Ðề: Xây dựng đơn giá tiền lương
Đơn giá tiền lương là giá trị lao động phải trả trên một đơn vị sản phẩm. Tổng sản phẩm x đơn giá tiền lương = chi phí tiền lương trực tiếp của doanh nghiệp.
Căn cứ theo mức lương tối thiểu chung từng vùng hay mức lương tối thiểu chung áp dụng trong doanh nghiệp tính ra TCN (tiền lương công nhân) + TPV (tiền lương gián tiếp của nhân viên phục vụ) + TQL (tiền lương của quản lý) = QTL (quỹ tiền lương của DN). tuy
Đối với Công ty Nhà nước:
a) Xác định quỹ lương kế hoạch:
Tổng quỹ tiền lương kế hoạch năm của công ty bằng: quỹ tiền lương kế hoạch theo đơn giá tiền lương cộng quỹ tiền lương kế hoạch theo chế độ (không tính trong đơn giá tiền lương).
*) Quỹ tiền lương kế hoạch theo đơn giá tiền lương thông thường có 4 phương pháp xây dựng tuỳ điều kiện sản xuất kinh doanh, công ty lựa chọn các phương pháp phù hợp, cụ thể:
- Đơn giá tiền lương tính trên tổng doanh thu: là cách tính cứ tạo ra 1000 đồng doanh thu thì được tính bao nhiều đồng tiền lương.
- Đơn giá tiền lương tính trên tổng doanh thu trừ tổng chi phí (chưa có lương): đơn vị tính đồng/1000 đồng tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có lương
- Đơn giá tiền lương tính trên lợi nhuận: đơn vị tính đồng/1000 đồng lợi nhuận
- Đơn giá tiền lương tính trên đơn vị sản phẩm (kể cả sản phẩm quy đổi): đơn vị tính là đồng/đơn vị sản phẩm.
Ngoài 4 phương pháp trên, trong kinh tế thị trường hiện nay còn phương pháp tính tiền lương trên giá trị gia tăng (đang còn thí điểm).
*) Quỹ tiền lương kế hoạch theo chế độ (không tính trong đơn giá tiền lương): bao gồm các khoản phụ lương và các chế độ khác (nếu có) và tiền lương của những ngày nghỉ được hưởng lương theo Bộ luật Lao động (nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng, nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ theo chế độ lao động nữ) mà khi xây dựng đơn giá tiền lương theo đơn vị sản phẩm chưa tính đến.
b) Đăng ký đơn giá tiền lương: sau khi xây dựng đơn giá tiền lương theo các phương pháp nêu trên, trước khi thực hiện, công ty phải đăng ký đơn giá tiền lương với đại diện cơ quan sở hữu, cụ thể:
- Đối với công ty không có Hội đồng quản trị thì đăng ký với Bộ quản lý ngành hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
- Đối với công ty có Hội đồng quản trị, các đơn vị thành viên xây dựng đơn giá tiền lương, gửi Tổng giám đốc, giám đốc công ty tổng hợp và báo cáo Hội đồng quản trị thông qua.
c) Quy chế trả lương:
- Công ty có trách nhiệm xây dựng quy chế trả lương theo quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, khuyến khích người có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, năng suất lao động cao, đóng góp nhiều cho công ty.
- Khi xây dựng quy chế trả lương phải có sự tham gia của Ban Chấp hành Công đoàn công ty, đồng thời phổ biến đến từng người lao động và đăng ký với đại diện chủ sở hữu trước khi thực hiện.
- Công ty được trích quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do Tổng giám đốc, giám đốc quyết định sau khi có ý kiến của BCH Công đoàn công ty nhưng không quá 17% quỹ lương thực hiện.
- Trường hợp chi vượt quỹ tiền lương thực hiện thì công ty phải hoàn trả phần tiền lương đã vượt chi từ qũy tiền lương thực hiện của năm liền kề.
Đối với Doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp FDI
Nhà nước không có hướng dẫn phương pháp xây dựng đơn giá tiền lương mà nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp thực hiện về tiền lương đối với người lao động theo Nghị định 114/2002/NĐ-CP và các Thông tư số 13, số 14/2003/ TT-BLĐTBXH:
- Xây dựng, ban hành và đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương áp dụng trong doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính. Trường hợp sửa đổi, bổ sung hệ thống thang lương, bảng lương thì doanh nghiệp phải đăng ký phần sửa đổi, bổ sung đó.
- Xây dựng, ban hành phụ cấp lương, hệ thống định mức lao động, quy chế trả lương, tiền thưởng, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân, chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức để áp dụng trong doanh nghiệp.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động cho phù hợp với những nội dung quy định nêu trên.
- Thông báo công khai, kịp thời đến người lao động, các chế độ, chính sách của Nhà nước về lao động, tiền lương, thu nhập; các quy định của doanh nghiệp về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương; tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân; chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức, định mức lao động; quy chế trả lương, tiền thưởng.
Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế trả lương, khuyến khích người lao động nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tài năng đảm bảo hài hoà giữa lợi ích doanh nghiệp và người lao động./.