Ðề: Tổng Giám Đốc của 02 Công Ty???
+ "Tôi nhờ tòa soạn giải đáp dùm tôi 1 vài vấn đề mà tôi chưa biết hỏi ai, và cũng không tìm thấy trong bất cứ tài liệu nào. Hiện tôi đang làm giám đốc 1 công ty, có một người bạn rủ tôi mở một công ty nữa và sẽ kiêm luôn giám đốc công ty mới. Như vậy tôi sẽ làm giám đốc 2 công ty, điều này có sai luật không? Trong đó có một công ty TNHH có vốn của chính bản thân, một công ty CP thì không có cổ phần, tuy nhiên cả hai công ty bản thân đều là người đại diện theo pháp luật của công ty và có được làm chủ tài khoản của 2 công ty không?
Trả lời:
Thư của bạn không nói rõ bạn làm Giám đốc loại hình công ty nào? Số vốn góp của bạn trong công ty là bao nhiêu %, do đó chúng tôi trả lời chung cho bạn như sau:
1. Căn cứ vào Điều 57, Điều 70 và Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định về tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty như sau:
- Đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người:
+ Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của luật này;
+ Là cá nhân sở hữu ít nhất 10% vốn điều lệ của công ty hoặc người không phải là thành viên, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh.
Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ thì ngoài các tiêu chuẩn điều kiện trên, Giám đốc không được là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ
- Đối với Công ty TNHH 1 thành viên thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người:
+ Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật này; ví dụ như: cán bộ, công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam; Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người bị được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác; người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Tòa án cấm hành nghề kinh doanh …
+ Không phải là người có liên quan của thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, người có thẩm quyền trực tiếp bổ nhiệm người đại diện theo uỷ quyền hoặc Chủ tịch công ty;
- Riêng đối với Công ty cổ phần thì ngoài các tiêu chuẩn quy định của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, tại khoản 2 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2005 còn quy định Giám đốc hoặc Tổng giám đốc Công ty cổ phần không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc Doanh nghiệp khác.
Như vậy có nghĩa là bạn chỉ có thể đồng thời làm Giám đốc của 2 công ty TNHH nhưng bạn không thể đồng thời vừa làm Giám đốc của 1 công ty TNHH vừa làm Giám đốc của một công ty cổ phần.
2. Vấn đề làm chủ tài khoản của 2 công ty, về nguyên tắc là do đại diện theo pháp luật của công ty làm chủ hoặc quản lý. Do đó, một khi bạn không thể làm Giám đốc đại diện theo pháp luật của 2 công ty thì bạn cũng không thể làm chủ tài khoản của 2 công ty được.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
( Vietbao.net)
Theo mình biết khi một người đứng ra làm giám đốc đồng thời cả hai công ty TNHH thì một khi có phát sinh các nghiệp vụ kinh tế liên quan giữa 2 công ty này phải thể hiện trong báo cáo tài chính. Nó được xem là các công ty có liên quan đến nhau dù rằng hoàn toàn độc lập và được hiểu giống như là quan hệ mua bán giữa công ty mẹ và công ty con hay các công ty trong cùng một tập đoàn. Theo cơ quan thuế thì khi 1 người có quyền quyết định tới các hoạt động kinh doanh của 2 công ty khác nhau thì sẽ dễ dẫn đến các vấn đề về giá như: nâng giá, giảm giá... cho nên các nghiệp vụ kinh tế nếu có xảy ra phải được thể hiện trên báo cáo tài chính để cơ quan thuế xem xét.
Thân