Tập trung kiểm tra lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn

Thu Thao Tran

Member
Hội viên mới
Công tác chống thất thu thuế đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, nhà hàng, khách sạn…
lo hong.jpg
Công tác chống thất thu ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn góp phần chống thất thu cho ngân sách, tạo sự công bằng trong kinh doanh.
Đang được Cục Thuế Thái Nguyên triển khai quyết liệt và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng. Quá trình triển khai cho thấy, vẫn còn những doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa chấp hành nghiêm pháp luật thuế, cần tăng cường công tác kiểm tra cũng như tuyên truyền để tạo sự tự giác, đồng thuận. Ông Phạm Văn Chức – Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

* PV: Qua 4 tháng thực hiện công tác chống thất thu thuế theo Quyết định 1353 của Bộ Tài chính, Cục Thuế Thái Nguyên đã thu được những kết quả gì, thưa ông?

- Ông Phạm Văn Chức: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, Cục Thuế Thái Nguyên đã giao chỉ tiêu, kế hoạch kiểm tra về từng chi cục thuế các huyện, thành phố, thị xã đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan quyết liệt vào cuộc.

Cục Thuế Thái Nguyên đã phối hợp với các ngành chức năng thành lập Đoàn Kiểm tra chống thất thu thuế, thực hiện kiểm tra tại 18 doanh nghiệp và 195 hộ kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Đoàn đã phát hiện 8 doanh nghiệp vi phạm kê khai thuế, truy thu với số tiền 1,65 tỷ đồng; số phát sinh giảm lỗ giảm khấu trừ là 1,57 tỷ đồng; 10 hộ kinh doanh có thay đổi về doanh thu khoán trên 50% với mức thuế thay đổi là 276 triệu đồng.

Qua công tác chống thất thu ở lĩnh vực này, cán bộ thuế phát hiện còn nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thuế. Các đơn vị kinh doanh trốn thuế bằng cách kê khai tăng chi phí, kê khai thiếu doanh thu cung cấp dịch vụ, hoặc khi khách hàng có nhu cầu đòi hóa đơn thì tính thêm một khoản riêng.

Lợi dụng thói quen đi ăn uống, nghỉ dưỡng tại các nhà hàng, khách sạn người dân không lấy hóa đơn khi thanh toán, các nhà hàng, khách sạn không xuất hóa đơn đồng nghĩa với việc không kê khai doanh thu với cơ quan thuế.

Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ chủ yếu là ngoài giờ hành chính, đối tượng là khách vãng lai. Do vậy, để quản lý được doanh thu của các nhà hàng khách sạn là rất khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành.

* PV: Qua đợt tăng cường kiểm tra vừa qua, ông đã rút ra được những kinh nghiệm gì trong công tác phối hợp chống thất thu?

- Ông Phạm Văn Chức: Đạt được kết quả trên là nhờ có sự chỉ đạo kịp thời và sát sao của Tổng cục Thuế, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành liên quan và sự nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ công chức thuế Thái Nguyên trong công tác chống thất thu thuế đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại, ăn uống, dịch vụ.

Qua 4 tháng triển khai, Cục Thuế đã xác lập lại nguồn thu ở các lĩnh vực theo hướng sát thực tế cũng như nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh để có hướng tháo gỡ.

Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền, vận động trực tiếp đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện kiểm tra nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, tự giác cung cấp thông tin, kê khai nộp thuế đúng với thực tế. Sự tự giác của người nộp thuế được nâng lên, góp phần thực hiện pháp luật thuế khách quan, công bằng, bình đẳng giữa những người nộp thuế trên địa bàn. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để cơ quan thuế hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao.

* PV: Để công tác chống thất thu đạt hiệu quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, Cục Thuế Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện những biện pháp gì, thưa ông?

- Ông Phạm Văn Chức: Trong thời gian tới, để công tác chống thất thu thuế trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả hơn nữa, Cục Thuế Thái Nguyên tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tập trung kiểm tra, rà soát các hộ kinh doanh ăn uống, nhà nghỉ trên địa bàn, để xác định chính xác doanh thu, thu nhập thực tế, từ đó tiến hành điều chỉnh thuế và đưa hộ kinh doanh vào quản lý thu thuế. Cơ quan thuế tăng cường kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở của doanh nghiệp.

Đồng thời, chúng tôi sẽ chủ động khai thác dữ liệu hồ sơ khai thuế hàng tháng, quý của người nộp thuế, kiểm tra tính trung thực, xác định chính xác số liệu trên hồ sơ khai thuế, kịp thời phát hiện những sai sót trong hồ sơ để yêu cầu người nộp thuế giải trình, bổ sung điều chỉnh kịp thời.

Cục Thuế cũng sẽ tăng cường nhân lực, tập trung kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế đảm bảo hoàn thành kế hoạch kiểm tra đã được Tổng cục Thuế giao; giám sát chặt chẽ các đoàn kiểm tra, các cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra để đảm bảo đúng quy trình.

Đặc biệt, ngành Thuế sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền phổ biến pháp luật thuế đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để họ hiểu và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế của đơn vị, người dân nâng cao trách nhiệm trong việc lấy hóa đơn thanh toán có thuế giá trị gia tăng mỗi khi đến ăn, uống, nghỉ dưỡng tại các nhà hàng, khách sạn.

* Xin cảm ơn ông!

Văn Tuấn – Lệ Quyên (thực hiện) - Thời báo tài chính Việt Nam
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top