Hướng dẫn kê khai, nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo tháng, quý
I. CÁC THÔNG TIN CHUNG
1. Kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Người nộp thuế
Tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (gọi chung là cơ sở kinh doanh) có thu nhập chịu thuế là người nộp thuế TNDN.
Các hộ gia đình và cá nhân nông dân sản xuất hàng hoá lớn, có thu nhập cao từ các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tạm thời không phải nộp thuế cho đến khi có quy định của Chính phủ.
Người không phải nộp thuế
Hộ gia đình, cá nhân nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp có thu nhập từ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản.
Người kê khai thuế
Cơ sở kinh doanh có thu nhập phải kê khai thuế TNDN theo quy định.
Cơ sở kinh doanh chính có nghĩa vụ kê khai thuế phần kinh doanh của mình và của các đơn vị hạch toán phụ thuộc báo sổ. Các đơn vị hạch toán độc lập thuộc cơ sở kinh doanh có nghĩa vụ kê khai thuế riêng.
Cơ sở kinh doanh không phát sinh nghĩa vụ thuế, đang bị lỗ hoặc đang thuộc diện được hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế thì người nộp thuế vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế theo đúng quy định (trừ trường hợp đã chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế).
2. Kỳ tính thuế TNDN
Kỳ tính thuế tạm tính theo quý (3 tháng) được xác định cụ thể như sau:
+ Quý I: Từ 01/01 đến hết ngày 31/3.
+ Quý II: Từ 01/4 đến hết ngày 30/6
+ Quý III: Từ 01/7 đến hết ngày 30/9
+ Quý IV: Từ 01/10 đến hết ngày 31/12
Kỳ tính thuế đầu tiên được tính từ ngày bắt đầu hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế đến ngày cuối cùng của quý. Kỳ tính thuế cuối cùng được tính từ ngày đầu tiên của quý đến ngày kết thúc hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế.
3. Hồ sơ khai thuế
Hồ sơ khai thuế TNDN bao gồm tờ khai thuế và các tài liệu liên quan làm căn cứ để người nộp thuế khai thuế, tính thuế.
Mẫu tờ khai thuế và các mẫu phụ lục kèm theo tờ khai thuế do Bộ Tài chính quy định tại Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14 tháng 6 năm 2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế
Cơ sở kinh doanh có thể liên hệ với các Phòng tuyên truyền hỗ trợ ĐTNT tại các Cục thuế địa phương trực tiếp quản lý để lấy mẫu tờ khai, đĩa CD phần mềm hỗ trợ kê khai hoặc vào trang Web ngành thuế tại địa chỉ [Thành viên mới xem được liên kết. ] để tải (download) phần mềm hỗ trợ kê khai về sử dụng.
4. Nguyên tắc lập tờ khai thuế
- Số tiền ghi trên tờ khai thuế TNDN làm tròn đến đơn vị là đồng Việt Nam, không ghi số thập phân.
- Các số liệu ghi trên tờ khai phải chính xác, rõ ràng, không được tẩy xóa, không được ghi số âm (-).
- Đối với các chỉ tiêu không có số liệu phát sinh trong kỳ tính thuế thì bỏ trống không ghi.
- Tờ khai thuế được coi là hợp lệ khi kê khai theo đúng mẫu quy định, đầy đủ các thông tin định danh theo đăng ký với cơ quan thuế, mã số thuế và có người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh ký tên, có đóng dấu của cơ sở kinh doanh.
- Người nộp thuế không được thay đổi khuôn dạng, thêm, bớt hoặc thay đổi vị trí của bất kỳ chỉ tiêu nào trong tờ khai thuế.
II. HƯỚNG DẪN KHAI THUẾ
1. Khai các chỉ tiêu định danh.
- Chỉ tiêu [01] - Ghi rõ kỳ tính thuế trong năm là tháng hay quý.
- Chỉ tiêu [02] - Ghi chính xác tên người nộp thuế như đã đăng ký trong tờ khai đăng ký thuế, không sử dụng tên viết tắt hay tên thương mại.
- Chỉ tiêu [03] - Ghi đầy đủ mã số thuế của người nộp thuế do cơ quan thuế cấp khi đăng ký thuế.
- Các chỉ tiêu [04], [05], [06]: Ghi đúng theo địa chỉ văn phòng trụ sở của người nộp thuế như đã đăng ký với cơ quan thuế.
- Các chỉ tiêu từ [07] đến [09]: Ghi đầy đủ số điện thoại, số fax, địa chỉ email của người nộp thuế.
2. Khai thuế đối với từng trường hợp cụ thể:
2.1 Khai thuế theo thu nhập thực tế phát sinh
Trường hợp người nộp thuế xác định được doanh thu và chi phí thực tế phát sinh trong kỳ tính thuế thì thực hiện khai thuế TNDN tạm tính theo quý theo mẫu dưới đây:
(Xem Mẫu số: 01A/TNDN Ban hành kèm theo Thông tư số 60/TT-BTC ngày 14/07/2007 của Bộ Tài chính_trong phần Tải xuống)
Ghi chú:
Số thuế TNDN dự kiến được miễn, giảm, người nộp thuế tự xác định theo các điều kiện ưu đãi được hưởng.
Cách xác định các chỉ tiêu trong tờ khai:
- Chỉ tiêu [10] - Doanh thu thực tế phát sinh trong kỳ là tổng doanh thu thực tế phát sinh chưa có thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ bán ra 3 tháng trong kỳ tính thuế, bao gồm: doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác. Chỉ tiêu này được xác định như sau:
+ Doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ là doanh thu thuần từ cung cấp hàng hoá, dịch vụ của cơ sở kinh doanh trong kỳ tính thuế (bao gồm cả doanh thu xuất khẩu, doanh thu bán cho các doanh nghiệp chế xuất và xuất khẩu tại chỗ).
+ Doanh thu hoạt động tài chính là các khoản doanh thu thuần từ hoạt động tài chính bao gồm lãi tiền vay, lãi tiền gửi, tiền bản quyền, thu nhập từ cho thuê tài sản, cổ tức, lợi nhuận được chia, lãi từ bán ngoại tệ, lãi do chuyển nhượng vốn, hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán và doanh thu từ các hoạt động tài chính khác của cơ sở kinh doanh trong kỳ tính thuế.
+ Thu nhập khác là các khoản thu nhập khác ngoài các khoản thu nhập từ hoạt động kinh doanh chính của cơ sở kinh doanh (đã trừ thuế GTGT phải nộp tính theo phương pháp trực tiếp) và thu nhập từ hoạt động tài chính phát sinh trong kỳ tính thuế. Các khoản thu nhập khác bao gồm thu từ nhượng, bán, thanh lý tài sản cố định bao gồm cả thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất quyền thuê đất, thu tiền phạt do các đối tác vi phạm hợp đồng, các khoản tiền thưởng từ khách hàng, quà biếu, quà tặng, các khoản thu nhập của năm trước chưa hạch toán vào thu nhập.
Xác định doanh thu thực tế phát sinh một số trường hợp cụ thể:
+ Đối với các cơ sở kinh doanh làm đại lý bán hàng hưởng hoa hồng, doanh thu thực tế phát sinh là doanh thu theo các tờ khai thuế GTGT trừ đi (-) giá trị của hàng bán đại lý.
+ Cơ sở kinh doanh xuất điều chuyển hàng hoá cho các đơn vị trực thuộc để bán hoặc xuất điều chuyển giữa các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc với nhau..., nếu sử dụng hoá đơn GTGT để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế GTGT ở từng đơn vị và từng khâu độc lập với nhau thì doanh thu thực tế phát sinh không tính phần doanh thu điều chuyển nội bộ.
+ Cơ sở kinh doanh không có các đơn vị hạch toán phụ thuộc, doanh thu thực tế phát sinhđược xác định theo doanh thu trên Tờ khai thuế GTGT các tháng trong quý của cơ sở kinh doanh.
+ Cơ sở kinh doanh có các xí nghiệp, chi nhánh, đơn vị hạch toán phụ thuộc báo sổ, thì doanh thu thực tế phát sinhlà toàn bộ doanh thu trong quý của cả cơ sở kinh doanh chính và doanh thu của các đơn vị, chi nhánh phụ thuộc.
Ví dụ 1:
Công ty B.T có trụ sở chính tại Quảng Ninh, đồng thời có 2 chi nhánh và 1 Xí nghiệp hạch toán phụ thuộc báo sổ ở Hà Nội, Hải phòng, Bắc Ninh.
Các Xí nghiệp, chi nhánh kê khai thuế GTGT tại các Cục thuế Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh. Công ty kê khai thuế TNDN cho các đơn vị phụ thuộc tại Cục thuế Quảng Ninh.
Doanh thu thực tế phát sinh của Công ty B.T là toàn bộ doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ chưa có thuế GTGT của Công ty và 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc.
+ Văn phòng Tổng công ty, công ty không trực tiếp kinh doanh kê khai nộp thuế TNDN cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc báo sổ thì doanh thu thực tế phát sinhlà doanh thu chưa có thuế GTGT (đã trừ doanh thu luân chuyển nội bộ) của các đơn vị phụ thuộc.
Ví dụ 2:
Tổng công ty V. đóng trụ sở chính tại Quảng Ninh, có các đơn vị thành viên (hạch toán độc lập) và đơn vị trực thuộc (hạch toán phụ thuộc báo sổ).
Văn phòng Tổng công ty V không trực tiếp kinh doanh phải kê khai thuế TNDN cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc báo sổ.
Doanh thu thực tế phát sinh của Tổng công ty là doanh thu chưa có thuế GTGT (đã trừ phần doanh thu luân chuyển nội bộ) của các đơn vị trực thuộc Tổng công ty.
- Chỉ tiêu [11] – Chi phí thực tế phát sinh trong kỳlàtoàn bộ các khoản chi phí hợp lý thực tế phát sinh liên quan đến doanh thu thực tế phát sinh trong kỳ tính thuế. Chỉ tiêu này bao gồm: Chi phí sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; Chi phí hoạt động tài chính và các khoản chi phí khác. Chỉ tiêu này được xác định cụ thể như sau:
+ Chi phí sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là toàn bộ các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế tương ứng với doanh thu phát sinh trong kỳ được xác định để tính lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.
+ Chi phí hoạt động tài chính là những khoản chi phí hoạt động tài chính trong kỳ tính thuế, bao gồm các khoản chi phí hoặc các khoản lỗ liên quan đến các hoạt động đầu tư tài chính, chi phí cho vay và đi vay vốn, chi phí góp vốn liên doanh, lỗ chuyển nhượng chứng khoán ngắn hạn, chi phí giao dịch bán chứng khoán, khoản lập và hoàn lập dự phòng, giảm giá đầu tư chứng khoán, đầu tư khác, khoản lỗ về chênh lệch tỉ giá ngoại tệ và bán ngoại tệ.
+ Các khoản chi phí khác là những khoản chi phí của các hoạt động ngoài các hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra doanh thu của doanh nghiệp.
- Chỉ tiêu [12] - Lợi nhuận phát sinh trong kỳ được xác định bằng doanh thu thực tế phát sinh trong quý trừ đi (-) chi phí thực tế phát sinh trong quý, cụ thể: Chỉ tiêu [12] = Chỉ tiêu [10] - Chỉ tiêu [11].
- Chỉ tiêu [13] - Điều chỉnh tăng lợi nhuận theo pháp luật thuế, chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ các điều chỉnh về doanh thu hoặc chi phí được ghi nhận theo chế độ kế toán, nhưng không phù hợp với quy định của Luật thuế TNDN, làm tăng tổng lợi nhuận phát sinh của cơ sở kinh doanh, ví dụ như: chi phí khấu hao TSCĐ không đúng quy định, Chi phí lãi tiền vay vượt mức khống chế theo quy định, chi phí không có hoá đơn, chứng từ theo chế độ quy định, các khoản thuế bị truy thu và tiền phạt về vi phạm hành chính đã tính vào chi phí, chi phí không liên quan đến doanh thu, thu nhập chịu thuế TNDN ...
- Chỉ tiêu [14] - Điều chỉnh giảm lợi nhuận theo pháp luật thuếphản ánh tổng số tiền của tất cả các khoản điều chỉnh dẫn đến giảm lợi nhuận phát sinh trong kỳ tính thuế như: lợi nhuận từ hoạt động không thuộc diện chịu thuế TNDN, giảm trừ các khoản doanh thu đã tính thuế quý trước, chi phí của phần doanh thu điều chỉnh tăng ...
- Chỉ tiêu [15] - Lỗ được chuyển trong kỳlà sốlỗ của kỳ trước và lỗ của các năm trước chuyển sang theo qui định của pháp luật thuế.
- Chỉ tiêu [16] - Thu nhập chịu thuế được xác định bằng lợi nhuận phát sinh trong kỳ cộng với (+) điều chỉnh tăng lợi nhuận theo pháp luật thuế trừ đi (-) điều chỉnh giảm lợi nhuận theo pháp luật thuế và trừ đi (- ) lỗ được chuyển trong quý.
- Chỉ tiêu [17] - Thuế suất thuế TNDN
Theo quy định tại Điều 10 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở kinh doanh, kể cả nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện chế độ kế toán Việt Nam, áp dụng mức thuế suất thuế TNDN là 28%. Cơ sở kinh doanh hoặc dự án kinh doanh thực tế đạt được các điều kiện ưu đãi theo quy định của pháp luật thuế TNDN thì được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10%, 15%, 20% tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.
Đối với các cơ sở kinh doanh đã được cấp Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, nếu còn trong thời hạn được hưởng ưu đãi thuế theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư thì được hưởng mức thuế suất ưu đãi ghi trên Giấy phép, Giấy chứng; nếu hết thời hạn hưởng ưu đãi về thuế theo Giấy phép, Giấy chứng thì nộp thuế thu nhập theo mức thuế suất 25% đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật ĐTNN và mức 28% đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật khuyến khich đầu tư trong nước cho đến hết thời hạn của Giấy phép, Giấy chứng đã cấp.
- Chỉ tiêu [18] - Thuế TNDN dự kiến miễn, giảmlà số thuế dự kiến được miễn giảm của các hoạt động, dự án đủ điều kiện được ưu đãi miễn, giảm trong kỳ vàđược xác định bằng cách lấy tổng thu nhập chịu thuế của các hoạt động, dự án được miễn, giảm quý nhân với (x) thuế suất thuế TNDN nhân với (x) tỷ lệ thuế TNDN được miễn (100%), giảm (50%).
Khi khai số thuế dự kiến miễn giảm, cơ sở kinh doanh phải gửi kèm bản giải trình về: điều kiện được hưởng thuế suất ưu đãi và miễn, giảm; thời hạn áp dụng thuế suất ưu đãi; thời gian được miễn, giảm.
- Chỉ tiêu [19] - Thuế TNDN phải nộp trong kỳ là số thuế TNDN tạm nộp trong kỳ và bằng thu nhập chịu thuế nhân với (x) thuế suất thuế TNDN trừ đi (-) thuế TNDN dự kiến miễn, giảm. Cụ thể: Chỉ tiêu [19] = Chỉ tiêu [16] x Chỉ tiêu [17] - Chỉ tiêu [18].