Ðề: Phải lấy người như anh.
Nhà ga đông nhốn nháo, những con người lúc nào cũng vội đang chen lấn trong hàng hoặc bồn chồn bên đám túi hòm lỉnh kỉnh, mùi quần áo lạ mùi hành lý trộn với tiếng loa cùng tiếng người léo nhéo tạo thành một thứ tác động tổng hợp chẳng dễ chịu gì cho thần kinh. Một cô gái trẻ ăn mặc đơn giản nhưng sang trọng đang thơ thẩn dạo quanh sảnh rộng. Do có trục trặc kỹ thuật, chuyến tàu đi miền Nam của cô sẽ chuyển bánh chậm khoảng nửa tiếng đồng hồ. Mải mê vào cuốn sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet, cô suýt nữa va phải một người.
- Xin lỗi chị.
Người phụ nữ xách túi giả da mặc chiếc áo khoác tối màu đang vịn vào tường vẻ mệt mỏi, chiếc khăn bằng dạ quàng kín tai và kiểu ăn mặc già dặn thì hoàn toàn xa lạ, nhưng những lọn tóc nâu lỉa chỉa của người này làm cô gái cảm thấy ngờ ngợ…
- Vân, có phải mày không?
Cái đầu quàng khăn dạ quay lại. Một gương mặt xanh mét nhưng quen thuộc, không biết có nên gọi là đang cười.
- Mày bị cảm hay sao mà mặt tái thế? Lại đằng kia ngồi đi.
Quá ngạc nhiên vì sự xuất hiện của Đan, con bạn mới hôm trước còn chat với nàng từ London, Vân không còn sức để làm gì khác. Nàng buông mình xuống chiếc ghế nhựa. Lạnh toát.
- Thấy sao rồi? – Đan sờ lên trán bạn, rút khăn giấy khẽ thấm mồ hôi đọng trên đó rồi dợm đứng dậy – Mày ngồi đây để tao ra kia mua hộp dầu.
Vân đưa bàn tay rã rời ngăn Đan lại, thều thào:
- Thôi, không cần đâu. Tao đỡ hơn rồi.
- Không được, mày tựa vào người tao, mình ra kia tìm chỗ nào dễ chịu hơn để ngồi. Phải uống cái gì nóng nóng…
- Đừng, để tao ngồi yên cho đến lúc lên tàu đi. Tao trúng gió thôi, lên tàu ngủ một giấc là khỏi ấy mà.
Không bắt Vân đi và cũng không đi ra ngoài nữa, Đan hỏi một chị đứng tuổi ngồi ở gần đó để mượn hộp dầu xoa lên thái dương, lên cổ cho bạn. Hơi dầu ấm sực làm nước mắt Vân giàn giụa. Nén cơn đau âm ỉ để ngồi thẳng dậy, nàng nhìn Đan hỏi bằng giọng bình thường nhất:
- Sao giờ này mày lại ngồi đây? Bỏ học về đi chơi với chồng hả?
Đan cười không trả lời mà lại hỏi ngược nàng. Vân cũng cố nặn ra một nụ cười méo mó. Nàng quàng lại cái khăn lên đầu để tránh một cơn xúc động:
- Sắp sửa có cái lễ động thổ khởi công trong khu kinh tế Lao Bảo, công ty nhận tổ chức, sếp phái vào đấy làm.
- Làm chỗ này vẫn ổn chứ hả? Sao tao thấy mày xanh thế?
- Tốt lắm mày ạ. Còn mặt mũi tao thế này, chẳng qua là vì vội đi không trang điểm thôi. Mà mặt tao thì mày biết rồi đấy, thiếu son phấn một cái là bạc ra ngay.
- Ừ, chắc là vì trúng gió nữa. Thế là mày đi tàu Thống Nhất chuyến 11 giờ à?
Vân gật đầu. Nàng nhìn vẻ quý phái trên gương mặt hồng hào của Đan, khẽ nhói lên một nỗi đau ghen tị.
- Thực tập với Yvonne de Philbert thế nào? Sao về sớm thế?
- Xong hết rồi mày ạ. Có muốn ở người ta cũng kiên quyết đuổi về.
- Thế mày định đi đâu? Sài Gòn, Huế hay Đà Nẵng? Sao không đặt vé bay lại đi tàu thế hả? Mà nãy giờ tao không thấy chồng mày?
- Mày toàn hỏi một tràng như thế thì tao biết trả lời thế nào – Đan lắc đầu, thoáng cười – Tao đi Huế, sau đó sẽ đi tiếp Đà Nẵng. Đi chơi một mình thôi. Chồng để ở nhà, cho vào tủ khoá kỹ rồi.
Vân nhìn xoáy vào đôi mắt rất sáng của bạn, nàng biết cái kiểu nói vừa ngoa vừa buồn cười của con bé này:
- Có chuyện gì à? Sao vừa mới về mà chúng mày đã…
- Chuyện cũng dài dòng lắm. Hai bọn tao thi nhau hiểu lầm.
- Lỗi của ai nhiều hơn?
Như bất ngờ trước câu hỏi của bạn, Đan ngẩn ra một lát rồi mới lẩm bẩm:
- Không biết nữa, chắc của tao nhiều hơn.
- Vậy thì giải thích xin lỗi.
Nói xong câu ấy một lát Vân mới cảm thấy ngạc nhiên và cay đắng với chính mình. Đan đang ngó nàng lạ lẫm. Có lẽ chưa bao giờ nó nghĩ đến chuyện Vân, một người thích đối xử phũ phàng với đám mày dâu lại đưa ra lời khuyên như vậy. Nàng nhìn sững vào vẻ chần chừ trên khóe môi hơi cười của nó, liên tưởng đến việc nàng đã vội chạy theo Thanh để nói rõ chuyện hiểu lầm. Tại sao cũng là đàn bà mà nó và nàng khác nhau tới từng phản ứng nhỏ như vậy nhỉ? Tiếng loa văng vẳng, chẳng rõ đang nói gì. Vân bậm môi, cơn đau lại dội lên.
- Trông mày xanh quá! - Giọng đan đang lo lắng- Hay trả lại vé về nghỉ để mai hãy đi.
- Không được.Tao cần đi gấp.
- Vậy thì cứ ngồi yên ở đây để tao sang đường mua thuốc.
Đan đứng dậy quay người bước đi, như sực nhớ ra điều gì, nó quay lại nhìn nàng cười dịu dàng:
- Cảm ơn mày.
Vân hiểu nó định cảm ơn nàng vì điều gì nhưng không lắc cũng chẳng gật, chỉ đưa mắt theo dáng đi thanh thản của nó cho đến khi mất hút. Xách chiếc túi của mình lên, nàng bước về phía cửa ra tàu, cúi mặt cố để không bật lên tiếng nấc. Trên băng ghế mà nàng và Đan vừa bỏ lại, cuốn Lonely Planet nằm trơ trọi. Giờ chỉ còn mình nàng trong cái thế giới đầy đe dọa này…
Vân nằm trên tầng 2 của một khoang sáu giường. Không gian chật hẹp bí bức. Mùi thuốc lá từ phòng bên cạnh bay sang khiến nàng càng ngạt thở. Đắp tấm chăn nỉ màu lờ nhờ khen khét một thứ mùi công cộng, nàng cảm thấy cơn buồn nôn dâng lên, không phải cảm giác nôn nao đầy hy vọng mấy tuần trước mà là một cảm giác trống rỗng đến quặn lòng. Tàu chuyển bánh, nhịp rung lắc đều đều, những âm thanh nằng nặng nện trên đường ray đều đều, ngay cả tiếng rì rầm trò chuyện của hai mẹ con giường bên cạnh cũng đều đều. Vân nhắm mắt nhớ lại những lời nói rin rít của người đàn bà mà nàng đã từng hy vọng sẽ gắng yêu thương kính trọng như mẹ mình…
Tiếng động và mùi cháo toả ra từ chiếc cặp lồng nhôm quen thuộc đánh thức Vân dậy. Không phải Thanh hay ông Túc mà là bà Nhã và bà Nhu. Hai nụ cười, tươi, ngọt.
- Vân cũng tinh nhỉ. Thấy mùi cháo là tỉnh ngay!
Nàng không bày tỏ cảm xúc, hững hờ đón lấy bát cháo. Cháo tim gan, còn nóng và rất thơm. Nàng không thể nào nuốt nổi. Câu nói đùa cố ý vừa xong của bà chủ tiệm áo cưới khiến cổ nàng đắng ngắt.
- Vân ăn đi… - bà Nhã khẽ nâng bát cháo trong tay nàng - Cháo tim gan bác mua ở Trần Nhân Tông đấy. Ăn cho chóng khoẻ…
Bà Nhu tiếp tục mỉm cười, giơ tay sửa lại bó hoa trên nóc tủ:
- Phải đấy, ăn đi cháu ạ. Ăn cho hết, kẻo Thanh nó lại trách mẹ không biết chăm vợ.
- Kìa mình, người ta bảo rồi mà… - bà Nhã gắt nhỏ - Vân với Thanh chúng nó đã cưới đâu mà vợ với chồng, nghe thế rồi các bác ở đây cười cho.
Đến đây thì Vân không thể nuốt nổi nữa. Nàng có cảm giác mình bị lột trần và phơi ra giữa căn phòng chật ních người bệnh và người chăm bệnh bởi câu nói ngọt ngào đến lạnh gáy của người đàn bà trước mặt. Nàng muốn phản ứng lại bằng một lời chua cay ngoa ngoắt nào đó nhưng không sao nghĩ ra được, dường như đầu óc nàng đã bị tê liệt cả rồi. Hai người đàn bà vẫn người tung người hứng qua lại bên giường nàng:
- Hoa hồng đẹp quá. Có phải cái cậu đi Matiz đỏ hôm nọ tặng không cháu? (Quay ngoắt sang đề tài khác, mặt vụt buồn) Nhu ơi, mình nhớ không, chị thằng Thanh mà người ta bỏ mất ấy, cũng định đặt tên là Hồng Nhung đấy. (Bần thần nhìn sang Hạnh Nhu mếu máo) Hích, số người ta vô phúc, cái mạng của con cũng không giữ được để mà đặt tên.
- Phải rồi, con bé hồi đấy hơn sáu tháng mình nhỉ. Nghĩ lại mà thương quá! (Đưa tay chậm nước mắt).
- Hích. Con bé giống anh ấy như lột. Mình chỉ kịp chìn mặt nó một lần. (Nghẹn ngào) Giá mà nó bỏ mình đi sớm thì còn đỡ…
- Ừ, kể ra như thế mà lại hơn, bỏ đi từ lúc chưa rõ hình, có gì cũng… (liếc Vân một cái) dễ ăn dễ nói…
- Cháu xin phép, cháu ra ngoài một lát – Vân đặt bát cháo xuống đầu giường đi như chạy ra ngoài hành lang. Những lời kể lể vẫn vo ve đuổi theo nàng như một bầy ong độc. Nọc của chúng làm ngạt thở, nàng cần có một khoảng không, nàng khát nước. Nàng nghĩ tới khuôn viên phía sau dãy phòng bệnh. Nàng lao về phía ấy. Nhưng một hình ảnh đập vào mắt nàng, trên băng ghế, Thanh đang nắm tay và cười với Hạnh Phương, nụ cười ấm áp…
Vừa đúng lúc đó, một tia nắng yếu ớt lọt qua cửa kính chiếu thẳng vào chiếc giường hẹp trong khoang tàu. Trong hệ thống loa, người phát thanh viên nói ngọng đang lải nhải một cái tên ga miền Trung lạ lẫm.
Bất chấp chiếc biển cấm, Thanh dựng xe trên hè phố, thất thểu đi vào trong ngõ. Thêm một buổi sáng tìm kiếm không kết quả còn niềm hy vọng thì cứ thế vơi dần. Con mèo nằm buồn thiu trước cửa, cái đuôi đập chầm chậm theo một nhịp chán nản, thấy chàng nó cũng chẳng buồn nhúc nhích đứng lên. Ông Túc đang loay hoay rang cơm trong bếp, chiếc chảo nông cập kênh trên kiềng bếp gas quá khổ, đôi đũa dài lều nghều đến là vụng.
Thanh bước lại nhìn đăm đăm vào chiếc chảo một lát rồi cất giọng mệt mỏi:
- Vẫn không có tin tức gì bố ạ.
Ông già lách khỏi gian bếp, chẳng nói chẳng rằng, sắp xếp bàn ăn mâm bát. Hai chiếc bát con, hai đôi đũa buồn thiu. Ngay cả tờ lịch trên tường cũng không còn giống màu xanh mà trở nên xám xỉn. Sinh khí trong ngôi nhà này dường như đã theo chân con bé biến đi mất rồi.
Bữa cơm chỉ có hai người đàn ông và một chảo cơm rang trứng. Con mèo cũng không buồn lim dim cái vẻ háu ăn nữa, nó cứ mở to mắt nhìn ngơ ngác rồi lại cất lên những tiếng meo meo não lòng. Bà Nhã bước vào đem theo làn gió hút, chiếc áo da màu huyết dụ cũng trở nên bầm tím vì ánh sáng lờ mờ mà mùa đông lười biếng rọi qua những ô cửa nhỏ.
- Sao ăn uống tối om om thế? Bật đèn lên đi chứ.
Miệng nói, tay bà lần công tắc. Ánh đèn trắng nhợt nhạt phủ lấy cả ba người. Thanh ngước lên, mẹ và cha đều ở đây nhưng chàng không có một gia đình. Lặng lẽ nhai trệu trạo cho qua bữa, chàng lấy ấm pha trà.
- Rét gì mà rét khiếp! Ở bên kia có rét nhưng không buốt thế này…
- Cơm nước kiểu gì mà có mỗi tí hành tí trứng thế? Sao không gọi hàng cơm bình dân đầu ngõ thêm mấy miếng chả với bát canh?
- Ơ, cái con mèo này hay nhỉ, ai cho mày ăn mà mày sán lại…
Chẳng ai hưởng ứng những câu xuýt xoa của bà Nhã. Con mèo sau khi bị từ chối cũng lặng lẽ bỏ đi. Không khí trong nhà cứ như quánh lại. Và tiếng chuông điện thoại vang lên làm cho cái khối đặc quánh ấy vỡ oà ra:
- A lô – Thanh nhào đến vồ lấy máy – Vâng, đúng rồi ạ. Vâng, đúng. Vâng, màu hồng ngả xám. Cảm ơn anh…
Tắt chiếc máy, chàng nhìn hai người còn lại bằng con mắt trống rỗng. Giọng tắc nghẹn:
- Tìm được xe ở bãi sông Hồng.
Người đàn ông đội mũ bảo hộ cằp cặp ý chừng là người coi thầu gõ đất bám trên yếm chiếc xe, chép miệng:
- Công nhân bảo là xe máy tôi còn không tin, nghĩ là phao giao thông hỏng giạt vào cơ. Cũng may nước cạn nên buộc dây vào kéo một lúc là lên, không phải huy động xúc.
Thanh chết lặng nhìn sợi dây thừng lòng thòng ở tay lái, trên đó có một sợi dây dù mà đất phù sa đã biến màu xanh nguyên thuỷ của nó thành một thứ màu chết chóc, hẳn là nàng đã lồng bàn tay đầy gân xanh vào nó như một mối ràng buộc cuối cùng... Chàng hít sâu và dằn cơn đau ở ngực lại, dõi mắt về phía hạ nguồn. Dòng nước đục lờ tưởng như bình yên kia có lẽ đã cuốn đám mây sáng của chàng ra phía biển mất rồi.
Chiều dần buông trên mặt sông, một buổi chiều đông thê lương. Thanh vẫn đứng như trời trồng giữa bờ kè ngổn ngang lồng lộng gió. Bà Nhã ngọt ngào chìa mấy bao thuốc lá ngoại, nói gì đó cảm ơn đội thi công kè. Ông Túc thì khoanh tay ngó nghiêng bên cạnh, không có cử chỉ nào bày tỏ rằng ông quan tâm đến sự việc. Liếc chồng cũ một cái ngán ngẩm, bà đến bên Thanh:
- Xong rồi, về thôi con!
- Mẹ để con đứng đây thêm lúc nữa.
- Có gì mà đứng nữa con ơi! Nó…
Thanh quay lại chặn ngang dòng thuyết giảng phân tích mà chàng đã quá rõ của bà Nhã, chàng nói nhanh và tránh nhìn vào mặt mẹ:
- Thôi, mẹ cứ về trước đi kẻo dượng Thọ chờ.
- Thế còn việc…
- Để con gọi taxi cho mẹ.
- Sao con cứ chặn ngang lời mẹ thế hả?
- Con xin lỗi mẹ.
- Con có biết là…
- Thôi cô đi về đi! - ông Túc nãy giờ giữ vẻ bàng quan bỗng lên tiếng, giọng nghiêm nghị chưa từng thấy - Lát nữa tôi chở con về.
- Anh vẫn còn biết lo cho thằng bé hay sao? Tôi tưởng anh chỉ biết cắm đầu vào mấy cái xe. Mấy hôm nay trong khi tôi chạy đôn chạy đáo thì anh ở nhà bình chân như vại…
- Đây không phải lúc cô giở cái trò ăn nói xảo quyệt ra nhập nhèm trắng đen đâu. Tôi chưa hỏi đến chuyện hôm nọ cô với con Nhu làm gì đấy!
Lời của ông Túc làm người đàn bà đang hung hăng bỗng như nhũn ra. Bà quay người đi thẳng. Những bước chân bực bội dằn lên đám đá hộc khấp khểnh. Thanh nhìn theo buông tiếng thở dài:
- Vừa rồi bố bảo mẹ với cô Nhu làm sao?
- Không có gì. Mấy chuyện nhố nhăng thôi. Đứng dẹp vào đây con, đất nó lở một cái bố không kéo mày lên được đâu!
Thanh lùi vào phần kè đá. Chàng nhìn vẻ bình tĩnh như không của ông bố và thấy cơn đau ở ngực dịu đi một phần. Ông không an ủi, không nói những lời đầy đạo lý có trước có sau vẹn tròn sáo rỗng, ông chỉ lo cho chàng bằng cái cách riêng hơi lạ lùng của mình. Và nhìn vào gương mặt thẫn thờ của ông lúc này, chàng biết là ông thương yêu Thái Vân cũng như thương yêu chàng vậy.
- Mình về kẻo tối bố nhé.
- Ờ. Thằng Còi ở nhà chắc đói meo rồi. Đưa chìa khoá đây tao đi cho nhanh.
Chiếc Vespa lọc xọc chạy trên con đường dọc bãi sông, Thanh gục mặt vào bờ vai gầy gò của cha, gió thổi buốt da, bóng tối và lớp khăn len của ông Túc biết là chàng khóc.
Hai năm sau.
Người đàn ông trẻ đi dọc bờ sông. Không mũ nón, cũng chẳng có ô hay áo mưa, người đàn ông khom người giấu chiếc máy ảnh vào bên trong vạt áo gió. Hội An mùa đông thật ẩm ướt và ảm đạm. Những mảng rêu xanh trên mái ngói và ánh mắt của những người đang lầm lũi đi dưới làn mưa đan chéo dường như sẫm lại vì hơi nước.
Quán café nhỏ xíu mở cửa trông ra sông, những gương mặt lạ lẫm bình yên nghiêng nghiêng dõi ra mặt sông, nơi có những con thuyền sơn xanh đỏ đậu túm tụm, những con mắt vẽ trên mũi thuyền như hờ khép trước những giọt mưa uể oải. Chọn một bàn trong cùng, người đàn ông quay lưng lại với tất cả, hướng gương mặt hơi tái đi vì rét vào bức tường nơi chỉ có chiếc bảng con quảng cáo cho tour du lịch đi Cù lao Chàm. Những sợi tóc ngắn bết trên vầng trán khôi ngô, đôi mắt nâu sau cặp kính và đôi môi mím chặt khiến anh mang một vẻ trầm mặc u uẩn như thể triết gia. Chiếc quần jeans hơi bạc, chiếc sơ mi kẻ sọc nhỏ bên trong và chiếc áo gió bên ngoài đều không có gì đặc biệt nhưng toát nên vẻ thanh lịch. Và nếu anh không gọi cà phê bằng tiếng Việt có lẽ mọi người vẫn tưởng anh là một khách du lịch Nhật Bản Hàn Quốc nào đó như khi mới bước vào.
Cởi áo khoác máng lên thành ghế, dùng tay áo sơ mi lau mấy giọt nước từ trên tóc vừa nhỏ xuống chiếc máy ảnh không còn mới, anh chậm rãi nhấp từng ngụm cà phê đắng ngắt và lật giở một vài tờ rơi giới thiệu khu đô thị cổ. Vòng chung khảo và lễ trao giải thưởng tin học Trí tuệ năm nay không tổ chức ở Hà Nội mà lại chuyển vào Đà Nẵng. Mấy ngày bảo vệ kéo dài tưởng như không bao giờ chấm dứt. Anh chán nản giao lại việc trình bày cho mấy người cùng nhóm và bỏ đi Hội An. Dù sao, lễ trao giải sẽ diễn ra vào giữa tuần sau và phần mềm về an ninh mạng của anh đã cầm chắc một giải tàm tạm nào đó. Anh không cần phải mất quá nhiều thời gian vào nó khi mà thời tiết và khung cảnh đang khiến tâm trạng anh quay quắt nghẹn ngào.
Nàng bỏ anh đi cũng vào những ngày đông buốt giá như thế này. Nàng đi, mang theo những ngày tình yêu như trong giấc mộng và niềm hạnh phúc vô bờ, bỏ lại cho anh nỗi đau đớn và một tâm trạng triền miên trống rỗng. Anh không thể nguôi, không thể quên, không thể thôi thương nhớ. Anh cũng chẳng thể tin nổi rằng nàng đã không còn. Mỗi sáng thức dậy, anh vẫn tưởng rằng nàng sắp đến bên anh với nụ hôn và những lời yêu thương nồng nàn cho một ngày mới. Hàng đêm, trong những cơn mơ chập chờn hư hư thực thực, nàng ở trong vòng tay anh, mải miết đam mê như chưa từng xa cách bao giờ. Đã hơn hai năm rồi, anh chìm đắm trong thế giới riêng đầy ắp bóng hình của nàng với một nỗi ân hận dày vò.
Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời…
Chiếc loa cũ kỹ phát ra những câu hát vô tình như mũi dao lách nhẹ vào trái tim đã chất chứa buồn đau của người đàn ông, anh tựa vào thành ghế để ghìm đôi vai run rẩy. Lặng lẽ bỏ kính ra lau và chấm nhanh lên khoé mắt hoe đỏ, anh quay người lại, nhìn ra con sông tràn nước.
Thường thì anh không thích ngắm sông, dòng nước rộng gợi cho anh những liên tưởng tang tóc. Nhưng sông ở Hội An mang một nét đẹp đặc biệt, ngay cả vào mùa lũ nó vẫn có vẻ nhỏ bé đến nao lòng, và con phố ven bờ sông với những người trùm áo mưa đạp xe chậm rãi thì trầm lặng như thể những thước phim quay chậm nhạt nhoà. Đưa máy ảnh lên ngắm bâng quơ một lát, anh chỉnh nét để chụp một chiếc xích lô đang chầm chậm đi qua. Mới bấm được hai kiểu, vai anh bỗng bị huých nhẹ bởi cái khuỷu tay của một người phục vụ. Ống kính chệch hướng và trong khuôn ngắm hiện ra một người đàn bà đang vén áo mưa để ngồi lên xe đạp.
- Thái Vân!
(còn nữa)