Ðề: Nhờ tư vấn để tổ chức bộ máy cty mới thành lập
a. Cơ cấu tổ chức và bộ máy quản lý PHẦN CHUNG
Ban lãnh đạo:
Giám đốc : 01 người
Kế toán trưởng : 01 người
Bộ máy giúp việc:
Phòng Hành chính - Nhân sự
Phòng Tài chính - Kế toán
Phòng kế hoạch kinh doanh
Phòng Kỹ thuật - Thi công
Phòng Mua sắm – Vật tư
Đội thi công & Đội xe cơ giới
Chức năng, nhiệm vụ của từng phòng ban
Chủ tịch kiêm Giám đốc: là đại diện tư cách pháp nhân của công ty, chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của công ty. Giám đốc có quyền điều hành cao nhất và là người chịu trách nhiệm chung toàn bộ họat động của công ty, phụ trách trực tiếp công tác tài chính của công ty. Quan hệ giao dịch với khách hàng, tìm kiếm đối tác và ký các hợp đồng kinh tế. Trực tiếp điều hành trưởng các phòng ban, đội trưởng các đội xây dựng.
Phòng hành chính – nhân sự: Tham mưu cho Giám đốc tuyển dụng, tổ chức, sắp xếp, đào tạo mới và đào tạo lại, ký kết hợp đồng lao động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ công nhân viên. Tổ chức lao động tiền lương, xây dựng sơ đồ quản lý, sắp xếp cơ cấu trong công ty, quản lý cán bộ công nhân viên. Quản lý cơ sở vật chất trang thiết bị hành chính, giải quyết các thủ tục văn thư và công tác phát sinh hàng ngày của doanh nghiệp. Ngoài ra, phòng còn có nhiệm vụ xây dựng nội dung các quy chế, nội quy, quy định, quy trình và biểu mẫu phục vụ cho hoạt động của công ty; xây dựng kế hoạch về nhân sự; thực hiện các chính sách chế độ đối với người lao động.
Phòng kế toán tài vụ: tổ chức thực hiện công tác kế toán theo quy định của pháp lệnh về kế toán thống kê và những nguyên tắc chế độ quy định trong điều lệ tổ chức kế toán của Nhà nước. Tổng hợp toàn bộ số liệu, xác định chính xác nguồn chi phí phát sinh và kết quả kinh doanh trong quá trình hoạt động của công ty. Trên cơ sở kế hoạch sản xuất kinh doanh được công ty giao hàng quý, hàng năm, lên kế hoạch tài chính và cân đối thu chi để cung cấp đủ vốn (nhất là vốn lưu động) cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Thực hiện thu chi, thanh toán đúng đối tượng, theo dõi công nợ với các bên, các đội xây dựng để thu hồi vốn,…. Thực hiện vai trò kiểm soát các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty thông qua đồng tiền nhằm mục tiêu sử dụng vốn có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn sản xuất kinh doanh.
Phòng kế hoạch - kinh doanh: Nghiên cứu thị trường, phân tích lợi thế cạnh tranh về xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, kế hoạch tháng, quý, năm, tổng hợp thông tin thị trường để đảm bảo hoàn thành kế hoạch; thiết lập, xây dựng và duy trì các mối quan hệ với các đối tác. Thiết lập các phương thức kinh doanh, mở rộng thị trường. Tổng hợp, phân tích và lập báo cáo tình hình hoạt động và kinh doanh; tìm kiếm cơ hội đầu tư; phân tích và đánh giá hiệu quả của các dự án.
Phòng quản lý kỹ thuật & thi công: Đi sâu công việc, làm nhiệm vụ khảo sát, thiết kế, lập dự toán, làm hồ sơ đấu thầu đảm bảo chính xác, đầy đủ bản vẽ và các số liệu có liên quan, tham gia nghiệm thu khi công trình hoàn thành, lập hồ sơ quyết toán, bản vẽ hoàn công, thực hiện giám sát các công trình và báo cáo tiến độ thi công. Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp thi công tiên tiến, tiếp nhận và triển khai các hạng mục thi công, chịu trách nhiệm tính hiệu quả, chất lượng. Đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng công trình, hạ giá thành sản phẩm.
Phòng mua sắm vật tư: Chịu trách nhiệm mua sắm vật tư để đáp ứng nhanh theo yêu cầu thực tế phát sinh ở công trường đang thi công và các công trình sau khi kí kết hợp đồng, phối hợp với các phòng ban khác lập kế hoạch mua sắm vật tư phù hợp phục vụ sản xuất kịp thời không để ngắt quãng khi đang trong giai đoạn chuẩn bị thi công cũng như đang thi công.
Đội xe cơ giới: Duy tu sửa chữa cầu đường, phục vụ các công tác thi công, vận chuyển vật tư đến các công trình. Ngoài ra, các xe còn thực hiện vận chuyển vật tư, hàng hóa theo đơn đặt hàng của khách hàng.
Đội xây dựng: trực tiếp thi công , đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành công trình và các dự án đúng hạn. Có nhiệm vụ tự bố trí nhân lực và trang thiết bị thô để triển khai khởi công theo hợp đồng đã ký kết của công ty. Cung cấp cho kế toán các chứng từ cần thiết trong quá trình thi công.
CƠ CẤU PHÒNG KẾ TOÁN CÔNG TY
Chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận trong phòng kế toán
Kế toán trưởng (đồng thời là kế toán tổng hợp): là người tổ chức, chỉ đạo thực hiện toàn bộ công tác kế toán, chịu trách nhiệm trước giám đốc công ty và cơ quan pháp luật Nhà nước về toàn bộ thông tin, quyết định do mình thực hiện, mà trực tiếp là số liệu trên báo cáo tài chính.
Là người kiểm soát viên tài chính của công ty, có nhiệm vụ theo dõi chung, chịu trách nhiệm hướng dẫn tổ chức phân công công tác nhân viên kế toán thực hiện.
Tổ chức ghi chép, phản ánh tổng hợp số liệu về nhập, xuất, tồn thành phẩm và về các loại vốn; xác định kết quả lãi lỗ, các khoản thanh toán với ngân hàng và khách hàng.
Kế toán công nợ, ngân hàng, danh thu: chịu trách nhiệm theo dõi, hạch toán và báo cáo các khoản công nợ khách hàng, tiền gửi ngân hàng, thực hiện các thủ tục liên quan đến thanh toán qua ngân hàng.
+Theo dõi các khoản phải thu, phải trả và số tiền được mở tài khoản trong ngân hàng. Kiểm tra đối chiếu chứng từ khi ngân hàng gởi đến đồng thời phải đối chiếu số dư trên sổ phụ, bảng sao kê của ngân hàng.
Hạch toán công nợ phải thu, phải trả của khách hàng; theo dõi và đòi các khoản nợ chưa thanh toán; phân tích tình hình công nợ; kiểm tra công nợ phải thu, phải trả của công ty.
Kế toán tiền lương và BHXH: Tổ chức ghi chép, phản ánh kịp thời, đầy đủ tình hình hiện có và sự biến động về số lượng, chất lượng lao động, tình hình sử dụng thời gian lao động và kết quả lao động.
Tính toán chính xác, kịp thời, đúng chính sách về chế độ các khoản tiền lương, tiền thưởng, các khoản trợ cấp phải trả cho người lao động.
Kiểm tra tình hình chấp hành chính sách, chế độ về lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), kinh phí công đoàn (KPCĐ). Tính toán và phân bộ chính xác đúng đối tượng các khoản tiền lương, quỹ BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ vào chi phí sản xuất kinh doanh.
Lập báo cáo về lao động, tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ thuộc phạm vi trách nhiệm của kế toán. Tổ chức phân tích tình hình lao động, quỹ tiền lương, quỹ BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ.
Kế toán nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ và mua sắm vật tư: chịu trách nhiệm trông coi và bảo quản hàng hóa tại kho, sắp xếp hàng theo từng chủng loại, theo dõi việc nhập - xuất hàng hóa, lập thẻ kho, lập bảng kê nhập xuất tồn hàng hóa theo định kỳ để kế toán kiểm tra, đối chiếu, cung cấp số liệu báo cáo kịp thời cho phòng kế toán và các bộ phận có liên quan.
Thủ quỹ: Chịu trách nhiệm quản lý và nhập xuất quỹ tiền mặt, hàng ngày thủ quỹ phải kiểm kê số tồn quỹ tiền mặt thực tế, đối chiếu với số liệu sổ quỹ tiền mặt với sổ kế toán tiền mặt. Nếu có chênh lệch, kế toán và thủ quỹ phải kiểm tra để xác định nguyên nhân và báo ngay với lãnh đạo phòng để có biện pháp xử lý.
Kết hợp với kế toán ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ có liên quan đến quỹ tiền mặt của công ty phát sinh trong ngày.
Kiểm tra, đối chiếu số thực phát sinh với phiếu chi, sau đó tập hợp chứng từ chuyển cho kế toán.
CHU ĐÌNH XINH:
chudinhxinh@gmail.com
skype: xinh.chu1