Ứng dụng blockchain vào lĩnh vực kế toán, kiểm toán

TT Thanh Qúy

Member
Hội viên mới
Blockchain được coi là một bước đột phá về công nghệ, được thiết lập để tạo ra những biến đổi trong công việc kế toán và kiểm toán. Nhưng công nghệ này hoạt động như thế nào và có tính ứng dụng ra sao? là vấn đề đang đặt ra.

kiemtoan.jpg

1. Blockchain là gì?

Blockchain là một công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự như cuốn sổ cái kế toán của một công ty. Trong trường hợp này, Blockchain là một cuốn sổ cái kế toán hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Blockchain sở hữu tính năng đặc biệt đó là truyền tải dữ liệu không đòi hỏi một trung gian để xác nhận thông tin. Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Đây là một hệ thống bảo mật an toàn cao trước khả năng bị đánh cắp dữ liệu. Ngay cả khi một phần của hệ thống Blockchain sụp đổ, những máy tính và các nút khác sẽ tiếp tục bảo vệ thông tin và giữ cho mạng lưới tiếp tục hoạt động.

Có thể nói, công nghệ Blockchain là sự kết hợp giữa 3 loại công nghệ: (1) Mật mã học: Sử dụng public key và hàm hash function để đảm bảo tính minh bạch, toàn vẹn và riêng tư; (2) Mạng ngang hàng: Mỗi một nút trong mạng được xem như một client và cũng là server để lưu trữ bản sao ứng dụng; (3) Lý thuyết trò chơi: Tất cả các nút tham gia vào hệ thống đều phải tuân thủ luật chơi đồng thuận (PoW, PoS…) và được thúc đẩy bởi động lực kinh tế.


2. Blockchain hoạt động như thế nào?

Blockchain là một sổ cái duy nhất ghi lại các giao dịch giữa các tổ chức, nhà cung cấp và khách hàng của họ. Khi dữ kiệu được đưa vào các “khối” liên kết, chúng tạo ra một “hồ sơ hoạt động” và khi các thông tin được bổ sung, các chuỗi khối được thiết lập.

Mọi người có quyền tham gia Blockchain có thể xem cùng một thông tin trong thời gian thực. Bạn có thể xem ai đã thêm dữ liệu vào mỗi khối và việc này được thực hiện vào thời điểm nào. Các khối này không thể bị xóa bỏ hoặc thay đổi. Tất cả người dùng Blockchain đều sở hữu và có trách nhiệm duy trì chuỗi khối đó, thay vì việc chỉ có một người kiểm soát duy nhất.

Trong một Blockchain bảo mật, người dùng Blockchain quyết định ai có thể tham gia sổ cái và các cấp độ truy cập của những người này.Một vài thông tin có thể được mã hóa để bảo vệ tính bảo mật thương mại. Một công ty có thể có một Blockchain với nhà cung cấp, với khách hàng, ngân hàng và với cơ quan thuế của họ.


3. Ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán

Có một điều có thể mọi người ít biết đến hơn đó là công nghệ Blockchain mang tầm ảnh hưởng lớn đến ngành Kế toán, Kiểm toán và chắc chắn là một xu hướng công nghệ mà các chuyên viên trong ngành Tài chính – Kế toán – Kiểm toán không thể xem nhẹ trong bối cảnh phát triển như vũ bảo của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Cụ thể:

Thứ nhất, ứng dụng Blockchain có thể giúp bảo mật thông tin kế toán.

Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống Blockchain đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.

Bằng cách tạo ra một sổ cái duy nhất trên một mạng lưới máy tính; các công ty, khách hàng, ngân hàng và cơ quan thuế của họ ghi chép và chia sẻ thông tin. Khi bất kỳ người nào trong số họ thêm thông tin, sổ cái sẽ tự động xác minh và điều chỉnh dữ liệu. Mỗi bên có liên quan không cần duy trì sổ cái riêng của họ, nhờ đó các kế toán viên sẽ không phải thực hiện tất cả việc xử lý và điều chỉnh giao dịch. Chuỗi khối tạo ra một hồ sơ truy nguyên theo thời gian thực, do vậy nếu công nghê Blockchain được chấp nhận rộng rãi, vai trò của các kiểm toán viên trong việc xác minh các giao dịch được thực hiện trong Blockchain sẽ không còn cần thiết.


Thứ hai, ứng dụng Blockchain giúp giảm thiểu khả năng xảy ra sai phạm kinh tế.

Công nghệ Blockchain trong Kế toán – Kiểm toán làm giảm phần lớn khả năng xảy ra sai sót khi đối chiếu các thông tin phức tạp và khác biệt từ nhiều nguồn khác nhau. Hơn nữa, hồ sơ kế toán sẽ không thể chỉnh sửa và thay đổi một khi đã được lưu vào Blockchain, ngay cả khi chủ sở hữu hệ thống kế toán yêu cầu. Bởi trên nền tảng Blockchain, mọi giao dịch hàng ngày được ghi chép lại và xác thực, do đó tính vẹn toàn của các hồ sơ tài chính được đảm bảo.

Blockchain có thể làm giảm các sai sót và gian lận kế toán. Khi một khối dữ liệu được thêm vào chuỗi, phần còn lại của mạng lưới phải xác minh dữ liệu đó. Khi bạn thực hiện giao dịch trên chuỗi, tất cả các máy tính trong mạng lưới sẽ xác định bạn và kiểm tra xem bạn có quyền giao dịch hay không. Vì vậy, nếu cần phải trả 100 USD mà bạn chỉ chuyển 50 USD do nhầm lẫn, các khối khác sẽ chỉ ra sai sót đó.


Thứ ba, an ninh mạng được thắt chặt nhờ công nghệ Blockchain.

Một hacker sẽ phải xâm nhập vào toàn bộ mạng máy tính cùng một lúc để thực hiện bất kỳ thiệt hại nào. Nếu chỉ tấn công một máy tính, những máy tính khác trong mạng lưới sẽ có thể phát hiện và phản ứng với việc tấn công.

Một vài ứng dụng khác của công nghệ Blockchain trong ngành Kế toán – Kiểm toán có thể đề cập đến là: Bằng chứng kiểm toán có thể theo dõi; Quá trình kiểm toán tự động; Xác thực giao dịch; Theo dõi quyền sở hữu tài sản; Hợp đồng thông minh; Hệ thống đăng ký và kiểm kê đối với mọi tài sản nào, từ nguyên liệu đến sở hữu trí tuệ.


4. Giải pháp ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán

Nghiên cứu của Juniper Research dự báo, vào năm 2030, áp dụng công nghệ Blockchain có thể giúp các tổ chức tài chính tiết kiệm hơn 27 tỷ USD. Các giải pháp ứng dụng cho các DN Việt Nam nói chung và lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng có thể được đặt ra, bao gồm:

Một là, cập nhật công nghệ Blockchain cho các kế toán viên, kiểm toán viên thông qua các chương trình đào tạo.

Để phát huy ứng dụng của công nghệ này trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, các kế toán viên, kiểm toán viên là những người cần am hiểu về ứng dụng này. Với mục tiêu dẫn đầu công nghệ trong các tổ chức tài chính trên thế giới, năm 2018, PwC đã công bố dịch vụ kiểm toán mới của mình dựa trên nền tảng công nghệ này nhằm khuyến khích khách hàng tiếp cận với giải pháp mới, cho phép người sử dụng dịch vụ có thể xem, kiểm tra và theo dõi các giao dịch trên Blockchain sát với thời gian thực.

Bên cạnh PwC, Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales cũng đã đưa Blockchain và một số xu hướng công nghệ then chốt khác vào nội dung đào tạo của mình. Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội do sự phát triển này mang lại, các kế toán viên, kiểm toán viên phải cập nhật xu hướng của những thay đổi này đối với ngành, làm quen với các khái niệm mới như dữ liệu lớn (Big Data), mật mã, hệ thống sổ cái (Blockchain), hệ thống thanh toán, thanh toán qua các thiết bị di động và các nền tảng mới kết nối giữa các nhà cung cấp và người sử dụng dịch vụ tài chính...

Như vậy, để tạo lợi thế cạnh trạnh cho bản thân trong lĩnh vực kế toán- kiểm toán trong thị trường lao động tương lai, ngoài những kiến thức chuyên môn, cần cập nhật những thông tin về công nghệ cũng như những ứng dụng mới vào trong môi trường làm việc của ngành.


Hai là, xây dựng các công ty cung cấp ứng dụng công nghệ Blockchain trong kế toán, kiểm toán.

Thời gian gần đây, nhiều DN bắt đầu quan tâm đến việc áp dụng Blockchain trong phạm vi nào, mang giá trị kinh doanh ra sao, bắt đầu từ đâu, và làm như thế nào. Thực tế hiện nay, công cụ lập trình của các dự án Blockchain còn hạn chế, gây khó khăn trong việc hiện thực hóa các ý tưởng ứng dụng công nghệ chuỗi khối. Các dự án Blockchain tiên tiến cần giải quyết vấn đề này, cần những công cụ lập trình hoàn chỉnh để hỗ trợ các nhà phát triển ứng dụng. Với mục tiêu phá vỡ các rào cản trong việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cho các DN, cần có các tổ chức chuyên nghiệp để cung cấp các dịch vụ, nền tảng công nghệ và công cụ để hỗ trợ các DN truyền thống tại Việt Nam tiếp cận công nghệ Blockchain một cách an toàn, nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Điển hình, một số DN khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam như: Công ty Vakaxa, AChain , Kambaria, Kyber Network… đã xây dựng những nền tảng Blockchain hoạt động hiệu quả, thu hút được sự quan tâm và đầu tư lớn của cộng đồng Blockchain trên toàn thế giới. Đây là cơ hội cho Việt Nam đón đầu ứng dụng công nghệ Blockchain, nhằm cắt giảm các chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp các DN Việt Nam cạnh tranh với các DN nước ngoài.


Ba là, ứng dụng Blockchain trên các phần mềm kế toán

Hiện nay, việc sử dụng phần mềm kế toán trong hoạt động không còn xa lạ với bất cứ DN nào ở Việt Nam. Việc kết hợp công nghệ Blockchain trên các phần mềm kế toán sẽ giúp công tác kế toán tại các DN tối ưu hóa tính bảo mật, an toàn và minh bạch của các thông tin kế toán. Gần đây nhất, việc ứng dụng của công nghệ Blockchain đã được triển khai trên phần mềm hóa đơn điện tử. Đi tiên phong trong dịch vụ phát triển giải pháp và ứng dụng công nghệ Blockchain trên phần mềm hóa đơn điện tử là MISA. MISA phát triển MeInvoice.vn – Giải pháp hóa đơn điện tử đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ Blockchain giúp gia tăng tính bảo mật, an toàn và minh bạch của hóa đơn cho DN. Công nghệ Blockchain trên MeInvoice được hiểu như một cuốn sổ cái, ghi nhận toàn bộ trạng thái và cập nhật đầy đủ thông tin về hóa đơn cho các bên tham gia đều có thể kiểm tra và xác thực thông tin. Trong thời gian tới, các công ty phần mềm kế toán nên khai thác sâu hơn các ứng dụng của Blockchain không chỉ trên phần mềm hóa đơn điện tử mà trên các phần mềm kế toán.

Tóm lại, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang "bùng nổ" ở Việt Nam, kế toán viên và kiểm toán viên cân nhắc cách thức làm việc và có thể cung cấp cho khách hàng những sản phẩm công việc có giá trị cao hơn liên quan đến hiểu biết sâu sắc và suy nghĩ chiến lược. Blockchain có thể mở ra rất nhiều cánh cửa cơ hội cho ngành Kế toán – Kiểm toán trong tương lai.


Tài liệu tham khảo:
- Tạp chí tài chính.



 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top