Phân tích Báo cáo tài chính HVG

Xích Cẩm Tiên

Member
Hội viên mới
Công Ty Cổ Phần Hùng Vương được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2003 tại khu Công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Sau 15 năm hoạt động, Hùng Vương trở thành doanh nghiệp chế biến cá da trơn xuất khẩu lớn nhất Việt Nam và là doanh nghiêp duy nhất ở Việt Nam có quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu và cũng là đơn vị dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Nhưng ít ai ngờ rằng, một doanh nghiệp lớn có tiếng tăm trên sàn chứng khoán với khối tài sản khủng và hàng loạt các thương vụ thâu tóm cổ phần đình đám như Hùng Vương ở thời điểm hiện tại lại phải đang ngụp lặn trong nợ nần, thua lỗ. Giá cổ phiếu HVG giờ chỉ còn bằng giá cốc trà đá.
hv.png
Vừa qua, thủy sản Hùng Vương kết quả kinh doanh quý 3/2019 với số lỗ rất lớn – 129 tỷ đồng – số lỗ lớn theo quý, chỉ thua quý 2/2018 với 174 tỷ đồng. Niên độ tài chính của Hùng Vương bắt đầu tư 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau. Giai đoạn từ 1/4 đến 30/6 hàng năm là quý 3 trong niên độ tài chính của công ty.

hvg dt.png
Cụ thể, doanh thu thuần trong quý đạt 527 tỷ đồng, giảm đến 64% so với cùng kỳ năm 2018. Giá vốn trong kỳ đạt 559 tỷ đồng, giảm 59% nhưng lại có giá trị cao hơn doanh thu, do đó làm cho lợi nhuận gộp sụt giảm nghiêm trọng, âm đến 31 tỷ đồng. Theo giải trình của lãnh đạo công ty thì sự sụt giảm này đến từ nguyên nhân do Công ty đã thoái vốn khỏi Công ty CP TĂCN Việt Thắng, cắt giảm mảng kinh doanh bán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bã nành, bắp, lúa mì ...), tương đương 1.089,3 tỷ đồng và giá cá nguyên liệu giảm mạnh từ 34.000 đồng/kg xuống 18.000 đồng/kg, kéo theo giá xuất khẩu cũng giảm sâu. Từ đó, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 152,5% (tương ứng 92,8 tỷ đồng)

Doanh thu hoạt động tài chính giảm 96,17% (tương ứng 129 tỷ đồng) do khoản lãi 121 tỷ đồng từ việc thoái vốn Công ty CP Thức Ăn Chăn Nuôi Việt Thắng phát sinh trong quý 3 năm 2018. Chi phí tài chính tăng 13,04% (tương ứng 8,7 tỷ đồng) chủ yếu do phân bổ lợi thế thương mại phát sinh từ việc mua 2 công ty thuộc lĩnh vực chăn nuôi (Công ty TNHH Giống Chăn Nuôi Việt Thắng An Giang và Công ty TNHH Giống Chăn Nuôi Việt Thắng Bình Định). Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm với tỷ lệ lần lượt là 25,63% và 19,83% chủ yếu do việc thoái vốn khỏi Công ty CP Hùng Vương Sông Đốc và Công ty CP Địa ốc An Lạc

Ảnh hưởng của các yếu tố trên làm lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 năm 2019 giảm 1.042,79% so với cùng kỳ năm 2018, tương đương giảm 142,7 tỷ đồng.

hvg ts.png
Tại thời điểm 30/6/2019, tổng tài sản của Hùng Vương đạt 8.833 tỷ đồng, tăng 3% so với ngày 1/10/2018. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn 4.226 tỷ đồng, tăng 4% còn hàng tồn kho 1.915 tỷ đồng, tăng nhẹ. TSCĐ và tài sản dở dang dài hạn tăng đáng kể với tỷ lệ tăng lần lượt là 28% và 48%. Nợ ngắn hạn của công ty tăng từ 6.298 tỷ đồng lên 6.842 tỷ đồng, chiếm 77% nguồn vốn, trong đó vay và nợ ngắn hạn 2.880 tỷ đồng, giảm 8%.

Như vậy, với hơn 406 tỷ tiền tồn đầu kỳ, HVG đã vay thêm nợ ngắn hạn để trang trải các khoản phải thu, đầu tư tài sản dài hạn và bù đắp sự sụt giảm VSCH. Cuối kỳ, tiền tồn quỹ chỉ còn 79 tỷ đồng, giảm 80% so với đầu niên độ tài chính.

upload_2019-10-28_17-22-17.png
upload_2019-10-28_17-22-23.png

upload_2019-10-28_17-22-28.png

Tỷ lệ nợ của HVG nhìn từ quý 2-2017 đều rất cao, dao động từ 74%-81% trong khi tỷ lệ nợ bình quân của ngành Thủy sản chỉ nằm ở mức khoảng 67%. Với tỷ lệ nợ cao mà chủ yếu là nợ ngắn hạn, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp là khá thấp, trung bình khoảng 1 lần và cách xa mức an toàn. Khả năng thanh toán lãi vay từ quý 1-2018 đến nay có xu hướng giảm, quý 3-2019 chỉ đạt 0,91 lần. Điều này có nghĩa là lợi nhuận của doanh nghiệp không đủ để trả lãi vay. Khả năng thanh khoản kém mang đến cho HVG rủi ro tài chính rất lớn là rủi ro không có đủ tiền để trả nợ. Chính vì vậy mà phía kiểm toán cho rằng, với khoản lỗ lũy kế hiện tại và tập đoàn có các khoản vay đến hạn trả chưa được thanh toán tại các ngân hàng thương mại cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.

Với tình hình hoạt động kinh doanh không khả quan trong vài năm trở lại đây, khả năng sinh lời của HVG rất thấp, thậm chí thua lỗ. Cũng chính vì vậy mà giá cổ phiếu HVG rớt thảm hại về vùng đáy dưới 3.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên kể từ giữa tháng 10, cổ phiếu HVG đã có 8 phiên liên tục tăng giá trong đó có 4 phiên tăng trần. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay (ngày 28/10/2019) đạt mức giá 4.170 đồng/cổ phiếu.

hvg cổ phiếu.png
hvg cp.png

Được biết là mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo về quyết định sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) đối với cá tra - basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong giai đoạn từ ngày 1/8/ 2017 đến 31/7/2018. Mức tăng giá của cổ phiếu HVG có thể đến từ kỳ vọng của giới đầu tư vào POR15 có thể sẽ là cơ hội cho “vua cá tra” Hùng Vương trở mình.

Còn nhớ cú sốc POR14, Hùng Vương là doanh nghiệp chịu mức thuế suất cao nhất trong số danh sách công ty xuất khẩu cá tra vào Mỹ đã lật đổ toàn bộ những toan tính của ông Dương Ngọc Minh. Khi đó, ông Minh tuyên bố: “Nếu thuế về 0%, Hùng Vương sẽ quay về mục tiêu 20.000 tỷ doanh số/năm vào năm 2020, thậm chí sẽ mua lại cổ phần VTF đã bán cho Vingroup để phát triển lâu dài…”. Với cú sốc này, thủy sản Hùng Vương dường như rơi vào khủng hoảng.

Kể từ khi rơi vào vòng xoáy khó khăn, Hùng Vương liên tục phải thoái vốn, bán tài sản để thoát khỏi thua lỗ nợ nần. Được biết, việc bán dần tài sản và đơn vị sở hữu là bước đi "cầm chừng" của HVG trong bối cảnh xin giãn nợ từ phía ngân hàng. Mặc dù vậy, tài chính Hùng Vương vẫn còn mất cân đối, kiểm toán nhấn mạnh khả năng hoạt động kinh doanh của Hùng Vương lúc này phụ thuộc vào khả năng sắp xếp được dòng tiền và kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai cũng như việc được tái cơ cấu các khoản nợ ngân hàng.

Tóm lại, với tình hình hoạt động kinh doanh giảm sút đáng kể, áp lực nợ nần chồng chất thì để khôi phục lại thủy sản Hùng Vương cần nhiều nỗ lực hơn nữa. POR15 hiện có thể là kỳ vọng lớn nhất đối với HVG tuy nhiên kết quả có tốt đẹp hay không vẫn không thể nói trước được.

(Các ý kiến nêu trong bài phân tích ở trên hoàn toàn dựa trên quan điểm cá nhân.)
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top