Càng "iu" sớm, càng thiệt thòi
Người ta thường bảo "tình yêu không có tuổi", vậy nên cũng khó có thể kết luận được rằng khi nào mới gọi là "iu" sớm.
Không xét đến những khía cạnh tự phát sinh do hoàn cảnh tác động, chỉ nói một cách khái quát, tổng thể, vẫn kết luận được rằng càng "iu" sớm càng thiệt thòi. Vì sao?
Những cặp đôi "quá lâu bền"
Người ta thường bảo "tình yêu không có tuổi", vậy nên cũng khó có thể kết luận được rằng khi nào mới gọi là "iu" sớm. 16 tuổi đã có "nửa ấy", đối với người lớn thì là sớm, nhưng so với thời đại hiện nay thì quan niệm ấy đã hơi lỗi thời.
Vì vậy, quan điểm về "iu" sớm dễ được đồng tình nhất là: "Khi một cặp đôi còn rất trẻ nhưng đã có "tình sử" khá lâu năm thì có thể xem là họ yêu nhau sớm".
Điển hình như cặp đôi của A.H và V.N (lớp 12 trường N). Họ "mến" nhau từ khi còn học...lớp 5 và đến bây giờ họ vẫn là một cặp. Nếu tính chi tiết thì họ đã "quen" xấp xỉ...7 năm trời (một khoảng thời gian mà người lớn cũng phải ngưỡng mộ). Dĩ nhiên, không thể gọi đó là "sự nông nổi nhất thời của tuổi mới lớn", vì nếu suy nghĩ còn nông cạn thì họ đã xa nhau lâu rồi.
Một cặp đôi khác nữa là H.T và K.T (lớp 11 trường V). Lớp 7, họ cãi nhau triền miên và thường ghét nhau ra mặt. Nhưng không hiểu tự lúc nào, họ mến nhau và đến tận bây giờ, bạn bè đều công nhận mối quan hệ giữa họ.
Những cặp đôi này thường được bạn bè ngưỡng mộ, nhưng người ngoài cuộc không biết rằng, "iu" sớm cũng thiệt thòi...
Già trước tuổi
Những ai biết rung động khi mới bước vào tuổi mới lớn mà vẫn giữ được chuyện tình cảm của mình trong khoảng thời gian dài, thì không phải là một đứa trẻ. Tất nhiên, họ có những suy nghĩ vượt xa lứa tuổi của họ và đôi khi họ phải trải nghiệm những tình huống buộc họ "không thể vô tư".
V.N tâm sự: "Hồi còn học cấp 2, tụi mình cãi nhau suốt. Toàn những chuyện không đâu. May mà khi ấy cả hai vẫn hiểu và thông cảm cho nhau. A.H hiền lành, biết nhường nhịn và suy nghĩ cũng chín chắn lắm. Chính vì giống nhau điều đó nên bọn mình mới "trụ" được đến bây giờ. Tất nhiên, cả hai đều đánh mất tuổi học trò hồn nhiên tươi đẹp. Dù tình cảm của tụi mình trong sáng, nhưng tâm hồn tụi mình không phẳng lặng, tại suy nghĩ nhiều đó mà"
Cảm xúc mãnh liệt bị nhấn chìm
Ở giai đoạn 18 - 20 tuổi, khi đủ nhận thức được về thế giới xung quanh và còn mơ mộng nhiều, thì "mối tình đầu" luôn rất lãng mạn, rất đẹp, thậm chí ta hay vẽ ra những viễn cảnh thật nên thơ và tràn ngập màu hồng hạnh phúc. Những cảm xúc yêu đương lúc này là những cảm xúc trong trẻo, chín chắn và thủy chung.
Nhưng khi đã biết rung động từ khi còn 14, 15 tuổi, với những cặp đôi lâu năm, họ hài lòng với mối tình hiện tại và không suy nghĩ xa xôi nữa. Họ không còn cảm xúc yêu thương mãnh liệt vì "nửa ấy" với họ như một thói quen không thể thiếu trong ngày. Cảm xúc "lúc mới yêu" và "yêu lâu rồi" khác nhau một trời một vực.
Sự lãng mạn không còn
H.T tâm sự: "Hồi cấp 2, nhỏ lãng mạn lắm. Đôi lúc sự "ướt át" của nhỏ làm mình bật cười nhưng bây giờ thì những hành động đó không còn nữa. Hồi ấy nhỏ đã từng gấp hạc, gấp sao cho mình, luôn nhớ những ngày kỉ niệm và ngày sinh nhật của mình nhỏ luôn khiến mình bất ngờ. Lên cấp 3 thì ngày nào hai đứa cũng nhắn tin cho nhau (do học khác lớp). Bây giờ chung lớp rồi thì ngày nào lên lớp cũng gặp mặt. Chuyện tình cảm vẫn tốt đẹp nhưng không còn lãng mạn như trước nữa. Thôi, chấp nhận vậy, vì bọn mình đã quen lâu rồi mà...Có lẽ vì vậy mà nhỏ không quan trọng "hình thức" nữa".
Có khoảng cách
Những cặp đôi 18 - 19 tuổi, do đã ý thức được chuyện tình cảm của mình là nghiêm túc thì họ thường có những cử chỉ yêu thương, như nắm tay nhau chẳng hạn. Tuy nhiên, những cặp đôi "quen lâu rồi" thường ít có chuyện đó. Họ vẫn còn ngại vì khi còn học cấp 2, họ luôn giữ khoảng cách với nhau.
"Đôi lúc tụi mình muốn thay đổi một chút gì đó nhưng vẫn thấy ngượng. Hồi cấp 2 đã như thế thì bây giờ cũng không thay đổi được. Thôi thì cứ như xưa vậy. Chuyện tình cảm đôi khi "mỗi nhà mỗi cảnh" nhưng hai đứa nhiều lúc cũng thấy "kì kì" khi mà vào quán trà sữa, mỗi người nhìn đi một hướng, trong khi những cặp đôi xung quanh "thể hiện cử chỉ yêu thương" quá nhiều. Cứ như bọn mình chỉ là hai người bạn. Nghĩ lại cũng thấy...tủi" - H.T cười nhẹ
o0o
Đôi khi "cái gì đến sẽ đến", ta không biết trước được và cũng chưa chắc quyết định được. Dù gì thì việc "iu sớm", bên cạnh những mặt hạn chế chủ quan (ảnh hưởng việc học, gặp phải những rắc rối khác...) thì còn những điều "thiệt thòi" mà những ai là "người trong cuộc" mới cảm nhận rõ rệt.