Lợi ích của việc áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán

TT Thanh Qúy

Member
Hội viên mới
Trong xu thế hội nhập, các doanh nghiệp cần cung cấp báo cáo tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó thông tin của tài sản và nợ phải trả cần trình bày theo nguyên tắc giá trị hợp lý nhiều hơn là giá gốc. Giá trị hợp lý đang khẳng định những ưu thế trong định giá. Việc sử dụng giá trị hợp lý được Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), Hội đồng Chuẩn mực Kế toán tài chính (FASB) ủng hộ và đang chuẩn bị những cơ sở quan trọng cho việc áp dụng rộng rãi tại các quốc gia.

42.PNG


Giá trị hợp lý và ý nghĩa của vận dụng giá trị hợp lý trong doanh nghiệp

Sự thay đổi về mục tiêu của thông tin kế toán là cơ sở cho sự phát triển của các lý thuyết kế toán mới, đặc biệt là sự thay đổi, phát triển trong việc sử dụng các cơ sở đo lường - các mô hình định giá khác ngoài mô hình giá gốc. Trong giai đoạn 1979-1986, khi nền kinh tế thế giới lạm phát cao, giá gốc “không phản ánh được sự thay đổi của giá cả” (Barlev và Haddad, 2003), mô hình giá gốc không đáp ứng được yêu cầu ra quyết định của các chủ thể có lợi ích liên quan. Do những hạn chế của mô hình giá gốc nên nhiều mô hình định giá khác đã ra đời nhằm bổ sung hoặc thay thế cho mô hình này, trong đó mô hình mức giá chung và mô hình giá hiện hành được sử dụng nhiều.

Mô hình theo mức giá chung dựa trên chỉ số giá để điều chỉnh báo cáo tài chính (BCTC) nhằm loại trừ ảnh hưởng của biến động giá đặc biệt là lạm phát. Theo đó, các BCTC lập theo giá, gốc sẽ được điều chỉnh để đảm bảo số liệu ở các thời điểm khác nhau có thể so sánh được với nhau.

Mô hình giá hiện hành dựa trên giá thay thế của tài sản để lập BCTC và xác định lợi nhuận. Mô hình này dựa trên nguyên tắc bảo toàn vốn về mặt vật chất. Giá hiện hành đã được đề cập rất sớm trong kế toán nhưng chỉ được trình bày một cách hệ thống với các cơ sở lý luận đầy đủ vào thời kỳ quy chuẩn, song song với việc phê phán giá gốc. Quan điểm ủng hộ mô hình này cho rằng, thông qua sử dụng giá hiện hành, BCTC phân biệt lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh với lãi/lỗ do nắm giữ; phục vụ cho quan điểm bảo toàn vốn về mặt vật chất.
GTHL là cơ sở đo lường đáp ứng yêu cầu ra quyết định của các chủ thể có lợi ích liên quan, hơn hẳn các cơ sở đo lường khác, thể hiện trên những khía cạnh cơ bản thuộc yêu cầu chất lượng của thông tin kế toán như sau:

- Tính thích hợp của thông tin: Là yêu cầu quan trọng đối với thông tin kế toán tài chính. GTHL phản ánh điều kiện thị trường hiện tại, là cơ sở tính giá tốt nhất trong việc dự báo dòng tiền trong tương lai. Vì vậy, GTHL là giải pháp tối ưu để đo lường và đánh giá trong kế toán. Tính thích hợp của thông tin giúp GTHL cung cấp thông tin hữu ích cho việc ra quyết định hơn giá gốc.

- Tính tin cậy: Là yêu cầu cơ bản của thông tin tài chính, hạn chế tối đa sự chủ quan của đơn vị cung cấp thông tin. Trình bày trung thực không đòi hỏi chính xác tuyệt đối mà cần đúng bản chất hiện tượng kinh tế. Mặc dù tính tin cậy là một nhược điểm của GTHL so với giá gốc, tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng, GTHL là đáng tin cậy ở tất cả các cấp độ ước tính.

- Tính so sánh: Với GTHL có thể so sánh sự hữu ích của thông tin đối với quá trình ra quyết định của người sử dụng và có mối quan hệ với tính thích hợp. Thông tin tài chính có thể so sánh giữa các kỳ của một đơn vị hoặc giữa các đơn vị sẽ tăng cường thêm tính thích hợp. Cairns và cộng sự (2008), Christensen và Nikolaev (2009) khi nói đến các lợi ích của việc áp dụng GTHL, đã nhấn mạnh vào lợi ích “tăng tính so sánh giữa các công ty”.

- Tính minh bạch: Theo Laux và Leuz (2009), áp dụng GTHL đối với tài sản hoặc nợ phải trả sẽ “làm tăng tính minh bạch và giúp công ty đề ra được các biện pháp khắc phục nhanh chóng và đúng lúc, giúp các nhà đầu tư đưa ra được các quyết định đầu tư chính xác”.

Trong giai đoạn hiện nay, dù còn nhiều tranh luận, việc IASB ban hành riêng một chuẩn mực về đo lường GTHL (Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế -IFRS 13) nhằm thống nhất việc xác định và đo lường GTHL trong các chuẩn mực cho thấy, GTHL là một xu hướng trong xây dựng khuôn khổ quy định về kế toán.

Lợi ích khi áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán

Áp dụng GTHL được đánh giá là mang lại một BCTC có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chất lượng của thông tin kế toán, từ đó mang lại những lợi ích thiết thực cho DN, quốc gia, cơ quan quản lý và nhà đầu tư, cụ thể như:

Thứ nhất, tăng cường mối quan hệ với bên cho vay. Các nghiên cứu về lợi ích của việc áp dụng GTHL trong việc làm tăng khả năng vay nợ đã chứng minh rằng, người cho vay thích GTHL hơn vì nó cho biết giá trị hiện tại của tài sản cố định, thông tin cũng như khả năng thanh toán của công ty và GTHL có thể hiệu quả hơn trong đàm phán khế ước vay đối với các trái chủ. Bởi vậy, khả năng vay nợ của DN sẽ cao hơn khi áp dụng GTHL.

Thứ hai, tiếp cận thị trường vốn quốc tế dễ dàng hơn. Lợi ích của việc áp dụng IFRS và GTHL tập trung vào những tác động trên thị trường vốn và nhà đầu tư. Sự khác biệt trong các tiêu chuẩn kế toán của các nước được xem như là một trở ngại để đầu tư qua biên giới

Thứ ba, nâng cao tính thanh khoản, giảm chi phí huy động vốn. Với việc áp dụng GTHL, các DN đã cam kết một BCTC minh bạch, giảm sự bất cân xứng thông tin giữa trong và ngoài DN, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong lĩnh vực huy động vốn, nhờ đó mà nâng cao tính thanh khoản của tài sản của DN và giảm chi phí huy động vốn.

Thứ tư, GTHL có vai trò quan trọng trong việc ra quyết định của DN, cung cấp thông tin để ra quyết định đầy đủ hơn, giúp mở rộng thị trường vốn, thông tin được cập nhật thường xuyên, liên tục...

Thứ năm, góp phần nâng cao uy tín quốc gia thông qua việc tuân thủ chuẩn mực quốc tế, góp phần thúc đẩy quá trình hội tụ quốc tế. Sự hòa hợp kế toán quốc tế có tính khả thi nếu sử dụng GTHL và hệ thống kế toán theo GTHL là chất xúc tác, góp phần thúc đẩy quá trình hội tụ quốc tế, nâng cao uy tín quốc gia.

Thứ sáu, giúp các cơ quan quản lý nắm được giá trị thực tế của DN, có thể kiểm soát việc tăng vốn khống tại các DN. Nếu áp dụng GTHL, các nhà đầu tư sẽ nhìn thấy rõ được vốn chủ sở hữu của các DN, các ngân hàng giảm do kết quả kinh doanh giảm, dẫn đến cổ phiếu không thể giữ được giá hiện thời. Như vậy, việc áp dụng GTHL sẽ kiểm soát được việc tăng vốn khống của DN. Các cơ quan quản lý cũng như nhà đầu tư sẽ nắm được giá trị thực tế của DN, làm giảm khả năng làm giả số liệu thu nhập, làm tăng sự hiểu biết của các BCTC, đáp ứng được mục tiêu của BCTC và người dùng…

Thứ bảy, giúp cải thiện đo lường hiệu suất. Việc áp dụng GTHL sẽ nâng cao tính so sánh cho các BCTC, so sánh được các chỉ tiêu tài chính trong việc đo lường hiệu suất giữa các DN, nhờ đó có sự đánh giá đúng hơn về tình hình tài chính của DN mà các nhà đầu tư định đầu tư trên cơ sở đo lường các tỷ lệ tài chính (Igeoma, 2014).

Thứ tám, cung cấp thông tin hữu ích hơn cho nhà đầu tư so với giá gốc. Theo Laux và Leuz (2009), áp dụng GTHL đối với tài sản hoặc nợ phải trả sẽ giúp các nhà đầu tư đưa ra được các quyết định đầu tư chính xác. Tính đúng đắn của thông tin trên BCTC thể hiện ở sự tin cậy của nhà đầu tư.

Tóm lại, từ quá trình khảo sát và phân tích dữ liệu, nghiên cứu cho rằng, việc áp dụng GTHL cung cấp thông tin hữu ích hơn cho nhà đầu tư so với giá gốc.

Tài liệu tham khảo:
- Tạp chí tài chính.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top