Một số điểm mới của chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ ở Việt Nam

Xích Cẩm Tiên

Member
Hội viên mới
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, việc ban hành chế độ kế toán đơn giản hơn cho doanh nghiệp siêu nhỏ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế này.

chi-phi-quan-ly-doanh-nghiep-la-gi_htmlxngc_NQOK.jpg

Ngày 28/12/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 132/2018/TT-BTC hướng dẫn việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo đó, việc xác định thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp này với ngân sách nhà nước sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Bài viết phân tích những điểm mới của việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính quy định tại Thông tư số 132/2018/TT-BTC, qua đó, giúp doanh nghiệp siêu nhỏ Việt Nam áp dụng đúng và hiệu quả chế độ kế toán.

Diện mạo khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ ở Việt Nam

Theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018, doanh nghiệp (DN) nhỏ vừa và siêu nhỏ là DN có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân không quá 10 người; tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng, hoặc có nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng. Khảo sát cho thấy, quy mô DN nhỏ vừa và siêu nhỏ hiện nay chiếm gần 70% trong tổng số hơn 500 nghìn DN đang hoạt động ở Việt Nam. Mặc dù, chiếm đa số trong tổng số DN Việt Nam nhưng sự phát triển của các DN nhỏ vừa và siêu nhỏ hiện nay còn thiếu ổn định và khó khăn trong việc tham gia các nghĩa vụ kinh tế một trong những nguyên nhân là thiếu chế độ kế toán đặc thù áp dụng riêng cho loại hình DN này. Các DN siêu nhỏ Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào thị trường nội địa nên doanh thu thấp. Cụ thể, chỉ có 3% DN siêu nhỏ, 4% DN nhỏ và gần 9% DN quy mô vừa có khách hàng là các cá nhân, DN ở nước ngoài.

Đánh giá tổng quát về thực trạng của khu vực DN nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng: Khối DN này gặp rất nhiều hạn chế về vốn, quản trị tài chính, quản trị nhân lực, khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài và khả năng tham gia vào mạng lưới DN phụ trợ cho các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Số liệu tổng điều tra kinh tế – xã hội năm 2017 cho thấy, số DN siêu nhỏ trong năm 2018 tăng 65,5% so với năm trước đó, chiếm 74% tổng số DN ở Việt Nam. Riêng quý I/2018, cả nước có 26.785 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 278.489 tỷ đồng. Số DN đăng ký thành lập mới phần lớn là những DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 90% trên tổng số DN đăng ký mới. Trả lời cho câu hỏi vì sao DN nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam chậm lớn, Báo cáo kết quả điều tra PCI 2015 đã đưa ra một số đánh giá và đưa ra những nguyên nhân khiến DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, cụ thể là do: DN gặp nhiều hạn chế trong nắm bắt cơ hội thị trường. Khoảng 20% DN siêu nhỏ và 14% DN quy mô nhỏ và vừa Việt Nam nhận thấy những cơ hội thị trường kém hơn so với kỳ vọng ban đầu, trong khi đó con số này của các DN quy mô lớn chỉ là 6%.

Kết quả hoạt động kinh doanh của khu vực DN này cũng ảm đạm, tỷ lệ các thua lỗ tương đối cao: 32% DN siêu nhỏ, 17% DN nhỏ và 16% DN quy mô vừa đã mất vốn trong năm gần nhất, trong khi chỉ khoảng 10% DN lớn cùng chung cảnh ngộ này. Khoảng 75% các DN nhỏ và vừa và DN siêu nhỏ cho biết, họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin.

Bên cạnh đó, 54% DN nhỏ và siêu nhỏ cho biết “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”. Khoảng 65% DN nhỏ và siêu nhỏ cho biết hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên. Khối DN siêu nhỏ có trình độ nhận thức hạn chế, thiếu kinh nghiệm về quản lý điều hành tài chính, triển khai công tác kế toán, đặc biệt là chưa quyết đoán trong việc ra các quyết định đầu tư nên không ít hộ kinh doanh cá thể đã không sử dụng hiệu quả các nguồn vốn huy động được.Khu vực DN nhỏ và siêu nhỏ cũng khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ DN. Chỉ 20-30% DN cho biết đã từng sử dụng các dịch vụ này. Ngoài ra, chỉ 51-61% DN nhỏ và siêu nhỏ có thông tin về các chính sách ưu đãi của các cơ quan trung ương và địa phương, thấp hơn nhiều so với nhóm DN lớn (77%)…

Chế độ kế toán mới hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ ở Việt Nam

Các DN nhỏ và siêu nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chuẩn mực và chế độ kế toán áp dụng cho các DN này đã được quan tâm nghiên cứu và ban hành trong những năm qua, điều này tạo thuận lợi cho công tác kế toán tại các DN nói riêng, cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán nói chung. Nhưng trên thực tế việc nhận thức đúng và đủ vai trò của kế toán đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ chưa thực sự đầy đủ. Quy mô các DN càng nhỏ thì thì mức độ đầu tư triển khai tổ chức các công tác kế toán càng hạn chế hơn, để tiết kiệm chi phí nên nhiều DN không tổ chức kế toán hoặc thuê kế toán ngoài để thực hiện…Vì vậy, giải pháp nào để nâng cao nhận thức về vai trò của kế toán đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam hiện nay là vấn đề lớn cần được quan tâm và giải quyết.

Ngày 28/12/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 132/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho DN siêu nhỏ. Thông tư gồm 4 chương, 20 điều, hướng dẫn việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính của DN siêu nhỏ và có hiệu lực ban hành kể từ ngày 15/02/2019, áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/4/2019.

Một số điểm mới quan trọng các DN cần lưu ý như sau:

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng gồm: Các DN siêu nhỏ, gồm các DN nhỏ nộp thuế thu nhập theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế và phương pháp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ.

Thứ hai, về việc áp dụng chế độ kế toán: DN siêu nhỏ nộp thuế thu nhập DN theo phương pháp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ áp dụng chế độ kế toán theo quy định, hoặc có thể lựa chọn áp dụng chế độ kế toán DN vừa và nhỏ ban hành theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/08/2016 của Bộ Tài Chính cho phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu quản lý của DN. Tuy nhiên, các DN phải áp dụng chế độ kế toán nhất quán trong một năm tài chính, việc thay đổi chế độ kế toán áp dụng chỉ được thực hiện tại thời điểm đầu năm tài chính kế tiếp.

Thứ ba, về hệ thống chứng từ: DN siêu nhỏ được xây dựng biểu mẫu chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của mình, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, dễ kiểm tra, kiểm soát (trừ hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ). Trường hợp DN siêu nhỏ không thể tự xây dựng được biểu mẫu chứng từ kế toán cho riêng đơn vị, có thể áp dụng biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán như sau: Về lao động tiền lương bao gồm chứng từ bảng thanh toán tiền lương và các khoản thu nhập của người lao động; Về hàng tồn kho có phiếu nhập kho và phiếu xuất kho; Về bán hàng không có; Về tiền tệ có phiếu thu tiền mặt và phiếu chi tiền mặt; Về tài sản cố định có biên bản giao nhận tài sản cố định. Còn các chứng từ khác như hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng, giấy nộp thuế… có thể áp dụng chứng từ kế toán tại Thông tư số 133/2016/TT-BTC để đáp ứng yêu cầu DN.

Thứ tư, về hệ thống tài khoản kế toán: Đối với DN siêu nhỏ hệ thống tài khoản kế toán sử dụng đã được tinh giảm, việc hạch toán đã đơn giản hơn. Cụ thể, tổng tài khoản cấp 1, cấp 2, cấp 3 trong bảng hệ thống tài khoản của DN chỉ còn khoảng 30 tài khoản, giảm nhiều so với quy định tại Thông tư số 133/2016/TT-BTC và Thông tư số 200/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Thứ năm, về hệ thống sổ kế toán: DN siêu nhỏ áp dụng một hình thức sổ kế toán là nhật ký sổ cái.

Theo hình thức này, DN siêu nhỏ có 1 loại sổ tổng hợp là sổ nhật ký – sổ cái và các sổ chi tiết như sau: Sổ tiền gửi; Sổ chi tiết vật liệu sản phẩm hàng hóa; Sổ tài sản cố định; Sổ chi tiết thanh toán người mua, người bán; Sổ chi tiết thanh toán các khoản phải trả; Sổ chi tiết doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (áp dụng cho DN tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp); Sổ chi phí sản xuất kinh doanh; Sổ theo dõi thuế GTGT được khấu trừ (áp dụng với DN tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ); Sổ chi tiết thuế GTGT đầu ra (áp dụng với DN tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ). Ngoài ra, DN có thể áp dụng thêm các sổ kế toán chi tiết hoặc các hình thức sổ kế toán tổng hợp khác tại Thông tư số 133/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 26/08/2016 cho phù hợp với yêu cầu quản lý của DN.

Thứ sáu, về hệ thống báo cáo: DN siêu nhỏ nộp thuế thu nhập DN theo phương pháp thu nhập tính thuế phải lập các báo cáo tài chính và phụ biểu báo cáo tài chính theo danh mục (Bảng 2).

Theo quy định tại Thông tư số 133/2016/TT-BTC, DN siêu nhỏ có thể thực hiện theo các biểu mẫu và phụ biểu báo cáo tài chính theo danh mục, tuy nhiên cũng có thể lựa chọn áp dụng báo cáo tài chính quy định tại Thông tư số 133/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính để phục vụ cho công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng như xác định nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.

Nhìn chung, với những quy định mới đặc thù riêng đối với khu vực DN nhỏ vừa và siêu nhỏ, Thông tư số 132/2016/TT-BTC được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động kế toán của các DN siêu nhỏ đơn giản gọn nhẹ hơn. Các DN siêu nhỏ được ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để thuê dịch vụ làm kế toán hoặc dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định của pháp luật.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thông tư số 132/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 28/12/2018;
  2. Thông tư số 133/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 26/08/2016 hướng dẫn lập báo cáo tài chính nhà nước;
  3. Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/03/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa;
  4. Các website: mof.gov.vn, gso.gov.vn, tapchitaichinh.vn, danketoan.com…
Theo ThS. Lưu Thị Hoan

(Chi tiết thông tư xem trong file đính kèm)

Nguồn: tapchitaichinh.vn
 

Đính kèm

  • 132_2018_TT-BTC_401322.pdf
    362.9 KB · Lượt xem: 37

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top