Ðề: Hưởng Chế độthai sản của BHXH
I. Điều kiện hưởng:
Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong những trường hợp sau:
- Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi;
- Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.
Đối với lao đông nữ sinh con và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
II. Quyền lợi được hưởng:
2.1. Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản: Người lao động được nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả cho thời gian nghỉ (kể cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần) như sau:
- Sinh con được nghỉ 4 tháng nếu làm việc ở điều kiện bình thường; 5 tháng nếu làm việc ở điều kiện nặng nhọc, độc hại, làm việc theo chế độ 3 ca, làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp phụ vực 0,7 trở lên; 6 tháng đối với lao động nữ là người tàn tật. Trường hợp sinh đôi trở lên, ngoài thời gian nghỉ nêu trên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con được nghỉ thêm 30 ngày;
- Sau khi sinh, nếu con dưới 60 ngày tuổi chết thì mẹ được nghỉ việc 90 ngày kể từ ngày sinh con; nếu con từ 60 ngày tuổi trở lên chết thì mẹ được nghỉ 30 ngày kể từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian được nghỉ khi sinh con theo quy định;
- Đối với trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết:
+ Nếu cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội hoặc chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội, thì cha nghỉ việc chăm sóc con được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi;
+ Nếu chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội, thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi;
- Nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi được nghỉ hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi;
- Khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu thì lao động nữ được nghỉ hưởng chế độ thai sản 10 ngày nếu thai dưới 1 tháng; 20 ngày nếu thai từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; 40 ngày nếu thai từ 3 tháng đến dưới 6 tháng; 50 ngày nếu thai từ 6 tháng trở lên;
- Khi đặt vòng tránh thai được nghỉ 7 ngày và khi thực hiện biện pháp triệt sản được nghỉ 15 ngày;
- Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho một lần đi khám thai; thời gian nghỉ khám thai không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
2.2. Mức hưởng: Mức trợ cấp được xác định bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc; trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con, thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người cha; trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con, thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người mẹ.
2.3. Quyền lợi khác:
- Trợ cấp một lần: lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi, thì được hưởng trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con; trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết khi sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.
- Nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe: Lao động nữ sau thời gian nghỉ hưởng chế độ do sinh con, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 đến 10 ngày một năm tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe; mức hưởng cho mỗi ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại gia đình và bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.
- Trong thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, nếu không hưởng trợ cấp hàng tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội và thời gian đó được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
III - Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ thai sản (quy định tại Điều 113 Luật Bảo hiểm xã hội)
1 - Lao động nữ đi khám thai, sảy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu; thực hiện các biện pháp tránh thai:
a. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ đi khám thai là: Sổ khám thai (bản chính hoặc bản sao) hoặc Giấy khám thai (bản chính hoặc bản sao)
b. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ bị sảy thai, nạo hút thai, thai chết lưu và thực hiện các biện pháp tránh thai là: Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do cơ sở y tế cấp (mẫu số C65-HD);
2 - Lao động nữ đang đóng bảo hiểm xã hội sinh con, hồ sơ gồm:
a. Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
b. Giấy chứng sinh (bản sao) hoặc Giấy khai sinh (bản sao) của con. Trường hợp sau khi sinh con, con chết thì có thêm Giấy báo tử (bản sao) hoặc Giấy chứng tử (bản sao) của con.
Đối với trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà không được cấp các giấy tờ này thì thay bằng bệnh án (bản sao) hoặc Giấy ra viện của người mẹ (bản chính hoặc bản sao)
* Ngoài ra, nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì hồ sơ có thêm:
+ Người làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc theo chế độ ba ca, làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì có thêm giấy xác nhận của người sử dụng lao động về điều kiện làm việc của người lao động;
+ Người tàn tật, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc là thương binh, hoặc người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên thì có thêm bản sao Giấy chứng nhận thương tật hoặc Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa (bản sao).
3 - Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi, hồ sơ gồm:
a. Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động nhận con nuôi thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con;
b. Giấy chứng sinh (bản sao) hoặc Giấy khai sinh (bản sao) của con;
c. Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi của cấp có thẩm quyền (bản sao);
d. Giấy xác nhận của người sử dụng lao động về nghỉ việc để nuôi con nuôi.
4 - Trường hợp sau khi sinh con người mẹ chết, người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng con đến khi con đủ 4 tháng tuổi :
a - Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội, hồ sơ gồm:
+ Sổ bảo hiểm xã hội của mẹ thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (để giải quyết trợ cấp một lần khi sinh con và trợ cấp cho thời gian hưởng khi người mẹ còn sống);
+ Sổ bảo hiểm xã hội của người cha (để giải quyết trợ cấp cho thời gian hưởng của người cha sau khi người mẹ chết) ;
+ Giấy xác nhận của người sử dụng lao động về người cha nghỉ việc để nuôi con;
+ Bản sao Giấy chứng sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh của con;
+ Bản sao Giấy chứng tử của mẹ.
b- Trường hợp chỉ có người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội, hồ sơ gồm:
+ Sổ bảo hiểm xã hội của mẹ thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
+ Bản sao Giấy chứng sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh của con;
+ Bản sao Giấy chứng tử của mẹ;
+ Đơn của người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng nuôi con (có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú của người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng đến khi con đủ 4 tháng tuổi) (mẫu số 11A-HSB)
c- Trường hợp chỉ có người cha tham gia bảo hiểm xã hội, hồ sơ gồm:
+ Sổ bảo hiểm xã hội của người cha thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước nghỉ việc để nuôi con;
+ Giấy xác nhận của người sử dụng lao động về người cha nghỉ việc để nuôi con;
+ Bản sao Giấy chứng sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh của con;
+ Bản sao Giấy chứng tử của mẹ.
* Ngoài các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 nêu trên đối với từng loại đối tượng, hồ sơ hưởng chế độ thai sản còn kèm theo:
+ Danh sách người lao động đề nghị hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập hàng quý hoặc tháng (mẫu số C67a-HD).
+ Danh sách người lao động hưởng chế độ thai sản do tổ chức Bảo hiểm xã hội duyệt (mẫu số C67b-HD).
5 - Người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 4 tháng tuổi, hồ sơ gồm:
+ Sổ bảo hiểm xã hội của người mẹ hoặc của người nhận con nuôi, thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
+ Giấy chứng sinh (bản sao) hoặc Giấy khai sinh (bản sao) của con. Trường hợp nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi thì thay bằng Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi của cấp có thẩm quyền (bản sao);
+ Đơn của người lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi (có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú) (mẫu số 11B-HSB).
* Lưu ý:
+ Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
+ Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng, thì tháng sinh con hoặc nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
+ Số ngày nghỉ việc theo chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Riêng đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khám thai tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
+ Trường hợp người lao động đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản khi đi khám thai, khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai là mức bình quân tiền lương, tiền công tháng của các tháng đã đóng BHXH.
+ Trường hợp người lao động hưởng chế độ thai sản khi đi khám thai, khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai ngay trong tháng đầu tham gia BHXH, thì lấy mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của chính tháng đó để làm cơ sở tính hưởng chế độ.
+ Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, thì cả người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH trong tháng đó nhưng vẫn được tính là thời gian có đóng BHXH. (Thông tư số 41 ngày 30/12/2009 của Bộ LĐTB&XH)