn giờ chỉ còn 3 mẹ con mà thấy lòng rưng rưng. Bởi cơn mưa làm tôi nhớ một buổi chiều cách đây nhiều năm.
Hôm đó, tôi đã ném hết đồ đạc của Khương ra sân khi anh không có ở nhà. Quần áo, laptop, sách vở, tài liệu... ngổn ngang ngoài sân. Sau đó tôi chở con đi ăn và dặn chị giúp việc không được mang vào.
Cứ tưởng quăng ra đấy cho hả cơn giận và để dọa chồng; nào ngờ, cơn mưa bất chợt đổ xuống. Khi mấy mẹ con về tới thì mọi thứ đã không còn cứu vãn. Tôi quát chị giúp việc: “Tại sao chị thấy trời mưa mà không mang vào?”. Chị giúp việc lấm lét: “Dạ, cô dặn tui không được đem vô nên tui hỏng dám...”.
Thằng cu con mếu máo: “Sao mẹ bỏ đồ của ba ngoài sân, hư hết rồi...”. Vừa nói, hai chị em nó vừa khệ nệ mang chiếc laptop vào để trên thềm, sau đó chúng nhặt mớ quần áo bèo nhèo và sũng nước bỏ vô cái thau. Còn tôi thì bối rối hết nhìn đống đồ, lại nhìn con. Một cảm giác vừa hả hê, vừa lo lắng tràn ngập trong lòng. Nếu Khương về giờ này, chắc chắn giữa chúng tôi sẽ không thể tránh được một trận cãi vã...
Bất đồng giữa hai vợ chồng xảy ra từ khi mẹ anh ngã bệnh. Cô em dâu của anh chạy qua tìm. Không biết cô nàng to nhỏ gì mà sau đó anh đã lãnh trách nhiệm lo cho mẹ. “Mẹ bệnh lâu rồi em à. Vợ chồng thằng út sợ mình bận tâm nên không nói. Giờ tụi nó khó khăn lắm”.
Tôi trừng mắt nhìn anh: “Nếu muốn mình phụ thì phải làm giao kết”. Khương há hốc: “Giao kết gì?”. “Giao kết mai mốt bán nhà, phải chia hai”, tôi nói dứt khoát. Khương ngạc nhiên: “Sao lại bán nhà? Bán nhà rồi tụi nó ở đâu? Mẹ ở đâu?”. “Em không biết. Nếu đồng ý thì em lo, còn không thì thôi”.
... Ngày vợ chồng tôi ra riêng, mẹ anh đã bảo: “Tụi bây muốn thì mẹ phải nghe, chớ thật lòng, mẹ muốn anh em quây quần với mẹ. Bây giờ ra riêng phải thuê nhà, tốn kém lắm”. Nhưng tôi kiên quyết: “Nhà mình chật quá. Mẹ cứ để tụi con tự lập. Chỉ ở thuê vài tháng thôi vì ba mẹ con hứa sẽ cho tụi con tiền mua nhà”.
Mẹ anh gạt nước mắt khi chiếc xe ba gác chở mớ đồ đạc ít ỏi của chúng tôi ra khỏi nhà. “Em làm khó cho anh. Giữa em và mẹ, anh không thể chọn ai, bỏ ai...”, Khương buồn bã. “Em mới là người sống đời với anh. Anh biết rồi đấy, nghề của em cần nơi yên tĩnh để làm việc. Ở đây, suốt ngày em phải làm đủ thứ chuyện lặt vặt, còn tâm trí đâu mà sáng tạo?”.
Ra ở riêng, mỗi tháng, Khương ghé về thăm mẹ vài lần, cho mẹ ít tiền tiêu vặt; phần còn lại, anh làm một quyển sổ tiết kiệm đứng tên mẹ và mỗi tháng gởi tiền vào đó. Anh dặn thằng út không được đụng đến một đồng nào của mẹ vì đó là tiền mẹ dưỡng già. Thằng em nghe lời nên ngay cả lúc mẹ bệnh nặng cũng không dám đụng đến. Mãi đến hôm nghe em dâu báo tin, anh mới giật mình hốt hoảng: “Sao không cho anh biết sớm?”. “Hôm trước em có gọi điện thoại nhưng chị hai nói là anh đi công tác nước ngoài”.
Tôi không nói lại với anh. Đi công tác về, anh lại bận bịu với công việc nghiệm thu các công trình nên chỉ kịp bảo chị giúp việc mang quà sang cho mẹ. Chị giúp việc đi rồi về, cũng không nghe nói gì. Giờ thì anh đã đoán ra.
“Em biết mẹ bệnh sao không nói cho anh biết?, anh bực bội. Tôi nhún vai: “Em quên”. Tôi thấy mặt Khương tái đi: “Em thật quá đáng. Chẳng lẽ em muốn thiên hạ chửi anh là thằng con bất hiếu?”. “Có chú út lo rồi, anh không phải bận tâm. Ai ở nhà của mẹ thì phải nuôi mẹ”. Giọng anh rung rung: “Anh không ngờ em càng ngày càng tệ hại”.
Tính Khương xưa nay rất lành. Anh không nói tục, chửi thề, không bao giờ nặng lời với vợ con. Lần này cũng vậy. Anh lẳng lặng xách xe đi và đêm đó không về. Sáng hôm sau tôi gọi điện sang nhà mẹ chồng thì cô em dâu nói anh đã đi làm. Buổi trưa, anh tạt qua nhà lấy thêm ít đồ đạc. Nghe chị giúp việc nói lại, tôi nổi điên: “Đi luôn đi!”. Suốt mấy ngày, tôi không gọi điện, không đi tìm, cũng không sang thăm mẹ chồng.
Cứ tưởng Khương đi vài ngày rồi lại về, không ngờ anh ở 1 tuần, 2 tuần rồi 1 tháng... Khi nào nhớ con, anh lại ghé về thăm nó, y như thể chúng tôi đã ly hôn. Cho đến một ngày, tôi đã mắc sai lầm. Hôm đó, anh về nhà thăm con. Tôi đã chìa ra cho anh lá đơn: “Anh ở luôn bên đó đi. Chúng ta chia tay”. Tưởng chỉ dọa anh, nào ngờ, anh ký ngay và bỏ đi. Đó cũng chính là hôm tôi đã vứt tất cả mọi thứ trong phòng riêng của anh ra sân. Để rồi cơn mưa tai quái đã phá hỏng tất cả.
Sau đó ít lâu, anh bảo: “Anh chẳng có người đàn bà khác, anh cũng không lựa chọn giữa mẹ và em. Đơn giản là vì anh không yêu em nữa. Anh không yêu con người quá ích kỷ trong em. Ly hôn cũng được, mà sống như vầy cũng được”.
Chúng tôi đã sống như vậy suốt từ bấy đến giờ. Hai nửa trái tim của mỗi người không thể liền lạc lại nữa rồi. Tôi biết mình vẫn còn luyến tiếc. Nhưng nếu chỉ một người thì không thể có yêu đương, không thể có vợ chồng.
Tôi vẫn hi vọng, dù niềm hi vọng ấy cứ cạn dần theo thời gian...
Hôm nay trời lại mưa. Cơn mưa cứ rỉ rả từ chiều đến tối. Cô con gái lớn gọi tôi vào ăn cơm và hỏi: “Sao mẹ cứ ngồi nhìn mưa hoài vậy?”. Tôi ngồi vào bàn ăn giờ chỉ còn 3 mẹ con mà thấy lòng rưng rưng. Bởi cơn mưa làm tôi nhớ một buổi chiều cách đây nhiều năm.
Hôm đó, tôi đã ném hết đồ đạc của Khương ra sân khi anh không có ở nhà. Quần áo, laptop, sách vở, tài liệu... ngổn ngang ngoài sân. Sau đó tôi chở con đi ăn và dặn chị giúp việc không được mang vào.
Cứ tưởng quăng ra đấy cho hả cơn giận và để dọa chồng; nào ngờ, cơn mưa bất chợt đổ xuống. Khi mấy mẹ con về tới thì mọi thứ đã không còn cứu vãn. Tôi quát chị giúp việc: “Tại sao chị thấy trời mưa mà không mang vào?”. Chị giúp việc lấm lét: “Dạ, cô dặn tui không được đem vô nên tui hỏng dám...”.
Thằng cu con mếu máo: “Sao mẹ bỏ đồ của ba ngoài sân, hư hết rồi...”. Vừa nói, hai chị em nó vừa khệ nệ mang chiếc laptop vào để trên thềm, sau đó chúng nhặt mớ quần áo bèo nhèo và sũng nước bỏ vô cái thau. Còn tôi thì bối rối hết nhìn đống đồ, lại nhìn con. Một cảm giác vừa hả hê, vừa lo lắng tràn ngập trong lòng. Nếu Khương về giờ này, chắc chắn giữa chúng tôi sẽ không thể tránh được một trận cãi vã...
Bất đồng giữa hai vợ chồng xảy ra từ khi mẹ anh ngã bệnh. Cô em dâu của anh chạy qua tìm. Không biết cô nàng to nhỏ gì mà sau đó anh đã lãnh trách nhiệm lo cho mẹ. “Mẹ bệnh lâu rồi em à. Vợ chồng thằng út sợ mình bận tâm nên không nói. Giờ tụi nó khó khăn lắm”.
Tôi trừng mắt nhìn anh: “Nếu muốn mình phụ thì phải làm giao kết”. Khương há hốc: “Giao kết gì?”. “Giao kết mai mốt bán nhà, phải chia hai”, tôi nói dứt khoát. Khương ngạc nhiên: “Sao lại bán nhà? Bán nhà rồi tụi nó ở đâu? Mẹ ở đâu?”. “Em không biết. Nếu đồng ý thì em lo, còn không thì thôi”.
... Ngày vợ chồng tôi ra riêng, mẹ anh đã bảo: “Tụi bây muốn thì mẹ phải nghe, chớ thật lòng, mẹ muốn anh em quây quần với mẹ. Bây giờ ra riêng phải thuê nhà, tốn kém lắm”. Nhưng tôi kiên quyết: “Nhà mình chật quá. Mẹ cứ để tụi con tự lập. Chỉ ở thuê vài tháng thôi vì ba mẹ con hứa sẽ cho tụi con tiền mua nhà”.
Mẹ anh gạt nước mắt khi chiếc xe ba gác chở mớ đồ đạc ít ỏi của chúng tôi ra khỏi nhà. “Em làm khó cho anh. Giữa em và mẹ, anh không thể chọn ai, bỏ ai...”, Khương buồn bã. “Em mới là người sống đời với anh. Anh biết rồi đấy, nghề của em cần nơi yên tĩnh để làm việc. Ở đây, suốt ngày em phải làm đủ thứ chuyện lặt vặt, còn tâm trí đâu mà sáng tạo?”.
Ra ở riêng, mỗi tháng, Khương ghé về thăm mẹ vài lần, cho mẹ ít tiền tiêu vặt; phần còn lại, anh làm một quyển sổ tiết kiệm đứng tên mẹ và mỗi tháng gởi tiền vào đó. Anh dặn thằng út không được đụng đến một đồng nào của mẹ vì đó là tiền mẹ dưỡng già. Thằng em nghe lời nên ngay cả lúc mẹ bệnh nặng cũng không dám đụng đến. Mãi đến hôm nghe em dâu báo tin, anh mới giật mình hốt hoảng: “Sao không cho anh biết sớm?”. “Hôm trước em có gọi điện thoại nhưng chị hai nói là anh đi công tác nước ngoài”.
Tôi không nói lại với anh. Đi công tác về, anh lại bận bịu với công việc nghiệm thu các công trình nên chỉ kịp bảo chị giúp việc mang quà sang cho mẹ. Chị giúp việc đi rồi về, cũng không nghe nói gì. Giờ thì anh đã đoán ra.
“Em biết mẹ bệnh sao không nói cho anh biết?, anh bực bội. Tôi nhún vai: “Em quên”. Tôi thấy mặt Khương tái đi: “Em thật quá đáng. Chẳng lẽ em muốn thiên hạ chửi anh là thằng con bất hiếu?”. “Có chú út lo rồi, anh không phải bận tâm. Ai ở nhà của mẹ thì phải nuôi mẹ”. Giọng anh rung rung: “Anh không ngờ em càng ngày càng tệ hại”.
Tính Khương xưa nay rất lành. Anh không nói tục, chửi thề, không bao giờ nặng lời với vợ con. Lần này cũng vậy. Anh lẳng lặng xách xe đi và đêm đó không về. Sáng hôm sau tôi gọi điện sang nhà mẹ chồng thì cô em dâu nói anh đã đi làm. Buổi trưa, anh tạt qua nhà lấy thêm ít đồ đạc. Nghe chị giúp việc nói lại, tôi nổi điên: “Đi luôn đi!”. Suốt mấy ngày, tôi không gọi điện, không đi tìm, cũng không sang thăm mẹ chồng.
Cứ tưởng Khương đi vài ngày rồi lại về, không ngờ anh ở 1 tuần, 2 tuần rồi 1 tháng... Khi nào nhớ con, anh lại ghé về thăm nó, y như thể chúng tôi đã ly hôn. Cho đến một ngày, tôi đã mắc sai lầm. Hôm đó, anh về nhà thăm con. Tôi đã chìa ra cho anh lá đơn: “Anh ở luôn bên đó đi. Chúng ta chia tay”. Tưởng chỉ dọa anh, nào ngờ, anh ký ngay và bỏ đi. Đó cũng chính là hôm tôi đã vứt tất cả mọi thứ trong phòng riêng của anh ra sân. Để rồi cơn mưa tai quái đã phá hỏng tất cả.
Sau đó ít lâu, anh bảo: “Anh chẳng có người đàn bà khác, anh cũng không lựa chọn giữa mẹ và em. Đơn giản là vì anh không yêu em nữa. Anh không yêu con người quá ích kỷ trong em. Ly hôn cũng được, mà sống như vầy cũng được”.
Chúng tôi đã sống như vậy suốt từ bấy đến giờ. Hai nửa trái tim của mỗi người không thể liền lạc lại nữa rồi. Tôi biết mình vẫn còn luyến tiếc. Nhưng nếu chỉ một người thì không thể có yêu đương, không thể có vợ chồng.
Tôi vẫn hi vọng, dù niềm hi vọng ấy cứ cạn dần theo thời gian...