Ðề: luật mới về BHXH
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
Số: 36/2009/TT-BLĐTBXH
Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2009
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC, TRANG TRẠI, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN VÀ CÁC TỔ CHỨC KHÁC CỦA VIỆT NAM CÓ THUÊ MƯỚN LAO ĐỘNG
Căn cứ Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2009 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Sau khi có ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện của người sử dụng lao động và Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Công ty, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân (không bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
2. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (không bao gồm cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam).
Các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 1 Thông tư này sau đây gọi chung là doanh nghiệp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động.
2. Người làm công tác quản lý hưởng lương trong doanh nghiệp.
Điều 3. Thực hiện mức lương tối thiểu vùng
1. Mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 theo các vùng quy định tại Điều 2 Nghị định số 97/2009/NĐ-CP như sau:
a) Mức 980.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I, bao gồm:
- Các quận thuộc thành phố Hà Nội;
- Các quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
b) Mức 880.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II, bao gồm:
- Các huyện Gia lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm, Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội;
- Các huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh;
- Các quận và các huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão thuộc thành phố Hải Phòng;
- Các quận, huyện thuộc thành phố Đà Nẵng;
- Các quận thuộc thành phố Cần Thơ;
- Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh;
- Thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai;
- Thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương;
- Thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa và huyện Tân Thành thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
c) Mức 810.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III, bao gồm:
- Các thành phố trực thuộc tỉnh (trừ các thành phố thuộc tỉnh nêu tại vùng II);
- Các huyện còn lại thuộc thành phố Hà Nội;
- Thị xã Từ Sơn và các huyện Quế Võ, Tiêu Du, Yên Phong thuộc tỉnh Bắc Ninh;
- Các huyện Việt Yên, Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Giang;
- Huyện Hoành Bồ thuộc tỉnh Quảng Ninh;
- Thị xã Hưng Yên và các huyện Mỹ Hào, Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ thuộc tỉnh Hưng Yên;
- Các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh, Kim Thành, Kinh Môn, Gia Lộc, Bình Giang, Tứ Kỳ thuộc tỉnh Hải Dương;
- Thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc;
- Các huyện còn lại thuộc thành phố Hải Phòng;
- Các thị xã Uông Bí, Cẩm Phả thuộc tỉnh Quảng Ninh;
- Các huyện Điện Bàn, Đại Lộc thuộc tỉnh Quảng Nam;
- Thị xã Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng;
- Thị xã Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa;
- Huyện Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh;
- Thị xã Đồng Xoài và các huyện Chơn Thành, Đồng Phú thuộc tỉnh Bình Phước;
- Các huyện còn lại thuộc tỉnh Bình Dương;
- Các huyện còn lại thuộc tỉnh Đồng Nai;
- Thị xã Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An;
- Các huyện thuộc thành phố Cần Thơ;
- Các huyện Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
d) Mức 730.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV, bao gồm các địa bàn còn lại.
2. Doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn đó.
3. Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng quy định tại khoản 1, Điều 3 Thông tư này. Lao động đã qua học nghề bao gồm:
- Những người đã qua học nghề và được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học nghề theo quy định tại Nghị định số 90/CP ngày 24 tháng 11 năm 1993 quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo;
- Những người đã qua học nghề và được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998 và Luật Giáo dục năm 2005;
- Những người đã qua học nghề và được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định tại Luật Dạy nghề;
- Những người đã qua học nghề và được cấp văn bằng, chứng chỉ nghề của nước ngoài;
- Những người làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề và đã được doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề hoặc tự học nghề được doanh nghiệp kiểm tra phù hợp với yêu cầu công việc.
4. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại Thông tư này để trả cho người lao động phù hợp với năng suất lao động, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và mức tiền công trên thị trường.
5. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Thông tư này được dùng làm cơ sở tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, mức lương ghi trong hợp đồng lao động và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động trong các doanh nghiệp tự xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương, Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 5 năm 2003 và Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 12 năm 2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Đối với các doanh nghiệp là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ công ty nhà nước đang vận dụng thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương do Nhà nước quy định đối với công ty nhà nước tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ thì áp dụng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại Thông tư này để trả lương cho người lao động.
6. Khi áp dụng các quy định tại Thông tư này, Doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương trả khi làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, tiền lương hoặc phụ cấp làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật lao động.
7. Đối với các mức lương được thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc trong thang lương, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng theo quy định tại Điều 57 Bộ luật Lao động, Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ thì mức điều chỉnh cụ thể do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận căn cứ vào mặt bằng tiền công trên thị trường, giá cả sinh hoạt và phải bảo đảm quan hệ hợp lý giữa người mới được tuyển dụng và người có thâm niên làm việc tại doanh nghiệp.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.
Bãi bỏ Thông tư số 24/2008/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2008 hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.
2. Kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Thông tư này được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Nơi nhận
- Thủ tướng – các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan TW của các đoàn thể và các Hội;
- Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Tập đoàn kinh tế và tổng công ty hạng đặc biệt;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Đăng Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ LĐTBXH;
- Lưu VP, Vụ LĐTL Bộ LĐTBXH. KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Minh Huân
Bổ sung thêm