Ðề: Ý nghĩa các thông số trên Mainboard và CPU
6/ Nguồn – Power supply unit
Nếu ví chiếc máy vi tính như một cơ thể sống thì bộ nguồn (PSU – Power supply unit) chính là trái tim, là nơi bơm toàn bộ năng lượng cho chiếc PC. Nhưng đối với người dùng thông thường hiện nay, thành phần này dường như ít được quan tâm nhất. Với các hệ thống cũ như loại sử dụng bộ vi xử lý Pentium III, năng lượng cho máy tính có thể chưa thật sự là vấn đề cần quan tâm. Nhưng theo đà phát triển của công nghệ, việc cho ra đời các dòng CPU mới của Ịntel và AMD như các bộ vi xử lý 2 nhân, cùng các họ chipset Intel 915P, 925X, 955X… hay Nvidia nForce 4 (SLI) cộng hàng tá các thiết bị ngốn điện khác như các loại card đồ họa 3 chiều cao cấp sẽ khiến nhu cầu năng lượng càng ngày càng gia tăng. Nếu không cung cấp đủ công suất điện cho hệ thống, bạn sẽ phải thưởng thức vô số các lỗi… từ trên trời rơi xuống! Nhẹ thì máy chạy ì ạch, các game yêu thích bị đứng hình liên tục,… thậm chí hay bị khởi động lại máy vô cớ, không khởi động được và tệ hơn có thể là cháy nguồn, và nhiều thiết bị khác cũng bị ảnh hưởng theo. Một bộ nguồn đủ khỏe là yếu tố giúp máy bạn chạy ổn định hơn, tăng tuổi thọ phần cứng và còn giảm được những cú khởi động lại bất ngờ do sụt điện. Chính vì vậy, việc lựa chọn một bộ nguồn thích hợp với hệ thống là điều bạn cần xem xét và tính toán khi chọn mua máy tính.
Làm thế nào để nhận biết một bộ nguồn tốt? Các thông số kỹ thuật sau sẽ giúp bạn biết được sự khác biệt giữa các bộ nguồn hiện có trên thị trường hiện nay.
+ Công suất: hiện nay, một cấu hình trung bình cần phải có một bộ nguồn có công suất hiệu dụng tối thiểu là 300W. Xin được nói rõ ở đây, công suất hiệu dụng là công suất mà bộ nguồn có thể cung cấp liên tục và ổn định cho hệ thống. Còn công suất ghi trên vỏ được gọi là công suất định danh. Thường thì công suất này chỉ mang tính chất quảng cáo. Trước hết, bạn nên biết hệ thống của bạn có công suất tiêu thụ là bao nhiêu. Tuy nhiên với các dòng máy mới, nhất là các máy sử dụng CPU 2 nhân thì bạn nên mua một bộ nguồn có công suất 400W trở lên, đặc biệt là các máy sử dụng card đồ họa rời sẽ cần thêm một bộ nguồn lớn hơn để có thể chạy ổn định(450-480W)
+ Chọn nhà sản xuất nào: Như đã nói ở trên, công suất ghi trên các bộ nguồn thường là công suất ảo, nếu bạn mua bộ nguồn của những nhà sản xuất tốt thì con số này sẽ gần đúng với con số hiệu dụng hơn, và tất nhiên bộ nguồn đó sẽ tốt hơn. Một số hãng có bộ nguồn chất lượng khá tốt như Huntkey, Orient, Codegen mà giá cả cũng ở mức độ tương đối bạn có thể chọn mua bộ nguồn của những hãng này, còn có một số hãng cao cấp hơn như Gigabyte, Asus, Acbel hay CoolerMaster thì giá cả cao hơn khá nhiều, song tiền nào của ấy thôi, tuy nhiên thường thì những dòng máy cao cấp có nhiều thiết bị ngốn điện mạnh như chip Core 2 duo, card đồ họa lõi kép,… hay sử dụng những loại nguồn này, còn thông thường Huntkey, Orient hay Codegen cũng là những nhà cung cấp bộ nguồn khá tốt đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho những máy tầm trung và khá.
Còn một thông số mà một số bạn hay thắc mắc đó là số pin, pin chính là số chân cắm của nguồn vào mainboard, các bộ nguồn thường có 20 hoặc 24(20+4)pin, bạn không phải lo lắng về con số này khi chọn nguồn, vì cho dù là main của bạn là dùng loại nguồn 20 hay 24 chân thì các nguồn đều phù hợp cả, và nó cũng gần như không ảnh hưởng gì đến công suất cung cấp của nguồn.
+ Ví dụ: Huntkey Power Supply 450W – 24 pin
Hãng sản xuất: Huntkey | Công suất định danh: 450W | Số chân cắm: 24 chân
-----------------------------------------------------------------------------------------
7/ Ổ đĩa quang – CD/DVD Drive và CD/DVD-RW Drive
CD-ROM (Compact Disc-Read Only Memory), là thiết bị lưu trữ dữ liệu bằng quang học, dựa trên những định dạng đã phát triển cho đĩa nhạc (audio CD). DVD-ROM cũng là thiết bị lưu trữ dữ liệu bằng quang học tương tự như CD-ROM nhưng nó có thể lưu trữ được một lượng dữ liệu lớn hơn nhiều lần so với đĩa CD-ROM
Cấu trúc khác nhau của hai loại đĩa trên đã làm thay đổi đáng kể dung lượng lưu trữ của đĩa. Cũng chính sự khác nhau này nên các ổ đĩa CD-ROM không đọc được đĩa DVD. Tuy nhiên ổ đĩa DVD-ROM ngoài khả năng đọc được các loại đĩa DVD nó cũng tương thích ngược khi đọc Audio CD, CD-ROM, video CD và CD tương tác khác. Những ổ đĩa kết hợp việc đọc DVD và ghi CD được gọi là các ổ đĩa Combo.
Khác với các loại đầu đọc đĩa nhạc (players) bình thường, ổ đĩa quang không thể trao đổi dữ liệu độc lập mà phải giao tiếp với máy tính và nhận lệnh điều khiển từ máy tính.
+ Chữ X được ghi trên ổ đĩa CD (VD: 52X) có ý nghĩa gì ?
Ký tự X được ghi trên ổ đĩa CD-ROM là một con số biểu diễn đơn vị đo. Ví dụ trên ổ đĩa có ghi 52X: ký tự X là đại diện cho đơn vị đo tốc độ dữ liệu đọc được của ổ đĩa. 1X có giá trị là 150 Kbps (Kilobyte per second) số byte dữ liệu đọc được trên 1 giây. Vậy với một ổ đĩa 52X thì tốc độ đọc dữ liệu tối đa của ổ đĩa đó là 52 x 150 Kbps
+ Tốc độ ghi trên ổ đĩa DVD-ROM là 16X có phải ổ đĩa DVD-ROM chậm hơn ổ đĩa CD-ROM ?
Ta không thể so sánh tốc độ đọc giữa DVD và CD-ROM được vì ở tốc độ 1X DVD có tốc độ truyền dữ liệu là 1.385 Mbps so với 150 Kbps của CD-ROM. Như thế 1X của DVD lớn hơn 9 lần so với 1X của CD, hay nói cách khác một ổ đĩa DVD 6X cũng có tốc độ đọc đĩa lớn hơn cả những ổ CD có tốc độ cao nhất(52X).
+ Các thông số ghi trên ổ đĩa CD-RW (VD: 52x32x52x) có nghĩa gì?
Cũng như các ổ đĩa CD-ROM, các con số được nhà sản suất ghi trên ổ đĩa CD-RW chính là tốc độ tối đa khi ổ đĩa hoạt động ở các chế độ đọc/ghi khác nhau. Số đầu tiên biểu diễn cho tốc độ đọc đĩa của ổ đĩa, số kế tiếp là tốc độ tối đa ghi được đối với các đĩa ghi lại (CD-RW) và số sau cũng chính là tốc độ cho phép ghi trên đĩa CD-R.
+ In tem nhãn nghĩa là gì: Với một vài chủng loại ổ ghi DVD bạn thấy có thêm phần in tem nhãn, những ổ ghi này sử dụng thêm một mắt laze nữa cho phép in tem nhãn lên mặt đĩa DVD bằng phần mềm chuyên dụng đi kèm, nhưng cũng cần lưu ý rằng để có thể sử dụng chức năng này bạn cần có một đĩa DVD chuyên dụng có khả năng cho phép in tem nhãn, loại đĩa này đắt hơn các đĩa DVD thông thường và hiện chưa phổ biến trên thị trường Việt Nam.
+ Nên mua loại ổ đĩa nào? Theo xu thế hiện nay thì đĩa CD đang dần nhường chỗ cho các đĩa DVD có dung lượng lớn hơn nhiều lần, vì vậy việc chuẩn bị cho mình một ổ đĩa có khả năng đọc DVD là điều cần thiết, để tránh việc phải nâng cấp từ CD lên DVD trong tương lai, vì như thế sẽ lãng phí hơn, phải tiêu tốn thêm tiền hơn trong khi các ổ đĩa DVD hoàn toàn có khả năng đọc các đĩa CD. Nếu có nhu cầu chia sẻ và lưu trữ tài nguyên thì bạn nên mua cho mình một ổ đĩa Combo vừa có khả năng đọc DVD vừa có khả năng ghi CD, còn nếu tài chính dư dả hơn một chút thì bạn có thể sắm một ổ DVD-RW, giá của chúng cũng không đắt lắm. Nhiều model mới của ổ ghi bây giờ cho phép trao đổi dữ liệu qua đường SATA cho phép trao đổi dữ liệu với tốc độ cao hơn.
+ Chọn nhà sản xuất nào? Theo đánh giá qua sử dụng của tôi và tham khảo đánh giá chung của nhiều người khác thì ASUS là hãng bạn nên chọn mua ổ đĩa quang, không chỉ là một trong những nhà cung cấp mainboard hàng đầu thế giới mà các sản phẩm ổ đĩa quang của ASUS cũng có chất lượng rất tốt, khả năng đọc đĩa rất tốt và không kén đĩa là ưu thế của ổ đĩa quang ASUS. Sản phẩm của ASUS có giá cao hơn các sản phẩm cùng loại của các hãng LG, Samsung từ 1-3$ nhưng tôi nghĩ với những ưu thế hơn hẳn của ASUS so với các hãng LG, Samsung,… thì bỏ thêm chút tiền để mua ổ đĩa quang ASUS là hoàn toàn xứng đáng đồng tiền bát gạo. Còn nếu bạn là một người ghi đĩa chuyên nghiệp, số lượng lớn, liên tục, cần độ bền và êm thì có thể lựa chọn Plextor, giá của nó đắt hơn DVD RW ASUS khoảng 30$-35$, tuy nhiên với mục đích ghi chuyên dụng thì Plextor cũng rất xứng đáng.
+ Ví dụ: ASUS DVD-RW 16-8-16 DVD / 48-32-40 CDRW (1814BLA) – In tem nhãn – Black
Hãng sản xuất: ASUS | Tốc độ Đọc DVD-Ghi đĩaDVD-RW-Ghi đĩa DVD tối đa: 16-8-16 | Tốc độ Đọc CD-Ghi đĩaCD-RW-Ghi đĩa CD tối đa: 48-32-40 | Mã sản phẩm: 1814BLA | Có thể in tem nhãn | Màu: Đen
-----------------------------------------------------------------------------------------
8/ Card đồ họa – VGA card
Bo mạch đồ họa là bo mạch cắm thêm vào máy tính có nhiệm vụ chuyển các hình ảnh được tạo bên trong máy tính thành các tín hiệu điện tử cần thiết mà màn hình máy tính có thể hiển thị lên. Nó quyết định số lượng màu, tần số quét và độ phân giải tối đa có thể được hiển thị. Và những thông số này cũng phải được màn hình máy tính của bạn hỗ trợ. Trên các bo mạch đồ họa có chứa bộ nhớ (VRAM), và chip đồ họa (GPU) riêng dành cho chúng. Ngày nay, bo mạch đồ họa có khả năng xuất tín hiệu qua hai cổng: cổng tín hiệu tương tự (D-Sub) và cổng tín hiệu số (DVI). Cổng tín hiệu số được sử dụng cho các màn hình tinh thể lỏng (LCD) mới hiện nay.
Tuy mạch đồ họa có thể được tích hợp sẵn trong bo mạch chủ của bạn, việc sử dụng một bo mạch lắp rời sẽ cần thiết đối với các ứng dụng cần đến khả năng xử lý đồ họa cao như những game cao cấp(Ví dụ: Doom3, F.E.A.R, Oblivion…) hay các trình xử lý đồ họa 3 chiều (3Ds MAX chẳng hạn).
+ Hãy chắc chắn bạn cần một card đồ họa: Hãy nhớ một điều, card đồ họa rời chỉ cần thiết cho những công việc cần sự xử lí đồ họa mạnh mẽ , nếu bạn là một gamer nghiền các game đời mới yêu cầu cấu hình đồ họa cao cấp hay thường xuyên phải sử dụng các ứng dụng xử lí ảnh 3D mạnh mẽ, còn nếu công việc của bạn chủ yếu là duyệt văn bản, lướt web, xem phim, hay chơi các game thông thường thì mua thêm card đồ họa rời là không cần thiết, card đồ họa tích hợp hoàn toàn đáp ứng các công việc đó, bạn có thể chơi hầu hết các game online hiện nay bằng card đồ họa tích hợp sẵn trên mainboard. Kể cả khi bạn có kinh tế dồi dào nếu không cần thiết cũng không nên mua thêm card đồ họa, nó sẽ chẳng làm tăng thêm hiệu năng hệ thống với những công việc chẳng bao giờ cần tới khả năng mạnh mẽ của card đồ họa rời đâu, khi đó bạn sẽ phải trả thêm tiền cho một thức bạn chẳng bao giờ thực sự cần đến nó.
+ Thời gian phù hợp cho việc mua sắm: Cuộc cạnh tranh dữ dội giữa ATI va Nvidia đã khiến cho công nghệ 3D phát triển nhanh chóng. Các nhà sản xuất GPU cho ra đời một dòng chíp mới sau từ 12-18 tháng, giúp cho các card đồ họa ngày càng mạnh mẽ và nhiều chức năng hơn. Họ cũng tối ưu lại thiết kế để có thể làm mới và cho thêm chức năng vào sản phẩm chỉ vài tháng sau khi thiết kế ban đầu được công bố.
Giá rất của card đồ họa rớt nhanh sau khi các card mới ra đời, đưa giá của các dòng card yếu hơn về một mức giá chấp nhận được. Bạn sẽ phí phạm rất nhiều tiền nếu mua một card đồ họa cao cấp ngay trước khi ATI hay Nvidia tung ra những GPU mới. Và nếu bạn cần một card đồ họa nhưng không phải là hiện tại mà là trong tương lai thì cũng đừng vội mua, hãy mua khi bạn cần đến nó và có thể bạn sẽ có một card đồ họa với công nghệ mới hơn và giá cả mềm dẻo hơn.
+ Video Ram(Ví dụ 256MB): Đây chính là dung lượng của card màn hình. Quan niệm rằng card màn hình có RAM càng cao thì càng tốt là một quan niệm sai lầm của rất nhiều người. Và ngay cả nhiều người bán máy cũng quan niệm như vậy. Bạn có thể thấy trên các báo giá thông số được ghi đầu tiên lại là VRAM, trong khi không thấy chỗ nào ghi GPU.(Có lẽ do thằng Microsoft nó báo thông số card màn hình chỉ có tên hãng, model và dung lượng làm nhiều người hiểu lầm!) Dung lượng card màn hình (VRAM) chỉ là một trong những yếu tố rất nhỏ tạo nên card màn hình. Có rất nhiều yếu tố quan trọng hơn nhiều như tốc độ xung nhân, xung RAM, ngõ giao tiếp, số ống lệnh..... Và VRAM lại là yếu tố ảnh hưởng ít nhất đến sức mạnh card màn hình. Khi tăng gấp đôi dung lượng RAM thì sức mạnh thường tăng không quá 15% và thường chỉ thể hiện được sự trội hơn đó khi tải nặng. Nếu bạn có một card đồ họa dung lượng lớn nhưng GPU lại thấp thì chẳng khác nào việc chạy đạp chạy trên đường cao tốc, rộng rãi nhưng dù làm cách nào bạn cũng không đi nhanh hơn ôtô được. Những card kém sức mạnh sẽ có nhiều các thanh ghi trống hơn, tuy nhiên chất lượng hình ảnh tồi sẽ thấy rõ khi bạn bước vào trò chơi cao cấp.
+ GPU: Bộ nhớ rất quan trọng nhưng trái tim thực sự của một card màn hình chính là GPU. Khi bạn quan sát trên một card đồ họa, hãy quan tâm đến loại GPU mà card sử dụng vì nó là nhân của các tác vụ xử lý 3D.
Hiện tại Nvidia và ATI đều đặt tên cho tất cả các card đồ họa của mình, từ card loại yếu cho tới những con quái vật "tân thời" với cùng cái tên Geforce hay ATI Radeon. Vì vậy cái tên Geforce hay ATI Radeon không quan trọng khi chọn mua card đồ họa.
Đương nhiên số hiệu của card càng cao thì card có chất lượng cao tương ứng nhưng bạn cũng nên chú ý đến phần đuôi của card như GT, GS, GTX, XT và XTX. Chúng sẽ quyết định khả năng đổ bóng hay xung nhịp đồng hồ của card.
Hiện nay chỉ có ATI và Nvidia là 2 nhà sản xuất duy nhất có thể sản xuất được chip đồ họa. Còn Gigabyte, Asus, XFX, MSI... chỉ là nhà sản xuất board. Có nghĩa là cả card đồ họa gồm có bộ nhớ RAM, cổng xuất, tản nhiệt... Còn chip thì sử dụng chip đồ họa do Nvidia và ATI cung cấp.
+ Pipeline: Trước đây, bạn có thể nhìn vào xung nhịp và số pipeline (hiểu nôm na là ống dẫn lệnh đồ họa, càng nhiều pipeline hình ảnh sẽ càng mượt mà) và điểm ảnh của một card đồ họa để đánh giá sức mạnh của nó. Nhưng nay, ánh sáng và các hiệu ứng khác có thể tạo ra thông qua phần mềm đổ bóng để có thể có được kết quả tương đương với sử dụng các pipeline.
Các card đồ họa cấp thấp thường có từ 4-8 pipeline, card tầm trung có 8-12 và các card cao cấp sẽ có từ 16 pipeline trở lên.
Xung nhịp nhanh hơn thì luôn tốt hơn, nhưng bạn nên cân bằng giữa GPU với số lượng pipeline để tránh xảy ra hiện tượng “thắt cổ chai” sẽ không khai thác hết khả năng GPU. Một card đồ họa có 8 pipeline chạy ở tốc độ 400MHz sẽ tốt hơn nhiều chỉ có 4 pipeline chạy ở tốc độ 500MHz.
+ SLI và CrossFire: Bạn sẽ phải nâng cấp lên PCI Express nếu muốn tận hưởng công nghệ đồ họa kép. Để làm một hệ thống đồ họa kép chạy và vận hành có hiệu quả là một công việc phức tạp và rắc rối. Bạn phải có đúng loại Mainboard, một cặp card đồ họa tương thích và một bộ nguồn đủ khỏe(Tối thiểu 550W). Nvidia và ATI cùng đưa ra hai định dạng đồ họa kép và mỗi định dạng cần có một loại Mainboard riêng.
Nvidia giới thiệu SLI (Scalable link Interface) vào năm 2004 và từ đó đến nay đã xây dựng cả một chương trình chứng nhận SLI cho các thành phần chủ đạo như Mainboard, PSU, RAM… Bạn có thể kết hợp 2 card màn hình đã được chứng nhận tương thích với SLI của hai nhà sản xuất nhưng bắt buộc chúng phải sử dụng cùng loại GPU.
ATI đưa ra công nghệ đồ họa kép CrossFire của họ vào năm 2005. Cũng như với SLI, CrossFire yêu cầu một Mainboard phù hợp, RAM chất lượng và một PSU “trâu bò”. Kết hợp hai card của ATI hơi khó khăn hơn vì bạn cần phải kết hợp một card “CrossFire Edition" với một card "CrossFire Ready" để khiến chúng làm việc cùng nhau.
Mặc dù hiện tại ATI và AMD đã hợp nhất. Khi xây dựng hệ thống, nếu muốn sử dụng công nghệ đồ họa kép ngon lành một nguyên tắc bất thành văn vẫn là nVIDIA SLI cho AMD AM2 và ATI Crossfire cho Intel Core 2 Duo.
+ Một bộ nguồn đủ khỏe là yếu tố cần thiết khi mua card đồ họa: Card đồ họa tầm trung và cao cấp thường yêu cầu PSU từ 400-500W trong khi để thiết lập đồ họa kép như sử dụng CrossFire Radeon X1900 XTX cần bộ nguồn tối thiểu là 550W.
-----------------------------------------------------------------------------------------
9/ Card âm thanh(Sound card) và Loa(Speaker)
Sound card hay còn gọi là card âm thanh là thiết bị xử lý và tổng hợp âm thanh rồi xuất ra loa hay các nguồn thu khác như ampli,… Card âm thanh gồm các chip vi xử lý và các thiết bị bán dẫn khác được tích hợp trên một mạch điện tử. Nó kết nối với máy vi tính qua các khe cắm ISA hoặc PCI. Card âm thanh có các ngõ giao tiếp tương tự với các thiết bị như: Loa, Microphone, Ampli, CD/DVD Player,… Một số dòng card cao cấp còn có ngõ xuất tín hiệu số (SPDIF, Coaxial, Optical). Các thế hệ card âm thanh sau này đa số đều dùng chuẩn PCI để giao tiếp với bo mạch chủ của máy vi tính.
Do hướng đến nhu cầu sử dụng phổ thông và điều kiện kinh tế của người dùng, nhà sản xuất bo mạch chủ buộc phải giảm bớt tính năng và chất lượng của các chip âm thanh tích hợp. Nên giải pháp âm thanh rời thường cho chất lượng tốt hơn giải pháp âm thanh tích hợp. Song những card âm thanh rời rẻ tiền cũng chưa chắc đã hơn những card âm thanh tích hợp.
Hiện nay có nhiều loại card âm thanh của các hãng khác nhau. Chúng hỗ trợ nhiều kênh âm thanh xuất ra (stereo, 4.1, 5.1, 6.1,...), tín hiệu thu vào và các ngõ giao tiếp với các thiết bị khác (USB 2.0, IEEE1394,...)
Các kí hiệu 2.0, 2.1, 4.1, 5.1, 6.1, 7.1: Con số đằng sau là số loa trầm(Sub-woofer) còn con số đằng trước là các loa còn lại có những chức năng riêng biệt. Ví dụ:
- Loa 5.1: có 2 loa chính, 2 loa vệ tinh, 1 loa Sub-woofer và 1 loa trung tâm.
- Loa 6.1: có 2 loa chính, 2 loa vệ tinh, 1 loa Sub-woofer và 2 loa trung tâm (trước, sau).
- Loa 7.1: có 2 loa chính, 4 loa vệ tinh, 1 loa Sub-woofer và 1 loa trung tâm.
Để có thể nghe âm thanh nổi, xoay vòng trong các phim DVD với chất lượng tốt nhất, ta cần trang bị card âm thanh có hỗ trợ các hệ thống loa 5.1, 6.1, 7.1
Các loa 5.1, 6.1, 7.1 phải được thiết kế, bố trí đúng vị trí và tương thích từng loại sound card để có được đầy đủ các hiệu ứng âm thanh chuẩn hay nhất. Vì thế nếu bạn muốn sắm một bộ loa từ 5.1 trở lên hãy đảm bảo chỗ làm việc của bạn đủ rộng để bố trí các loa cho hợp lí.
Một điều cần chú ý nữa mà nhiều người thường thắc mắc đó là công suất của loa, loa có 2 loại công suất đó là PMPO(Peak Music Power Output) và RMS(Root Mean Square), PMPO có thể hiểu là công suất đỉnh của loa đó là công suất lí tưởng do nhà sản xuất đặt ra, còn RMS là công suất trung bình hay công suất thực của loa, công suất PMPO lớn hơn nhiều lần so với RMS, và nó thường chỉ dùng để quảng cáo, khi đi mua loa bạn không nên để ý công suất PMPO mà nên quan tâm đến công suất RMS.
-----------------------------------------------------------------------------------------
10/ Một vài linh kiện khác
A/ Chuột và bàn phím: Chuột và bàn phím là hai thiết bị nhập chuẩn của máy tính, nó là thiết bị trung gian giúp ta có thể thao tác dễ dàng với máy tính. Bất cứ khi nào bạn muốn giao tiếp với máy tính đều phải dùng tới nó. Về bàn phím cũng có rất nhiều loại, có loại tích hợp thêm rất nhiều nút điều khiển trên đó như Power, Sleep, Copy, Paste,… những chức năng bổ sung này không thật sự cần thiết nó chỉ làm đẩy giá của bàn phím lên thôi, mục đích chính khi chọn mua những thiết bị này là sự dễ dàng và thoải mái khi sử dụng, như bàn phím bạn có thể chọn loại bàn phím mỏng cũng rất thoải mái khi thao tác, nên chọn bàn phím có hình dạng thông thường, không nên chọn những loại có hình dáng lạ hay to cồng kềnh, như vậy tuy có thể đẹp hơn nhưng sẽ khiến bạn thao tác chậm hơn. Còn chuột bạn nên chọn chuột quang, vừa nhẹ nhàng hơn, nhạy hơn chuột bi lăn, và hơn nữa là không phải lau chùi thường xuyên. Những chuột và bàn phím đi kèm một bộ thường có giá rẻ hơn so với mua rời từng chiếc từ 1-2$.
B/ Case – Vỏ máy
Tác dụng của Case đơn giản chỉ là một thiết bị gắn và cố định các thành phần của máy và bảo vệ chúng trong khi di chuyển, giảm độ ẩm, và một case thông thoáng cũng góp phần giúp tản bớt nhiệt của các linh kiện trong khi hoạt động, bên cạnh đó nó cũng góp phần làm nên vẻ thẩm mĩ cho chiếc computer của bạn. Các case loại Full Size ATX thích hợp cho tất cả các loại main (ATX và Micro ATX) còn các case ATX sẽ chỉ dùng cho các main ATX(Loại main to hơn main Micro ATX, thường là các main có 4 khe cắm Ram). Một số loại main còn được tích hợp thêm cả cảm biến nhiệt hay có thêm màn hình LCD hiển thị một số thông số… Các loại case rẻ tiền thường không chắc chắn lắm, và thường gây tiếng ồn khi quạt chip hoặc/và quạt trên case chạy, vì vậy bạn nên chọn cho mình một kiểu case đẹp về thẩm mĩ và chắc chắn một chút.