Một số sai sót thường gặp về thuế trong doanh nghiệp

TT Thanh Qúy

Member
Hội viên mới
Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Pháp luật nói chung và về thuế nói riêng là hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng như cơ quan thuế, hải quan, thanh tra Nhà nước, kiểm toán Nhà nước…

Những sai sót về thuế là vấn đề thường gặp đối với các doanh nghiệp nói chung và người làm công tác kế toán nói riêng. Ngay cả những kế toán có thời gian công tác lâu năm, nhiều kinh nghiệm thanh kiểm tra quyết toán thuế cũng có thể mắc phải những sai sót về thuế.

Nguyên nhân sai sót chủ yếu là do không thực hiện đúng quy định Pháp luật về thuế. Các sai sót này thường xảy ra nhiều nhất đối với những quy định về thuế có sự sửa đổi, bổ sung dẫn đến người làm công tác kế toán chưa cập nhật. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây về các sai sót thường gặp nhé.

1.jpg

(Ảnh: Internet)

1. Sai sót về thuế GTGT

- Kê khai khấu trừ hóa đơn trên 20 triệu đồng nhưng chưa thanh toán qua ngân hàng. Sai sót này thường gặp đối với trường hợp mua hàng của một nhà cung cấp trong một ngày có nhiều hóa đơn giá trị nhỏ dưới 20 triệu nhưng tổng số hóa đơn lại có giá trị trên 20 triệu đồng mà không thực hiện thanh toán qua ngân hàng.

- Kê khai khấu trừ thuế GTGT hóa đơn của các khoản chi phí không phục vụ sản xuất kinh doanh, không liên quan đến doanh thu (ví dụ như hóa đơn phục vụ du lịch là khoản chi phí thuộc quỹ phúc lợi, không phải là chi phí hoạt động SXKD).

- Không phân bổ hoặc phân bổ không đúng tỷ lệ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ mua vào dùng chung cho hoạt động chịu thuế và không chịu thuế GTGT.

- Khấu trừ hóa đơn đầu vào hóa đơn đã bị điều chỉnh hoặc thay thế (bên bán có thể đã lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hoặc thay thế mà không thông báo cho bên mua, bên mua chỉ phát hiện khi tra trên trang của Tổng cục Thuế https://************.gdt.gov.vn ).

- Xác định sai thuế suất thuế GTGT:

+ Không phân biệt rõ các mặt hàng để áp dụng đúng loại thuế suất.
  • Trường hợp này thường gặp phải đối với một số mặt hàng như việc trồng và chăm sóc cây xanh. Nếu hóa đơn bán riêng cây xanh (ở khâu thương mại) chịu thuế suất GTGT là 5% nhưng nếu là dịch vụ trồng và chăm sóc cây xanh (bao gồm cả cây xanh, chi phí trồng cây, chăm sóc cây) thì thuế suất thuế GTGT là 10%.
+ Giai đoạn từ ngày 01/02/2022 đến 31/12/2022 áp dụng giảm thuế suất 2% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 cho một số nhóm mặt hàng thì việc xác định chính xác loại hàng hóa được áp dụng thuế suất 8% có thể là vấn đề khó khăn mà nhiều kế toán gặp phải.

- Sai thời điểm xác định thuế GTGT.

+ Sai sót thường gặp là việc xuất hóa đơn GTGT không đúng thời điểm theo quy định. Ví dụ công trình xây dựng có biên bản nghiệm thu hoàn thành giai đoạn là tháng 6/2023 nhưng xuất hóa đơn GTGT vào tháng 7/2023 …

2. Sai sót về thuế TNDN

* Doanh thu:


- Xác định thiếu doanh thu tính thuế, sai niên độ kế toán về doanh thu tính thuế.

- Ghi nhận chưa đầy đủ doanh thu tính thuế và các khoản thu nhập khác khi tính thuế TNDN.

Ví dụ: doanh nghiệp có thể ghi nhận chưa đầy đủ, bỏ sót các khoản thu nhập khác tính thuế TNDN phải thực hiện đúng quy định tại Điều 7 thông tư 78/2014/TT-BTC như: khoản lãi tiền gửi, tiền vay; khoản thu nhập khi xử lý các khoản công nợ phải thu, phải trả; các khoản thu về tiền phạt, tiền bồi thường…

- Doanh thu bất hợp lý cũng hay bị cơ quan thuế yêu cầu giải trình. Ví dụ doanh thu bán cho khách lẻ không lấy hóa đơn không có hoặc có quá ít so với khách cơ quan doanh nghiệp đối với loại hình dịch vụ bán lẻ (ăn uống…).

* Chi phí:

- Chi phí không tương ứng với doanh thu tính thuế. Ví dụ: khoản chi không phát sinh trong thời gian thực hiện hợp đồng, chi phí phát sinh nhưng chưa có doanh thu…

- Khấu hao tương ứng với phần nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô chuyên kinh doanh vận tải hành khách, du lịch và khách sạn); khấu hao tài sản cố định nhưng không có giấy tờ chứng minh thuộc sở hữu của doanh nghiệp.

- Sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa phần vượt mức tiêu hao hợp lý.

– Khoản chi mà hóa đơn đầu vào không hợp pháp, hoặc hóa đơn mua HHDV của doanh nghiệp bị cơ quan chức năng kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp thuộc loại hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; hóa đơn đầu vào đã bị điều chỉnh giảm hoặc thay thế.

- Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư này) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ.

- Các khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

– Khoản chi lương cho người lao động làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp nhưng lại có tài liệu chứng minh làm việc cố định ở nơi khác (thường gặp ở doanh nghiệp xây dựng).

- Phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hóa đơn, chứng từ; phần chi trang phục bằng tiền, bằng hiện vật cho người lao động vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.

- Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.

- Chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ) vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ) cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

- Một số khoản chi bất hợp lý có thể bị loại trừ khi tính chi phí: chi phí lãi vay trong khi hạch toán dư tiền (thường là tiền mặt) lớn và liên tục trong thời gian dài cùng lúc với phải vay trả lãi.

3. Thuế TNCN

Một số sai sót thường gặp:

- Không xác định được đúng đối tượng phải thực hiện khấu trừ thuế.

Ví dụ khi doanh nghiệp ký hợp đồng vụ việc với cá nhân thì khi thanh toán có giá trị trên 2 triệu phải thực hiện khấu trừ 10%. Trường hợp này có một số kế toán nhầm lẫn giữa hợp đồng vụ việc và hợp đồng lao động. Nếu là hợp đồng lao động thì thực hiện giảm trừ gia cảnh mức 11 triệu đồng/tháng cho cá nhân người nộp thuế còn nếu là hợp đồng vụ việc thì có thu nhập hơn 2 triệu đồng đã tính khấu trừ thuế 10%.

- Một cá nhân có nhiều khoản thu nhập tại doanh nghiệp thì phải phân biệt các khoản thu nhập theo đối tượng chịu thuế để tính toán khoản thuế TNCN cho phù hợp.

Ví dụ: Ông B là lao động trong Công ty cổ phần A; đồng thời ông A cũng là cổ đông góp vốn trong công ty. Trong năm 2022 ông B có nhận các khoản thu nhập do công ty chi trả là tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương và tiền cổ tức tương ứng với số cổ phần của ông B. Như vậy kế toán cần chia thu nhập của ông B thành hai khoản để tính thuế TNCN là:

+ Các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công: ở đây kế toán phải loại trừ một số khoản phụ cấp không tính thuế TNCN như tiền ăn ca theo mức quy định, tiền khoán đi lại, điện thoại …

+ Khoản thu nhập từ cổ tức do Công ty chi trả: tính thuế TNCN theo quy định về thu nhập từ đầu tư vốn.

4. Một số lưu ý, sai sót thường gặp về khai thuế

- Kê khai thuế đúng thời hạn phải kê khai theo từng sắc thuế đã quy định như: Khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động; thuế GTGT khai theo tháng chậm nhất là ngày 20 tháng sau, theo quý là ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau; khai quyết toán năm thuế TNDN trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch…

- Khi kê khai thuế GTGT các Doanh nghiệp thường không tránh được những sai sót như: làm tăng hoặc giảm số thuế phải nộp, làm tăng hoặc giảm số thuế được khấu trừ.

Do vậy:

- Khi tờ khai đã gửi đến cơ quan thuế mà phát hiện sai sót, nhưng vẫn còn trong hạn kê khai thì Doanh nghiệp chỉ cần lập lại tờ khai theo số liệu đã điều chỉnh đúng và nộp lại cho cơ quan thuế .

- Khi tờ khai đã gửi đến cơ quan thuế mà phát hiện sai sót, nhưng đã hết hạn kê khai thuế thì thực hiện khai bổ sung:

- Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế không làm thay đổi tiền thuế phải nộp, tiền thuế được khấu trừ, tiền thuế đề nghị hoàn thì chỉ lập Tờ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót đã được bổ sung, điều chỉnh và gửi tài liệu giải thích kèm theo, không phải lập Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS.

- Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng tiền thuế phải nộp thì lập hồ sơ khai bổ sung và tự xác định tiền chậm nộp căn cứ vào số tiền thuế phải nộp tăng thêm, số ngày chậm nộp và mức tính chậm nộp theo quy định.

- Khai điều chỉnh làm thay đổi tiền thuế được khấu trừ thì:

+ Nếu khai điều chỉnh làm tăng tiền thuế được khấu trừ thì ngoài việc làm KHBS lại tờ khai sai, phải ghi số tiền thuế tăng thêm ở chỉ tiêu 43 trên mẫu KHBS vào chỉ tiêu 38 của tờ khai tháng/quý hiện tại.

+ Nếu khai điều chỉnh làm giảm tiền thuế được khấu trừ thì ngoài việc làm KHBS lại tờ khai sai, phải ghi số tiền thuế được khấu trừ giảm ở chỉ tiêu 43 trên mẫu KHBS vào chỉ tiêu 37 của tờ khai tháng/quý hiện tại.

+ Nếu khai điều chỉnh làm giảm tiền thuế được khấu trừ đồng thời làm tăng tiền thuế phải nộp thì ngoài việc làm KHBS lại tờ khai sai, phải ghi số tiền thuế được khấu trừ giảm ở chỉ tiêu 43 của tờ KHBS vào chỉ tiêu 37 của tờ khai tháng/quý hiện tại. Đồng thời nộp ngay số tiền thuế tăng thêm ở chỉ tiêu 40 và số tiền nộp chậm vào NSNN.

- Đối với Thuế TNDN: Doanh nghiệp không phải nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính quý mà chỉ nộp tiền thuế TNDN tạm tính theo quý. Doanh nghiệp căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh để thực hiện tạm nộp số tiền thuế TNDN của quý chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên cần chú ý:

- Nếu tổng số thuế TNDN tạm nộp của các quý thấp hơn số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán từ 20% trở lên thì Doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số thuế tạm nộp với số thuế phải nộp theo quyết toán. Tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý 4 đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.

- Đối với số thuế TNDN tạm nộp theo quý thấp hơn số thuế phải nộp theo quyết toán dưới 20% mà DN chậm nộp so với thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thì tính tiền chậm nộp kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

https://vinatas.com.vn/tu-van-thue/

Hoặc các khóa học của CleverCFO theo đường link sau:

https://clevercfo.com/
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top