Ðề: Hội phụ nữ dân kế toán ơi!
10 lời khuyên trong những ngày “đèn đỏ”
Những ngày “đèn đỏ” luôn là những ngày khó chịu nhất của chị em. Hơn nữa, nhiều chị em còn phải chịu những cơn đau bụng kinh khủng. 10 lời khuyên của các chuyên gia dưới đây sẽ giúp phái đẹp vượt qua những ngày này nhẹ nhàng hơn.
1. Lần đầu tiên “hành quân”, các cô bé thường rất hoang mang
Đừng lo lắng quá, đó là hiện tượng tự nhiên. Trong khoảng từ 10 - 13 tuổi, cơ thể của các cô bé sẵn sàng cho việc “hành quân”. Đầu tiên các em sẽ thấy một vài giọt màu hồng hoặc màu nâu trên quần lót. Đừng cố tình che giấu điều đó. Nó không hề bẩn và cũng không phải điều xấu hổ. Hãy nói với mẹ hoặc chị gái, các em sẽ nhận được những lời khuyên bổ ích.
2. Độ tuổi “hành quân” trung bình là 13 tuổi
Tuy nhiên có những em có hiện tượng này từ năm 10 tuổi, có những em đến năm 17 tuổi mới thấy. Chậm hay sớm vài năm cũng không có gì là bất thường (từ 1 - 4 năm). Nếu hiện tượng này đến muộn hơn nữa, các em nên đến gặp bác sỹ để được khám tử cung, buồng trứng…
3. Lượng máu trung bình hàng tháng mất đi là tương đối lớn
Mỗi đợt như vậy có thể mất đi 35ml đến trên 85ml chất lỏng đặc biệt này. Tuy nhiên, lượng máu mất đi sẽ nhanh chóng được bù đắp.
Nếu lượng chất lỏng chảy nhiều hơn con số nói trên, hãy đến khám bác sỹ chuyên khoa, bạn sẽ được kê thuốc điều kinh.
4. Chu kỳ kinh nguyệt trung bình của một người phụ nữ là 28 ngày
Để biết được ngày hành quân của tháng tiếp theo, tốt nhất chị em nên ghi lại ngày hành quân hàng tháng. Tuy nhiên, đối với các thiếu nữ, trong 1 - 3 năm đầu tiên, chu kỳ kinh nguyệt sẽ không đều vì sự rụng trứng vẫn chưa ổn định. Đối với những em nằm trong giai đoạn này, các em nên chuẩn bị sẵn trong túi băng vệ sinh.
5. Có gia đình, mất kinh có thể là dấu hiệu có thai
Ngay cả khi chu kỳ của bạn không đều, khi không thấy hành quân, hãy thử thai bằng que thử hiện được bán rộng rãi trên thị trường.
6. “Hành quân” không hề bẩn
Tuy nhiên, khi chất lỏng này tiếp xúc với không khí nó sẽ có mầu nâu. Bạn nên vệ sinh thường xuyên và chăm sóc “chỗ ấy” chu đáo vào những ngày “đèn đỏ” nhiều lần mỗi ngày đặc biệt là sáng khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ. Nếu bạn chọn băng vệ sinh không đảm bảo chất lượng hoặc không thay rửa thường xuyên, bạn sẽ làm bẩn quần ngoài và gây viêm nhiễm.
7. Vài ngày trước khi hành quân, bạn sẽ cảm thấy khó chịu và mệt mỏi
Đó là những triệu chứng “tiền kinh nguyệt”, nó báo hiệu chu kỳ của bạn. Bụng sẽ trướng lên, ngực nhạy cảm hơn bình thường thậm chí có cảm giác đau. Những triệu chứng này chắc chắn làm bạn khó chịu nhưng nó không gây ra bất cứ một căn bệnh nào cho bạn. Bác sỹ sẽ chỉ kê đơn thuốc nếu bạn quá đau bụng hoặc mệt mỏi. Để cải thiện tình hình này, trước tiên bạn nên thận trọng với thức ăn. Tránh những thức ăn quá mặn, nó sẽ làm bạn khát nước. Không nên uống cà phê và trà, nó có thể làm tăng sự cáu giận… Ngủ đủ và vận động vừa phải là cách tốt nhất giúp bạn tránh mệt mỏi những ngày này.
8. Đau bụng hoặc chuột rút vào ngày “đèn đỏ”
Đó là do tình trạng co bóp cổ tử cung gây ra. Nếu không quá đau, hãy cố gắng chịu đựng. Nếu quá đau, hãy dùng thuốc paracetamol. Chú ý, không nên dùng aspêrin để giảm đau trong những ngày đèn đỏ vì loại thuốc này có gây loãng máu. Ngay cả thuốc cũng không làm bạn bớt đau, hãy thực hiện những cách đơn giản sau: tắm với nước ấm, chườm nóng bụng và học cách thư giãn thả lỏng người. Trong trườnghợp cần thiết hãy đi khám bác sỹ.
9. Vào những ngày “đèn đỏ” không nên vận động?
Điều này hoàn toàn sai lầm. Nếu bạn không quá đau bụng, hãy tập thể dục hoặc đi bộ, nó giúp bạn thư giãn và giảm mệt mỏi trong những ngày này.
10. Hãy chấp nhận
Đã là phụ nữ không ai tránh được những khó chịu của những ngày đèn đỏ, do đó chị em hãy học cách chấp nhận và vượt qua sao cho điều này không ảnh hưởng tới công việc, học tập, sinh hoạt.