Thị trường phi lý trí - chuyện đâu chỉ ở Việt Nam!

Thu Thao Tran

Member
Hội viên mới
Sau một thời gian tăng trưởng ngoạn mục, với VN-index có lúc lên tới gần 1,200 điểm, thị trường chứng khoán VN đang trải qua một quá trình rơi tự do chưa biết khi nào tới đáy. Giờ đây nhìn lại, nguyên nhân chính được đưa ra để giải thích cho sự biết động bất thường này là: thị trường của chúng ta còn non trẻ, các nhà đầu tư còn thiếu chuyên nghiệp nên mới ra nông nỗi này. Điều đó chắc chẳng ai phản đối. Nhà đầu tư “Ta” thiếu chuyên nghịêp thì rõ rồi. Nhưng nhà đầu tư “Tây” thì sao? Trong lúc chờ đợi thị trường khởi sắc trở lại, ta thử cùng nhau ngó qua gã khổng lồ Hoa Kỳ, nơi có thị trường chứng khoán phát triển nhất thế giới, để thấy đôi khi họ cũng giống như ta, cũng có những quyết định mà sau khi nhìn lại thì không thể lý giải được. Âu cũng là một chút an ủi, để những nhà đầu tư còn chưa kịp rút chân ra thấy bớt cô đơn.
6.chungkhoan9-5-08-va.jpg


Từ hiệu ứng “dotcom”…

Hẳn chúng ta còn nhớ giai đoạn hoàng kim của ngành kinh doanh internet trong khoảng thời gian 1995-2000. Sự lên ngôi của ngành công nghệ cao này đã tạo ra một làn sóng sùng bái tất cả những gì có dính dáng tới “dotcom”. Không bỏ lỡ cơ hội này, rất nhiều doanh nghiệp tại Mỹ thời điểm đó đã thực hiện chiến thuật gán thêm vào tên của mình một cái đuôi “.com”. Nghe có vẻ như chuyện tầm phào, nhưng thực ra các doanh nghiệp đó có cái lý của họ. Cooper, Dimitrov, và Rau (2001) đã tiến hành một nghiên cứu thực nghiệm về hiệu quả của chiến thuật “thay tên đổi họ” này. Kết quả thật bất ngờ: trong giai đoạn bùng nổ nhất của ngành công nghệ internet (1998-1999), chỉ với việc gán thêm vào tên một công ty bất kỳ cái đuôi “.com” (ví dụ từ hanoi đổi thành hanoi.com) thì giá trị cổ phiếu trung bình ngay lập tức tăng khoảng 20%. Khôi hài hơn, giá cổ phiếu tăng cả đối với những công ty mà hoạt động chẳng có liên quan gì tới internet cả [1].

Sau khi quả bóng dotcom nổ tung vào khoảng giữa năm 2000 thì người ta lại được chứng kiến một làn sóng ngược lại. Rất nhiều công ty đang có tên với đuôi “.com” lại loại bỏ cái đuôi mà họ vừa mới cất công thêm vào. Những tưởng các nhà đầu tư đã có một bài học nhớ đời không lâu trước đó. Nhưng không, cũng như lần trước, chỉ bằng hành động loại bỏ cái đuôi “.com”, giá cổ phiếu của các công ty này lại ngay lập tức tăng với mức trung bình khoảng 10%. Và lần này cũng vậy, hiệu ứng dotcom xảy ra với cả những công ty không liên quan gì tới ngành kinh doanh internet [2].

…đến cú IPO lịch sử của 3Com [3]

3Com là một công ty Mỹ chuyên cung cấp các sản phẩm máy tính điện tử xách tay và các dịch vụ mạng, hoạt động rất hiệu quả với trụ sở tại nhiều quốc gia trên thế giới. Một trong những công ty con của 3Com là Palm. Ngày 2/3/2000, 3Com bán một phần chi nhánh Palm (5%) ra công chúng dưới hình thức một cuộc IPO. Đồng thời, 3Com công bố trước khi IPO rằng 95% số cổ phần còn lại của Palm sẽ được chia cho các cổ đông của 3Com vào thời điểm cuối năm 2000. Khi đó cổ đông nắm giữ mỗi cổ phiếu của 3Com sẽ được nhận 1,5 cổ phiếu của Palm. Như vậy, một nhà đầu tư muốn nắm giữ 1,5 cổ phiếu của Palm có thể có hai cách: (1) trực tiếp mua 1,5 cổ phiếu của Palm trên thị trường; hoặc (2) mua 1 cổ phiếu của 3Com và đợi đến cuối năm 2000 sẽ nhận được 1,5 cổ phiếu của Palm. Lưu ý là nếu mua 1 cổ phiếu của 3Com thì ngoài việc sẽ nhận được 1,5 cổ phiếu của Palm, nhà đầu tư còn được hưởng lợi từ các tài sản khác của 3Com nữa (Palm chỉ là một trong số nhiều chi nhánh của 3Com). Như vậy, chẳng cần tính toán phức tạp cũng có thể suy ra rằng giá một cổ phiếu 3Com ít nhất sẽ bằng 1,5 giá cổ phiếu Palm (nếu không muốn nói là phải cao hơn). Thực tế thì sao?

Tại ngày giao dịch đầu tiên sau IPO, giá đóng cửa của cổ phiếu Palm là $95.06/cổ phiếu. Theo logic nêu trên, giá trị cổ phiếu của 3Com ít nhất phải là $145/cổ phiếu (gấp 1,5 lần giá cổ phiếu Palm). Tuy nhiên, trên thực tế giá đóng cửa của 3Com ngày hôm đó là $81,81/cổ phiếu. Như vậy, nếu ta coi giá trị của 3Com bao gồm 1,5 lần giá trị của Palm cộng với giá trị phần còn lại của 3Com (ngoài Palm), thì có thể thấy giá trị phần còn lại của 3Com là âm $63/cổ phiếu, tương đương với tổng giá trị âm 22 tỷ đô la, một mức giá “không tưởng”. Ngay cả một người không hiểu biết nhiều về tài chính cũng có thể nhìn thấy cơ hội kiếm một khoản lợi nhuận arbitrage khổng lồ ở đây. Chỉ đơn giản bán khống (short-sell) 1,5 cổ phiếu Palm, thu được $143, dùng $81,81 mua 1 cổ phiếu 3Com và đợi đến cuổi năm sẽ có 1,5 cổ phiếu Palm để trả nợ, vậy là có thể đút túi $61 với mức rủi ro gần như bằng không.

Điều gì đang xảy ra với cổ phiếu của 3Com và Palm? Phải chăng các nhà đầu tư thiếu thông tin nên không nhận ra sự bất hợp lý này? Không hẳn, ngay sau ngày IPO, câu chuyện kỳ lạ này đã lập tức lan truyền trong công chúng đầu tư. Hai tạp chí tài chính hàng đầu Wall Street Journal và New York Times đều có bài viết về câu chuyện này. Mặc dù vậy, sự bất hợp lý này còn tiếp tục kéo dài cho tới tận vài tuần trước khi 3Com chính thức chia cổ phiếu của Palm cho các cổ đông của mình vào ngày 27/7/2000. Như vậy, có thể thấy quy luật một giá đã bị vi phạm nghiêm trọng trong trường hợp này; hơn thế nữa, sự vi phạm này còn kéo dài trong nhiều tháng - một thách thức không nhỏ cho những ai ủng hộ quan điểm thị trường hiệu quả.

Và cả những nhầm lẫn khó tin [4]

Castle Convertible Fund hay Czech Value Fund?

Ngày 15/4/1997 là một ngày không thể quên đối với Castle Convertible Fund, một quỹ đầu tư niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ (AMEX) với mã số CVF. Trước đó một ngày (14/4/1997), giá đóng cửa cổ phiếu Quỹ này là $24. Cho đến 12h45 ngày 15/4/1997, mọi việc vẫn diễn ra bình thường, giá cổ phiếu của Quỹ này được giao dịch ở mức $24,63. Nhưng chỉ trong vòng 22 phút sau đó, giá cổ phiếu này đột nhiên giảm xuống chỉ còn $16,75 (giảm 30%). Quá đỗi kinh ngạc, các nhà quản lý Quỹ này đã phải lập tức tổ chức họp báo gấp để công bố không có bất kỳ một sự kiện bất thường nào xảy ra đối với Quỹ, vì thế không có lý do gì để giá cổ phiết sụt giảm một cách bất thường như vậy. Kết quả của hành động kịp thời này là giá cổ phiếu tăng trở lại và kết thúc phiên giao dịch ở mức $23.

Nguyên nhân của sự kiện này sau đó được tìm ra. Vào ngày thứ Sáu của tuần trước đó, trên tạp chí Financial Times có đăng một bài báo về một vụ gian lận dẫn tới thua lỗ lớn của một quỹ khác có tên Czech Value Fund. Tuy nhiên, trong bài báo đó tên của quỹ này được viết tắt là CVF. Hậu quả là một số nhà đầu tư “nghe hơi nồi chõ” vội vàng ồ ạt bán ra, tạo nên một ngày đầy sóng gió cho Castle Convertible Fund.

Tele-Communications Inc. hay Transcontinental Realty Investors Inc.?

Ngày 24/6/1998, AT&T công bố mua lại tập đoàn Tele-Communications Inc. sau một thời gian đàm phán với giá 45,8 triệu đô la. Thông tin này ngay lập tức khiến cho cổ phiếu có mã số giao dịch TCI tăng 4,3%, với khối lượng giao dịch đạt mức 50.100 cổ phiếu (gấp 37 lần khối lượng giao dịch bình quân thường ngày của cổ phiếu này). Nhưng thật không may cho những cổ đông đã nhanh chân mua TCI, cổ phiếu của Tele-Communications Inc. thực ra được giao dịch trên sàn Nasdaq với mã số TCOMA, còn TCI là mã số của Transcontinental Realty Investors Inc., một quỹ đầu tư bất động sản nhỏ với giá trị thị trường chỉ là 63 triệu đô la, và niêm yết trên thị trường chứng khoán New York. Sự nhầm lẫn chết người này có lẽ bắt nguồn từ việc các nhà đầu tư vẫn quen gọi tắt Tele-Communications Inc. là “TCI” mặc dù mã số niêm yết chính thức của nó là TCOMA.

Điều đáng ngạc nhiên là một sự nhầm lẫn tương tự cũng đã xảy ra với chính hai công ty này 5 năm trước đó. Ngày 13/10/1993, tập đoàn Bell Atlantic Corp. công bố chuẩn bị mua lại Tele-Communications Inc. với giá 21,4 tỷ đô la (vụ sáp nhập này sau đó không thành). Ngay sau khi tuyên bố được đưa ra, khối lượng giao dịch cổ phiếu TCI tăng vọt lên mức 178.050 cổ phiếu, tương đương 72 lần mức giao dịch bình quân thường ngày. Cho đến khi các nhà quản lý thị trường chứng khoán New York nhận ra sự nhầm lẫn này thì giá cổ phiếu TCI đã tăng 15% so với ngày hôm trước. Cuối cùng, sau khi thông tin được cải chính, mức giá đóng cửa của TCI giảm 2% so với giá đóng cửa ngày hôm trước.

MCI hay MCIC?

MCI Communications từng là một công ty lớn trong ngành viễn thông tại Mỹ, với giá trị thị trường vài chục tỷ đô la. MCI Communication niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq với mã số MCIC. Còn Massmutual Corporate Investors là một quỹ hỗ tương nhỏ, với giá trị tài sản ròng khoảng 200 triệu đô la. Cổ phiếu của Massmutual Corporate Investors được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York với mã số MCI. Trong danh mục đầu tư của mình, Massmutual Corporate Investors chưa bao giờ nắm giữ cố phiếu của MCI Communications cũng như của bất kỳ một công ty lớn nào trong ngành viễn thông.

Mặc dù hầu như chẳng có điểm gì chung giữa hai doanh nghiệp này, nhưng sự giống nhau về mã số đã gây ra nhầm lẫn cho các nhà đầu tư. Trong khoảng thời gian từ 1996 đến 1997, MCI Communications tiến hành một loạt đàm phán về khả năng sáp nhập với một số công ty khác trong ngành viễn thông (cuối cùng thì WorldCom đã mua lại công ty này). Trong suốt thời gian đàm phán hơn một năm này, hầu như mỗi thông tin liên quan đến tiến trình đàm phán của MCIC đều kéo theo giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu của MCI biến động cùng chiều (nếu khối luợng giao dịch và giá MCIC tăng/giảm thì khối lượng giao dịch và giá MCI cũng tăng/giảm). Hơn nữa, giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch của MCI chỉ biến động cùng chiều với MCIC chứ không biến động cùng chiều với các đại gia khác trong ngành viễn thông. Hiện tượng này sau đó được giải thích bởi sự nhầm lẫn trong thời gian dài của một số nhà đầu tư. Thay vì đặt lệnh mua/bán MCI Communications (mã số MCIC) thì họ lại đặt lệnh mua/bán Massmutual Corporate Investors (mã số MCI).

Trên đây là một số ví dụ về những hành vi được cho là phi lý trí của các nhà đầu tư trên các thị trường chứng khoán Mỹ. Ngẫm ra cũng có nhiều điểm chung với những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua. Như đã đề cập trong lời giới thiệu, mục đích của bài viết chỉ là cung cấp một số thông tin nhằm mục đích thư giãn cho bạn đọc là chính. Còn việc có nên coi những sự việc “mắt thấy tai nghe” như trên là bằng chứng chống lại thuyết thị trường hiệu quả hay không vượt quá phạm vi bài viết này.

Theo vinacorp.vn
 
ở VN thị trường chứng khoán đâu có theo quy luật đâu, mọi người đánh theo tâm lý đám đông thấy mua nhiều là mua theo, không theo quy tắc gì cả
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top